Về Tây Đô, nhớ người anh hùng xả thân diệt trừ cái ác

Thứ Ba, 18/04/2017, 15:40
Loay hoay gần nửa giờ đồng hồ, tôi đã tìm được căn nhà nhỏ nằm khép mình trong một con hẻm đường Nguyễn Văn Cừ, TP Cần Thơ. Hơn 30 năm qua, đây là nơi thờ cúng Anh hùng - liệt sĩ Trần Văn Việt, cán bộ Cảnh sát bảo vệ (CSBV) - người cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.

1.  Khoảng 21h ngày 10-7-1980, tại căn nhà 2 tầng, cũng là lò hủ tiếu nổi tiếng nằm trên con đường Phạm Ngũ Lão, TP.Cần Thơ xảy ra một vụ án đau lòng. Trong lúc mọi người trong gia đình đang xem tivi, hai đối tượng đã đột nhập vào dùng lê đâm chết vợ chồng chủ nhà và đâm trọng thương hai phụ nữ khác.

Nhận tin báo, lãnh đạo Ty Công an (nay là Công an TP.Cần Thơ) phân công lực lượng gồm: Cảnh sát hình sự, CSBV, Kỹ thuật hình sự... đến hiện trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ với mục tiêu nhanh chóng bắt bằng được đối tượng gây án, điều tra xử lý theo pháp luật.

Đối với hai tên cướp, sau khi gây ra tội ác, chúng tắt đèn, chốt trái các cửa lại, nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Biết lực lượng Công an đã có mặt xung quanh, khó tẩu thóat, hai tên cướp đã bắt 3 người còn lại trong nhà đưa lên lầu khống chế làm con tin. Táo tợn hơn, chúng chĩa súng bắn trả quyết liệt vào lực lượng Công an đang vây bên ngoài.

Đến 3 giờ sáng ngày 11-7, chúng vẫn ngoan cố, manh động, bất chấp lời kêu gọi đầu hàng của cơ quan Công an. Trước tình thế này, lãnh đạo Công an tỉnh quyết định, bằng mọi cách phải tiêu diệt đối tượng, giải cứu an toàn 3 con tin đang bị khống chế.

Chân dung Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Trần Văn Việt.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, đồng chí Trần Văn Việt cùng Nguyễn Văn Sỹ - Đại đội CSBV Công an TP.Cần Thơ đã xung phong tiếp cận mục tiêu để tiêu diệt đối tượng. Đồng chí Việt tranh thủ địa hình, địa vật có thể để vào được bên trong căn nhà, nổ súng uy hiếp và tiếp tục kêu gọi hai đối tượng manh động ra đầu hàng để hưởng chính sách khoan hồng.

Tuy nhiên, khi vào được bên trong, trong bóng tối, đồng chí Việt dũng cảm leo lên cầu thang, tiến đến nơi bọn cướp đang khống chế con tin thì bị một loạt súng K54 vang lên. Đấy là tiếng súng của hai tên cướp sau khi chúng nghi có lực lượng Công an tiếp cận từ phía cầu thang. Đồng chí Việt bị trọng thương.

Không để cho hai tên cướp tiếp tục gây tội ác, đồng chí Sỹ cùng đồng đội xông lên mở chốt quả lựu đạn cay. Liền sau đó là một loạt súng chính xác vào hai tên cướp trước khi chúng siết cò nhả hết những viên đạn cuối cùng trong khẩu K54 trở lại lực lượng Công an. Ba con tin được khẩn trương giải cứu an toàn...

Chúng tôi được nghe kể rằng, tờ mờ sáng hôm đó, xung quanh nhà nạn nhân người dân đến chứng kiến đông nghẹt cả Lộ 19, nhất là khi nghe có tiếng súng nổ và thấy lực lượng Công an vây kín căn nhà. Tình thế ấy càng gây áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ. Chỉ cần một lần siết cò của hai tên cướp từ trong nhà bắn ra đám đông dưới đường, chắc chắn sẽ có thêm người bị thiệt hại.

Thấy được tình thế "dầu sôi, lửa bỏng" như thế, Trần Văn Việt dù không phải là ngày trực của mình nhưng vẫn xin được cùng tham gia chiến đấu và thực hiện phương án đột nhập căn nhà. Sau khi bị trọng thương, đồng chí Việt được đồng đội khẩn trương đưa đến Bệnh viện Quân đội 121.

Tại đây, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên người chiến sĩ Công an quả cảm đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn, lòng cảm phục của đồng đội và nhân dân.

Giây phút tiễn đưa đồng chí Trần Văn Việt xuống tàu đò để về đất mẹ Cà Mau, không phải chỉ thân bằng quyến thuộc, đồng chí, đồng đội mà có rất đông người dân Cần Thơ, không ai cầm được nước mắt…     

Phối hợp lực lượng, góp phần giữ gìn bình yên cho TP Cần Thơ.

2. Trở lại với địa chỉ 188/10, Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hôm nay, thật bất ngờ khi chủ căn nhà này lại là những cán bộ Công an mà tôi từng có lần được nghe nhắc tên hoặc thấy họ cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên đường phố.

Đó là Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm, Đội phó CSGT Công an quận Ninh Kiều và Thiếu tá Phan Thị Yến Linh, cán bộ Đội CSGT Công an quận Bình Thủy.

"Yến Linh vợ tôi là cháu ruột của dì Hà. Dì Hà là vợ của liệt sĩ Trần Văn Việt. Trước khi bệnh, qua đời, dì Hà mang cấp hàm Đại úy, là cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh, nay là TP Cần Thơ" - Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm cho biết.

Qua trò chuyện với vợ chồng Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm, tôi được biết, sau khi đồng chí Trần Văn Việt hy sinh, Công an tỉnh đã xây cất cho gia đình căn nhà tình nghĩa tại địa chỉ kể trên.

"Trước khi hy sinh, dượng Việt và dì Hà chưa có con vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dì Hà buồn, đổ bệnh rồi năm 1993 cũng theo dượng. Căn nhà không người ở, lạnh tanh. Cạn nước mắt vì khóc thương mái đầu xanh, sau đám tang dì tôi, ngoại tôi phải rời miền quê Hồng Dân, Bạc Liêu lên đây, lo chuyện nhang khói. Ngoại tôi nghèo lắm nên khi lên đây, hành trang của bà mang theo chỉ là 2 tấm bằng "Tổ quốc ghi công". Một là của ông cậu, tức em trai của ngoại (liệt sĩ Lê Hồng Khương) và cậu tôi, tức anh trai của dì và mẹ tôi (liệt sĩ Lê Chi Lăng). Thương nhớ con, ngoại tôi càng già mau. Lủi thủi trong nhà chỉ một mình, ngày nào cũng nhìn di ảnh, đốt nhang cho em trai và 3 con mình, ngoại chỉ biết khóc. Và cách nay 10 năm, ngoại tôi cũng đã ra đi... Trước ngày đó, cảm nhận được sự lạnh lẽo trong căn nhà này mà bà từng chứng kiến, bà gọi tôi về thủ thỉ với bà…", Thiếu tá Phan Thị Yến Linh nghẹn lòng.

Vậy là từ chục năm nay, bàn thờ trong căn nhà của vợ chồng Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm - Phan Thị Yến Linh thờ cúng 5 người, trong đó có 3 liệt sĩ, một vợ liệt sĩ và người còn lại là người mẹ, người chị cả đời tảo tần.

Đốt xong mấy nén nhang như thường ngày, Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm bộc bạch: "Chúng tôi cưới nhau từ năm 2003 và hiện đã có 2 con. Mỗi khi ôn lại truyền thống của gia đình, đặc biệt là tấm gương gan dạ, anh dũng ngã xuống của dượng Việt, chúng tôi thật sự tự hào; thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn để góp sức mình vì sự yên bình, phát triển đi lên của mảnh đất mà bao thế hệ cha anh, trong đó có người thân mình đổ xương máu, hy sinh và dày công vun đắp, xây dựng mới có được như hôm nay…".    

CSCĐ­ Cần Thơ luyện tập trên thao trường.

3. Chia tay với vợ chồng Thiếu tá Huỳnh Út Thiêm dù đã chiều muộn, tôi vẫn quay lại Lộ 19, cuốc bộ qua nơi từng ghi dấu chiến công của Anh hùng - Liệt sĩ Trần Văn Việt. Lộ 19 giờ đông đúc, nhộn nhịp và đổi thay rất nhiều so với những gì tôi được nghe kể lại. Căn nhà ấy giờ đã đổi chủ.

Thật là sự trùng hợp kỳ lạ khi từ một căn nhà mà tôi vừa đi qua, văng vẳng ca khúc "Màu Hoa đỏ" do nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc: "Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về…".

Lời thơ được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ về những người con ưu tú của Tổ quốc đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các anh ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc; thế nhưng hôm nay nghe lại tôi thấy vẫn đúng với tâm trạng về câu chuyện khiến tôi đang đầy cảm xúc.

Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ cho biết, đồng chí Trần Văn Việt sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (Cà Mau); năm 1969, khi mới 16 tuổi, anh tham gia du kích tại xã, rồi được bổ sung vào bộ đội chủ lực thuộc Quân khu 9...

Trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Văn Việt đã chỉ huy 17 trận chiến đấu, cùng đồng đội tiêu diệt hàng chục tên địch, bắn chìm 4 tàu chiến. Anh được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng ba.

Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, anh được điều động về Đại đội CSBV Công an TP  Cần Thơ. Những năm tháng công tác ở đơn vị, Trần Văn Việt luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ANTT của TP Cần Thơ, được tặng thưởng nhiều bằng khen. Ngày 28-8-1981, Thiếu úy Trần Văn Việt đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) ký Quyết định số 01-KT/HD9NN7, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Thiếu úy Trần Văn Việt - người ra đi từ mái lá nghèo, để lại người mẹ già ở quê luôn mong ngóng tin con. Bà vui mừng không thể tả khi thấy con trai mình may mắn hơn nhiều đồng đội, lành lặn trở về sau ngày đại thắng mùa xuân 1975. Nhưng rồi người mẹ ấy không thể ngờ cuộc chiến đấu trong thời bình lại hết sức cam go, khốc liệt và để đổi lấy hạnh phúc, yên bình cho nhân dân, những người cán bộ Công an như Thiếu úy Trần Văn Việt đã phải hy sinh...

Thái Bình
.
.
.