Vị anh hùng thầm lặng giải cứu hàng trăm đứa trẻ trước Chiến tranh thế giới thứ II

Thứ Bảy, 16/08/2014, 09:00

“Cứu một người – cứu thế giới”, Nicholas Winton đã nỗ lực giải cứu mạng sống của 699 đứa trẻ thoát khỏi thảm khốc của chiến tranh. Hàng thập kỷ sau bí mật về sự anh hùng thầm lặng ấy mới được tiết lộ và làm tan chảy hàng triệu trái tim con người...

Nicholas Winton sinh ngày 19 tháng 5 năm 1909 tại London trong một gia đình Do Thái. Ông chưa bao giờ từ chối nguồn gốc của mình mặc dù gia đình ông đã không còn thuộc cộng đồng Do Thái. Ông từng học tại Hampstead và Stowe trước khi trở thành một nhà môi giới bất động sản. Ông di chuyển nhiều nơi thuộc Châu Âu và lưu lại Đức sống một thời gian khi quyết định làm việc cho một ngân hàng tại đây. Tuy nhiên, khi mối đe dọa của Đức quốc xã bắt đầu dâng cao, Nicholas Winton đã quyết định trở lại Anh quốc.

Năm 1938, trong lúc Nicholas Winton quyết định đi nghỉ tại dãy Alps, Thụy Sĩ, ông nhận được cú điện thoại của một người bạn nói về tình hình ở Séc và nhờ ông giúp đỡ. “Mình có một nhiệm vụ thú vị và cần cậu giúp đỡ. Mang cả ván trượt của cậu tới nhé nếu muốn”. Chàng trai trẻ Nicholas Winton, lúc đó 29 tuổi, đã thay đổi mọi kế hoạch. Dù lúc đó đang dở dang rất nhiều công việc, ông ngay lập tức đi tới Prague với một mục đích duy nhất: giúp đỡ những người đang bị đe dọa. Tại Prague, ông nhận được sự yêu cầu giúp đỡ tại các trại tị nạn, trong đó có hàng ngàn người đang sống trong điều kiện khủng khiếp.

Trong tháng 10 năm 1938, sau hiệp định Munich giữa Đức và các cường quốc Tây Âu, Đức quốc xã đã thôn tính một phần lớn phía Tây Tiệp Khắc. Winton và tất cả mọi người đều tin rằng sự chiếm đóng của Đức với các phần còn lại sẽ chỉ là điều sớm muộn. Tin tức về những cuộc tàn sát đẫm máu chống lại người Do Thái của Đức và Áo lan đến Prague. Winton đã lập ra một văn phòng và liên lạc với các sứ quán quốc tế để đảm bảo việc tị nạn cho càng nhiều công dân Tiệp Khắc càng tốt. Nhưng lúc đó hầu hết các nước đều đóng cửa biên giới. Ông chỉ nhận được sự hồi âm tích cực ở một nước duy nhất: Anh quốc. Mặc dù vậy, tại biên giới Anh, chỉ trẻ em mới được đi qua và phải trả phí 50 pounds cho mỗi đứa trẻ. “Tôi nhận ra rằng những đứa trẻ của các gia đình tị nạn và các nhóm khác chống lại Hitler đều không được chăm sóc. Tôi quyết định thử tìm giấy phép vào được Anh quốc cho chúng. 50 pounds là một số tiền không nhỏ trong điều kiện lúc đó. Rất nhiều bà mẹ đã cố gắng trong tuyệt vọng để có tiền mua được thức ăn cho bản thân và con cái. Khi họ không thể tìm cách có thị thực cho tất cả gia đình, họ muốn ít nhất những đứa trẻ được đến nơi an toàn. Tôi nhận ra những điều sẽ xảy ra khi chiến tranh bắt đầu”. Ông không nghĩ tới một số lượng nhỏ mà nghĩ tới việc di chuyển hàng ngàn trẻ em.

Nicholas Winton và một trong những đứa trẻ ông giải cứu trước Chiến tranh thế giới thứ II.

Mọi người ở Prague lúc đó đều nói: “Anh cứ xem xem, chẳng có tổ chức nào ở Prague có thể làm gì được với những trẻ em tị nạn. Và cũng chẳng ai để lũ trẻ tự đi một mình đâu. Nhưng nếu anh muốn làm thì cứ làm xem”. Winton đã nghĩ: “Chẳng có gì là không thể thực hiện được nếu nó hợp lý”.

Ban đầu, văn phòng của Winton là một chiếc bàn ăn ở chính khách sạn mà mình lưu trú.  Rất nhiều người lo lắng cho tương lai của con mình đã tìm đến và nhờ trợ giúp. Sau này văn phòng Winton chuyển tới đường Vorsilska, nằm trong một ngôi nhà điển hình của Prague, là nơi tiếp nhận những đơn đề nghị của các bậc cha mẹ muốn cứu con mình khỏi sự nguy hiểm của Đức quốc xã. Hàng ngàn những ông bố bà mẹ được tuyên truyền về những hoạt động này và hàng trăm người đã xếp hàng phía trước văn phòng. Hình ảnh của các đứa trẻ này được lưu lại cẩn thận và được in trên các tờ báo Anh để đến được với các gia đình Anh mong muốn nhận con nuôi Tiệp Khắc. Điều quan trọng là mọi thứ phải được thực hiện nhanh chóng. Cùng với đó, khi những trẻ em được đăng ký và tìm được gia đình nhận nuôi, Winton phải thực hiện nhiệm vụ cuối cùng và cũng khó khăn nhất: đảm bảo việc di chuyển an toàn và thông suốt.

Vì muốn cứu sống càng nhiều trẻ em càng tốt, Winton đã trở về London và lên kế hoạch đưa những đứa trẻ về nơi này. Ông làm việc giao dịch chứng khoán, công việc của mình vào ban ngày và dành buổi chiều muộn đến tối cho việc cứu hộ. Có những đêm ông không ngủ và lập ra một tổ chức với mẹ mình và những tình nguyện viên. Ông cũng phải tìm nguồn kinh phí để chi trả cho lệ phí qua biên giới cũng như tìm các gia đình cho mỗi đứa trẻ.

Văn phòng Winton đã nhận ra được sự nghiêm trọng của tình hình chiến sự và họ đã quyết định làm giả thị thực để đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng tăng thêm phần nguy hiểm. Các nhân viên nhà nước đã rất chậm trễ trong việc cấp thị thực cho các đứa trẻ Tiệp Khắc để có thể nhập cư vào Anh quốc. Họ nói với Winton: “Sao phải vội vàng như vậy, chàng trai trẻ? Sẽ không có gì xảy ra ở Châu Âu đâu”. Chỉ Winton và những cộng sự của mình cảm thấy được sự cấp thiết của việc di chuyển những đứa trẻ càng nhanh càng tốt.  Họ đã thành công với 8 chuyến tàu được khởi hành tới Anh quốc đi qua Đức và Pháp, nơi những đứa trẻ có được sự an toàn và một ngôi nhà mới. Chuyến tàu thứ 9 – chuyến tàu cuối cùng đã không đến được Anh bởi chiến tranh đã nổ ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1939.

Những đứa trẻ xuống tàu tại London năm 1939.

Cho tới giờ chuyến tàu cuối cùng ấy vẫn là hình ảnh ám ảnh ông, hình ảnh hàng trăm trẻ em háo hức chờ đợi tại ga Wilson ở Prague. “Trong vòng vài giờ thông báo, chuyến tàu đã biến mất. 250 đứa trẻ đã biến mất, 250 gia đình chờ đợi ở đường Liverpool ngày hôm đó đã không nhận được con nuôi của mình. Nếu tàu đi chỉ 1 ngày trước đó, mọi việc đã khác. Không một đứa trẻ nào trên chuyến tàu đó còn có tin tức gì, đó là một cảm giác thật khủng khiếp”. Mặc dù vậy, Nicholas Winton và các đồng sự của mình đã giải cứu thành công 669 trẻ em Tiệp Khắc trước khi trở lại quê nhà.

Nicholas Winton quay trở lại với công việc văn phòng tại quê hương và cất giữ bí mật của mình trong nhiều thập kỷ. Phải cho tới nhiều năm sau này, vợ ông, Grete đã vô tình tìm thấy cuốn sổ nhật ký ghi lại thông tin và hình ảnh của nhiều trẻ em được giải cứu năm đó trên căn gác mái của gia đình. Ngày nay, tất cả các tư liệu đó đang được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm các anh hùng và liệt sĩ Yad Vashem, Israel.

Grete đã chia sẻ câu chuyện với Tiến sĩ Elisabeth Maxwell và chồng bà, một nhà truyền thông đã đăng tải câu chuyện cùng hành động tuyệt vời của Winton lên trang báo. Câu chuyện truyền cảm hứng tới nhiều người và một chương trình truyền hình của BBC đã mời Nicholas Winton cùng với chính những đứa trẻ, lúc đó đã trở thành những người ông người bà trong một gia đình tới trong sự bất ngờ của chính ông. Chương trình được phát trên cả nước và mỗi ngày lại có thêm một người gõ cửa nhà ông. Đó chính là những đứa trẻ năm nào trong cuộc giải cứu của Winton cùng những người cộng sự. Những người con, người cháu hiện tại của những người được Winton cứu mạng cũng viết thư và gửi tới ông những lời cảm tạ sâu sắc nhất. Rất nhiều đứa trẻ năm nào ông giải cứu đã trở thành những người thành đạt và nổi tiếng như đạo diễn phim Karel Reisz, nhà báo Canada và là phóng viên cho CBC Joe Schlesinger, cựu bộ trưởng trong nội các Blair Lord Alfred Dubs, nhà tư vấn hàng không và là một trong những người sáng lập Không quân Israel Hugo Marom v.v.

Nicholas Winton đã nhận được nhiều lời cảm ơn về những hành động nhân đạo của mình. Ông nhận được một lá thư cảm ơn từ Ezer Weizman, cựu tổng thống Israel. Ông trở thành công dân danh dự của Prague. Năm 1993, Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng ông danh hiệu MBE, và ngày 28/10/1998, tổng thống của Cộng hòa Séc trao tặng ông Huân chương TG Masaryk tại Hradcany Castle cho những thành tích anh hùng. Cuối năm 2002, Winton nhận được phong tước hiệp sĩ từ Nữ hoàng Elizabeth II. Câu chuyện Winton cũng là chủ đề của hai bộ phim của nhà làm phim Séc Matej Minác: ll My Loved Ones và bộ phim được giải thưởng có tên Nicholas Winton: The Power of Good.

Điều tuyệt vời là vị anh hùng Nicholas Winton tới giờ vẫn còn sống và vừa tròn 105 tuổi. Bữa tiệc sinh nhật của ông có một chiếc bánh ga tô với rất nhiều nến tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc ở London cùng các khách mời là con cháu hay chính những trẻ em năm xưa đã được ông cứu sống. Tất cả họ đều nhận mình là: “Con của Nicky” như một sự biết ơn vô hạn đối với ông. Đây cũng là dịp của rất nhiều người “con của Nicky” ở nơi xa tìm về thăm ông bởi họ biết thời gian được gặp trực tiếp người họ mang ơn càng ngày càng ngắn lại. Họ luôn ghi nhớ trong tim mình một người đã thay mặt những người làm cha làm mẹ mà họ không bao giờ có thể gặp lại dang vòng tay che chở cuộc sống bị đe dọa bởi chiến tranh tàn khốc năm nào

Hà Tiến
.
.
.