Truyền nhân Kim Kê

Chủ Nhật, 12/02/2017, 20:42
Nụ cười hiền hậu, đôi mắt tinh anh là những đặc điểm nổi bật của võ sư Kê Hoàng Hổ. Người ngoại đạo nhìn vào, sẽ chẳng ai ngờ ông là võ sĩ từng tung hoành ngang dọc trên các võ đài từ miền Nam ra miền Trung với cú quyền cước "sát thủ giản" và thế Kim Kê (gà trống vàng) tuyệt đẹp. 


Tuyệt đỉnh Kim Kê

Tên cúng cơm của võ sư Kê Hoàng Hổ là Huỳnh Thượng Hải (SN 1949). Thuở thiếu thời, Huỳnh Thượng Hải từng theo học Trường Quốc gia trang trí mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh), nhưng rồi định mệnh kéo ông sang nghiệp võ để rồi dang dở chuyện học hành.

Lúc đầu ông học võ Vovinam do thầy Phong dạy tại võ đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP Hồ Chí Minh) và là sư đệ của võ sư mang đẳng cấp Vovinam cao nhất thế giới Nguyễn Văn Chiếu.

Vì lúc đó Vovinam không cho đánh võ đài nên duyên nợ với Vovinam chỉ được hai năm thì Huỳnh Thượng Hải quyết tâm rẽ sang một hướng khác sau khi chứng kiến màn đấu võ đẹp mắt, kinh điển của Lê Thanh Tùng, nhà vô địch võ đài giải thiếu niên năm 1963 tại sân Tao Đàn.
Kê Hoàng Hổ biểu diễn thế Kim Kê.

Ngay lúc đó, ông đã thần tượng Lê Thanh Tùng và quyết tâm học võ để được đấu võ đài. Thượng Hải tìm đến thầy Đặng Văn Anh bái sư nhập môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn. Kể về môn võ Kim Kê, võ sư Kê Hoàng Hổ cho biết: "Sư phụ Đặng Văn Anh là người mê gà.

Ông coi gà như biểu tượng của tính trượng phu, nghĩa hiệp, chính nhân quân tử của người đàn ông. Từ đó, ông nghiên cứu những động tác đá, thế vờn nhau của gà để sáng tạo ra các chiêu thức Kim Kê đẹp mắt, mới lạ. Kim Kê trong từ điển Hán - Việt có nghĩa là "gà trống vàng".

Học trò nam của phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn đều lấy chung họ Kê đầu, Sơn chót. Nữ lấy Kim, như: Kê Huỳnh Sơn, Kê Kim Sơn, Kê Thắng Sơn... Riêng huynh đệ Kê Hoàng Long và Kê Hoàng Hổ là tên đặc biệt của hai võ sĩ. Kê Hoàng Hổ là cây trụ đồng, còn Kê Hoàng Long là mái đấm của võ đường Kim Kê.

Võ sư Đặng Kim Anh, trưởng môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn và cũng là con trai của võ sư Đặng Văn Anh cho biết: "Điểm nhấn của võ thuật Kim Kê Tây Sơn Nhạn là chiêu thức độc lập, cùng một lúc tấn công ba mục tiêu yếu huyệt trên cơ thể đối thủ. Đó là tư thế đứng trụ chân trái, co cao chân phải để chuẩn bị quật ngã đối phương.

Khi tấn công, tay phải đấm vào vùng thượng đẳng (mắt, mũi) như tư thế mổ vào mắt của con gà chọi. Tay trái tung cú đánh sấm sét vào vùng ngực, hông của đối thủ. Khi đối phương tấn công bất ngờ, hai tay thủ theo bộ "song chùy (gập ngón cái và ngón út) để che kín những yếu huyệt của mình".

Võ sư Đặng Văn Anh, người sáng lập môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn.

Đấm, đá, gối, trỏ, là các thế đánh chủ đạo của võ. Tuy nhiên, triết lý mà Kê Hoàng Hổ lĩnh hội được từ thầy Kim Kê là "đánh mau đánh mạnh không bằng đánh trúng". Đánh mau là ra đòn làm cho đối thủ không kịp trở tay, đánh mạnh khiến đối thủ không đỡ nổi.

Ông lấy vì dụ đối thủ 52kg nhưng ra đòn 80kg thì sẽ hạ đo ván ngay. Muốn ra đòn "nặng" thì võ sĩ phải tập luyện bền bỉ, kiên trì. Nhưng ngoài việc khổ luyện ra thì sự chỉ dạy của thầy là quan trọng nhất. Thầy dạy phải tiếp thu và ngộ đòn thì đánh mới đúng được.

Trận đánh võ đài đầu tiên của Kê Hoàng Hổ là năm 1968, khi ấy ông chưa tròn 20 tuổi. Có chút tên tuổi và kinh nghiệm thượng đài, Kê Hoàng Hổ đã thách đấu với nhiều đối thủ trên hạng mình. Ông ra Nha Trang đấu và thắng liên tiếp mấy đêm liền.

Có những trận, đối thủ vừa xong màn chào sân, thì Kê Hoàng Hổ đã tung ngay một đòn "sát thủ giản" hạ gục trong vòng 30 giây. Nói về những trận thắng, nhưng ông cũng không bao giờ quên những trận thua. Đó là trận thua "máu loang võ đài" với võ sĩ Huỳnh Long ở Nha Trang vào năm 1970.

Ở trận đấu này, Kê Hoàng Hổ “ăn” trúng đòn chẻ cùi chỏ làm rách một đường giữa trán. Máu phun thành đường, chảy xuống ngực ướt đẫm chiếc quần. Lúc đó ông không thấy đau đớn mà càng hăng, vẫn "tả xung hữu đột" quần nhau với đối thủ suốt 3 hiệp trên võ đài. Khán giả đứng xem, trong đó có các cô gái nhìn thấy máu đã rất sợ hãi.

Cuối cùng, Kê Hoàng Hổ đã phải thua điểm. Ông thua vì ánh đèn flas của máy chụp ảnh chiếu tứ phía võ đài làm mắt bị lóa, không xác định phương hướng và bị đối thủ ra đòn. Sau trận đánh, ông không giặt hay bỏ đi mà quyết giữ lại chiếc quần nhuộm máu làm kỷ niệm.

Tang bồng mang nặng chí trai

Một ngày đẹp trời của năm 1971, trên võ đài đặt tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), võ sĩ Kê Hoàng Hổ thách đấu võ sư Thanh Hồng. Người dân đổ về xem đông như trẩy hội, các phường độ thi nhau đặt cược với tỉ lệ chấp một ăn mười cho võ sư Thanh Hồng.

Võ sư Kê Hoàng Hổ và cha cũng là một võ sư ẩn danh.

Bởi theo đánh giá, võ sư Thanh Hồng trội hơn về mọi mặt. Ông là một võ sư có tên tuổi trong làng võ, từng nghênh chiến nhiều trận và chưa biết thất bại là gì. Trong khi đó, Kê Hoàng Hổ thua kém về tuổi đời, tuổi nghề và mới mang đai huấn luyện viên.

Đây là trận đánh mà ông đã nghe theo lời giáo huấn của thầy Kim Kê. Đã vận dụng tuyệt chiêu và bí quyết để đánh. Tuyệt chiêu của Kê Hoàng Hổ là "bàn long cước" (đá tiền cước), còn gọi là đòn "sát thủ giản".

Nhưng vào trận với võ sư Thanh Hồng thì ông không dám dùng tuyệt chiêu, vì nó nằm quá cao. Nếu ra đòn chắc chắn sẽ bị bẻ chân. Vững vàng tâm lý, đối mặt với trận quyết đấu, Kê Hoàng Hổ rất bình tĩnh.

Ông không suy nghĩ nhiều, chỉ chú tâm tập luyện và ghi nhớ lời thầy Kim Kê dạy: "Đối thủ cao thì mình đánh thấp, đối thủ thấp thì mình đánh cao". Đêm trước khi lên sàn đấu, ông vẫn ngủ một giấc thật sâu và chuẩn bị tâm lý rất vững: "Khi đã nhận lời đánh đấu thì đối thủ cỡ nào cũng phải đánh và tuyệt đối không để tâm lý sợ thua trong suy nghĩ".

Trước khi bước lên võ đài, võ sư Thanh Hồng chỉ mặt Kê Hoàng Hổ nói đanh thép: "Tao hạ mày hiệp đầu tiên". Và ngay sau đó, đối thủ của Kê Hoàng Hổ như con hổ dũng mãnh, liên tục ra đòn để thực hiện lời tuyên bố. Kê Hoàng Hổ rất bình tĩnh, ông né tránh và đánh thăm dò.

Sang hiệp hai, do nôn nóng nên võ sư Thanh Hồng ra đòn mạnh, dùng đòn "sát thủ" ép Kê Hoàng Hổ vào góc võ đài rồi tung người bung đầu đâm thẳng vào vùng bụng. Nhanh như con sóc, Kê Hoàng Hổ lách được, thừa cơ hội, ông dùng chỏ tay đánh trúng mang tai hạ gục đối thủ ngay trên sàn. Đây là thế đã nằm trong chiến lược của Kê Hoàng Hổ và đòn chỏ tay ông ra vào thời điểm không ai nghĩ tới.

Nhớ lại trận đấu cách đây 46 năm, võ sư Kê Hoàng Hổ nói: "Nếu lần đó không mang găng thì tôi sẽ đánh đòn "lưu phong đảo nhĩ" vào hai mang tai của đối phương. Dính đòn đó, máu sẽ hộc ra lỗ mũi khiến đối thủ nhẹ cũng bị trọng thương còn nặng sẽ tử vong. Nhưng đạo của người học võ không cho phép võ sĩ được thực hiện quyền cước ấy".

Sau trận thắng oanh liệt trên võ đài Bình Định, Kê Hoàng Hổ trở nên nổi tiếng khắp làng võ. Nổi tiếng là vậy, nhưng võ sư Kê Hoàng Hổ luôn nhận mình là học trò dở nhất của thầy. Ông chỉ nhận mình gan lì, "chịu đấm ăn xôi" và thi đấu nhiều.

Sau khi tiếng tăm đã "đóng đinh" trong giới võ đạo, Kê Hoàng Hổ thách đấu với võ sư Lê Thanh Tùng tại Sài Gòn. Trận  đấu với thần tượng năm xưa, Kê Hoàng Hổ bị trúng đòn gối và bị thua nock out ở cuối hiệp 3.

Những ngày này, võ sư Kê Hoàng Hổ xuất gia và chú tâm dạy võ cho lớp hậu bối.

Sau trận đó, ông bị nội thương nặng và phải uống thuốc điều trị trong một thời gian dài. Với tinh thần võ sĩ đạo, thắng thua chỉ là kết quả của một cuộc chơi. Bước xuống võ đài, họ lại bắt tay nhau, cười với nhau như những người bạn thân thiết.

Năm 1993, tức hơn 20 năm sau trận quyết đấu, võ sư Thanh Hồng gặp lại võ sư Kê Hoàng Hổ. Cả hai ôm chầm lấy nhau, tay bắt mặt mừng như người anh em lâu ngày gặp lại. Sau này, chính võ sư Thanh Hồng là người đã ký giấy chứng nhận Kê Hoàng Hổ là võ sư.

Võ sư Kê Hoàng Hổ cho rằng, đó chính là cái đạo của người học võ và tính trượng nghĩa, cao thượng của một võ sư mà cuộc đời ông nhớ mãi không quên. Ông ngày càng thấm đượm triết lý võ thuật của phái Kim Kê do sư phụ Đặng Văn Anh sáng lập.

 Hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn với hình tượng "gà trống vàng" đã đứng vững trên "thương trường" võ đạo. Võ sư Kê Hoàng Hổ sau nhiều năm thượng đài, cuộc đời "ba chìm bảy nổi" đã quay trở về TP Hồ Chí Minh làm nghề buôn bán phế liệu, sống cuộc đời bình lặng.

Khi cảm thấy đã đến lúc ẩn mình vào chốn thiền môn, cuối năm 2016, ông quyết định xuất gia. Hết duyên với đời nhưng còn nặng nợ với võ đạo, nên ông vẫn duy trì các lớp dạy võ hàng tuần tại câu lạc bộ Tinh Võ (thứ 3, 5, 7, lúc 17h30 - 20h30) và mở lớp dạy tại nhà (thứ 2, 4, 6, chủ nhật từ 17h-23h) nhằm truyền lại tinh hoa của võ học cổ truyền cho lớp hậu bối. Cuộc đời võ sĩ đạo của Kê Hoàng Hổ được bạn bè đúc kết thành bốn câu thơ:

Tang bồng mang nặng chí trai

Võ công ấy nợ miệt mài một thân

Bao nhiêu gian khổ bất cần

Theo đời võ nghiệp lắm lần gian nguy.

Ngọc Hoa
.
.
.