Vị giáo sư thắp ước mơ với cây nến tự tạo bằng nhựa Chám

Chủ Nhật, 17/08/2014, 12:00

Tới trường trong những đêm tối, hành trang mà cậu bé Nguyên cùng anh trai của mình mang theo khi đó ngoài sách vở luôn có thêm một cây nến tự tạo từ nhựa Chám. Có lần, vì mải chăm chú nghe thầy giảng bài, cậu bé Nguyên đã bị cây nến đổ vào tay. Vết sẹo do cây nến chám đổ nay vẫn còn ở tay.

Thắp ước mơ từ nhựa Chám

Sinh năm 1941 tại thôn Tràng Nam, xã Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, Phú Thọ, vị Đại tá, Giáo sư tiến sĩ - nhà giáo nhân dân (GS.TS-NGND) đáng kính Nguyễn Văn Nguyên luôn nhớ và thường nghĩ lại những chặng đường đã qua của mình. Nhớ lại quá khứ là cách thức để ông tự thấy mình cần làm việc tốt hơn, có động lực hơn trên con đường của người lính - nhà khoa học với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quân đội.

Ông sinh ra trong một gia đình với cả hai bố mẹ đều làm nghề nông có cuộc sống khó khăn. Lúc đó cả nước ta đang ở vào những năm tháng kháng chiến chống Pháp cam go, khốc liệt. Mặc dù vậy, con đường đến trường cùng mong muốn được tiếp tục học tập, được góp một phần bé mọn cho cộng đồng chưa bao giờ bị chặn lại, bị nguôi vơi trong tâm trí cậu bé Nguyễn Văn Nguyên.

Hàng ngày, cậu vẫn cùng anh trai lặn lội tới trường cách nhà có đến ba cây số đường rừng. Tới trường trong đêm tối, hành trang mà cậu bé Nguyên cùng anh trai của mình mang theo khi đó ngoài sách vở luôn có thêm một cây nến tự tạo từ nhựa Chám. Có lần, vì mải chăm chú nghe thầy giảng bài, cậu bé Nguyên đã bị cây nến đổ vào tay. Vết sẹo do cây nến chám đổ nay vẫn còn ở tay.

Thương bố mẹ vất vả một nắng hai sương, các anh chị em trong gia đình ông đều cố gắng, chăm chỉ học tập. Dù khó khăn vất vả, cậu bé Nguyên cùng anh trai vẫn tới lớp hằng đêm với cây nến bằng nhựa Chám. Vậy là, thứ nhựa thơm thảo của vùng đồi, đất Phú Thọ đã đồng hành, cùng hun đắp ước mơ cho cậu bé Nguyên từ khi vào cấp I tới khi tốt nghiệp cấp III Hùng Vương. Năm 1960, với kết quả học tập tốt, cậu học trò Nguyễn Văn Nguyên được miễn thi đại học, về Trường Ngoại Ngữ Gia Lâm để chuẩn bị cho việc đi học ở nước ngoài. Nhưng do thể trạng gầy còm, cậu bé Nguyên khi đó đã không đủ tiêu chuẩn cân nặng để đi du học.

Nói về việc này, người lính - người thầy, vị GS đã đứng trên bục giảng và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quân đội chia sẻ: “Không đủ cân để đi du học nước ngoài chính là một cơ duyên đưa tôi đến với ngành Y để từ đó tôi tìm được niềm say mê cũng như đường hướng phấn đấu, phát triển và đóng góp một chút bé nhỏ nào đó công sức của mình cho ngành”.

Kỉ niệm khó quên của người thầy

Năm 1960, sau khi xét thấy thể lực không đủ để ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, cậu học trò Nguyễn Văn Nguyên quyết định chọn Trường Đại học Y Khoa Hà Nội. Cuối năm 1965 thì ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội với thành tích xuất sắc và được giữ lại trường với cương vị một cán bộ giảng dạy chuyên ngành Sinh lí bệnh. Những năm tháng chiến tranh, thầy và trò vừa học tập, vừa chuyển về nơi sơ tán, vừa sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của một công dân yêu nước trong thời chiến khi cần.

Nhớ về giai đoạn này, ông lại nhớ tới một kỉ niệm của người thầy giáo giảng dạy môn Sinh lí bệnh nhưng lại trở thành “bà đỡ” bất đắc dĩ ở nơi sơ tán. Lần đó là một đêm tối trời, lại mưa bão. Người thầy giáo tận tụy với nghề đang soạn bài trong ánh đèn dầu thì có gia đình người nông dân trong vùng chạy tới nhờ ông đi đỡ đẻ khẩn cấp. Nghe tin, ông cùng một y tá đã lội suối, đội trời mưa bão trong đêm thực hiện công việc của một “bà đỡ bất dắc dĩ”.

ÔNg Nguyễn Văn Nguyên (bên trái) nhận bằng Tiến sĩ Quân y CHDC Đức năm 1980.

Khi ông tới nơi thì sản phụ đang ở trong tình trạng bị suy tim thai khi thai nhi trong bụng bị tới ba vòng nhau quấn cổ.

Bằng kiến thức y học và trách nhiệm của người thầy thuốc, người thầy giáo đã quyết dịnh dùng dao, hơ nóng và cắt vòng nhau quấn cho đứa bé, đỡ đẻ thành công. Đó là một bé trai người dân tộc Tày. Bé trai nhờ ông mà chào đời suôn sẻ. Gia đình người Tày đó đã xin phép được lấy tên ông đặt cho cháu bé. Người thầy giáo đã vui vẻ đồng ý và cảm thấy thực sự vui mừng vì mình đã quyết định đúng trong lúc mọi dụng cụ đỡ đẻ thiếu thốn và sản phụ cùng thai nhi đang ở trong tình trạng nguy kịch. Hoàn thành vai trò bà đỡ, người thầy giáo cùng y tá viên tức tốc lội suối, quay trở lại đơn vị cho kịp giờ lên lớp. Với ông, đây thực sự là một kỉ niệm khó quên mà mỗi khi nhớ lại, nó lại mang tới cho ông một cảm  xúc vui mừng, hạnh phúc.

Trách nhiệm và đóng góp cho khoa học

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975, ông được Quân đội cử đi đào tạo Tiến sĩ tại Trường Đại học Quân Y Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức. Năm 1980, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên nhận học vị Tiến sĩ Y Khoa tại Trường Đại học Quân y CHDC Đức -  một trong hai người đầu tiên sau giải phóng được công khai khoác áo lính tới CHDC Đức làm nghiên cứu sinh.

Nhận học hàm Tiến sĩ Y học tại Đức trở về, người lính - người thầy giáo Quân y càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong nghiên cứu khoa học.

Với nỗ lực của mình, năm 1991, ông được phong học hàm Phó GS. Tới năm 1996, được phong học hàm Giáo sư và được bầu làm Ủy viên Hội đồng Chức danh GS ngành Y (khóa 2001- 2007)…

Từ một cậu học trò nghèo, người thầy thuốc quân y luôn tâm niệm và theo đuổi những đề tài nghiên cứu chuyên sâu phục vụ Quân đội mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt phải kể đến là các đề tài nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực y học quân sự như: Nghiên cứu sản xuất và bảo quản giấy chẩn đoán nhanh nhiễm độc lân hữu cơ/Nghiên cứu để tạo thuốc mới điều trị tổn thương phóng xạ cấp tính trên động vật thực nghiệm… Ông đồng thời là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước với sự tham gia của nhiều đơn vị Quốc phòng với đề tài: Nghiên cứu biện pháp phòng chống vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh hiện đại. Với tư cách một người lính, ông đặc biệt quan tâm phát triển nghiên cứu về hậu quả của chất độc da cam tới sức khỏe con người tại Việt Nam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại 3 điểm nóng là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát... Đây là đề tài cho tới hôm nay vẫn còn mang lại nhiều giá trị lớn.

Với những đóng góp của mình, năm 2006, người thầy tận tụy của ngành Quân y Nguyễn Văn Nguyên được phong tặng danh hiệu NGND. Đại tá, GS.TS-NGND Nguyễn Văn Nguyên không chỉ là một nhà nghiên cứu nghiêm túc, có trách nhiệm mà còn là một nhà giáo mẫu mực, nhà tổ chức và quản lý giỏi của Học viện Quân y, nắm bắt chủ trương Nhà nước để gắn nhà trường với xã hội. Nhận thấy trong thời bình, ngoài việc đào tạo bác sĩ quân y, còn tăng nhu cầu đào tạo bác sĩ hệ Dân sự. Ông đã tham mưu, đề xuất với Nhà nước để kết hợp đào tạo bác sĩ hệ dân sự tại Học viện Quân y

Xuất phát từ Nghị quyết Đại hội Đảng IV bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã đưa ra đề xuất thứ hai: đào tạo bác sĩ chuyên tu cho tuyến cơ sở. Đây là đề xuất dược đưa vào ứng dụng và theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương và Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Đào tạo đối tượng bác sĩ tuyến cơ sở cho ngành Y tế ở Học viện Quân y là hình thức gửi quân trong dân.

Xuất phát từ thực tế thi đại học khiến cho nhiều năm liền khu vực Tây Nguyên không có thí sinh trúng tuyển hệ bác sĩ, ông đã tiếp tục đưa ra đề xuất thứ ba là đào ta bác sĩ cử tuyển hệ chính quy 6 năm cho Tây Nguyên. Khi dự án trên được Chính phủ phê duyệt, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Tây Nguyên lúc bấy giờ đã gọi điện cho ông và thay mặt Đảng bộ và nhân dân Tây Nguyên cảm ơn Học viện Quân y.

Với những đóng góp to lớn cho Quân đội, cho ngành Y tế và cho sự nghiệp giáo dục, GS.TS - NGND Nguyễn Văn Nguyên đã vinh dự được tặng nhiều bằng khen, huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục…

Ngày nay, ở tuổi nghỉ hưu GS.TS - NGND Nguyễn Văn Nguyên cùng vợ là Trung tá - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Việt vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến công sức, trí tuệ của mình. Kể tới thành công, sự nghiệp của người thầy giáo - người lính ưu tú như trên còn có hình bóng của người bạn đời - đồng nghiệp cùng một mái gia đình đầm ấm. Hai người con gái của họ đều đã trưởng thành. Trong đó, người con thứ hai vừa tốt nghiệp tiến sĩ Y học tại Nhật Bản trở về Việt Nam và nguyện tiếp tục theo đuổi ngành của cha, mẹ mình

Nguyễn Nhung
.
.
.