Tình yêu của lão nông dân Jrai khiến bà trùm số đề, cờ bạc quyết tâm làm vợ hiền

Chủ Nhật, 08/06/2014, 09:30

Từng tán gia bại sản vì lô đề, cờ bạc, phải chịu án mấy năm tù về tội lỗi ấy. Ra tù, tay trắng nên người phụ nữ định gầy dựng sự nghiệp lại từ chính con đường tội lỗi ngày trước. Thế nhưng sự gặp gỡ bất ngờ với anh nông dân người dân tộc đã khiến người phụ nữ này từ bỏ con đường lầm lạc.

Người đàn bà lạc lối

Con đường nhỏ dẫn vào lô cà phê bên cạnh làng Tip 1, xã Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai) mùa khô đầy bụi đỏ, nơi ấy là mái ấm gia đình của người đàn bà từng một thời lạc lối nhưng vẫn may mắn khi có được tình yêu của một người đàn ông dìu dắt trở về. Giữa lô cà phê là một ngôi nhà gạch nhỏ chưa tô trát gì, nhưng với người đàn bà có cái tên rất hiền Chu Thị Lụa (46 tuổi) thì đó lại là miền hạnh phúc đong đầy. Thấy khách lạ, chị Lụa bỏ vội bộ quần áo lấm lem bùn đất để “nói chuyện với cán bộ cho lịch sự”. Chị cứ gọi tôi là cán bộ như cái cách chị vẫn xưng hô với những cán bộ trại giam mà chị thụ án vì tội tổ chức đánh bạc năm nào, mặc cho tôi phải xin phép rằng tôi không phải là cán bộ gì. Chị trầm ngâm khi nhắc lại chuyện ngày xưa bằng câu mở đầu đầy xót xa: “Tôi làm sai thì phải gánh chịu hậu quả. Bản án của tôi là không oan. Tôi hối hận lắm nhưng đã quá muộn...”.  Chị Lụa không biện hộ gì về hành động của mình, nhưng chị vẫn ân hận, chỉ do lòng tham làm mờ mắt mà chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nghe lời rủ rê của chồng và bạn bè, cộng với hoàn cảnh đưa đẩy nên chị mới lâm vào con đường phạm tội như thế.

Sinh ra tại Quảng Ngãi, nhưng chị theo cha mẹ lên Tây nguyên làm kinh tế mới rồi lấy chồng và lập nghiệp ở đây từ lúc mới đôi mươi. Thế nhưng, đời làm vợ của chị những tháng năm đầu tiên ấy lại chẳng hạn phúc mặn mà, bởi người chồng của chị vốn chẳng phải là người ham làm lụng. Trong những giọt nước mắt đau đớn, nghẹn ngào của người phụ nữ đã hơn 43 tuổi đầu, chị kể với tôi về tuổi đôi mươi của mình, khi hạnh phúc mong manh, dễ dàng đổ vỡ như chính số phận đặt lên đôi vai gầy yếu ớt của người vợ, người mẹ nhỏ nhoi là chị. Chị dằn vặt trong từng câu nói, từng lời tâm sự, nhưng vẫn không quên nhắc tới người chồng đã khiến chị ra nông nỗi này. Ngày mới cưới, vợ chồng chị chan hòa, sẻ chia từng chút, từng chút cái mới mẻ của cuộc sống gia đình êm ấm. Chồng chị vốn làm khai thác gỗ, đôi lúc công việc đó cũng giúp cho thu nhập gia đình thêm khấm khá. Ngày đứa con đầu lòng ra đời, tưởng chừng mọi thứ hoàn hảo nhất đã được cuộc đời ban tặng. Thế nhưng, người đàn bà đó đâu biết rằng, nước mắt hạnh phúc nhưng lại chính là giọt nước mắt xót xa cho những ngày tháng dai dẳng phía trước mà bản thân người mẹ trẻ chẳng thể biết được.

Chị Lụa giờ đã hạnh phúc với mảnh đất này.

Chỉ vài năm trời, bao nhiêu tiền bạc dành dụm được của vợ chồng đều bị người chồng mang ra nướng sạch trên chiếu bạc. Không chỉ thế, người chồng còn rủ rê chị tham gia vào đó, cùng với việc làm đầu nậu số đề tại địa phương này. Nhưng đánh cược cuộc đời với cờ bạc, lô đề là điều chẳng mấy người nhận ra thất bại. Chị Lụa ngây ngô trước những lời đường mật, và hoa mắt trước những số tiền lớn thu về được mà chẳng phải bỏ công sức ra để làm lụng vất vả.

Từ một chân rết, chị nhanh chóng làm chủ lô đề tại địa phương. Có tiền, người chồng của chị lại ăn chơi phá phách, bồ bịch lung tung và muốn li dị với vợ. Và chị chẳng thể ngờ được người báo cho cơ quan chức năng việc làm phạm pháp của chị lại chính là người đã từng một thời đầu ấp tay gối ấy. Chị bị bắt, mới bẽ bàng nhận ra bộ mặt thật của người chồng, khi ngay trong phiên tòa hắn đã thản nhiên dẫn người tình tới dự, rồi thẳng thừng yêu cầu tòa cho phép hắn được ly hôn với người vợ đang vướng vòng lao lý này. Rơi vào hoàn cảnh quá trái ngang, chị Lụa chỉ biết gạt nước mắt mà chấp nhận. Ngay cả đứa con gái lúc ấy mới hơn 7 tuổi cũng nhìn chị với ánh mắt khác. Ngán ngẩm, ai có mặt ngày hôm đó cũng chỉ biết lắc đầu cảm thương cho số phận của chị. Còn chị, nỗi nhục nhã ê chề cũng chẳng thấm vào đâu vì con tim chị đã vỡ nát thành trăm nghìn mảnh mất rồi.

Thụ án 3 năm 4 tháng trong trại giam vì tội tổ chức đánh bạc. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng và đau đớn nhất của chị, khi không có một người nào đến thăm trong suốt quãng thời gian đó. Người chồng đã li dị, đứa con gái cũng theo cha sống ở một nơi nào đó chị không có tin tức. Gia đình chồng từ mặt vì làm họ mang tiếng với bà con láng giềng, người mẹ già của chị từ ngày chị bị bắt đã yếu sức nên đau ốm thường xuyên chẳng thể vào thăm nom chị được. Chị mang nỗi buồn và sự ân hận tột cùng để gắng gượng sống, gắng cải tạo để sớm được ra tù. Nói đến người thân, nhất là đứa con, giọng Lụa chùng xuống, ân hận: “Giờ tôi hối hận lắm, nhưng đã muộn. Tôi đã làm khổ con mình. Sinh ra chúng, lúc chúng cần mẹ nhất thì tôi lại vào tù. Giá như tôi tỉnh táo, biết nhìn tấm gương của người khác, nghe lời khuyên của người thân thì đâu nên nỗi!”. Khi ấy chị mới nhận ra hậu quả việc mình làm, mới hiểu có những thứ quý giá hơn tiền bạc thì đã muộn.

Hồi sinh trên mảnh đất cằn

Những ngày tháng đau đớn, tủi nhục ấy rồi cũng lặng lẽ trôi qua, chị vẫn phải sinh tồn, vượt qua, để sống tiếp trong sự khổ đau về tinh thần và thiếu thốn về vật chất. Nhưng hơn lúc nào hết, ngày ra khỏi tù cũng là lúc bầu trời mới dường sáng tỏ trước mắt. Chị như con người mới, không còn khóc trong đau đớn từng ngày mà giờ đã vững vàng hơn, quyết tâm hơn. Đôi mắt chị bừng sáng, máu nóng đã chảy đều trong con tim như thôi thúc chị lãng quên quá khứ, viết tiếp tương lai đầy sức sống.

Sau khi về, chị và người mẹ già đau yếu gắng gượng bên nhau sống qua ngày bằng công việc làm thuê làm mướn. Nhưng rồi cũng chẳng bao lâu, người mẹ già của chị lặng lẽ qua đời trong sự nghèo khó. Chôn cất mẹ xong, chị lại tiếp tục sống lặng lẽ như một cái bóng trong chính ngôi nhà của mình. Ngoài những giờ đi làm thuê làm mướn, chị về nhà với nỗi buồn hiu hắt. Chị đã gắng tìm mọi cách để có thông tin về đứa con gái của mình, nhưng vô vọng. Có người bảo nó đã theo cha vào miền Nam sinh sống, có người thì nói cháu bé bị bệnh đã mất. Chị không tin nhưng chẳng thể nào tìm ra được.

Trò chuyện với tôi, đến lúc này mới thấy chị cười. Bởi sau những ngày tháng buồn khổ của mình, tương lai đã mỉm cười với chị. Hạnh phúc muộn màng đến với chị nhẹ nhàng và êm ái, nhưng cũng phải mất một thời gian khá dài chị mới nhận ra được. Những ngày chị làm thuê làm mướn tại địa phương này, có một người đàn ông người Jrai đã để ý đến chị, vì thấy chị lúc nào cũng chỉ đi có một mình, khuôn mặt buồn buồn và rất ít nói chuyện. Nay Úc, người đàn ông Jrai cũng đã có một đời vợ nhưng người vợ đã mất khi băng huyết lúc sinh nở, đứa con cũng không còn. Từ đấy ông cũng sống một mình, ngày ngày làm rừng làm rẫy để nguôi ngoai nỗi đau.

Nay Úc, người chồng của chị Lụa.

Một lần tình cờ, hai người làm chung với nhau. Thấy người phụ nữ lúc nào cũng buồn bã nên ông chủ động gợi chuyện, rồi hai người thân nhau tự lúc nào không biết: “Tôi sống với người Jrai ở đây đã nhiều năm nên tôi hiểu được tính cách con người nơi đây, phóng khoáng mà thật thà, chân chất mà thẳng thắn, họ yêu ghét rất rõ ràng. Đã yêu là yêu đến chết, đã ghét thì xúc đất đổ đi. Tôi và ông ấy gặp nhau, rồi đến với nhau có lẽ cũng là sự sắp đặt của số phận. Vì cả tôi và ông ấy đều đã trải qua nỗi đau về gia đình, nên hiểu nhau hơn!”, chị Lụa tâm sự.

Ngày hai người chính thức đến với nhau, cũng chỉ làm mấy mâm cơm gọi là để cúng gia tiên theo phong tục của chị. Nhưng với người làng Tip 1 này thì đó là một sự kiện trọng đại, bởi lần đầu tiên trong làng có cô con dâu người Kinh. Thế nên già làng đã cho tổ chức một đám cưới thật linh đình theo đúng phong tục của người Jrai. mọi nhà, mọi người đều đến đông đủ chúc phúc cho đôi vợ chồng phải chịu nhiều đau khổ này.

Ngay đến tận bây giờ, chị Lụa vẫn không tin được rằng niềm hạnh phúc ấy là có thật. Chỉ bảo rằng nếu không có Nay Úc, chẳng biết cuộc đời chị đã rẽ về đâu, có khi một lúc nào đó trong sự quẫn trí, chị lại lâm vào con đường phạm tội chẳng biết chừng. Nay Úc không hề nhắc lại chuyện xưa của chị dù chỉ một lần, mặc cho trước đó chị đã thành thật kể lại với ông tất cả mọi chuyện.

Lúc chị kể, ông chỉ nói rất đỗi tình cảm rằng: “Người Jrai chỉ yêu bằng cái mắt của mình, yêu cái gì mình thấy, cái bụng mình hiểu mà thôi. Chuyện quá khứ là điều không ai tránh khỏi. Tôi chỉ biết bây giờ em đã không còn như xưa nữa. Thế là đủ!”. Nghe chồng nói thế, chị Lụa mới chợt tỉnh ra, và chị biết rằng đây mới chính là hạnh phúc của mình. Ngày ngày, hai người cùng nhau đi lên rẫy, cùng nhau chăm vườn cà phê. Tối tối về làng, chị lại tham gia cùng các bà các mẹ dệt vải, đan gùi như một sơn nữ thực thụ. Phụ nữ trong làng ai cũng thích chị, vì không phải chị là người con dâu đặc biệt của làng, mà vì chị sống thật thà chân chất như những con người của đại ngàn này.

Bây giờ, đứa con trai nhỏ của chị cũng đã được gần 4 tuổi. Đó là điều tuyệt vời nhất mà chị có được sau những chuỗi ngày gian khó vất vả của mình. Hơn bao giờ hết, chị vô cùng trân trọng hạnh phúc của mình. Một hạnh phúc phải đánh đổi bằng nhiều thứ

Ksor Khôi
.
.
.