Trở về sau bản án, mở công ty đón nhận những người cùng cảnh ngộ để trả nghĩa cuộc đời

Thứ Ba, 24/02/2015, 10:55
Sau khi vấp ngã và phải thụ án tù về tội cố ý gây thương tích, trong thời gian thụ án được cán bộ quản giáo thức tỉnh, anh đã nhận ra giá trị thực của cuộc sống nên đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Ra tù, anh về lại quê hương, mở xưởng sửa chữa ô tô, lập công ty và nhận những người đã từng sa ngã vào làm tại xưởng, tạo công ăn việc làm để họ không cảm thấy bơ vơ và bị xa lánh, kỳ thị dẫn đến sa vào con đường lầm lỗi trong quá khứ. Đến nay, công ty do anh làm giám đốc đã cưu mang hàng chục người tù tội có được tương lai sáng sau khi vào làm việc tại đây, được chính quyền và các cấp ghi nhận, biểu dương về gương sáng hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Người đàn ông đặc biệt ấy là anh Phạm Thiết Tưởng (SN 1973), Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Tân ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Bản thân anh đã từng có thời gian phải ngồi tù vì một sai lầm của bản thân trong quá khứ, và hiện tại, khi đã là ông chủ doanh nghiệp, anh đã trả nghĩa bằng cách thường xuyên thu nhận những phạm nhân mãn hạn tù hoặc có hoàn cảnh khó khăn về dạy nghề và tạo việc làm cho họ.

Phục thiện sau thời gian thụ án trong trại giam

Phạm Thiết Tưởng sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh chị em ở Thừa Thiên - Huế. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Tưởng đã thôi học để đi làm, phụ giúp bố mẹ. May mắn, Tưởng được người chú dạy anh học nghề sửa chữa ôtô. Sau khi học xong, anh bắt đầu hành trình vào Nam, ra Bắc tìm kiếm việc làm. Khi tay nghề đã vững vàng, được khách hàng tin tưởng, anh quyết định dừng chân ở Nghệ An để lập nghiệp.

Anh Phạm Thiết Tưởng trao đổi công việc với Ban Công an thị trấn Quỳ Hợp.

Nơi anh đến lúc đầu là TP Vinh, vào năm 1996. Hai năm sau, Tưởng rời TP Vinh, đặt chân đến huyện Quỳ Hợp. Trong thời gian lập nghiệp tại đây, anh kết hôn với chị Đặng Thị Vân. Hạnh phúc tưởng chừng như trọn vẹn khi anh có một gia đình yên ấm và công việc ổn định. Tuy nhiên, vào năm 2006, chỉ vì mâu thuẫn với khách hàng đến xưởng anh sửa chữa không chịu trả tiền, trong lúc nóng nảy, không làm chủ được mình, Tưởng đã cầm chiếc gậy sắt đánh vào khách hàng khiến đối phương gãy 2 tay và chấn thương sọ não.

Với hành vi này, Phạm Thiết Tưởng bị khởi tố và bị tòa tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích", thụ án tại Trại giam số 6 (Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Trong thời gian thi hành án, Tưởng được phân vào đội sửa chữa xe, bản thân anh đã cố gắng học hỏi, chấp hành các nội quy của trại. Giờ đây, sau khi đã trả giá cho hành động của mình, gợi lại những tháng ngày ấy, Tưởng bảo rằng, chỉ vì "cả giận mất khôn" mà vô tình vi phạm pháp luật.

Ngày trở về vào tháng 1/2009, Phạm Thiết Tưởng suy sụp chẳng khác gì ngày mới vào trại khi anh về nhà và chứng kiến cảnh nhà tàn tạ, vợ con nheo nhóc, bản thân lại mặc cảm, không dám tiếp xúc với bất cứ ai. Tuy vậy, thấy vợ con sống khổ sở trong sự xa lánh và kỳ thị, anh đã quyết đứng lên từ nơi mình vấp ngã.

Với tay nghề được tôi luyện trong trại giam, Phạm Thiết Tưởng đã bắt tay lại với công việc của mình là theo nghề sửa chữa. Cắm bìa đất để vay ngân hàng, cùng với việc anh em, bạn bè giúp đỡ thêm, Tưởng đã có trong tay một ít vốn, đủ để mở một cơ sở với quy mô nhỏ. Với uy tín tạo dựng nên từ trước và kinh nghiệm được tích lũy từ trong trại giam, sau một thời gian lấy uy tín làm trọng, xưởng sửa chữa của Tưởng đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định.

Lấy ngắn nuôi dài, tích cóp được thêm tiền, anh lại mở rộng quy mô, nhận thêm thợ để mở rộng thêm. Cứ như vậy, sau gần 15 năm miệt mài phục thiện, đến nay anh đã mở được 2 xưởng sửa chữa trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Anh Tưởng chia sẻ: "Khi xưởng bắt đầu đi vào hoạt động, tôi đã nghĩ ngay đến việc giúp đỡ những người từng lầm lỗi. Thời gian gần gũi với bạn tù, tôi hiểu rằng, với những người "có án", mong muốn lớn nhất khi ra trại là nhanh chóng tìm được việc làm để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích".

Thời gian làm việc tại công ty của anh Tưởng, người làm thuê được trả từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đến với công ty do anh làm giám đốc, những người từng một thời lầm lỗi có việc làm ổn định. Không chỉ vậy, họ còn biết sống hoà đồng, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn.

Tưởng cho biết, từ ngày mở xưởng đến nay, anh đã đào tạo nghề cho hơn 100 người, đem lại thu nhập cho gia đình mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng. Trong đó có 11 người từng là "bạn tù", họ là những người đồng cảnh ngộ nên luôn có sự thông cảm, chia sẻ, động viên lẫn nhau. Không những vậy, một số lao động sau khi được đào tạo nghề tại xưởng của anh đã tự lập cuộc sống, một số đã mở xưởng sửa chữa riêng.

Cưu mang nhiều phần đời lầm lỡ

Trường hợp của anh Trần Ngọc Sơn, hiện ở xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp là một ví dụ điển hình. Từng tham gia quân ngũ trở về, anh tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Trong một chuyến vận chuyển vật liệu, Sơn đã gây tai nạn giao thông khiến nạn nhân tử vong, phía gia đình khiếu kiện nên anh bị tuyên phạt 18 tháng tù.

Ngày bước ra khỏi cánh cổng trại giam, Sơn buồn bã, tự ti và lo lắng, trong khi gia đình thiếu thốn đủ bề, bố mẹ đã già yếu. Đang trong lúc khó khăn nhất, Sơn mạnh dạn tìm đến anh Tưởng và được anh vui vẻ chấp nhận. Đến nay không chỉ có công việc ổn định để nuôi vợ con, chăm sóc bố mẹ già, Sơn đã có cuộc sống ổn định mang lại thu nhập khá.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Nam (ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), sau khi thụ án 7 năm tù trở về, anh Nam bị mọi người kỳ thị, xa lánh khiến bản thân chán nản, đang trong lúc không biết bấu víu vào đâu thì được một người bạn giới thiệu, Nam tìm đến và được anh Tưởng giang rộng vòng tay.

Xưởng sửa chữa ôtô của anh Phạm Thiết Tưởng.

Sau khi được đào tạo, Nam có tay nghề khá tốt nên đã về quê, tự mình mở một xưởng riêng để hoạt động. Không chỉ có thu nhập ổn định, lấy được vợ và có mái ấm hạnh phúc, anh Nam còn theo chân Tưởng để nhận về những người lầm lỡ một thời như mình tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác sau hoàn lương đã trở thành gương điển hình sau khi được anh Tưởng đào tạo nghề, trong đó đáng chú ý là các anh Phạm Thao, anh Trần Văn Nhật, ở tỉnh Thừa Thiên – Huế; anh Lê Việt Hùng, ở huyện Quỳnh Lưu, anh Trần Văn Thắng, ở huyện Nam Đàn… Mỗi người một số phận khác nhau, sự sa ngã của họ cũng không giống nhau nhưng điểm chung là được anh Tưởng giúp đỡ nên đã trở thành người tốt sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Lê Hồng Thắng, Trưởng Công an thị trấn Quỳ Hợp cho biết, anh Phạm Thiết Tưởng hiện có nhà riêng khang trang, đầy đủ tiện nghi và một xưởng sửa chữa ôtô tại khối 11 thị trấn Quỳ Hợp. Chuyện về con người này khát vọng, kiên trì hoàn lương, phấn đấu trở thành ông chủ nhỏ rồi quay lại giang tay cứu giúp những người đã từng lầm lỗi là một tấm gương khiến mọi người khâm phục.

"Không chỉ tu chí làm ăn, giúp đỡ người lầm lỗi, Phạm Thiết Tưởng còn là một điển hình tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cung cấp nhiều nguồn tin về tội phạm cho lực lượng chức năng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tháng 7/2014, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng", ông Thắng cho biết thêm.

Ngoài ra, trong các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương, gia đình anh Phạm Thiết Tưởng cũng như Công ty TNHH Tuyên Tân của anh luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện xã hội. Bản thân anh cũng là gương điển hình trong việc phát triển kinh tế được chính quyền thường xuyên tuyên dương, khen thưởng.

Anh Phạm Thiết Tưởng trao đổi công việc với Ban Công an thị trấn Quỳ Hợp

Xưởng sửa chữa ôtô của anh Phạm Thiết Tưởng
Thuận Thành
.
.
.