Võ sư, họa sĩ Đào Hoàng Long: 30 năm 1 lời thề

Thứ Năm, 29/09/2016, 14:25
Ít ai biết rằng, từ 30 năm nay, võ Nhất Nam - một môn võ cổ xưa nhất của tổ tiên Lạc Hồng, đã "sâu rễ bền gốc" trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, trở thành một "sản vật" văn hóa xứ Mường. Người cần mẫn "gieo mầm" di sản này, là một thầy giáo trung học cơ sở - võ sư, họa sĩ Đào Hoàng Long...


Những ngày giữa tháng 9-2016, miền đất xứ Mường Lò - Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) rực rỡ đón hàng vạn du khách từ thập phương đổ về tham dự Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò. Ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc, lung linh sắc màu miền Tây Bắc… như festival dân vũ, dân ca với màn diễn hát xướng trên đường phố, màn Đại Xòe dân tộc Thái với 1.200 người tham gia… du khách còn trầm trồ thích thú khi xem biểu diễn võ thuật hoành tráng, công phu của hơn 400 em học sinh.

Ít ai biết rằng, từ 30 năm nay, võ Nhất Nam - một môn võ cổ xưa nhất của tổ tiên Lạc Hồng, đã "sâu rễ bền gốc" trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, trở thành một "sản vật" văn hóa xứ Mường. Người cần mẫn "gieo mầm" di sản này, là một thầy giáo trung học cơ sở - võ sư, họa sĩ Đào Hoàng Long.

Người "ươm giống"

Du ngoạn Tây Bắc trong Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, những đường quyền ngọn cước của môn sinh Nhất Nam đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về hành trình "bám rễ" vào đời sống của người dân đất Mường, của một di sản võ thuật thuần Việt có xuất xứ từ miền Thanh - Nghệ.

Bà Hoàng Thị Hạnh (Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc) là người hiểu tường tận về hành trình đầy gian khó của thầy giáo Đào Hoàng Long khi đặt nền móng cho phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền ở Nghĩa Lộ. Bởi 30 năm trước, chính bà đã "lao tâm khổ tứ" thuyết phục lãnh đạo địa phương "dỡ" lệnh cấm hoạt động đối với "lò võ" Nhất Nam của thầy Long, rồi đồng hành cùng thầy và trò đưa môn phái ra hoạt động công khai.

Bà Hoàng Thị Hạnh (Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc).

Bà kể: "Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xứ Mường Lò nghèo lắm. Người dân "đầu tắt mặt tối" quanh năm với nương rẫy mà vẫn loay hoay trong thiếu đói. Điện chưa có, đường giao thông đi lại khó khăn, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần hầu như không có gì.

Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật trở về quê dạy học, Võ sư Long đã mở "lò võ" tại nhà để truyền bá những kỹ thuật chiến đấu cho cậu em trai và những nhóm nhỏ bạn bè. Vì hồi ấy nhận thức chưa được như bây giờ, nên một số vị lãnh đạo địa phương đã có những động thái cấm đoán, dẹp bỏ "lò võ", vì sợ sẽ gây mất trật tự trị an.

Lúc bấy giờ tôi là tham gia công tác đoàn ở thị trấn Nghĩa Lộ, sau khi tìm hiểu kỹ về võ sư Long và môn võ đang dạy, tôi đã mạnh dạn báo cáo với lãnh đạo huyện Văn Chấn đề nghị cho phép "lò võ" được hoạt động trở lại. Để cấp trên yên tâm, tôi đã đứng ra bảo lãnh cho việc dạy võ của Võ sư Long, vì tin vào mục tiêu mà cậu ấy ấp ủ.

Được sự hỗ trợ tối đa từ Đoàn cơ sở, "lò võ" của võ sư Long đã được tiếp tục hoạt động và lớn mạnh dần. Trải qua 30 năm hoạt động bền bỉ và liên tục, đến nay võ Nhất Nam đã lan ra nhiều nơi, trở thành một "sản vật" văn hóa xứ Mường, đóng góp rất lớn cho địa phương, thông qua các hoạt động biểu diễn tại các lễ hội văn hóa, sự kiện chính trị, tạo nên phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe rất sôi nổi.

Từ năm 2008 đến nay, nhân phong trào "Xây dựng trường học thân thiện- Học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, bộ môn võ Nhất Nam đã được đưa vào giảng dạy chính thức tại hệ thống các trường tiểu học, trung học cơ sở ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh Yên Bái trong các giờ ngoại khóa, thể dục giữa giờ.

Tại thời điểm này, môn sinh Nhất Nam đã hơn 30 nghìn em ở các cấp học. Ngoài việc truyền bá di sản, võ sư Long còn rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Mấy năm qua, Ban vận động Liên đoàn võ thuật Nhất Nam Việt Nam (mà võ sư Long là ủy viên thường trực), đã huy động được số tiền gần 500 triệu đồng để ủng hộ, giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Ghi nhận sự lớn mạnh của phong trào Nhất Nam tại Yên Bái, mới đây Hội Di sản văn hóa Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã quyết định thành lập Chi hội di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái, do Võ sư Long làm Chủ tịch. Tôi rất phấn khởi trước những việc mà cậu ấy đã làm được cho quê hương mình".

Võ sư Đào Hoàng Long (áo trắng) cùng các môn sinh trước giờ biểu diễn tại Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò 2016.

Chuyện thuở ban đầu

Ông Lê Hồng Hướng (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái) nhớ lại: "Những ngày đầu khi thầy Long "khai môn lập phái" tại Nghĩa Lộ, đúng vào thời điểm căng thẳng ở biên giới phía Bắc lắng dịu dần, bộ đội xuất ngũ về địa phương ngày một nhiều. Họ đều trải qua tập luyện nhiều môn phái võ khác nhau, như võ Biên phòng, võ Đặc công, Thiếu Lâm Tự, Hồng Gia Quyền, Thất Sơn quyền thề…

Việc một "anh giáo làng" thư sinh, nom hiền khô lại mở lò dạy một môn võ có cái tên nghe thật lạ- võ Nhất Nam, đương nhiên là sẽ gây tò mò, thậm chí "khó chịu". Nhiều anh đã tìm đến nhà, đòi tỷ thí phân cao thấp, mà mục đích chính là để "gỡ biển, dẹp lò".

Để vượt qua những trở lực không đáng có vào buổi "trứng nước", thầy Long đã ứng xử nhã nhặn, khiêm nhường. Thay vì chấp nhận tỉ thí, thầy kết bạn với họ. Rồi khi đã thành bạn, việc trao đổi, giao lưu quyền cước mới diễn ra, và lần nào thầy Long cũng hạ đối thủ chỉ trong chớp mắt, bằng những đòn tỳ ép triệt tấn, phạt trụ, lồng bộ hạ, cầm nã… hiểm độc.

Sau khoảng một năm, những lời thách đấu thưa thớt dần, vì trong lớp võ của thầy, học trò lại chính là những người đã "so găng" với thầy khi trước. Không quản mưa nắng, không một ngày ngừng nghỉ, suốt 30 năm qua, những kỹ thuật chiến đấu của dòng võ phát tích trên quê hương Bác Hồ, đã được hàng vạn học trò tại xứ Mường Lò- Nghĩa Lộ tiếp thu, đón nhận.

Đến với sự nghiệp truyền bá di sản, thầy Long chẳng có chút bổng lộc, chế độ đãi ngộ gì, lại thường xuyên bê trễ việc nhà, bởi phải giành mọi tâm sức cho phong trào. Nhiều người bảo thầy là "vác tù và hàng tổng". Thầy biết điều ấy, nhưng không buồn. Bởi sau bao nỗ lực, di sản vô giá của tổ tiên đã nảy mầm xanh tươi trên đất Mường Lò- Nghĩa Lộ".

Ông Hoàng Nam (Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái) xúc động kể lại những tháng ngày đầu tiên theo học võ của thầy Long. Ông nói: "Tôi là bạn học của em trai thầy, nên đã xuống nhà cùng tập luyện từ khi còn "bí mật". Sau khi được chính quyền cho phép hoạt động công khai, những lớp võ liên tục được mở ra tại mảnh vườn sau nhà thầy Long. Bố mẹ thầy chiều con nên đã chặt hết cây cối san vườn làm sân tập võ, trồng rặng chuối để chúng tôi có cái đấm đá tập va chấn chân tay. Hàng ngày, các cụ đun hàng chục ấm nước cho bọn tôi có cái uống sau giờ luyện tập.

Thầy Long dạy võ miễn phí cho hàng trăm học trò, quần quật từ tối đến đêm, ngày này qua tháng khác, không hề gián đoạn, ngưng nghỉ.

HLV Hoàng Nam (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái) minh họa một chiêu thức võ Nhất Nam.

Ngày 22-12-1988, đánh dấu mốc quan trọng của môn phái Nhất Nam tại Nghĩa Lộ bằng cuộc biểu diễn đầu tiên của chúng tôi trước đông đảo bà con các dân tộc. Tính đến nay, dưới sự chỉ đạo của thầy Long, chúng tôi đã để lại phía sau hàng trăm cuộc biểu diễn lớn nhỏ, phục vụ các kỳ cuộc, sự kiện chính trị, lễ hội văn hóa.

Điển hình như vào Đại lễ "Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội", thầy đã đưa hơn 200 võ sinh Nghĩa Lộ về biểu diễn chào mừng Đại lễ và mang về 3 huy chương vàng. Vì trân trọng di sản tổ tiên để lại, vì yêu quý thầy Long, hiểu được mục tiêu cao cả mà thầy theo đuổi nên 30 năm qua chúng tôi đã dốc sức hỗ trợ thầy trong sự nghiệp chung".

Nặng một lời thề

Nhìn vào bức ảnh khổ lớn chân dung GS.VS. Ngô Xuân Bính treo trang trọng trong phòng khách, thầy Long tâm sự: "Tôi đam mê võ thuật từ nhỏ, cũng đã tập qua nhiều môn, nhưng vẫn cảm thấy chưa đúng với kỳ vọng của mình. Những năm học tại Đại học Sư phạm nghệ thuật TW, "phúc" của tôi là được làm học trò của thầy Ngô Xuân Bính - Giảng viên môn Lý luận hội họa. Không chỉ là một thầy giáo tài hoa, ông còn là Võ sư Chưởng môn phái Nhất Nam- một môn võ thuần Việt, có nguồn gốc xa xưa nhất ở nước ta.

Theo thầy học võ, tôi bị choáng ngợp trước lượng kiến thức đồ sộ, những tuyệt kỹ mà tổ tiên ta đã sáng tạo ra trong quá trình đánh giặc giữ nước.  Những năm bao cấp với bao thiếu thốn, nhất là với một sinh viên xa nhà thì nỗi lo "đứt bữa" luôn thường trực. Thế nhưng tình yêu với môn phái quá lớn, đã giúp tôi vượt qua mọi cực nhọc để cần mẫn theo thầy học đạo.

Chuyên tâm luyện tập qua ngày, qua tháng, tôi được thầy tín nhiệm giao cho làm trợ giáo tại nhiều lớp võ. Ngày ra trường, tôi đứng trước sự lựa chọn: Trở về quê nghèo dạy học hay sang Cu Ba dạy võ, theo lời mời của các chuyên gia nước này.

Buổi chia tay, thầy Bính đã gọi tôi lại căn dặn: "Con hãy mang theo di sản này để truyền bá ở quê hương mình". Khi đó, tôi nghẹn ngào, chỉ thưa được một từ "vâng", nhưng đó là lời thề gan ruột.

Để báo hiếu thầy, suốt 30 năm qua, chưa khi nào tôi quên trọng trách sư phụ đã ủy thác, vì đó là "mệnh lệnh trái tim", nó luôn thúc giục, động viên tôi vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả… để làm tròn "đạo trò". Nhưng còn một điều khác, khiến chúng tôi có thể bền bỉ, duy trì tâm huyết qua mấy thập kỷ, đó là vì đã hiểu được rằng võ Nhất Nam là báu vật của tiên tổ để lại, nếu không biết giữ sẽ mất.

Nghệ thuật chiến đấu ấy, nếu không có sự truyền bá và kế tục, sẽ bị chôn vùi theo thời gian. Bản thân môn phái này sau bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, cũng đã bị thất truyền khoảng 30-40%. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể, thành cây cầu nối để tinh thần "Thượng võ" hào hùng của dân tộc Việt ngày hôm qua, được chảy mãi đến muôn đời sau cho các thế hệ cháu con".

Hạnh Nam
.
.
.