Triết lý sống của một cô gái tật nguyền...

Thứ Hai, 21/01/2013, 16:38

Thương bị câm điếc bẩm sinh. Ngày đầu tiên đến xưởng may của “cô giáo” Dung, ngồi vào chiếc máy may công nghiệp, người Thương run bần bật, cứ đặt chân vào là Thương bắn ra như người bị điện giật… Thế nhưng cô giáo Hà Thị Dung vẫn kiên trì. Cô Dung đưa cái chân khuyết tật của mình cho Thương nhìn. Cái chân được nẹp bằng phần nhựa trắng toát thế mà cô Dung vẫn sử dụng được máy may nhịp nhàng, khéo léo. Thương thấy thế, bớt run hơn và bắt đầu học nghề…

Xưởng may nằm trong một con đường sâu hun hút ở đội 11, làng Mòi, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chủ xưởng là cô gái nhỏ nhắn tên là Hà Thị Dung (sinh năm 1982). Cô có dáng đi chênh vênh do bị hỏng một chân, di chứng của trận sốt khi mới lên 2 tuổi. Trong xưởng, có đến chục cái máy may và 7 người khuyết tật đang làm việc. Mỗi người một dáng, một kiểu - người thì lơ đễnh do bị câm điếc bẩm sinh, người thì co quắp vì bị bại não từ nhỏ, người thì hỏng chân... Họ là những người khuyết tật nặng đến xưởng may học nghề. Họ gọi Dung là cô giáo. Với họ, Dung là người có ơn mở cánh cửa cuộc đời cho họ, chứng minh cho người đời thấy người khuyết tật có thể đến xưởng may công nghiệp làm việc, kiếm tiền về giúp đỡ gia đình. Và đặc biệt, người khuyết tật có thể có hạnh phúc riêng như bao người bình thường khác.

Chị nói về họ, yêu thương, xót xa, lo lắng như đó chính là người thân của mình. Còn họ nói về chị, đong đầy niềm tự hào và mến mộ.

Mở những cánh cửa nhỏ…

Hà Thị Dung là cô gái người Tày xinh đẹp, nhỏ nhắn. Đời Dung có không ít chìm nổi, nếu không nhẫn nại, cố gắng có thể bị gục ở giữa đoạn đường đời. Năm 2 tuổi thì trận sốt cao, kéo dài nhiều ngày làm Dung hỏng chân. Lớn lên một chút, chỉ ao ước được cắp cặp sách đi học cấp 3 như mọi người nhưng không được vì nhà nghèo và vì đôi nạng không đưa Dung đi xa hơn xã Yên Nguyên. Đi bằng một cái chân và một cái nạng khiến Dung không thể đi nương, đi cấy như những người lao động bình thường. Dung xin bố mẹ cho mình tìm một con đường khác để sống, con đường đi học nghề.

Học nghề may xong nhưng không có vốn, Dung và chồng lại phải bôn ba khắp nơi để làm ăn, kiếm từng đồng lẻ tích góp trong những năm ở đất khách quê người. Trải cuộc đời công nhân, mồ hôi mặn như muối, Dung có một ít vốn. Dung về quê mở xưởng may. Học trò và nhân viên của Dung toàn là những người khuyết tật nặng. Dung bảo: “Với một cặp chân gần như teo đi, hay đôi mắt kém, đôi tai tiếc… Việc đi hàng chục cây số leo đồi, dốc núi để làm nương là không thể. Họ ở cảnh khó như Dung ngày xưa nên Dung muốn giúp họ”. Dung nói về sự giúp đỡ của mình thẳng thắn và khẳng khái.

Cô học trò lớn - Dung gọi vậy bởi Tô Thị Thương hơn cô giáo gần 10 tuổi. Nhà Thương ở đội 8, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Cả đời sống ở bản, nơi xa nhất Thương đi là thị xã. Là cô gái bị câm điếc từ nhỏ, Thương vốn có tính nhút nhát, mặc cảm với mọi người. Ngày đầu tiên đến xưởng, Thương ngó vào nhìn những cái máy đầy sợ hãi và ái ngại, bất lực. Không thấy được tiếng kêu của máy nhưng thấy được độ rung của máy nên Thương rất sợ.

Ban đầu Dung chưa biết phải làm sao với Thương, ngôn ngữ cử chỉ chưa thạo, cô giáo và học trò còn không thể giao tiếp với nhau. Đến khi, tự Thương biết mượn chiếc điện thoại rồi ấn lên chữ “Em sợ lắm”. Sau khi đọc chữ viết tin nhắn, Dung hiểu được rằng mình đã tìm được cách để giao tiếp với Thương. Dung cũng viết lên tin nhắn “Đừng sợ, nhìn theo mình này”. Nhờ sự kiên nhẫn của Dung dần dần Thương bớt sợ cái máy may và quen dần với việc dùng chân điều khiển máy. Dung tâm sự: “Tôi lấy chính mình là dẫn chứng cho Thương. Thấy tôi không có đôi chân hoàn hảo nhưng lại làm được việc thì Thương cảm thấy nhẹ nhàng dần và học theo rất nhanh”.

Chị Dung bên những máy may công nghiệp trang bị cho người khuyết tật làm việc ở xưởng.

Bù lại, khi quen rồi Thương làm rất chăm chỉ. Thương may được nhiều đồ hơn người khác… Tháng đầu tiên đi làm Thương mua được chiếc xe đạp, tháng thứ 2 mua được nồi cơm điện. Các đồ dùng trong ngôi nhà cũ kĩ của Thương đều được sắm mới. Từ chỗ là một cô gái chậm chạp và không giao tiếp với thế giới, nhờ sự kiên trì của Dung, cuộc sống của Thương đổi khác từng ngày. Dung vẫn nhớ ngày đầu tiên phát lương cho Thương, Thương mang nhanh về nhà, nhìn thấy tiền của con gái làm ra, mẹ của Thương gọi điện cảm ơn cô giáo rối rít. Bà vừa nói, vừa khóc rồi an ủi lại cô giáo cố gắng thêm để tạo điều kiện cho con bà có chỗ làm việc.

Nối dài những hạnh phúc

Có những cảnh đời, ý chí của họ dài rộng nhưng chân tay và thân thể của họ đã bất lực. Tưởng rằng họ chỉ có thể ngồi một chỗ rồi ăn những miếng cơm của người thân mang cho… Thế nhưng, gặp chị Hà Thị Dung cuộc đời họ đã đổi khác. Chị giúp họ kiếm những miếng cơm và nối hạnh phúc riêng tư cho họ.

 Dung vẫn nhớ ngày đầu tiên Lý Ngọc Hà đến xưởng may của chị. Hà bị bại não từ nhỏ, chân tay bị co rút, người ngồi không vững, cứ lật lên rồi lại lật xuống. Nhìn những chiếc máy may ở xưởng của Dung, người nhà của Hà còn băn khoăn “chắc nó không làm được đâu”. Hà cũng chán nản nhưng cứ ngồi chênh vênh trên cái máy may và ngoác miệng cười… Dung đến gần, hỏi Hà nặng bao nhiêu cân, Hà vừa nói tay vừa ra hiệu: 25kg. Dung hỏi tiếp: “Khi ở nhà rảnh, Hà làm gì?”, Hà bảo “Em ở nhà phụ mẹ nhóm bếp, nấu cơm”. Dung lại hỏi: “Học nghề sẽ lâu, em có kiên trì được không?”, Hà dõng dạc nói: “Có ạ, lâu bao nhiêu em cũng học”. Từ trong thâm tâm mình, Dung đánh giá cao ý chí của Hà nhưng về thể chất, có lẽ phải kiên trì lắm mới học được.

Dung làm công tác tư tưởng trước rồi đến dạy kĩ thuật cho Hà. Dung bố trí cho Hà ăn ở tại nhà mình và sắp xếp cho Hà mọi thứ. Rồi hằng ngày, cô và trò phải kiên trì, luyện cho đôi chân có sức nặng để điều kiển chân đạp của máy may… Ở trong xưởng, cô gái Đặng Thị Xinh cũng là người Dao ở Kim Bình đến học nghề. Xinh cũng là cô gái bị khuyết tật nhưng thể nhẹ hơn Hà nên Xinh học nghề dễ hơn. Ngoài giờ cô giáo Dung dạy, Xinh đến kèm cặp thêm cho Hà.

Hằng ngày, sau 6 giờ tối thì những buổi học và làm kết thúc. Nhiều người ở lại nhà Dung (đồng thời là xưởng) hay ra ngồi ở cửa ngóng về nhà. Hà và Xinh cũng vậy. Vì cùng là người Dao nên họ tâm sự với nhau rất nhanh. Hai người trở nên quấn quýt với nhau, Hà đi lại khó được Xinh giúp đỡ. Hà không biết lấy nước nóng ở trên bếp để tắm thì Xinh pha cho. Người này nói hộ người kia, chân của người này đi hộ chân của người kia, họ yêu nhau từ lúc nào không hay…

Hà và Xinh lấy nhau để dựa vào nhau trong khốn khó. Hai người nay đã có một con nhỏ, đẹp xinh và không khuyết tật. Chị Dung bảo: “Nhìn họ nâng đỡ nhau trong cuộc sống mình thấy niềm vui cứ âm ỉ ở trong lòng (Dung bảo rằng nó nghèn nghẹn ở cổ họng và khó tả). Mình chỉ làm được những việc nhỏ nhỏ thôi nhưng cứ nghĩ giúp được người khuyết tật nặng thay đổi hẳn cuộc đời là mình lại cố gắng”.

Bên cạnh việc có nhiều cuộc sống có hậu, Dung cũng là người trăn trở nhiều về những cảnh đời buồn. Dung không giúp được hết cho họ. Đó trường hợp cậu thanh niên bị câm điếc tên là Thái, quê ở Bắc Kạn, được người nhà chở xuống học nghề. Thế nhưng chỉ sau 1 hôm, cậu ấy một mực đòi về. Dung có chạy theo giữ lại thì Thái cũng nhất nhất “dứt áo ra đi”. Không nói, không nghe được vì Thái bị câm điếc. Lấy tay kéo Thái quay về thì Thái giẫy giụa...

Hay trường hợp của Lý Thị Hoa, một cô gái bị câm điếc khác. Hoa xinh xắn và ham làm nhưng vì hoàn cảnh riêng (bố thường xuyên say xỉn, khi say lại hay đánh mẹ) nên Hoa không dám đến xưởng làm. Hoa xin nghỉ làm vì phải ở nhà để “canh mẹ”, tránh những cơn say vô lối của cha. Với những người như Thái, như Hoa thì chị Dung nói về họ xót thương như chính nỗi đau mình phải trải qua. Như chính xót thương ấy dành cho người ruột thịt của mình.

Và yêu thương với vị tha…

Chị Dung bảo tôi rằng: Mình giúp người khác đi và cứ yên tâm sẽ có người giúp mình. Nghĩ thế để làm nhiều việc tốt và làm thật vui vẻ. Và chị Dung vẫn tự hào: Để có được một trí lực bền bỉ như ngày hôm nay, có một người đàn ông nhẫn nại “đứng sau” chị Dung là chồng chị - anh Bàn Văn Lý. Lúc trẻ, anh đi lính, trong một lần về thăm nhà, đến nhà chị Dung chơi, anh thích ngay chị, cho dù chị hỏng một bên chân. Bao thư từ hai bên viết cho nhau, anh luôn hỏi chị: “Em có nhớ anh không? Có dám bỏ bớt công việc bon chen về bên anh không?”.

Thế nhưng khi chị về bên anh thì gặp bao nhiêu cản trở. Người nhà anh nói: “Con gái chết hết rồi hay sao mà lấy đứa què? Lấy nhau thì đi ra khỏi nhà, dắt nhau đi ăn xin?”. Vì quyết tâm lấy chị nên anh đã đi ra khỏi nhà bố mẹ đẻ chỉ mang theo một cái áo. Dù chị buông tay thì anh vẫn níu tay. Lúc vất vả gian khó, chỉ cần một câu “có anh ở đây” là chị không khóc nữa và lại mạnh mẽ hiên ngang giữa cuộc đời giông tố.

Cả chị Dung và anh Lý đều cố gắng bền bỉ, rồi gặt hái được những thành công nhất định. Bây giờ vợ chồng chị Dung có một mái nhà đầy đủ tiện nghi, một xưởng may tạo việc làm cho người khuyết tật. Phần tài sản đó là rất lớn cho một đôi vợ chồng trẻ ở vùng cao. Gia đình nhà nội cũng đến làm hòa và xin nối lại quan hệ, chị đã đồng ý. Hỏi về triết lý sống mà chị tâm đắc, chị kể về câu chuyện làm lành với chị dâu, kể về những gian khó mà anh chị tha hương lập nghiệp. Chị đúc rút lại: Yêu thương, vị tha để vượt qua gian khổ nhẹ nhàng!

Phan Phan
.
.
.