Từ cô bé mồ côi đến bà mẹ một con vô địch SEA Games

Thứ Sáu, 03/01/2020, 19:37
Chỉ 13 tháng sau khi sinh con đầu lòng, "nữ hoàng điền kinh" Nguyễn Thị Huyền đã có màn tái xuất ngoạn mục khi giành tấm Huy chương Vàng SEA Games ở nội dung sở trường 400m nữ, 400m rào và 400m tiếp sức.

Để có được thành công ấy, Nguyễn Thị Huyền đã phải hy sinh rất nhiều trong cuộc sống riêng tư, thậm chí là cả thiên chức thiêng liêng của người mẹ.

Vượt qua khó khăn

Trên đất Philippines, Nguyễn Thị Huyền đã qua mặt đồng đội Quách Thị Lan lẫn đối thủ Thái Lan để đoạt Huy chương Vàng với thông số thành tích ấn tượng (52 giây 80). Việc một vận động viên (VĐV) điền kinh bảo vệ Huy chương Vàng SEA Games chỉ 13 tháng sau khi sinh con được đánh giá là "chưa có tiền lệ" trong làng điền kinh không những của Đông Nam Á mà của cả thế giới.

Thực tế là chỉ 3 tháng sau khi sinh, Huyền đã ra sân tập lại. Lần đầu tái xuất hồi tháng 7-2019 ở giải điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh, tức 10 tháng sau khi sinh, Huyền đoạt cú đúp Huy chương Vàng. Đến giải vô địch quốc gia vào tháng 9, Huyền lại lên ngôi cao nhất và được bổ sung lên tuyển quốc gia tham dự SEA Games 30.

"Tôi không có bí quyết gì ngoài cố gắng. Những ngày mới trở lại, tôi phải tập chay, đơn độc nhưng không vì thế mà bỏ cuộc", Nguyễn Thị Huyền cho biết sau khi giành tấm Huy chương Vàng SEA Games.

VĐV quê Nam Định đã phải vượt qua những khó khăn đặc biệt để có thể cống hiến cho đất nước tại SEA Games. Bà mẹ trẻ sinh năm 1993 này đã phải sớm cai sữa cho con để có thể trở lại tập luyện và thi đấu. Huyền chia sẻ cô không dám nằm cạnh con ngủ bởi sợ buổi sáng sẽ không thể dậy sớm để đi tập. Những ngày xa con, Huyền cũng chỉ biết giở điện thoại ra để xem những clip con cho đỡ nhớ.

Nguyễn Thị Huyền "bà mẹ bỉm sữa" vô địch SEA Games 30.

Huyền cho biết: "Giành Huy chương Vàng SEA Games 30 như một giấc mơ với tôi bởi 2 năm trước tôi còn giành 3 Huy chương Vàng SEA Games và chưa lập gia đình, chưa có con. Hai năm sau tôi đã có một con gái 15 tháng và tiếp tục giành vàng. Tôi không dám nghĩ mình có thể trở lại và  tỏa sáng được như hôm nay.

Tôi sinh con bằng phương pháp mổ, thế nhưng ba tháng sau sinh tôi đã trở lại tập luyện. Ba tháng sau đó, tôi phải cai sữa không cho con bú vì nếu cho bú tôi không chạy được, mỗi bước chạy cứ như có hai chai nước đeo trước ngực. Con gái tôi vì thế chịu thiệt thòi để tôi có được Huy chương Vàng hôm nay. Tấm Huy chương Vàng này là bao mồ hôi nước mắt của hai mẹ con tôi, tôi xin dành tặng nó cho con gái, cho gia đình, HLV của tôi".

Nguyễn Thị Huyền luyện tập trở lại sau khi sinh.

Tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 một lần nữa khẳng định vị thế "nữ hoàng điền kinh" của Nguyễn Thị Huyền. Tại SEA Games 28 năm 2015, khi mới 22 tuổi, Nguyễn Thị Huyền đã giành 3 tấm Huy chương Vàng cá nhân nội dung 400m, 400m rào và nội dung đồng đội 4x400m nữ. Không chỉ có thế, cô còn đạt 2 chuẩn dự Olympic 2016.

2 năm sau, Nguyễn Thị Huyền lại gây ấn tượng với thành tích tương tự SEA Games 2017. Giữa thành tích ở 2 kỳ SEA Games, cô gái này giành tấm Huy chương Vàng nội dung 400m rào nữ tại Giải vô địch châu Á năm 2017 tại Ấn Độ.

Năm 2018, Nguyễn Thị Huyền thông báo giã từ đường chạy để lập gia đình và sinh con. Không ai nghĩ rằng cô gái vàng của điền kinh Việt Nam lại có thể tái xuất với thành tích ấn tượng như vậy. Khi mới trở lại tập luyện, Huyền thường xuyên phải bỏ đường chạy ra ngoài…  nôn khan vì chưa lấy được thể trạng vốn có. "Trở lại tập luyện đỉnh cao sau khi sinh con thật sự là điều mà tôi không biết phải diễn tả thế nào. Chỉ biết, cơ thể dường như chưa thể thích nghi như khi có phong độ tốt nhất…" - Nguyễn Thị Huyền tâm sự về thời điểm mới trở lại.

Ngay khi thể hiện tốt ở giải điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh và giải vô địch quốc gia, trong tính toán của Ban huấn luyện đội điền kinh, Nguyễn Thị Huyền chỉ là người hỗ trợ bọc lót cho Quách Thị Lan.

Nhưng rồi trên đất Philippines, Nguyễn Thị Huyền đã làm tất cả phải ngả mũ bằng màn trình diễn tuyệt vời của mình.

Huyền đến chia vui với HLV Vũ Văn Lợi sau khi chinh phục tấm HCV SEA Games.

Hoàn cảnh khó khăn

Nguyễn Thị Huyền sinh ra ở Ý Yên, Nam Định, trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Cô sinh ra trong một gia đình nhà nông và sớm mồ côi cha. Tình cảnh nhà Huyền còn trở nên khó khăn hơn khi chị gái hơn Huyền 8 tuổi đổ bệnh liên quan đến thần kinh, trong khi người mẹ lại đau ốm triền miên.

Một mình mẹ Huyền nuôi hai con gái nhỏ, đứa lớn không bình thường, đứa bé thì quá nhỏ. Khi Huyền mới vài tháng tuổi, vì nhà quá neo người, mẹ cô đành đưa cả hai chị em ra làm đồng. Cô chị không hiểu vì sao lôi em gái ra giữa bờ ruộng đúng lúc một con trâu đang chạy ngang. May cho Huyền khi không có việc đáng tiếc xảy ra.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Huyền vừa đi học vừa giúp đỡ mẹ việc đồng áng. Sáng sớm, cô đã ra đồng bắt cua giúp mẹ rồi về mới đi học, trưa đến lại lội bùn bắt ốc, đêm đến giã cua cho mẹ đi bán.  Ba mẹ con không có nổi một căn nhà khang trang tử tế, mãi sau này mẹ Huyền tích cóp mới mua được một miếng đất nằm nơi hẻo lánh không có sổ đỏ. Nhà không có đàn ông, mẹ lại hay đau ốm, Huyền trở thành trụ cột trong gia đình và sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc như sửa nhà từ khi còn ở tuổi thiếu niên.

Năm 15 tuổi, năng khiếu điền kinh của Huyền được phát hiện. Tiền bồi dưỡng hằng tháng cho các VĐV năng khiếu vỏn vẹn 1 triệu đồng, cô gái sinh năm 1993 cũng chắt bóp gửi về cho mẹ.

Sau khi vô địch SEA Games 28 năm 2015, đạt chuẩn Olympic và nhận được Huân chương Lao động hạng 3, cuộc sống của Huyền mới trở nên khấm khá hơn. Tổng tiền thưởng và quyển sổ tiết kiệm 400 triệu đồng được Nhà nước tặng, Huyền có 700 triệu đồng để lo cho mẹ và chị gái. Đó có lẽ là khoản tiền mà trong những giấc mơ đẹp nhất thuở bé, Huyền cũng không thể tưởng tượng ra.

Tuổi thơ khốn khó cùng hoàn cảnh bất hạnh đã rèn luyện cho Huyền một ý chí và nghị lực phi thường. Cộng với năng khiếu thiên bẩm, việc cô trở thành "nữ hoàng điền kinh" Việt Nam là thành quả của mồ hôi nước mắt của những ngày không ngừng phấn đấu.

Dù là một trong những VĐV xuất sắc nhất của điền kinh Việt Nam, Huyền rất ít khi ra nước ngoài tập huấn. Ngoài một đợt sang Mỹ hồi 2013, suốt mấy năm ở trong thành phần tuyển quốc gia, Huyền chỉ tập luyện ở trong nước với HLV Vũ Ngọc Lợi. Thầy Lợi cũng là một trong những người đầu tiên mà cô gái sinh năm 1993 chạy đến để chia vui sau giành tấm Huy chương Vàng SEA Games.

Ở tuổi 26 và với đẳng cấp sẵn có, Nguyễn Thị Huyền hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì vị thế "độc cô cầu bại" ở kỳ SEA Games tới ở những nội dung sở trường. 

Sự nghiệp không chỉ có Huy chương

Bên cạnh những thành tích đáng tự hào, Nguyễn Thị Huyền cũng có những khoảng trầm trong sự nghiệp đầy vinh quang của mình.

Sau SEA Games 2015, cô được kỳ vọng sẽ giúp điền kinh Việt Nam giành vị thế tốt hơn ở sân chơi Olympic. Đội điền kinh đã từng lên kế hoạch để đưa cô đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài song Nguyễn Thị Huyền xin phép tập trong nước. Thế nhưng, quá trình chuẩn bị khi tập luyện ở trong nước của cô cũng không như kỳ vọng. Không tập đủ khối lượng cần thiết, thành tích của cô sa sút và rồi thi đấu nhạt nhòa ở Olympic 2016, xếp hạng 37/48 tại nội dung sở trường 400m rào. Sau đó, Huyền tiếp tục không đạt được thành tích tốt ở giải vô địch thế giới 2016.

Đó là giai đoạn mà có lẽ Huyền gặp vấn đề về tâm lý. Vào khoảng năm 2015, Nguyễn Thị Huyền - Quách Công Lịch là một trong những cặp đôi đẹp nhất của thể thao Việt Nam. Cùng có sở trường chạy 400m nên họ nhanh chóng tìm được sự đồng điệu, gắn kết từ sau giải trẻ quốc gia 2012. Cả hai đều được xem là niềm hy vọng vàng cho niềm thể thao Việt Nam.

Bẵng đi một thời gian, cặp đôi VĐV điền kinh tài năng không còn xuất hiện bên cạnh nhau thường xuyên như trước. Năm 2016 cũng là thời điểm phong độ của Huyền sa sút.

Tháng 1-2017, Nguyễn Thị Huyền thông báo kết hôn với chàng giảng viên ở Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn tên là Phạm Quỳnh. Hôn lễ của 2 người được cử hành ngày 3-1-2017. Đây cũng là bước ngoặt giúp Huyền lấy lại phong độ. Trong năm 2017, cô đạt thành tích tốt nhất trong sự nghiệp 56 giây 14 ở giải điền kinh vô địch châu Á, rồi lặp lại thành tích đoạt 3 HCV ở SEA Games 29.

Nguyễn Thị Huyền từng chia sẻ với báo chí: "Động lực của tôi là được gia đình chồng ủng hộ, phụ chăm sóc con cái để chuyên tâm tập luyện. Chồng tôi vốn là giảng viên điền kinh Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn nên cũng hỗ trợ cho tôi rất nhiều".

Đơn Ca
.
.
.