Trở thành người "truyền lửa" sau 16 năm đắm chìm trong ma túy

Thứ Sáu, 26/02/2016, 16:33
Anh từng là một người nghiện nặng, trong suốt 16 năm "dính" với ma túy, gia đình anh chưa một ngày nào vui vẻ. Vào những ngày tết, khi hàng xóm láng giềng cười nói với những lời chúc mừng tốt đẹp thì ngôi nhà anh lại chìm trong nỗi buồn không nói thành lời. Trong 16 năm đó thì vợ anh cũng đã "đồng hành" cùng chồng 6 năm trời trên con đường cai nghiện.


Một con đường đầy gian nan vất vả để rồi bây giờ họ được hưởng trọn vẹn niềm vui sướng khi đẩy lùi được cái chết trắng và còn là người "truyền lửa" cho những người cùng cảnh ngộ.

Tháng năm sống với ma túy

Có lẽ cái tên Nam Quốc Trung không còn lạ lẫm gì với người dân phường Nhân Chính (Hà Nội) và đặc biệt là khu phố Lê Văn Thiêm với quá khứ "đen" 16 năm nghiện nặng ma túy. Thế nhưng hiện tại, anh và vợ chị Nguyễn Thị Hồng Vân lại là người được biết đến khi lập ra nhiều trung tâm giúp đỡ người nghiện và gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Sinh năm 1976, là con một trong gia đình giàu có tại Hà Nội nên từ bé anh Trung đã được cha mẹ nuông chiều, muốn gì có đó. Với sự nuông chiều quá mức ấy, anh Trung trở nên hư hỏng, đem tiền đốt vào những cuộc vui trác táng. Năm 1990, sau một lần thua bạc với số tiền mất đi đáng giá bằng gia tài của nhiều gia đình bình thường lúc bấy giờ, anh Trung trở nên chán nản và bị bạn bè xấu dụ dỗ hút thử ma túy. 

Với ma túy, thứ chất độc không được thử dù chỉ một lần, anh Trung dần lấn sâu vào "vũng bùn" khi trở thành một con nghiện thực thụ. Sống cuộc sống chỉ có thể miêu tả bằng hai từ "điên loạn", không ai có thể bảo được anh dù có là cha mẹ. Đã nhiều lần, nhìn thấy con như vậy, mẹ anh Trung đã nghĩ đến việc quyên sinh nhưng rồi đều không thành. 

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Trung, chị Vân.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hồng Vân thì bị chồng đánh đập cả khi đang mang thai. Rồi đến khi làm bố, cơn nghiện kéo đến làm mất hết cả lương tri, anh Trung bắt cóc chính cô con gái 1 tháng tuổi của mình để đòi tiền gia đình. Có lần, anh đã có ý định cho cả nhà uống thuốc ngủ để lấy bìa đỏ đi cắm để lấy tiền ăn chơi và tiếp tục đắm chìm trong ma túy.

Thế nhưng, với một người con, người chồng có thể nói là không ra gì vào lúc đó, người thân trong gia đình vẫn cố gắng giúp anh cai nghiện, nhất là chị Vân vợ anh. Hai anh chị quen nhau trên giảng đường đại học, dù biết bạn trai nghiện nhưng chị vẫn ở bên động viên, giúp đỡ anh cai nghiện. Nhưng ai cũng hiểu sức hút mãnh liệt của ma túy thế nào khi nó khiến người mắc nghiện không thể nào từ bỏ, cai rồi lại tái nghiện như cơm bữa. 

Nhưng thay vì từ bỏ, chị quyết định làm vợ anh vì nghĩ rằng với cương vị một người vợ, có thể bên cạnh anh mới có thể giúp anh. Dĩ nhiên, gia đình chị một mực phản đối cô con gái khi biết được người yêu của chị thế nào. Sau nhiều ngày buồn bã, lúc nào nước mắt cũng chỉ chực tuôn trào, bố mẹ chị Vân mới mủi lòng cho con đi lấy chồng một cách liều lĩnh.

Thế rồi vào cuối năm 2000, đám cưới của họ diễn ra một cách chóng vánh sau khi anh Trung cắt được cơn nghiện 5 ngày. Lúc làm lễ cưới, chị Vân luôn nghĩ rằng mình sẽ đánh đổi cả tuổi trẻ để giúp chồng cai nghiện bằng được. Dẫu rằng, trước đó 10 năm, anh Trung đã hơn chục lần được bố mẹ cho đi cai nghiện nhưng không thành công. Biết rõ điều đó nhưng chị Vân vẫn không chịu từ bỏ ý định của mình. Bằng tình yêu mãnh liệt, trong suốt 6 năm sau đó, chị đã phải chứng kiến những cơn vật vã của chồng và luôn sát cánh bên anh để chia sẻ.

"Nhiều lần vào trại thăm anh, tôi cũng cảm thấy cuộc đời của mình khổ vô cùng nhưng không dám kể thêm gì với bố mẹ vì sợ ông bà đau buồn thêm. Khi gả tôi đi, bố mẹ cũng xác định được nỗi khổ tôi phải chịu. Sau khi sinh con tôi càng thấm thía hơn cảm giác của bố mẹ thế nào...", chị Vân chia sẻ.

Khi chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng, số tiền chị Vân tích cóp được để đi đẻ cũng bị chồng lấy đi mua ma túy mất. Rồi vào một đem rét buốt năm 2002, cái ngày mà anh Trung bắt cóc con gái để đòi tiền từ gia đình, anh ôm con gái ra đường khi trên người đứa bé chỉ có một chiếc áo mỏng, điều đó đã cho thấy sự khủng khiếp khi cơn nghiện ma túy kéo đến. Chỉ cho đến khi có người căm phẫn hét lên "Trung ơi, sao mày ác thế. Mày bắt cả con gái mày để mua ma túy sao?" thì anh mới khựng lại. Nhìn đứa con trong tay, anh bỗng tỉnh ngộ và ôm con trả về cho vợ.

Sau những lần "điên cuồng" vì ma túy, những lần bị bắt vì trộm cắp cướp giật anh Trung lại bắt vợ viết đơn ly hôn khi vợ lên trại thăm mình vì không muốn làm khổ một người phụ nữ đã hết lòng vì anh. Nhưng chị Vân đã không đồng ý mỗi khi anh đề nghị. Chính tình yêu ấy đã lớn dần lên và trở thành động lực cho người đàn ông này trong quá trình cai nghiện sau này.

Cái tết đầu tiên sau 16 năm

Đến năm 2007, khi đứa con đã lớn khỏe mạnh, tình cảm của gia đình đã giúp anh Trung có thêm nghị lực khi đối mặt với cơn nghiện kéo đến. Thêm một yếu tố tác động nữa đó là việc anh Trung gặp được một vị linh mục, là người đã động viên giúp đỡ anh nhiều trong công tác tư tưởng. Và rồi anh từ bỏ được ma túy, cuộc đời bắt đầu có những bước chuyển biến tươi sáng hơn.

Chị Vân chia sẻ: "Từ khi cai nghiện được ma túy hoàn toàn, trở về với gia đình, tôi thấy anh thay đổi hẳn, không còn hung dữ như trước. Dần dần, những thói hư tật xấu trước kia của anh cũng không còn. Tôi cũng không thấy anh nói bậy, anh cũng bỏ thuốc lá, bia rượu. Ban đầu khi kể với bố mẹ đẻ tôi thì chẳng ai tin. Mấy lần bố tôi cũng tìm cách để thử anh nhưng rồi tận mắt chứng kiến anh Trung thay đổi, bố tôi mới dám tin. 

Sau đó, chúng tôi sinh thêm 2 người con nữa. Giờ con gái tôi đã lớn, cháu 14 tuổi, cao gần bằng bố nhưng anh Trung vẫn có quy định là một ngày cháu phải thơm anh 5 lần. Sở dĩ anh có quy định như vậy là để các con biết yêu thương gia đình, người thân và như thế thì bàn tay ma túy hay tệ nạn xã hội khác sẽ khó có thể chạm được vào".

Năm 2007, cũng là một năm đặc biệt trong quá trình thay đổi cuộc đời của người đàn ông từng có 16 năm đắm chìm trong ma túy. Trước kia, liên tục trong từng ấy năm mỗi khi tết đến cả nhà lại đóng cửa im ỉm, ai gọi cũng không tiếp vì không dám đối diện với bà con xóm làng. Nhưng giờ đây, khi đã từ bỏ được ma túy, tết lại đên với gia đình anh sau nhiều năm "vắng mặt". 

Sau khi tận hưởng niềm vui cuộc sống đầy hạnh phúc, điều đầu tiên mà anh Nam Quốc Trung nghĩ đến đó là giúp đỡ những người khác cai nghiện, để họ có thể nhìn thấy tương lai như mình. Ủng hộ ý nghĩ ấy của chồng, chị Vân đã nghỉ việc ở công ty dược để giúp chồng hoàn thành tâm nguyện. Nhiều năm sau, hai anh chị đã mở ra nhiều cơ sở giúp người nghiện. Thậm chí, anh Trung dùng luôn căn nhà hai vợ chồng đang ở làm một cơ sở để tư vấn cho người nghiện hoặc người có người thân bị nghiện đang bế tắc trong con đường thoát khỏi ma túy. 

Chị Vân cho biết: "Cơ sở cai nghiện của tôi không giống như nơi khác, cánh cửa luôn được để mở, không có song sắt hay dụng cụ để giam giữ người nghiện mà chỉ có tình yêu thương". 

Lý giải chuyện giúp đỡ người nghiện, chị Vân cho rằng những người nghiện cũng như những cô gái từng bán dâm, đã quá lâu rồi họ không nhận được tình yêu thương, chăm sóc của gia đình. Họ luôn muốn thoát ra khỏi ma túy, họ luôn kêu gào trong thâm tâm, muốn thoát ra khỏi ma túy. Do không ai "giải cứu" họ nên họ mới lầm đường lạc lối, không tìm được đường ra. Và điều vợ chồng anh Trung, chị Vân muốn đó chính là dùng tình cảm cứu thoát họ khỏi sự trói buộc của ma túy đó.

Theo ông Trần Khánh Định, tổ phó tổ dân phố 29 cho biết: "Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi rất thích những tổ chức, cơ sở của anh Trung. Đó không phải một tổ chức mang tính chất hình thức mà nó làm việc thật, tự phát nhưng có mục đích rõ ràng, không mưu lợi điều gì. Tôi thấy rằng nên ủng hộ những tổ chức giúp đỡ người khác như vậy. Còn về cá nhân anh Trung, tôi cũng biết về việc anh bị nghiện trước đây. Nhưng nhiều năm trở lại đây anh không làm việc gì xấu, ảnh hưởng đến trật tự khu phố cả".
An Di
.
.
.