Từ người lầm lỡ, trở thành "ngân hàng" của người nghèo

Thứ Tư, 20/07/2016, 13:33
Đất Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) là mảnh đất văn hóa độc đáo, cũng nổi tiếng về một người từng chấp hành xong án phạt tù, đã gây dựng cơ nghiệp, trở thành người có ích. Đó là ông Tạ Khắc Tiến, hiện đang mở xưởng làm ăn phát đạt, tạo công ăn việc làm cho khá nhiều lao động địa phương.

1.Đất Mường So đẹp như mơ với cuộc sống bình yên của người dân tộc Thái. Và mọi người cũng vui hơn, khi mảnh đất này tiếp tục từng ngày thay da đổi thịt nhờ sự chung tay góp sức của những người con yêu quê hương, trong đó có ông Tạ Khắc Tiến, hiện đang sinh sống tại thôn Tây Nguyên, xã Mường So. 

Ngồi trong cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Tiến giờ "oách" lắm. Điện thoại gọi tới tấp lấy hàng, ông và công nhân bận luôn chân luôn tay. Ngơi việc, ông đã dành cho chúng tôi chút thời gian quý báu của mình. Hồi tưởng lại quá khứ, ông Tiến cho biết, tiếng là đất của vùng văn hóa, nhưng xưa trai xóm, bản cứ người này kéo người kia, nên trở thành nô lệ của "nàng tiên nâu" và sa vào con đường buôn bán ma túy.

Tạ Khắc Tiến cưới vợ năm 1992, là người hiền lành nên anh em hàng xóm rất quý. Cũng vì được quý mến, nên ai bảo gì anh cũng nể, nhất là chuyện cùng "bắt tay" để có tiền. Dù anh biết buôn ma túy là phạm pháp. Anh kể: "Anh em rủ tôi đi buôn, kiếm đồng tiền. Họ bảo công việc đó mới nhanh giàu, chứ cứ đi làm ruộng, quần quật vất vả mà chẳng được bao nhiêu. Vậy là tôi đã nhắm mắt làm liều.

Vào thời điểm năm 1993, mua ma túy ở Lai Châu còn dễ hơn đi mua mớ rau ngoài chợ. Nhiều người đã bị cuốn vào "cơn bão" ma túy với những dự tính làm giàu từ ma túy của nhiều người. 

Ông Tiến cũng bị lôi cuốn vào cuộc. Những vụ buôn bán nhỏ lẻ, nguồn hàng dè xẻn từ bạn bè đã trót lọt, nhưng rồi ông đã bị lực lượng Công an bắt gọn khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng khá lớn. Năm 1997 ông bị Tòa án nhân dân Lai Châu tuyên phạt 12 năm tù giam, chấp hành án phạt tại Trại giam Phù Yên (Sơn La).

Ông Tạ Khắc Tiến.

Là người nông dân hiền lành, lúc đó ông Tiến cảm nhận sâu sắc nỗi đau của người mất tự do. Ông thổ lộ: "Tôi rất ân hận vì những việc mình đã làm. Lúc đó, tôi đã có một đứa con, vợ tôi sẽ phải vất vả để làm lụng nuôi nó. Còn tôi thì ngồi trong tù. Tôi lại nghĩ đến chuyện tiêu cực, rồi được giám thị trại giam động viên, giúp đỡ, chia sẻ nên tôi đã nghĩ lại. Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Vợ tôi cũng nói thế. Vậy là tôi chịu khó cải tạo hơn, hoàn thành tốt công việc mà cán bộ giao cho để chờ ngày được hưởng khoan hồng của pháp luật".

2. Ông Tiến từng nghĩ, với án phạt 12 năm tù thì mình sẽ rất khó có thể làm lại cuộc đời. Nhưng không, 12 năm tù - 12 năm dài đằng đẵng với bao nhiêu suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời, lỗi lầm và có cả những dự định tương lai cho ngày trở về. Ông đã được giảm án nhiều lần, và năm 2005 đã trở về. 

"Sau chừng 8 năm trong trại, trở về cuộc sống đời thường tôi thấy mọi thứ thay đổi nhanh quá. Tôi cứ như người rừng nhiều năm không được tiếp xúc với người dân, cảm thấy rất mất tự tin", ông Tiến bộc bạch.

Về nhà, bố mẹ đều đã mất, vợ con nheo nhóc sống bên ngôi nhà nền đất, mái lá xiêu vẹo. Ông Tiến nói với vợ là bà Trần Thị Huế: "Mình ơi, tôi ra khỏe mạnh, tôi thay đổi rồi. Vợ chồng mình sẽ làm ăn tốt để bù đắp cho nhau". Bà Huế sẵn đã nhiều lần vào thăm chồng ở trại giam, rất hiểu sự quyết tâm của chồng nên mừng lắm. 

Họ được chính quyền xã Mường So giúp đỡ, cộng với nguồn vốn vay từ Hội Phụ nữa xã Mường So, đã có khoản vốn vay 45 triệu đồng. Do là hộ nghèo, nên gia đình được hỗ trợ 76 viên ngói xi măng, vợ chồng ông Tiến đã xây dựng lại ngôi nhà để tránh mưa tránh nắng.

Cùng với đó là lao động, cày cuốc, tích lũy thêm vốn, vợ chồng ông mở xưởng sản xuất gạch bi, ban đầu làm hoàn toàn thủ công để cung cấp cho địa bàn xã và các vùng lân cận. Đóng gạch bằng thủ công rất tốn công sức và thời gian, nhưng kiên trì trong 3 năm đầu, ông Tiến đã thành công với nhiều mối làm ăn vừa và nhỏ. Bà con trong thôn cũng dần tin tưởng và mua gạch xây các công trình có quy mô nhỏ... 

Trời không phụ lòng người, ông tiếp tục đi vay vốn, đã mạnh dạn mua máy về làm gạch, mở rộng sản xuất và thuê thêm người cùng làm. Ước mong vươn lên làm giàu của ông đến giờ đã thành hiện thực, người trong thôn ngoài xóm đã biết đến ông với cương vị là một ông chủ doanh nghiệp sản xuất gạch bi nổi tiếng và buôn bán vật liệu xây dựng với số vốn lên đến hàng tỷ đồng, và mua hai ôtô tải để chở hàng cung cấp cho bà con. Với việc mở doanh nghiệp ông tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho 5 công nhân với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

3. Với những thành tích đạt được trong cuộc sống, và là tấm gương tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu, ông Tiến đã nhận được nhiều bằng khen của cơ sở, Công an Lai Châu và Bộ Công an.

Đại tá Phạm Minh Nhượng, Trưởng phòng PC 81, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Ông Tiến là một tấm gương hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Ở địa phương, ông ấy là người có uy tín, được bà con tin tưởng. Còn đại diện Công an huyện Phong Thổ thì cho hay, địa bàn huyện có không ít người hoàn lương. Nhưng họ chỉ làm ruộng kiếm sống bình thường, còn ông Tiến thì làm giàu, và tạo công ăn việc làm cho người khác. Thật là hiếm.

Ông Tạ Khắc Tiến chia sẻ cùng phóng viên.

Đúng vậy, thành công và tự tin, ít ai nghĩ được con người này đã từng trải qua biết bao sóng gió. Nay ông lại là "ngân hàng" của bà con, nhiệt tình cung cấp vật liệu xây dựng, với hộ nghèo, ông giúp đỡ lấy rẻ hơn và cho chịu thời gian dài. Giờ đây tuy đã có của ăn của để, có người làm thuê, nhưng ông Tiến vẫn sống mộc mạc, giản dị, chịu khó và không ngừng có ý tưởng mở rộng kinh doanh. 

Hơn thế, người dân vẫn thấy "ông chủ Tiến" lặn lội chở hàng giao cho bà con ở những bản làng rất xa. Có bận, trời nhá nhem tối, đường núi dốc, xe bị nghiêng và lật, bà con trong bản phải hò nhau ra đỡ "cậu" xe dậy. Thấu hiểu cảnh nghèo, nên ông Tiến còn thường xuyên cho nhiều người nghèo mua hàng chịu, khó khăn quá anh không lấy lãi. 

Anh Trần Văn Tỏ, người dân trong xã khoe: "Đợt tôi xây căn bếp, vì nhà tôi hoàn cảnh, ông Tiến hứa cung cấp vật liệu cho chịu một nửa. Thấy tôi khó khăn và còn đầu tư cho chăn nuôi, ông ấy thương nên cho chịu luôn cả căn". Biết tiếng ông Tiến, người muốn mua nguyên vật liệu xây dựng, nhưng bí tiền cứ đến gõ cửa, ông Tiến luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Nhiều cụ già ở Mường So tâm sự rằng, ở những vùng núi cao này, tệ nạn không ít, người lầm lỡ nhiều. Nhưng biết đứng lên làm ăn, và lại làm giàu, làm phúc cho người như ông Tiến thì hiếm lắm. Tấm gương của anh ấy đã khiến cho nhiều người nể phục, tìm đường vươn lên, đúng như lời ông từng tâm sự: "Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn".

Ông Tiến chia sẻ: "Tôi đã từng sai lầm, cuộc sống cũng từng vất vả. Tôi may mắn được trở lại với đời, được mọi người giúp đỡ, thì tôi cũng phải sống tốt để trả nợ đời, là chỗ dựa cho vợ con. Con lớn của tôi sắp tốt nghiệp đại học rồi. Còn cháu bé, khi trở về vợ chồng tôi mới sinh, cũng rất ngoan ngoãn và học giỏi. Đó là vinh dự và món quà mà trời ban cho vợ chồng tôi ở cuộc đời này. Thật may mắn!".

Ngô Thục Miên
.
.
.