Từ cánh cổng trại giam đến gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng nhờ học nghề trong quá trình thụ án

Thứ Ba, 28/10/2014, 09:30

Được ăn học thành tài, nhận vào làm việc tại công ty và tín nhiệm giữ chức trưởng phòng kinh doanh. Phút mờ mắt vì tiền, gã đã làm sai lệch hồ sơ để chiếm đoạt tài sản. Sự việc bị phát giác, bị truy tố và vướng lao lý trong bối cảnh vợ đang mang thai, kế hoạch làm giàu tại quê nhà đang còn dang dở. Những ngày trong trại giam, gã may mắn được học nghề nuôi kỳ nhông. Và khi trở về với xã hội, với hướng đi táo bạo, gã đã thành công với mô hình này, xây dựng được trang trại bạc tỷ, được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2011.

Về xứ Quảng, nhắc đến Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977), trú thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, nhiều người biết về anh vẫn thường nói vui với nhau rằng, dù tuổi đời chưa nhiều nhưng đã có thể viết được một câu chuyện dài về anh, với những vinh quang lẫn cay đắng trong đời sống. Nhưng quan trọng hơn là sau vấp ngã, con người ta biết vượt qua lầm lỡ để làm lại cuộc đời, và Tuấn là một trong những người như vậy. Nhìn anh tất bật với việc chăm sóc kỳ nhông, hướng dẫn cho những hộ dân khác có ý định nuôi loài vật này để làm giàu tại trang trại Ân Cát của mình, ít ai nghĩ rằng anh đã gắn cái mác “tù tội” vì những sai lầm sốc nổi của tuổi trẻ.

Đường đến trại giam

Nguyễn Thanh Tuấn là con trai cả trong gia đình nghèo có 5 anh chị em ở xã Tam Hiệp. Muốn Tuấn làm gương cho các em phấn đấu, ba mẹ đã dốc hết sức lực, tiền bạc để nuôi anh ăn học. Và nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng tấm bằng kỹ sư ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh vào năm 2002. Với tấm bằng loại ưu, không mấy khó khăn để Tuấn trụ lại thành phố làm việc. Công ty TNHH Vũ Hùng Cường đã nhận anh vào công tác, và chỉ một thời gian ngắn đã cân nhắc Tuấn lên vị trí Trưởng phòng Kinh doanh. Công việc đang suôn sẻ thì sóng gió bắt đầu ập đến. Do cấp trên buông lỏng quản lý, Tuấn đã ký hồ sơ liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tư lợi cá nhân một khoản tiền của công ty. Sự việc sau đó bị vỡ lở, Tuấn hối hận thì đã muộn màng. Dù đã về quê nhà xin bố mẹ bán hết tài sản, lợn bò để khắc phục hậu quả, rồi bỏ về quê mà không biết rằng, vụ án sau đó đã được Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh thụ lý, khởi tố.

Nguyễn Thanh Tuấn chụp ảnh lưu niệm với Trung tướng Nguyễn Văn Ninh.

Năm 2006, Tuấn vay mượn tiền về quê để mở trang trại chăn nuôi. Cũng thời gian này, anh gặp và nên duyên với cô giáo Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Núi Thành. Sau lễ cưới chưa lâu, hai vợ chồng đang chờ đợi niềm vui được lần đầu làm bố làm mẹ thì tin dữ ập đến, Nguyễn Thanh Tuấn bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án tại Công ty TNHH Vũ Hùng Vương. Tháng 12/2006, TAND quận 7 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử, tuyên phạt Tuấn 3 năm tù giam.

3 năm trong trại giam là quãng thời gian mà Nguyễn Thanh Tuấn đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh thất vọng bao nhiêu ngày mới bước vào thì rời khỏi nhà giam K4, thuộc Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), bản thân lại lưu luyến, bịn rịn và thầm cảm ơn nơi đã khai sinh ra mình lần thứ hai trong cuộc đời này. Tuấn tâm sự, trong trại, biết học thức và tội trạng của anh, Ban giám thị đã tạo điều kiện để anh cải tạo tốt bằng cách giao phụ trách lớp xóa mù chữ cho phạm nhân, sau đó làm đội trưởng đội phạm nhân và cơ duyên đến với nghề nuôi kỳ nhông cũng xuất phát từ đây. Tuấn tâm sự, phụ trách đội phạm nhân, ngày ngày đội của anh được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn kỳ nhông của trại giam, nuôi để tăng gia sản xuất. Nhìn thấy chúng chạy loăng quăng trên cát, anh đã nảy ra ý tưởng sau này ra khỏi nhà tù sẽ đầu tư để nuôi kỳ nhông, bởi quê anh rất giống với vùng đất này, với những bãi cát trải dài mênh mông.

Từ ý tưởng đó, ngày ngày, lúc rảnh rỗi Tuấn lại mượn sách vở để tìm hiểu, học tập. Những khi có người nhà vào thăm, Tuấn lại nhờ gửi mua thêm những cuốn sách nói về loài kỳ nhông để tìm hiểu thêm. Sau khi tích lũy được lượng kiến thức kha khá về loài động vật này, đến ngày 17/1/2009, khi được đặc xá ra tù trước thời hạn, Tuấn đã về quê và bắt tay ngay vào ý tưởng nuôi kỳ nhông trên cát ngay chính trên quê hương mình.

Trở thành tỉ phú trang trại nhờ kiến thức học được từ trong nhà tù

Ra tù, trở về quê nhà, Nguyễn Thanh Tuấn bắt tay ngay vào việc làm giàu từ giấc mơ trang trại kỳ nhông. Ý tưởng của anh đã vấp phải sự phản đối của bố mẹ khi các cụ thân sinh cho rằng, nuôi anh ăn học thành tài là để thoát khỏi ruộng đồng lam lũ, ngờ đâu sau bao sóng gió, anh lại trở về với việc cuốc đất be bờ. Mặc, anh vẫn kiên định với hoạch định cho tương lai của mình. Khởi nghiệp từ 12,5 triệu đồng tiền bán con bò duy nhất của gia đình, Tuấn vay mượn thêm anh em bạn bè để đầu tư trang trại và mua con giống. Hồi mới làm, ai cũng cho rằng anh bị “khùng”, bởi nuôi kỳ nhông đòi hỏi kỹ thuật cao, ở quê anh ngày đó nghề này lại hết sức lạ lẫm. Tuấn vào tận Bình Thuận mua con giống, đem về lai tạo với kỳ nhông địa phương, cần mẫn tích cóp, lấy ngắn nuôi dài, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Tuấn đã dần thành công với mô hình trang trại của mình.

Tuấn bên trang trại bạc tỷ của mình.

Đến nay, trang trại của Nguyễn Thanh Tuấn đã có diện tích trên 3.000m2, với hàng nghìn con kỳ nhông, kỳ đà. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi thêm kỳ tôm, rắn mối, heo và gà. Sau 6 năm kể từ ngày ra tù, Tuấn đã có hơn 10.000 con nhông cát, 100 con kỳ đà, 500 con kỳ tôm, 5.000 con rắn mối, 150 con gà Đông Tảo, 7.000 gà thịt, 200 con heo hướng nạc... và hơn 10.000 cây ăn quả các loại. Bản thân anh cũng đã thành lập được công ty chuyên cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, Tuấn đã liên kết các trường trung cấp trong tỉnh truyền đạt kiến thức cho hơn 500 nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, giải quyết được việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng.

Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, Nguyễn Thanh Tuấn được nhiều cấp, ngành khen thưởng, như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2010; giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam tiêu biểu năm 2011 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng, giải thưởng “Trang trại vàng” Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam tặng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu làm theo lời Bác” năm 2010. Anh cũng là một trong những điển hình tiên tiến vừa được Công an tỉnh Quảng Nam khen thưởng tại hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua. Cuối năm nay, Nguyễn Thanh Tuấn là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Nam tham dự hội nghị biểu dương cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng toàn quốc do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội.

Chia sẻ về cuộc đời thăng trầm của mình, Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, tương lai của anh chẳng biết rồi sẽ đi về đâu nếu không có những tháng ngày thụ án tại Trại giam Xuân Lộc. Tại đây, anh đã được cán bộ quản giáo giác ngộ, ân cần giúp đỡ và tạo điều kiện để anh tiếp làm lại cuộc đời, tiếp xúc với kỹ thuật nuôi kỳ nhông. Và để tri ân những người đã khai sinh ra anh lần thứ hai trong cuộc đời, Tuấn đã thường xuyên đến thăm trại giam, đồng thời bản thân anh thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện tại địa phương mỗi năm với số tiền từ 40-50 triệu đồng. Tuấn cho biết, anh vẫn chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại, thời gian tới, anh sẽ mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình bằng cách hướng dẫn cho nhiều hộ dân cùng làm trang trại như mình để họ không chỉ có cơ hội thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an): “Tấm gương của Nguyễn Thanh Tuấn là bài học về nghị lực biết vươn lên sau vấp ngã để làm lại cuộc đời có ích cho xã hội. Đây là tấm gương sáng cho những người từng mắc lỗi lầm noi theo".

PV
.
.
.