Vị Giáo sư và danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới

Thứ Bảy, 28/09/2019, 14:07
Mới đây, giới khoa học Việt Nam nhận được tin vui khi Tạp chí PLoS Biology của Mỹ đã công bố danh sách 100.000 nhà khoa học trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn, ảnh hưởng nhiều nhất trong cộng đồng khoa học quốc tế. Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của John Ioannidis (ĐH Stanford, Mỹ), đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả để tìm ra danh sách 100.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hướng lớn nhất.


GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 3 nhà khoa học Việt Nam xuất sắc ở trong nước đã lọt vào danh sách trên…

Sự đánh giá công bằng, khách quan của quốc tế

Nhìn vào danh sách 100.000 các nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng nhất, có thể thấy tên tuổi hơn 40 trí thức người Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài như GS Dang, Chi V, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ); GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Hoa Kỳ); GSNguyen, Nam - Trung của ĐH Griffith (Australia); GS Võ Dinh Tuan, Đại học Duke, (Hoa Kỳ);  GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California tại Santa Barbara (Hoa Kỳ); GS Nguyễn Sơn Bình, Đại họcNorthwestern (Hoa Kỳ); GS Duc Pham (ĐH Birmingham, Vương Quốc Anh); GS Nguyen Hung T, Đại học Công nghệ NSW (Australia); GS Nguyễn Văn Tuấn, viện Garvan (Australia); GS Trương Nguyện Thành, Đại học Utah (Hoa Kỳ); GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale (Hoa Kỳ),..

GS Nguyễn Đình Đức luôn đề cao phương pháp đào tạo cá thể hóa, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu cho học trò.

Tiêu chí đánh giá xếp hạng này đề cao các tiêu chí biểu thị năng lực là nội lực của nhà khoa học (như là tác giả đầu, tác giả liên hệ), và tầm ảnh hưởng với khoa học thế giới thông qua kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học trong cộng đồng quốc tế tham khảo, trích dẫn (và được loại bỏ các tự trích dẫn), đồng thời được lọc trong dữ liệu của gần 7 triệu nhà khoa học có công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu ISI/scopus suốt trong vòng 60 năm, từ 1960 đến 2017 của tất cả các nước trên thế giới thuộc các châu lục khác nhau.

Vì vậy, kết quả công bố xếp hạng này công bằng, khách quan, và có thể thấy những người lọt vào danh sách này hầu hết là các giáo sư có uy tín của các trường đại học danh tiếng trên toàn cầu.

Nắm bắt các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới

Một trong những bí quyết để dẫn đến thành công, theo như GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ, là phải nắm bắt, theo được các hướng nghiên cứu tiên tiến và hiện đại. Năm 27 tuổi, GS Nguyễn Đình Đức đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Toán Lý về các tiêu chuẩn bền mới cho vật liệu composite tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (MGU, Liên Xô cũ).

Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi vừa tròn 34 tuổi. Đề tài luận án tiến sĩ khoa học của ông nghiên cứu về vật liệu composite cacrbon-cacrbon 3 pha (gồm vật liệu nền, sợi và các hạt gia cường) có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm; những vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ, chịu được nhiệt độ cao lên đến hàng nghìn độ ứng dụng trong công nghệ chế tạo tên lửa và các chi tiết siêu bền nhiệt.

Đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học của GS Đức là những hướng nghiên cứu rất hiện đại của các nước có nền công nghiệp phát triển như Nga, Mỹ, Trung Quốc,...

Trở về nước, mặc dù điều kiện nghiên cứu khó khăn, nhưng ông đã nhạy bén bắt tay vào nghiên cứu vật liệu nanocomposite, vật liệu chức năng FGM có cơ lý tính biến đổi, vật liệu auxetic,... đều là những vật liệu tiên tiến và hiện đại, ứng dụng trong y tế, dân dụng cũng như trong công nghiệp, an ninh quốc phòng. Từ những kết quả này đã làm cho tên tuổi của ông và các cộng sự được biết đến trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Gắn nghiên cứu cơ bản với ứng dụng, khoa học gắn với thực tiễn

Một điều tâm huyết nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học của GS. Nguyễn Đình Đức là phải gắn nghiên cứu với ứng dụng, khoa học phải gắn với thực tiễn. Từ yêu cầu chống thấm sâu cho vật liệu composite đóng tàu, GS Nguyễn Đình Đức đã sử dụng phương pháp mô phỏng, kết hợp với các thiết bị hiện đại của Phòng thí nghiệm (PTN) nano của Trường Đại học Công nghệ, tính toán bổ sung hợp lý các hạt nano titan oxit để chống thấm cho tàu thủy composite và đã chế tạo, thử nghiệm thành công ở Viện đóng tàu composiste của Đại học Nha Trang từ năm 2012. Kết quả nghiên cứu đó của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2016.

Những năm gần đây, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm. GS Đức đã nhạy bén tiếp cận hướng nghiên cứu mới này, hợp tác với các đồng nghiệp ngành vật lý, nghiên cứu bổ sung một cách hợp lý các hạt nano để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu nanocomposite, đồng thời tăng cường chuyển hóa năng lượng cho các tấm pin mặt trời.

Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam tiên phong bắt tay vào nghiên cứu về vật liệu chức năng FGM và nano FGM có cơ lý tính biến đổi, được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ và các chi tiết máy.

Ông cũng tiên phong nghiên cứu về ổn định và động lực học của kết cấu composite có lớp vật liệu auxetic trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và xây dựng, được sử dụng để bảo vệ các kết cấu, công trình đặc biệt chống lại các va đập, tải trọng nổ và đã triển khai các hợp tác quốc tế có hiệu quả về lĩnh vực này.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông xuất phát từ yêu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn, từ đó có sản phẩm, có bằng sáng chế, và không chỉ có thế, còn công bố được trên các tạp chí quốc tế có uy tín, được các nhà khoa học nước ngoài biết đến và trích dẫn.

Có thể thấy ở GS Đức có một sự nhạy cảm đặc biệt trong việc nắm bắt các trường phái khoa học tiên tiến của thế giới, từ đó vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, góp phần xây dựng một trường phái học thuật “made in” Việt Nam, và đến lượt mình, trường phái khoa học của ông lại có những kết quả nghiên cứu mới để đóng góp vào sự phát triển của khoa học thế giới.

Bài học của sự kiên trì

GS Nguyễn Đình Đức nói với tôi, kiên trì và bền bỉ là chìa khóa của sự thành công. Từ những ngày đầu vất vả xây dựng Nhóm nghiên cứu, chỉ từ 1-2 học trò, ông đã dìu dắt, “thắp lửa” hoài bão đam mê khoa học cho các thế hệ sinh viên và hình thành nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường.

GS Nguyễn Đình Đức và các học trò trong một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu của ông, từ các nghiên cứu sinh đến sinh viên đều có công bố quốc tế. 2 học trò xuất sắc của ông, TS Trần Quốc Quân và TS Hoàng Văn Tùng đã vinh dự nhận giải thưởng Nguyễn Văn Đạo, giải thưởng danh giá nhất của ngành Cơ học Việt Nam.

 TS trẻ Trần Quốc Quân chia sẻ: “Chúng tôi học tập được ở thầy tấm gương về sự tận tụy, miệt mài trong công việc và trong khoa học. Thầy luôn căn dặn chúng tôi là làm khoa học thì phải biết kiên trì và trung thực, gắn với thực tiễn; phải gắn những gì mình làm, mình nghiên cứu để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn thì những kết quả nghiên cứu đó mới có giá trị thực sự”.

Tình yêu khoa học và tận tâm với nghề, với học trò là nhân tố làm nên thành công của nhóm nghiên cứu, làm cho nhóm nghiên cứu ngày càng phát triển và thu hút được nhiều bạn trẻ tài năng tham gia. Nhiều học trò của GS Đức đã trở thành sinh viên giỏi, xuất sắc, những nhà khoa học trẻ tài năng.

Từ nhóm nghiên cứu này, GS Nguyễn Đình Đức sáng lập Phòng thí nghiệm Vật liệu và kết cấu tiên tiến, sáng lập Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng giao thông ở Trường Đại học Công nghệ, sáng lập ngành Kỹ thuật hạ tầng ở Trường Đại học Việt Nhật.

Đây là những đóng góp có giá trị trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong các lĩnh vực này, sẽ đi cùng năm tháng và đi vào lịch sử phát triển của nhà trường, của Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS Nguyễn Đình Đức còn vinh dự được mời tham gia Hội đồng biên tập các tạp chí khoa học quốc tế ISI có uy tín như: Journal Cogent Engineering (Nhà xuất bản Taylor & Francis, Vương Quốc Anh), Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Nhà Xuất bản Elsevier, Hà Lan) Journal of Science and Engineering of Composite Materials (Nhà xuất bản De Gruyter, CH LB Đức), Journal of Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C, Nhà xuất bản SAGE, Vương Quốc Anh), Journal Science Progress (Nhà xuất bản SAGE, Vương Quốc Anh), Alexandria Engineering Journal (Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan).

Chặng đường gần 40 năm kiên trì theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đến nay GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố hơn 250 công trình khoa học trong và ngoài nước với gần 150 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI. Ông còn thành công trong việc sáng lập ngành mới, khoa mới:  Ngành Kỹ thuật hạ tầng ở Trường Đại học Việt Nhật, ngành Vật liệu - Kết cấu tiên tiến và kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng - Giao thông ở Trường Đại học Công nghệ. GS Nguyễn Đình Đức đã đóng góp tích cực trong việc góp phần chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội từ đại học nghiên cứu cơ bản sang định hướng gắn kết chặt chẽ khoa học với thực tiễn, với công nghệ và kỹ thuật.

Thu Phương
.
.
.