“Trái tim hồng…” đã ngừng đập

Thứ Bảy, 05/11/2016, 10:43
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn vừa ra đi. “Một trái tim hồng…” đã không còn thổn thức, nhưng những tác phẩm âm nhạc và hội họa của ông sẽ còn gắn mãi trong tâm thức của công chúng.


Ðó là một ngày đầu thu 2016 tại căn nhà trong khu tập thể quân đội, nơi gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn sinh sống bình dị, khiêm nhường, tôi vinh dự được ông dành cho một buổi trò chuyện cởi mở, thân tình.

-Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, xin nhạc sĩ cho biết ông bắt đầu sáng tác âm nhạc vào thời gian nào và tác phẩm đầu tiên của ông ?

+Năm 1944, tôi 15 tuổi, bắt đầu theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đến năm 1945, tôi tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, và năm 1946 thì lên đường đi kháng chiến. Sự chuyển hướng sang lĩnh vực âm nhạc của tôi cũng bắt đầu từ đó. Ca khúc đầu tiên tôi viết từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám mang tên “Ca ngợi cuộc sống mới” và “Bé nhè” viết cho thiếu nhi.

-Nhạc sĩ có nhận xét như thế nào về những tác phẩm âm nhạc của thời kỳ kháng chiến với những tác phẩm âm nhạc sau này ?

+ Những sáng tác ngày xưa chúng tôi thường tự mình hát và đưa ca khúc cho các đoàn thanh niên, thiếu niên giúp họ tập, rồi tự viết ra những tờ rơi in trên giấy để tuyên truyền. Ngày ấy khi sáng tác xong chúng tôi tự mang những đứa con tinh thần của mình sang Sở Văn hóa Hà Nội duyệt rồi in lên giấy để phổ biến tới công chúng. 

Tôi còn nhớ rất rõ đội ngũ nhạc sĩ khi đó lớn mạnh và sức sáng tác dồi dào thế nào, ai cũng gắn bó không điều kiện với công việc, sự nghiệp của mình. Giờ nghĩ lại, tôi thấy nhớ và thương quý lắm anh em nhạc sĩ hồi đó, những đồng đội tài giỏi một thời của tôi, giờ đây phần lớn họ đã mất cả rồi...

Những năm 1953-1954, khi tiếp quản Thủ đô chúng ta có một nền nghệ thuật âm nhạc rất vững chắc, chúng tôi sáng tác bằng tất cả tình cảm, tâm huyết của mình, phục vụ đất nước không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi gì, mặc dù cuộc sống của nhạc sĩ người nào cũng hết sức khó khăn.

Thời kỳ kháng chiến giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc, người nào không có lòng dũng cảm khó có thể dám xông pha vào những trận địa khốc liệt để làm nên những chiến công. Ngay cả những chiến sĩ trong mặt trận văn hóa văn nghệ, nếu không xung phong vào trận mạc, thậm chí chịu tù đày, hy sinh, họ khó có thể có những tác phẩm bất hủ sống mãi tới ngày nay…

Những nhạc sĩ thời kỳ sau này có nhiều thuận lợi hơn, nhiều cơ hội hơn theo trào lưu phát triển kinh tế xã hội khi đất nước đã được giải phóng, nhưng đa số tác phẩm  mang âm điệu ủ ê không có khí phách như xưa, khó có sức sống lâu bền. Nhiều tác phẩm tuy hợp thời, nhưng về mặt lâu dài, sẽ bị trôi tuột đi, không ở lại với người nghe  vì thiếu sự sâu sắc, thiếu tính triết lý. Đây cũng là một thách thức cho các nhà chuyên môn và các nhạc sĩ của chúng ta trong thời kỳ đổi mới.

-Ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" là tác phẩm rất nổi tiếng của ông viết về người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu ra đời đã gần 60 năm nhưng nhiều thế hệ đều thuộc nằm lòng. Chắc chắn nhạc sĩ còn nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi sáng tác ca khúc này, xin nhạc sĩ chia sẻ với độc giả?

+Trong một lần đi thực tế lấy tư liệu để sáng tác, tôi đến Vũng Tàu, và nghe câu chuyện về người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Những hình ảnh thiêng liêng, trong sáng, ý chí kiên cường bất khuất của chị đã in sâu vào tâm hồn, trái tim tôi. Tôi ấp ủ một bài hát về chị, và một ngày của năm 1958, câu hát đầu tiên “Mùa hoa lêkima nở ở quê em miền Đất đỏ” bắt đầu vang lên. Những thanh âm với lời ca không ngừng tuôn trào trên giấy.

Tác phẩm ra đời trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ. Từ khi tôi viết xong ca khúc đó, chị Võ Thị Sáu - người con gái huyền diệu, linh thiêng như che chở cho tôi vào sinh ra tử, nhiều lần đối diện với hiểm nguy nhưng đều vượt qua và trở về lành lặn cho đến ngày nay...

-Nhạc sĩ vẽ rất nhiều tranh, hội họa có ý nghĩa với ông như thế nào?

+Cha tôi là nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục, một người làm hội họa nổi tiếng ở Hà Nội. Tôi lại có người anh họ là danh họa nổi tiếng Trần Văn Cẩn. Tôi lớn lên trong những căn phòng đầy tranh, và được người thân chỉ bảo rất nhiều về hội họa. Rồi tôi được đến trường học Mỹ thuật. 

Tôi cứ ngỡ con người mình sinh ra là để dành cho hội họa. Tranh tôi vẽ nhiều lắm, đã từng triển lãm trong và ngoài nước nhiều. Tôi thích những bức tranh mình vẽ về hình ảnh người lính. Họ là tôi một thời trận mạc. Họ cũng là những đồng đội của tôi người còn người mất. 

Tôi thiết nghĩ trong âm nhạc cũng có hội họa, và tất nhiên rồi, trong hội họa có rất nhiều âm nhạc. Chúng hòa quyện vào nhau. Âm nhạc thì nhiều người chia sẻ hơn, được đón nhận rộng rãi hơn, còn hội họa thì kín đáo sâu sắc hơn. Chúng làm nên đời sống tinh thần của tôi, cả hội họa và âm nhạc. Tôi không thể thiếu một trong hai "người tình" đó.

-Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện.

Xuân Tình
.
.
.