Tỷ phú 9X hái ra tiền nhờ nghề "độc"

Thứ Năm, 09/08/2018, 15:41
Sau nhiều khó khăn, rồi sự dè bỉu của miệng lưỡi người đời, cuối cùng chàng thanh niên Nguyễn Văn Tùng đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên nhờ nghề độc "nuôi trai ngọc nước ngọt".


Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong ngành Công an, Nguyễn Văn Tùng (26 tuổi, trú tại thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) trở về quê với khát khao làm giàu. 

Anh quyết định học nghề "độc"- đó là bắt hàng ngàn con trai phải nhả ngọc quý trên chính mảnh đất của cha ông. Sau nhiều khó khăn, rồi sự dè bỉu của miệng lưỡi người đời, cuối cùng chàng thanh niên ấy đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên. Bên cạnh thu nhập 2 tỷ/năm, Tùng còn chia sẻ kinh nghiệm, nguyên liệu và giống cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Sau lần thất bại, anh Tùng đã không gục ngã mà còn bứt dậy mạnh mẽ hơn.

Nhìn cơ ngơi tiền tỷ ở thôn Dộc Lịch, ít ai dám nghĩ chủ nhân của nó lại là một chàng trai chưa đầy 30 tuổi. Có lẽ những va vấp, thất bại trong sự nghiệp khiến Tùng rắn rỏi hơn cái tuổi 28 rất nhiều. 

Ngôi nhà cấp bốn nằm sâu trong ngõ với hai chiếc ao nhỏ là nơi Tùng khởi nghiệp. Giọng anh trùng hẳn xuống khi tâm sự về những ngày đầu... 

Năm 22 tuổi, hết nghĩa vụ ngành Công an, Tùng trở về quê. Không vốn liếng, không nghề nghiệp, anh làm đủ thứ việc nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn. 

Sau nhiều trăn trở, với bản lĩnh, sự khao khát của mình, anh luôn nghĩ phải tìm và học được nghề gì đó "độc" để khởi nghiệp, làm giàu. Trong một lần vô tình xem ti vi, anh thấy mô hình cấy ngọc trai nước ngọt là nghề rất độc đáo, nếu thành công sẽ đạt hiệu quả kinh tế rất cao. 

Vẫn biết, để làm được nghề cấy ngọc trai nước ngọt là khó khăn nhưng Tùng vẫn quyết định tìm cách để học nghề. Chỉ sau 1 tháng suy nghĩ, Tùng đã quyết định "tầm sư học đạo". 

Anh âm thầm vay mượn bạn bè tiền để tìm đến đất Ninh Bình học cho kỳ được nghề đặc biệt này. Ngày Tùng ra đi, người thân, bạn bè không biết anh đi đâu, học gì và làm nghề gì. 

Bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi - Mẹ Tùng) kể lại: "Lúc đi, cháu giấu cả nhà không ai biết nó học hay đi làm. Vợ chồng tôi hỏi, Tùng chỉ nói: Con đi học, bố mẹ cứ yên tâm. 

Con thành công, mọi người sẽ biết con học gì, làm gì. Cháu nói vậy nên chúng tôi cũng không hỏi thêm. Hàng xóm hỏi thăm, vợ chồng tôi không biết trả lời thế nào. Cháu đam mê đến nỗi, mồng 3 Tết bạn bè rủ nó đi chơi, nó đều từ chối rồi gói ghém đồ đạc để bắt xe đi học".

Cấy ngọc trai là một bước vô cùng tỉ mỉ.

Tìm được thầy đã khó nhưng để thầy nhận dạy là điều còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi đây là nghề rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, nhiệt huyết. Vì thế, việc nhận học trò để truyền nghề là rất khắt khe, muốn nhận phải có thời gian thử thách. 

Sau hơn một tháng, nhận thấy Tùng thực sự yêu nghề và có tinh thần cầu thị, thầy mới chịu thu nạp và truyền nghề. Tùng nhớ lại: "Lúc em đến có khá nhiều người cũng đến ứng tuyển nhưng chỉ có một người là em được lọt vào mắt xanh của thầy. Số người mà thầy nhận dạy từ trước đến nay có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nghề này học không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. 

Quá trình học cấy ghép và nhân giống vô cùng khó, đòi hỏi người học phải thật tỉ mỉ, cần mẫn, sáng tạo và phải thật cẩn thận. Trong đó, kỹ thuật cấy ghép quan trọng nhất, nếu kỹ thuật tốt sẽ cho ra những viên ngọc đẹp, tỷ lệ thành công cao. 

Tụi em học như một cỗ máy, nhiều khi mệt rã rời, nhưng khi nghĩ đến người thân ở nhà lại phải cố gắng. Nuôi cấy ngọc trai không những cho em cái nghề kiếm cơm mà nó còn đổi cả tư duy và tính cách của em".

Sau hai năm vất vả học nghề, mà theo như Tùng nói thì đó là "lò bát quái", hành trang trở về là những viên ngọc trai tự tay cấy. Thấy con trai học được nghề, lại có thành quả là những viên ngọc trai, bố mẹ mừng rơi nước mắt. 

Thế nhưng niềm vui ấy chỉ như cái chớp mắt khi mà Tùng bắt đầu đề xuất ý tưởng khởi nghiệp. Học nghề đã là quá trình đầy tốn kém, mất nhiều thời gian thì khởi nghiệp, làm giàu với nghề ấy lại tốn kém và khó khăn gấp bội. 

Khi Tùng đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình nuôi cấy ngọc trai nước ngọt tại địa phương, anh đã gặp không ít sự phản đối của anh chị, bố mẹ, thậm chí còn cả những cái lắc đầu, đàm tiếu của người dân địa phương. Họ cho rằng đây là ý tưởng điên rồ, trai không thể làm ra ngọc ở một vùng như Vĩnh Phúc được. 

Tùng cười hiền nói với chúng tôi: "Nhiều người hoài nghi, phản bác, thậm chí nói xấu. Người tốt thì họ khuyên em không nên mạo hiểm, có người cười cợt vì cho rằng không thể nuôi được trai lấy ngọc ở khu vực đồi núi, nhưng em vẫn quyết tâm làm. Em không nghĩ đó là sự liều lĩnh, không coi nó là canh bạc mà là sự tính toán, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả trí tuệ nữa".

Sau khoảng 2 năm học, anh Tùng mới có được nghề đặc biệt này.

Đến hôm nay chị Nguyễn Hải Yến (21 tuổi, vợ Tùng) còn nhớ như in ngày chồng đưa ra mô hình và nói mọi người vay mượn tiền để đào hai cái ao, xây dựng một phòng nuôi cấy. 

Khi ấy mọi người nghĩ chồng mình lừa đảo và không thể thiện cảm với công việc của chồng. Mọi người cho rằng người ta lấp ao đi không được, anh lại đi đào ao. Rồi có người còn nói, ngọc trai thì làm gì có ở nước ngọt, không ai tin cả. 

Để rồi khi Tùng có lời vay mượn vốn thì không ai chấp nhận. Thậm chí anh làm hồ sơ vay vốn từ ngân hàng cũng bị từ chối bởi họ cho rằng đó là phương án không khả thi. 

"Là vợ nên em lúc nào cũng tin tưởng và ủng hộ chồng. Anh ấy có quyết tâm, có ý chí nên em nghĩ anh ấy sẽ thành công với ý tưởng của mình. Chính vì thế khi mà không vay mượn được gia đình em đã quyết định vay lãi ngoài, thậm chí vay nặng lãi" - Chị Yến chia sẻ.

Những ngày đầu lập nghiệp cũng là những ngày cả gia đình như đảo lộn, dù lo lắng nhưng ai cũng đôn đáo đi chạy tiền cho Tùng nuôi ý tưởng. 

Bà Hà tâm sự: "Vợ chồng tôi tất cả có 6 người con, Tùng là con út, gia đình lại làm nông nghiệp, làm quanh năm chỉ đủ ăn. Đùng một cái, Tùng quay về nói gia đình vay mượn cho hơn một tỷ để theo nghề khiến tôi sởn cả da gà. Số tiền ấy quá lớn, nếu thua lỗ, chúng tôi có bán hết nhà cửa, ruộng vườn cũng không trả được. Vợ chồng tôi cũng mất ngủ nhiều, bàn với nhau là cố gắng vay mượn, bởi nó làm ăn chứ không chơi bời gì".

Cứ nghĩ có tiền, có kiến thức là sẽ thành công, thế nhưng cú vấp đầu tiên trên bước đường khởi nghiệp như đánh Tùng ngã gục. 500 con trai (khoảng 6 tấn) đã được cấy ghép đưa từ Ninh Bình về nuôi chết sạch. 

Nhìn trai chết trắng ao, mùi hôi thối bốc lên chàng trai trẻ như sụp đổ. Kịch bản vỡ nợ, cả gia đình mất nhà vì nợ nần hiện về chưa khi nào rõ hơn lúc này. Tùng lo lắng, sụt cân trông thấy. 

Tùng rưng rưng nhớ lại: "Trai chết nhiều quá, tiền thì đã mất mọi người lại có cớ để cười cợt, chế nhạo em. Họ đồn thôi là em đã vỡ nợ, em đã lâm vào khủng hoảng. Có lẽ do em từng được tôi luyện bản lĩnh trong môi trường Công an nên đã gượng dậy được trong lúc khó khăn nhất".

Những viên ngọc trai do anh Tùng tạo ra.

Tùng bắt đầu tự tay mình nhặt từng vỏ trai, gom lên ô tô chở đi đổ, rồi dọn rửa, tẩy trùng ao để tìm nguyên nhân. Thế rồi nguyên nhân của sự thất bại ấy nhanh chóng được anh tìm ra. Anh đã đưa trai vừa cấy xuống ao khi thời điểm nhiệt độ cao khiến chúng không thể thích ứng và chết hàng loạt. Thời điểm thích hợp nhất là từ tháng 9 của năm nay đến tháng 3 năm sau.

Thất bại đầu đời dường như khiến Tùng đứng dậy mạnh mẽ hơn. Cậu đã thành công trong việc bắt trai nhả ngọc với tỷ lệ thành công lên đến 60 -70% số con nuôi trồng. Không những vậy Tùng còn cung cấp nguồn nguyên liệu, chia sẻ phương pháp nuôi trồng trong và ngoài tỉnh. 

Ngọc trai từ trang trại của Tùng đã vươn ra thế giới, thuyết phục được thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản. Mới đây anh đã ký hợp đồng với một công ty của Nhật Bản bao tiêu sản phẩm của mình. 

"Hiện em đã mở rộng diện tích nuôi trồng lên đến 2ha mặt nước với 10 vạn con và bán giống cho bà con ở Vĩnh Phúc và tỉnh ngoài. Ngoài ra, cứ 2 năm em lại cho thu hoạch được khoảng 17 vạn viên ngọc trai, giá từ 100 đến 400 ngàn/viên. Đặc biệt, có nhiều viên đẹp giá từ 4 đến 6 triệu đồng/viên. Tính ra mỗi năm cũng thu về dược khoảng 2 tỷ đồng từ việc nuôi ngọc trai. Thời gian tới em sẽ nghiên cứu làm ra những viên ngọc đẹp hơn, chất lượng hơn để trưng bày và giới thiệu sản phẩm tới bạn bè quốc tế".

Phong Anh
.
.
.