Tự khởi nghiệp giúp mình và giúp người

Thứ Năm, 17/05/2018, 10:32
Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, từ 11 tuổi đã phải xa nhà đi chữa bệnh, hơn 20 năm gắn liền với Viện Huyết học truyền máu Trung ương, hơn ai hết, chị hiểu được nỗi đau đớn, mệt mỏi và thiếu thốn của những bệnh nhân như mình. Không muốn dựa mãi vào bố mẹ đã già yếu, chị khởi nghiệp bằng đồng vốn vay mượn ít ỏi, vừa tự giúp mình có thêm tiền chữa bệnh, vừa tạo công ăn việc làm hỗ trợ cho những bệnh nhân như mình.


Ngôi nhà nhỏ của chị Phạm Thị Thoan (quê Nam Định) nằm sâu tít trong làng bún Phú Đô nổi tiếng. Trước đây chị thuê ở Yên Hòa việc đi lại dễ dàng hơn nhưng vì tiền nhà đắt, không đủ chi trả nên chị lại chuyển cơ sở giặt quần áo của mình về làng bún Phú Đô. Ngôi nhà nhỏ 3 tầng nhưng diện tích mỗi tầng chỉ hơn chục mét vuông vừa là nơi chị mở cửa hàng giặt quần áo thuê cho các bệnh nhân và người nhà trong Viện Huyết học, vừa là nơi chị và hai bệnh nhân nữa ăn ở, sinh hoạt.

Hai bệnh nhân ở cùng chị đều có hoàn cảnh khó khăn hơn. Suốt thời gian ở cùng, chị đều không lấy tiền thuê nhà. Tiền ăn uống, sinh hoạt, các em có bao nhiêu để hỗ trợ thì đưa, còn không chị cũng chẳng bao giờ đòi hỏi. Chị em có gì ăn nấy, nhưng biết người bệnh lúc nào cũng cần phải được ăn uống đầy đủ để có sức khỏe trị bệnh, nhất là với những bệnh nhân trong giai đoạn trị xạ nên chẳng bữa nào là chị không mua đủ thức ăn về cho các em. 

Chị Thoan chia sẻ về cuộc sống khó khăn của mình.

Ngoài hai bệnh nhân trị bệnh, chị còn giúp một bạn sinh viên vừa học vừa chạy xe ôm ở nhờ không lấy tiền. Lớn tuổi nhất nhà, cũng là bệnh nhân nhưng chị chăm lo cho các em đầy đủ chẳng khác gì người thân trong gia đình. Chẳng thế mà các em trong nhà đều trêu chị gọi là mẹ Thoan bởi sự tận tình chu đáo như một người mẹ.

Khi chúng tôi đến thăm, chị Thoan vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt gấp quần áo cho khách. Tầng 1 chật hẹp chị kê 2 chiếc máy giặt và 1 chiếc máy sấy làm nơi kinh doanh của mình. Mang "gương mặt điển hình" của người mắc bệnh tan máu bẩm sinh: luôn xanh xao, vàng vọt do thiếu máu, thừa sắt, nhưng nhìn chị Thoan rất nhanh nhẹn và tháo vát. 

34 tuổi, lẽ ra ở cái tuổi có được một hạnh phúc gia đình êm ấm, một công việc ổn định, 34 tuổi thì hơn 20 năm sống liền với bệnh viện, với thuốc thang, chị vẫn vất vả mưu sinh để cứu lấy mạng sống của chính mình. Từ năm 11 tuổi, gia đình đã đưa Thoan đi chữa bệnh ở Hà Nội, từ đấy, cuộc sống của chị là những chuỗi ngày chỉ biết đến bệnh viện, thuốc men. 13 tuổi, Thoan một mình bắt xe lên Hà Nội chữa bệnh mà không cần đến bố mẹ. 

Cứ sau một đợt điều trị, chị lại bắt xe về quê. Ròng rã hơn 20 năm trời như thế. Nhà có 4 anh chị em thì chỉ duy nhất mình Thoan mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều lúc chị nghĩ buồn và tủi thân lắm, trong khi bạn bè khỏe mạnh, có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn, giờ đều có gia đình, công việc ổn định thì mình lại ốm yếu, bệnh tật, phải sống nhờ vào bố mẹ. Anh chị em đều đã có gia đình, nhưng vì cuộc sống vất vả, khó khăn, đều là lao động tự do nên cũng chẳng hỗ trợ được nhiều cho cô em út. Thi thoảng gửi được cho em ít gạo, ít thức ăn, rau sạch ở nhà trồng được. 

Anh Dương là người nhà bệnh nhân được chị Thoan tận tình giúp đỡ.

Còn lại mọi chi phí khám chữa bệnh của Thoan đều do bố mẹ đã già yếu lo lắng, cáng đáng. Thoan bảo, có lần bố chị khóc mà nói rằng: "Liệu sau nay bố ốm yếu, mất đi thì ai sẽ lo lắng cho con". Nghe câu nói ấy, Thoan cũng chạnh lòng khóc theo. Thương bố mẹ, không muốn bố mẹ già cả, ốm yếu vẫn phải lo kiếm tiền thuốc thang cho mình, Thoan giấu bố mẹ trong thời gian trị bệnh vẫn đi làm thêm đủ thứ nghề để mưu sinh. 

Thời gian Thoan về nhà ít hơn, bố mẹ có hỏi, Thoan đều bảo phải ở lại chữa bệnh lâu dài. Từ đi rửa bát thuê, dọn vệ sinh, bán bánh khoai, bánh chuối, đến đi bán bảo hiểm, không việc gì là Thoan không làm đến.

Năm 2017, Thoan đã có một quyết định liều lĩnh: Mở một cửa hàng giặt là để phục vụ chính những người bệnh ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Nhớ lại những ngày "manh nha" khởi nghiệp trong sự phản đối của gia đình, Thoan kể: "Từ năm 13 tuổi, mình đã đi viện một mình. Khi nằm viện mệt lắm, đau lắm, những việc chăm sóc bản thân có thể cố làm nhưng rất mong có ai đó giặt quần áo cho mình". 

Nguồn vốn 30 triệu đồng mở cửa hàng cũng là do Thoan đi vay của bạn bè, những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng chữa bệnh với mình suốt bao nhiêu năm ở Viện Huyết học. Mỗi người vài trăm, vài triệu cuối cùng cũng gom góp được đủ tiền vốn trong tay. May mắn với Thoan là mọi người đều hiểu, thông cảm và giúp đỡ chị hết lòng vì cùng hoàn cảnh.

Thời gian đầu mới khởi nghiệp, Thoan cũng nhờ một cán bộ Phòng công tác xã hội của Viện Huyết học giúp đỡ. Chính chị ấy đã đưa Thoan đi đến từng phòng bệnh giới thiệu và mong mọi người ủng hộ. Những ngày đầu thật gian nan, Thoan nhận được rất ít quần áo. Có lúc cũng muốn dừng, muốn đóng cửa hàng. Áp lực, vất vả… khiến Thoan xanh xao, gầy còm, có lúc chỉ còn 38kg. Nhưng vốn kiên cường, tự lập, chị cắn răng không chia sẻ với ai, càng không dám về quê vì sợ cha mẹ thêm lo phiền.

Rồi dần dần cửa hàng của chị cũng đông khách hơn. Khách hàng của chị chủ yếu là gia đình các bệnh nhi vì bố mẹ các cháu phải chăm con nhỏ không thể giặt quần áo được, và những người bệnh ở viện một mình không có người thân chăm sóc như chị trước đây. Họ cũng dần quen với cô bệnh nhân nhỏ người nhưng thoăn thoắt, nhanh nhẹn ngày ngày đi thu gom quần áo lúc 7h tối và trả hàng lúc 3h chiều hàng ngày.

Có ngày "bà chủ nhỏ" phải chở cả trăm kg quần áo đi giặt. Mỗi buổi tối, sau khi người bệnh và người nhà người bệnh tắm gội xong, chị mới đến từng phòng nhận hàng về và đính tên, giặt sấy, gấp đến tận 2 giờ đêm mới kịp ngày mai trả đồ. Chỉ đủ tiền vốn mua 1 máy sấy nên Thoan liên tục phải thức để xong 1 mẻ sấy phải thay mẻ khác còn kịp trả đồ. Mới đầu ít khách, Thoan cho vào một mẻ để giặt sấy nên thường xuyên bị nhầm hàng. 

Về sau, Thoan thu và trả quần áo của từng phòng bệnh, và tự mọi người sẽ nhận đồ của mình để tránh nhầm lẫn. Cứ ngủ 1 tiếng, Thoan lại đặt đồng hồ dậy lấy mẻ quần áo đã sấy ra gấp trả khách. Thể trạng yếu, thiếu máu, thừa sắt, nhẹ cân, lại thức khuya liên tục nên đã có lúc Thoan kiệt sức, ngã xe vì chở khối đồ nặng gấp rưỡi cân nặng của mình. Nhưng chỉ cần có thể tự trang trải cuộc sống và chi phí đi viện cho mình, chỉ cần bố mẹ bớt phải lo nghĩ cho con gái, chị lại thêm động lực lao động.

Nơi kinh doanh nhỏ hẹp của chị Thoan.

Không chỉ tự "khởi nghiệp", chị Thoan còn kêu gọi ủng hộ một số người bệnh gặp khó khăn khác tại Viện, hay giúp một vài bệnh nhân có việc làm. Có trường hợp chị kêu gọi được vài triệu, nhưng cũng có trường hợp chị kêu gọi được vài chục triệu. "Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh phần lớn đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. 

Tôi chủ yếu kêu gọi những trường hợp được ít người biết đến, bởi những trường hợp khó khăn, bệnh nặng đều được phòng Công tác xã hội và các cá nhân, nhà hảo tâm kêu gọi được khá nhiều rồi. Nhưng mình vẫn mong các nhà hảo tâm hãy giúp đỡ nhiều hơn những trường hợp mà thực sự bệnh nhân có cơ hội phẫu thuật, có cơ hội được sống.

Bởi mình thấy có nhiều trường hợp, các bé bị bệnh nặng, nếu có tiền ghép tuỷ, có nguồn tuỷ phù hợp bé có cơ hội sống thì lại được ủng hộ rất ít, có bé sức khoẻ rất yếu, dù đã được ủng hộ rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa thể phẫu thuật, vẫn đang trông chờ vào chính số phận, cơ thể của bé có đáp ứng được với máy móc, thuốc thang hay không", chị Thoan tâm sự. 

Hay như trường hợp anh Trần Thái Dương, người nhà một nữ bệnh nhân ung thư máu trong viện được chị tận tình giúp đỡ. Quê anh Dương ở tận Hà Tĩnh, vợ bệnh nặng, anh phải gửi con cho ông bà nội trông nom lên Hà Nội chăm vợ mấy năm nay. Vất vả, bươn trải, người anh cũng gầy rộc đi. Vợ anh bị nặng, thường xuyên phải xạ trị trong viện. Buổi trưa, anh nhờ các bệnh nhân khoẻ, người nhà bệnh nhân mua đồ ăn giúp vợ để tranh thủ về giúp chị Thoan giặt, gấp quần áo cho khách. 

Chiều lại chở hàng trả khách và tối lại cùng chị Thoan đi thu gom quần áo bẩn. Rảnh lúc nào anh lại mượn xe máy chị Thoan đi chạy xe ôm. Trưa tối đều được chị Thoan giúp ăn ngủ nghỉ miễn phí tại nhà thuê của chị. Hàng tháng, chị Thoan trả anh 3 triệu đồng tiền lương để giúp anh có thêm chi phí chăm sóc và chữa bệnh cho vợ. 

Nhưng đấy là vào mùa đông, nhiều khách hàng nhờ chị giặt quần áo. Giờ vào hè nóng nực, trong nhà ai cũng sử dụng điện nước nhiều, bệnh nhân cũng giặt ít quần áo hơn nên công việc của Thoan gặp nhiều khó khăn. Chị cũng phải giảm tiền lương cho Dương nhưng anh vẫn hiểu và thông cảm cho chị.

Thoan bảo, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khi vẫn tự đi lại, tự làm việc kiếm tiền nuôi chính bản thân mình. Ước mơ lớn nhất của chị là mở được một trung tâm giới thiệu việc làm cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh. Bởi hơn ai hết chị hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân như chị gặp phải. 

Họ cần việc làm nhưng sức khoẻ yếu, chẳng có cơ quan, doanh nghiệp nào nhận người như họ, trong khi chi phí thuốc thang, chữa bệnh thì ngày càng đắt đỏ. Thế nhưng ước mơ chắc vẫn chỉ là mơ ước, Thoan chỉ biết cố gắng hết sức, giúp mình và giúp người khác trong phạm vi có thể.

Phong Trâm
.
.
.