Tướng cướp danh tiếng đất Phủ Diễn hoàn lương trở thành “Người đi xây tổ ấm”

Thứ Tư, 23/04/2014, 14:30

Gã, một thời lang bạt kỳ hồ, chọc trời khuấy nước, bỏ qua truyền thống của một gia đình cách mạng, gã chọn chốn giang hồ, lấy việc trấn cướp để xưng hùng xưng bá, nổi danh cả đất Phủ Diễn – Hoan Châu một thời. Những ngày nằm trong trại giam, tình yêu của hai người phụ nữ, là mẹ già và cô gái làng đã thức tỉnh lương tri gã, để bắt đầu những ngày tháng làm lại cuộc đời khi tuổi xấp xỉ tứ tuần. Cũng vì con, gã chính thức giã biệt giang hồ, lên núi lập trang trại để dần biến mình thành một ông chủ, nhiều lần được chính quyền tuyên dương, trở thành nhân vật trong “Người đi xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) một thời.

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được Tăng Minh Hiếu (SN 1961), trú xóm 5, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đã qua rồi cái thời thét ra lửa, có đàn em hầu hạ, nhưng thoạt nhìn, ở Hiếu vẫn toát lên vẻ oai nghiêm của một đàn anh thực thụ. Chả trách thời còn làm mưa làm gió trên đất Phủ Diễn này, gã có đến hàng trăm đàn em dưới trướng, sẵn sàng cung phụng ông anh mà không có bất cứ đòi hỏi nào ngoài việc chỉ mong được tin dùng. Nhắc chuyện ngày xưa, gã cười chua chát xa xăm: “Cũng được cái tiếng là giang hồ, nhưng chẳng giữ lại được gì ngoài hai bàn tay trắng và nỗi ê chề của kẻ thất trận trở về. Đại ca, thời nào cũng vậy, danh phận phù du, chỉ có tình yêu với gia đình là còn mãi”. Nửa đời tướng cướp, nửa đời tu thân, Tăng Minh Hiếu mới nhận ra được giá trị thực đó của cuộc sống, và gã quyết tâm phủi bụi gót giang hồ để đứng lên, làm lại cuộc đời chính từ nơi mình đã vấp ngã.

Sa chân vào chốn giang hồ

Tăng Minh Hiếu sinh ra trong gia đình cách mạng, cha là chiến sỹ trong kháng chiến chống Pháp, mẹ là thanh niên xung phong, hai anh trai đầu của gia đình gã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cái nôi gia đình bài bản đó, gã cũng đã được học hành đầy đủ và được nhận vào công tác trong lực lượng vũ trang. Song, do bản tính ngông, gã vi phạm kỷ luật nên bị thuyên chuyển công tác. Bất mãn, gã xung phong ra chiến trường, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc cho đến lúc giải ngũ, trở về quê tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Do đá bóng giỏi nên Hiếu được chọn vào đội tuyển Sông Lam Nghệ An, xỏ giày ra sân Vinh cùng trang lứa với thế hệ Văn Sỹ Chi, Vũ Quang Bảo lúc bấy giờ. Tuy vậy, bản tính phóng khoáng nên nghiệp quần đùi áo số không giữ gã lại được bao lâu, chơi bóng một thời gian ngắn, gã xách ba lô vào Nam tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Nơi đất lạ, Tăng Minh Hiếu dạt xuống Biên Hòa (Đồng Nai) rồi kết nghĩa với mấy người Nghệ đang mưu sinh tại đây. Gã kể, bấy giờ nạn đàn anh đàn chị, cơm tù trấn cướp diễn ra bát nháo, những người Nghệ xa quê luôn bị bắt nạt nên gã mới tập trung tất cả lại, lập nên nhóm đồng hương, mục đích ban đầu là để tự bảo vệ nhau. Song do cái “uy” quá lớn bởi kẻ cầm đầu (là gã) là người có võ công thâm hậu do được rèn luyện trong quân ngũ, lại liều lĩnh, bất chấp nên các băng đảng khác nhanh chóng “dạt” hết, không còn dám bắt nạt.

Từ mục đích để bảo vệ nhau, Hiếu đã chỉ đạo đàn em tung hoành, cấm cựa các loại xe ra vào bến xe Biên Hòa, ban ngày làm luật còn ban đêm tổ chức trấn cướp. Chỉ trong thời gian ngắn, gã đã chỉ đạo gây ra hàng chục vụ cưỡng đoạt tài sản tai tiếng, sống vung vinh. Thấy gã “làm ăn” được, giang hồ Đồng Nai từ miền Đông kéo quân về tỉ tí giành lãnh địa, trong một trận huyết chiến không cân sức, gã đã chém phủ đầu một đại ca bản địa, sau đó nơp nớp sợ bị trả thù, đã nhảy xe đò về quê trốn biệt.

Về quê, sẵn máu yêng hùng, Tăng Minh Hiếu không từ bỏ được lối sống lang bạt kỳ hồ nên đã lập nên băng nhóm, tập hợp để tử là những thanh niên choai choai vô công rồi nghề trên địa bàn thị trấn Diễn Châu, tổ chức nhiều vụ cướp giật tài sản trên cung đường 1A đoạn qua huyện Diễn Châu. Để “ăn hàng”, gã chọn khu vực cầu Bùng làm chốn mai phục, nơi đây gần như rơi vào thế con đường độc đạo vì cầu rất hẹp nên khi đã rơi vào ổ phục kích của gã, rất ít nạn nhân thoát được.

Thời bấy giờ, băng nhóm của gã được dân anh chị gán cho biệt danh “Hiếu đen” bởi gã to cao, da đen trùi trũi. Không chỉ cướp giật, gã còn chỉ đạo đàn em đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê khiến một thời gian dài nhắc đến băng nhóm Hiếu “đen”, nhiều người khiếp đảm. Một lần, để bênh vực đàn em, gã liều lĩnh dùng lựu đạn chống lại Công an nên đã bị bắt giam và bị kết án 10 năm tù giam. Những ngày tu thân cải tạo trong nhà giam, tình yêu thương của người mẹ già và cô thôn nữ láng giềng Lê Thị Tứ, mỗi tháng một lần, đều đặn và cần mẫn đạp xe chở nhau vượt 50 cây số lên Trại giam số 3 (Tân Kỳ) thăm nom đã khiến gã cảm động, quyết tâm dứt áo giang hồ.

Đường hoàn lương gập ghềnh của đại ca Hiếu “đen”

Ra tù trước thời hạn 3 năm, việc đầu tiên Tăng Minh Hiếu thực hiện là tổ chức ngay lễ cưới với chị Lê Thị Tư, để trả nghĩa suốt những năm qua đã hi sinh tuổi xuân vì mình. Gã bảo, dấn thân vào chốn bịu đời dễ như trở bàn tay, nhưng để thoát ra không phải là chuyện đơn giản. Những ngày gã ra tù, đàn em tìm đến nịnh nọt không được, chúng “vời” đàn anh từ nơi khác đến dụ dỗ, dọa nạt nhưng gã nhất quyết đuổi thẳng cổ. Quen sống cung phụng trong sự vung vinh, giờ hai vợ chồng với hai bàn tay trắng, gã cắm mặt vào hai sào ruộng khoán, trong khi vợ chạy chợ buôn bán hoa quả. Những lúc nhàn rỗi, gã đi cày thuê cuốc mướn. Trong khó khăn gian truân ấy, hai vợ chồng lần lượt có với nhau 3 đứa con, gã bảo dù vất vả nhưng nhìn nụ cười trên môi vợ con, gã như tan biến mọi mệt nhọc, mỗi ngày làm việc bằng hai, ba lần sức mình.

Lúc bấy giờ, nhiều vùng trên quê hương Hiếu đang là hoang hóa, đầm lầy, Hiếu mạnh dạn vay vốn, thuê máy cày, máy xúc vào san phẳng, thuê cả hàng trăm hécta đất ở khu vực kệnh Vách Nam để làm trang trại. Hết tiền, gã nhờ thợ rèn rèn cho cái xà beng để đào đất, không có tiền mua máy bơm, gã xách bằng tay, mỗi ngày gã tưới trên 300 thùng nước cho cây trồng khiến ai cũng thán phục.

Với sự miệt mài lao động sáng tạo của mình, Tăng Minh Hiếu đã tạo dựng được một cơ ngơi khá khang trang lúc bấy giờ. Không chỉ vững về kinh tế, gã còn biết đến là người chồng, người cha mẫu mực. Người dân Diễn Hạnh vẫn còn truyền nhau câu chuyện để nhắc nhở cách dạy con, ấy là năm đứa con gái thứ hai thi vào trường huyện thiếu nửa điểm. Bận ấy, trường còn có 3 suất ưu tiên dành cho con cái gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Biết chuyện, đang từ một người tóc tốt, râu ria xồm xoàm và quen với việc đi chân đất, gã đã quyết định xuống tóc, sắm quần áo, giày dép mới rồi đưa con đến gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng.

Biết tấm lòng của gã, nhà trường đã “đặc cách” cho con gái gã được vào học cấp 3. Cũng bởi vậy, tháng 4/2013, chương trình “Người đi xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã về gặp và làm phóng sự truyền hình về gia đình gã, như một tấm gương trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Hiện, hai người con gái đầu của gã đã vào đại học, cậu trai út đang học nốt năm cuối phổ thông trường huyện.

Tăng Minh Hiếu chia sẻ, miệt mài là vậy nhưng công việc kinh doanh của gã không nhiều suôn sẻ. Có thời điểm, trang trại rộng đến 5ha này có đầy đủ cây trồng, vật nuôi, nhưng đến kỳ thu hoạch bỗng dưng lăn đùng ra dịch bệnh, rồi chết hết. Trắng tay nhưng không nản, hai vợ chồng tiếp tục gây dựng cơ đồ, sau lần thứ hai, rồi thứ 3 vẫn không mang lại hiệu quả, gã bàn với vợ chuyển hướng đầu tư. Một mình gã tiếp tục ở lại bám trụ trang trại, nuôi các con ăn học, trong khi vợ gã, chị Lê Thị Tư sang Lào mở đại lý hàng hóa buôn bán. Từ hai năm nay, kể từ khi vợ gã “xuất ngoại”, kinh tế gia đình có khởi sắc hơn khiến cả hai vợ chồng đều tin rằng, hướng lựa chọn kinh hoanh của mình là bước đi đúng đắn. “Bây giờ, nhìn các con đều được học hành chu đáo, ngẩng mặt nên cũng không thấy xấu hổ với chúng bạn, vợ chồng tôi mãn nguyện lắm rồi”, Hiếu chia sẻ lòng mình.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh cho biết, từ khi ra trại trở về quê hương đến nay, Tăng Minh Hiếu đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, góp phần giúp địa phương khởi sắc trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội và kinh tế. Không những thế, Hiếu còn tích cực tham gia cùng Ban Công an xã trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Gia đình Tăng Minh Hiếu cũng nhiều năm liên tục được UBND huyện Diễn Châu trao tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” và bản thân anh nhiều lần được vinh dự báo cáo điển hình tiên tiến tại các hội nghị tuyên dương của huyện và tỉnh Nghệ An tổ chức

Thành Vinh
.
.
.