Ước mơ dang dở của chàng trai đất Quảng

Thứ Năm, 31/01/2019, 10:25
Mai Tư Khoa đã ghi dấu ấn trong lòng mọi người bằng những việc làm có ích cho đời, cho xã hội. Thế nhưng, ước mong xuân này được mang quà tết tặng người già sống neo đơn, người bệnh tật, nghèo khó ở vùng quê Quảng Trạch, Quảng Bình của Khoa đã dang dở mất rồi...


Cách đây đúng 20 năm, vụ lở đá tại Nhà máy ximăng Cosevco 11 đã khiến một chàng trai gãy hai đốt xương cột sống, liệt nửa người, suy giảm sức khỏe vĩnh viễn 91%. Vượt lên số phận, chàng trai ấy không chỉ khiến mọi người biết đến mà còn ngưỡng mộ và nể phục bởi những việc mình làm. 

Mai Tư Khoa đã ghi dấu ấn trong lòng mọi người bằng những việc làm có ích cho đời, cho xã hội. Thế nhưng, ước mong xuân này được mang quà tết tặng người già sống neo đơn, người bệnh tật, nghèo khó ở vùng quê Quảng Trạch, Quảng Bình của Khoa đã dang dở mất rồi...

Mai Tư Khoa được bạn bè gần xa biết đến cái tên Khoa Anh trên facebook, là một nhà thơ tàn tật và có nhiều hoạt động thiện nguyện. Anh sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình - mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, và cuộc sống khó khăn. 

Khoa Anh tặng quà cho học sinh nghèo.

Năm 1998, sau một vụ sạt lở đá dẫn đến sập hầm, Mai Tư Khoa bị bại liệt, cuộc sống gắn liền với chiếc giường, chiếc xe lăn và bệnh tật cùng những cơn đau kéo dài bất tận. Cuộc sống của chàng trai trẻ yêu đời, lãng mạn bắt đầu tiếp nối với những ngày dài sống trong bốn bức tường với những cơn đau, những buồn tủi và tuổi trẻ bị chôn vùi. 

Điều này khiến Khoa đã mấy lần có ý định tự tử để giải thoát cuộc đời và giải thoát cho cha mẹ nỗi khổ phải chăm sóc Khoa như một đứa trẻ, khi hoàn cảnh gia đình quá nhiều khó khăn.

Nhưng sau khi làm bạn với chiếc tivi, cái radio và những cuốn sách mà cha mẹ kiếm được, Khoa nhận thấy ở đâu đó giữa cuộc đời này còn có bao người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn vươn lên để sống và có ích cho mọi người. Anh  ước ao mình có được một chiếc máy vi tính để nối chiếc giường bệnh của mình với cuộc sống bên ngoài, nối ước mơ của mình với xã hội, để rồi có thể làm được điều gì đó cho cuộc đời này như những người bị khuyết tật khác đã làm.

Cho đến ngày 19-5-2009, thông qua báo Tuổi Trẻ, ông Lâm Tấn Lợi, chủ Cơ sở sản xuất Võng Xếp Duy Lợi đã gửi tặng anh một chiếc máy laptop. Sau khi có máy vi tính, hằng ngày Khoa tập tành lên mạng Internet để học, để biết thông tin về đời sống xã hội, chuyện làm ăn... Khi đã sử dụng máy vi tính thành thạo, Khoa kết nối được với nhiều bạn bè ở khắp mọi nơi, trong đó có nhiều người khuyết tật hoặc người mang trọng bệnh.

Năm 2010, Khoa bắt đầu làm công việc thiện nguyện khi xây dựng một thư viện mini phục vụ cho cả các em học sinh trong xã với hơn 350 cuốn với các loại sách Hạt giống tâm hồn, gương khuyết tật vượt khó... Thấy chừng đó sách không đủ cho bọn trẻ mượn đọc, năm 2012, Khoa đưa ý tưởng mở rộng tủ sách lên mạng xã hội, liền nhận được sự ủng hộ sách từ khắp nơi. Riêng Quỹ Nguồn sáng ở Hà Nội gửi vào cho Khoa hơn 3.000 cuốn sách các loại. Nâng tổng số sách lên trên 7.000 cuốn... Hàng ngày nhìn lũ trẻ kéo nhau đến mượn sách, Khoa rất vui, nằm trên giường hướng dẫn lũ trẻ chọn sách mà quên cả đau đớn.

Không dừng lại ở một tủ sách, Mai Tư Khoa còn tiếp tục lập các tủ sách cho trường học và tặng quà cho các em học sinh nghèo, một phần để giúp các em nhỏ, những người tàn tật có cơ hội tiếp xúc với văn hóa đọc, một phần để cảm nhận được việc vẫn còn sống có ích. Khoa cho biết người dân ở vùng quê Quảng Trường quê anh ai cũng nghèo cả. Vì vậy khi có nhiều bạn bè rồi, anh có ý định giúp đỡ các em học sinh nghèo. Ý định được đưa ra, Khoa nhận được khá nhiều từ những tấm lòng hảo tâm khắp nơi, từ quần áo, đồng phục học sinh cho đến bộ đàn organ tặng Trường tiểu học Quảng Trường.

Không chỉ giúp các em học sinh nghèo, những người tàn tật, Khoa còn kêu gọi cứu trợ đồng bào Quảng Bình bị lũ lụt. Mỗi khi cứu trợ hay tặng quà, Khoa ngồi xe lăn, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Ngành luôn là người đồng hành cùng con trai.

Một trong những tủ sách tự quản của Khoa Anh.

Mỗi ngày phải chống chọi với những cơn đau, bệnh tật của bản thân, Khoa càng say mê làm công tác thiện nguyện, vì anh nghĩ, khi chia sẻ với những người nghèo khó, bệnh tật xung quanh mình, anh cảm thấy được sự đồng cảm, và thấy mình sống có ích hơn, nhờ đó cuộc sống của Khoa trở nên ý nghĩa hơn.

Tuy là người tàn tật nhưng trái tim Mai Tư Khoa vẫn có những cảm xúc rung động, ấm nóng, xao xuyến với cuộc sống, với thiên nhiên, con người và dường như cảm xúc đó ngập tràn hơn, suy tư hơn khi anh chỉ có thể ngồi trên xe lăn để cảm nhận cuộc sống. Khoa bắt đầu làm thơ, bởi chỉ có thơ mới làm cho anh cảm thấy như được giãi bày, được tâm sự, được trút bỏ phần nào những đớn đau về thể xác, xoa dịu tâm hồn. 

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận áo ấm mùa đông từ anh Mai Tư Khoa.

Năm 2018 vừa qua, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt tập thơ "Giọt mơ tình", mang đậm phong cách thơ truyền thống với hai thể loại thơ lục bát và song thất lục bát của Khoa, với bút danh Khoa Anh. Tập thơ đã đem đến cảm giác lịm say trong tình yêu, tình người và cả đạo lý về cách sống.

Với "Giọt mơ tình", Mai Tư Khoa dự định số tiền bán tập thơ sẽ dùng một phần cho chi phí trị bệnh của anh, phần lớn anh sẽ dành lo những suất quà tết cho những người già sống neo đơn, người bệnh tật, nghèo khó vùng quê Quảng Trạch nơi Khoa đang sinh sống. 

Thế nhưng Khoa không thể chờ tới ngày ấy, đành lỗi hẹn với mọi người rồi. Cái lạnh cuối Đông đã cuốn anh theo cùng khi Xuân đã cận kề. Bài thơ anh viết tặng mọi người nhân dịp năm mới như một lời chào vĩnh biệt. Vĩnh biệt anh nhé, Mai Tư Khoa.

Kim Sang
.
.
.