Từ thủy thủ số một Việt Nam đến “Ông bụt” của người làng

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:51
Rời quê hương vùng cát Quảng Bình khi bước vào tuổi 20, cả cuộc đời ông bà Phan Hải rong ruổi lo làm việc rồi chắt chiu tiền bạc để khi về già quay trở về quê hương làm việc thiện. Gần 10 năm nay vợ chồng ông Phan Hải đã bỏ ra gần cả trăm tỷ xây dựng 2 ngôi trường học, một trạm xá, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, công viên… phục vụ nhân dân làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.


Anh ngư dân ven biển trở thành thủy thủ số một Việt Nam

Sinh năm 1943, năm nay đã bước qua tuổi 70, nhưng cuộc đời làm thuỷ thủ đã tôi luyện cho ông Hải vẻ rắn chắc và khoẻ khoắn lạ thường. Tôi đến gặp ông đang cùng nhóm thợ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của các công trình công cộng trên địa bàn làng Lý Hoà.

Sinh ra trong gia đình làm nghề biển có 8 anh chị em, quê nghèo nên cả nhà chẳng ai được học đến nơi chốn, chỉ có cậu con út Phan Hải được đến trường. Học để thoát nghèo, Hải luôn nghĩ vậy. Hằng ngày sau giờ lên lớp, Phan Hải lại cùng các bạn đồng niên và ngư dân dong thuyền ra biển cả đánh bắt tôm, cá. Cuộc sống người dân chài gắn bó với biển cả quê hương.

Với Phan Hải và người làng Lý Hòa, biển không chỉ cho tôm, cá, biển còn là quê hương, nơi bao đời người dân biển gắn bó thủy chung. Nói về biển, ánh mắt ông Phan Hải chất chứa yêu thương.

Không chỉ mình ông, mà cả làng Lý Hòa đều tự hào là quê hương gắn bó với biển cả từ hơn 500 năm trước. Lịch sử làng còn in đậm trong gia phả các dòng tộc nơi đây, nơi hàng trăm năm trước đã có những người con dong thuyền ra Trường Sa, Hoàng Sa đánh cá, khẳng định chủ quyền biển cả của đất nước.

Ông Phan Hải.

Học hết phổ thông, Phan Hải được chọn vào học trường Hàng hải, luôn giữ quán quân về điểm số học tập nên vừa ra trường, anh được phân công về làm thuỷ thủ, rồi thuyền trưởng tàu Hoà Bình, con tàu thuỷ lớn nhất của nước ta trong những năm đầu chống Mỹ.

Nhiệm vụ của tàu Hoà Bình là cập cảng các nước anh em, bè bạn như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan... để vận chuyển trao đổi hàng hoá giữa nước ta và nước bạn. Với bản lĩnh của thuyền trưởng tàu Hòa Bình, Phan Hải cùng đồng đội xô sóng, xé bom vượt biển đi vận chuyển hàng ngàn chuyến hàng về nước an toàn.

Thập niên 60 của thế kỷ XX, ngành Hàng hải luôn xem Phan Hải là thuỷ thủ số một Việt Nam. Vì vậy đến năm 1966, khi Ba Lan tặng nước ta chiếc tàu Việt-Ba với trọng tải hơn 4.500 tấn, loại tàu thuỷ chở hàng lớn nhất Đông Nam Á lúc đó, Phan Hải được phân công làm Thuyền trưởng tàu Việt-Ba.

Vinh dự nhưng trách nhiệm cực kỳ lớn lao, Hải biết vậy và anh lao vào học, nghiên cứu các tài liệu về đường thuỷ trên biển với suy nghĩ; phải tính toán làm sao để những chuyến tàu đi luôn được an toàn. Những sáng kiến của Hải về vận chuyển hàng hoá trên biển được ngành giao thông phổ biến áp dụng cho tất cả các tàu thuỷ của nước ta.

Đến năm 1967, Phan Hải là thuỷ thuỷ đầu tiên của nước ta được chọn gửi sang Ba Lan học về hàng hải 6 năm. Miệt mài đèn sách bên nước bạn, ra trường Hải được nước bạn giữ lại để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy. Nhưng với suy nghĩ "đất nước còn chiến tranh, còn rất cần những người như mình, phải về để phụng sự Tổ quốc", Phan Hải đã khăn gói trở về.

Anh tiếp tục được giao nhiệm vụ làm Thuyền trưởng một lúc 2 con tàu lớn nhất của Việt Nam là Cửu Long 1 và Cửu Long 2. Phan Hải lại tiếp tục thực hiện những chuyến vượt biển để vận chuyển hàng hoá phục vụ cho cuộc chiến giành độc lập, tự do của dân tộc.

Xây dựng trường làng đầu tiên theo chuẩn quốc tế

Cuộc đời thuỷ thủ luôn lênh đênh cùng sóng nước, nên mỗi khi tàu cập cảng lên đất liền Phan Hải tự thấy mình yêu đất đến kỳ lạ. Hòa bình, sau mỗi chuyến đi tàu, khi nhận được tiền thưởng, chế độ, anh em trong đoàn thường cùng gia đình chi tiêu, mua sắm.

Còn Phan Hải lại khác, những chiều tàu cập bến anh lại rong ruổi trên các đường phố TP Hồ Chí Minh. Nhìn những mảnh đất đẹp nằm nép mình dưới những tán cây, bên đường lớn Hải đều cố gắng vun vén tiền bạc để mua.

"Thực ra lúc đó mua cũng chẳng nghĩ để làm gì, để buôn bán gì cả, và đất lúc đó có mấy ai quan tâm. Tôi thích những ngôi nhà đẹp, khi phát hiện chủ nhà bán lại gom góp tiền lương, tiền thưởng vài ba năm mua một căn nhà. Có căn nhà chỉ mua với 2 cây vàng, với số tiền đó bạn bè tôi mua xe gắn máy, mua tivi, tiêu chơi… nhưng không hiểu sao tôi lại thích mua nhà", ông Phan Hải nói vậy.

Và thú mua nhà đã giúp ông Phan Hải trở nên giàu có trong những năm trở lại đây. Hiện anh sở hữu 5 căn nhà lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều căn nhà mặt tiền bao người đến hỏi mua nhưng vợ chồng ông Phan Hải tính toán "Không bán mà cho thuê nhà lấy tiền để làm việc thiện". Tất cả tiền cho thuê nhà, ngoài chi tiêu một cách hợp lý, ông bà đều gom góp, cất trữ để giúp người dân đang còn khó khăn, đặc biệt giúp đỡ quê hương vùng cát Quảng Bình. 

Ông Phan Hải cùng các em học sinh ở Lý Hoà trước ngôi trường ông xây dựng tặng quê hương.

Cách đây mấy năm, khi về quê thấy thầy trò trường THCS Lý Hoà gồng mình chống chọi với nỗi lo trường sập trong mùa mưa bão, vợ chồng ông Phan Hải đã quyết định bán một căn nhà, cộng với tiền bạc cất trữ được, cùng với chính quyền địa phương xây dựng ngôi trường khang trang gần 10 tỷ đồng tặng nhà trường.

Tiếp đó ông xây dựng trường tiểu học hàng chục tỷ đồng. "Mình trưởng thành từ mái trường quê, giờ là lúc mình phải báo hiếu, làm trường cho các cháu học hành", ông Hải tâm sự. 

Nhiều lần về quê thấy bà con trong làng đau ốm thường phải đưa đi bệnh viện tuyến xa, trang thiết bị y tế của xã lại quá nghèo nàn, ông bà Phan Hải xây dựng trạm y tế xã, mua đầy đủ dụng cụ y tế thiết yếu tặng xã. Mỗi công trình ông làm, ông không chỉ đóng góp tiền bạc mà tự ông đứng ra làm, ông thuê nhân công, giám sát công trình cho đến ngày công trình hoàn thiện.

"Nhà mình thợ làm có chỗ không ưng ý, mình đành chịu, chứ công trình của làng, của nước thì phải làm đến nơi đến chốn". Từ suy nghĩ đó, ông Phan Hải đã cùng thợ quần quật xây dựng trường. Nhiều trưa hè bỏng rát, hay ngày đông giá lạnh, người ta vẫn chứng kiến cảnh ông Hải quần ống thấp ống cao trộn từng mẻ hồ, xếp từng viên gạch cùng thợ.

Trước khi xây 2 ngôi trường ở Lý Hoà, ông đã cùng nhóm thợ đi khảo sát hầu hết các trường học ở TP Hồ Chí Minh để về chọn mẫu. Và hiện 2 ngôi trường ở Lý Hoà được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đánh giá là trường đẹp nhất, đạt tiêu chuẩn nhất so với hệ thống trường học của cả nước.

"Mình già rồi làm được cái gì có ích cho bà con thì làm, chết có ai mang theo được của cải đâu. Bốn đứa con của tôi đều đã trưởng thành, các cháu học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định và quý nhất là các cháu luôn động viên ba mẹ làm việc thiện", lời ông Hải sưởi ấm cho chúng tôi khi rời khỏi làng Lý Hòa trong chiều cuối đông giá lạnh. n

Dương Sông Lam
.
.
.