Peter Tabichi: Từ "thầy giáo làng" đến giải "Giáo viên toàn cầu"

Thứ Bảy, 13/04/2019, 07:41
Một giáo viên dạy trường làng ở miền quê nghèo khó của một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, nhưng đã vượt lên 10.000 đề cử đến từ 179 quốc gia, xuất sắc giành giải "Giáo viên toàn cầu" 2019. Người thầy ấy chính là Peter Tabichi, 36 tuổi, giáo viên Toán và Vật lý tại Trường trung học Keriko ở Kenya.


Tuy là một trong những nước có nền kinh tế phát triển ở châu Phi, trên thực tế, Kenya vẫn là nước nghèo và lạc hậu, với vấn nạn HIV/AIDS gây ra nhiều hệ lụy xã hội, trẻ mồ côi do căn bệnh này gây ra có thể được tìm thấy khắp nơi trên đất nước. 

Trường trung học Keriko, nơi thầy Peter Tabichi dạy học thuộc làng Pwani, huyện Nakuru của Kenya cũng là một ngôi trường nghèo với phần lớn là các học sinh nghèo, gần 1/3 học sinh là trẻ mồ côi hoặc sống với cha, mẹ đơn thân, cuộc sống khó khăn, đến ăn còn chẳng đủ no. 

Không những thế, hàng ngày các em còn phải đi bộ một quãng đường rất xa để đến trường. Nhiều đoạn đường còn không thể đi được khi vào mùa mưa vì Pwani là một vùng hẻo lánh, nửa khô cằn của Thung lũng Rift. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội, có học sinh trong trường từng lạm dụng ma túy, mang thai ở tuổi vị thành niên, bỏ học, kết hôn khi còn ít tuổi và có vài trường hợp đã tự tử...

Nhưng khi đến công tác và giảng dạy tại đây, thầy giáo Peter Tabichi đã khiến ngôi trường hoàn toàn thay đổi và chính thầy cũng làm thay đổi cuộc sống của các em học sinh nơi đây.

Nhận thấy phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn, trong khi trường thì thiếu tài liệu giảng dạy, nghiên cứu và học tập, thầy Tabichi đã trích 80% thu nhập hàng tháng của mình để giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như mở Câu lạc bộ bồi dưỡng tài năng, Câu lạc bộ khoa học giúp học sinh thiết kế các dự án nghiên cứu chỉ bằng một chiếc máy tính cũ duy nhất với kết nối Internet yếu, chập chờn. 

Nhưng nhờ đó mà học sinh của thầy đã làm nên những điều kỳ diệu, có thể tham gia tranh tài trong các cuộc thi khoa học quốc gia. Có đến 60% dự án của học sinh ở Trường THCS Keriko đủ đáp ứng tiêu chuẩn dự thi quốc gia.

Chẳng hạn như các học sinh của thầy Peter Tabichi đã tham gia Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật Kenya 2018, nơi họ trưng bày một phát minh giúp người mù và người điếc đo các vật thể. Và ngôi trường THCS Keriko lần đầu tiên là đại diện cho các trường công lập trên toàn quốc tham gia tranh tài ở hội chợ khoa học nói trên. 

Hay thành viên đội tuyển toán và khoa học của trường cũng vượt qua vòng loại, chuẩn bị dự thi Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật quốc tế INTEL năm 2019 sắp diễn ra ở Arizona, Mỹ. Cũng ở một cuộc thi khoa học quốc tế khác, học sinh của thầy Tabichi còn giành được một giải thưởng từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh sau khi khai thác đời sống thực vật địa phương để tạo ra điện.

Thầy Tabichi chia sẻ: “Tôi thường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong 80% bài giảng để thu hút học sinh, vì thế tôi phải đến các quán cà phê Internet để thu thập thêm nội dung làm tư liệu giảng dạy. Tôi và 4 đồng nghiệp cũng kèm riêng học sinh yếu môn Toán và khoa học ngoài giờ trên lớp, thường là đến nhà các em vào cuối tuần để gặp gỡ gia đình, chỉ ra các thách thức mà họ phải vượt qua”.

Với nhiều đứa trẻ tại làng Pwani, việc đủ ăn đã là khó vì nơi các em sống thường xuyên đối mặt với những thảm họa khắc nghiệt như hạn hán, đói ăn. Thêm vào đó là việc lớn lên trong một cộng đồng nhiều tệ nạn rình rập khiến tỷ lệ trẻ bỏ học, trở thành tội phạm cũng gia tăng. Thế nhưng, thầy Tabichi xuất hiện đã mang đến một tia sáng thay đổi cuộc đời chúng, khiến tỷ lệ đến trường tăng và gia tăng cả tỷ lệ học sinh tiếp tục học đại học sau này. 

Cụ thể trong 3 năm vừa qua, số học sinh đăng ký vào trường đã tăng gấp đôi lên 400 em. Các trường hợp vi phạm kỷ luật đã giảm từ 30 mỗi tuần xuống chỉ còn 3 trường hợp. Năm 2017, tỷ lệ học sinh của trường đỗ đại học là 16/59 em, trong khi năm 2018, 26 học sinh đã đỗ đại học và cao đẳng. Thành tích của các học sinh nữ cũng có sự vượt trội rõ rệt, với nhiều em có kết quả dẫn đầu cả 4 kỳ kiểm tra trong năm ngoái.

Thầy Tabichi cho biết mình xuất thân trong gia đình có truyền thống làm  nghề giáo, nên thầy đã lấy chính cha mình làm tấm gương sáng khi cảm nhận vai trò to lớn của người thầy trong việc đóng góp cho cộng đồng thông qua sự cống hiến và niềm đam mê cũng như giác ngộ cho học sinh về cách giải quyết những thách thức của cuộc sống. 

Thầy chia sẻ: “Thấy học sinh của mình phát triển về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là niềm vui lớn nhất của tôi trong giảng dạy! Khi các em trở nên kiên cường, sáng tạo và làm việc hiệu quả tôi rất hài lòng vì chính các em đã đóng vai trò là người tạo ra vận mệnh lớn nhất của cuộc đời mình”.

Với những đóng góp to lớn của mình trong sự nghiệp giáo dục, ngày 24-3 vừa qua, thầy Tabichi đã được tôn vinh là thầy giáo xuất sắc nhất thế giới với giải thưởng 1 triệu USD do Quỹ Varkey trao tặng. Tại lễ nhận giải thưởng, thầy Tabichi xúc động nói: “Tôi có mặt được ở đây là nhờ những thành tích của các em học sinh. Giải thưởng này mang đến cho các em một cơ hội và nói với thế giới rằng họ có thể làm bất cứ điều gì. Châu Phi sẽ sản sinh ra các nhà khoa học, kỹ sư, doanh nhân mà đến một ngày tên tuổi họ sẽ nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới. Tôi tin rằng khoa học và công nghệ có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc giải phóng tiềm năng của châu Phi. Đây là bình minh của châu Phi, là thời đại của châu Phi”.

Nói về người thầy xuất sắc của nước mình, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta khẳng định: “Peter, câu chuyện của thầy là câu chuyện về châu Phi, một lục địa trẻ đang bùng nổ tài năng”. Còn Sunny Varkey, tỷ phú sáng lập Quỹ Varkey cùng giải thưởng “Giáo viên toàn cầu”, nói: “Tôi hy vọng câu chuyện của thầy giáo Tabichi sẽ khuyến khích những người khác đến với nghề giáo và chiếu tia sáng vào những giáo viên đang thực sự truyền cảm hứng để làm cho ngày mai tươi sáng hơn”.

Mặc dù hiện tại không ai biết chính xác thầy Tabachi sẽ làm gì với số tiền thưởng to lớn mới nhận được, nhưng người ta vẫn tin rằng thầy sẽ dùng phần lớn số tiền ấy cho các lĩnh vực liên quan đến giáo dục và từ thiện, cho các dự án cộng đồng tại địa phương, và để phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững hơn cho làng Pwani. 

Thúy Hạnh
.
.
.