"Với tôi, cái chết không phải là điều đáng sợ!"

Thứ Năm, 28/03/2013, 15:21

Chuỗi ngày đau đớn tột cùng tưởng chừng sẽ đánh gục người chiến sĩ, y sĩ Công an, nhưng với nghị lực phi thường cùng sự chia sẻ, động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, đại úy Nguyễn Quang Ánh (cán bộ y tế ở Trại giam Thủ Đức - Z30D) đã vượt qua nỗi đau và sống vững vàng với bản lĩnh của một chiến sĩ Công an.

Vậy là thấm thoắt gần 10 năm sau cái ngày kinh hoàng cả hai vợ chồng đại úy Nguyễn Quang Ánh (cán bộ y tế ở Trại giam Thủ Đức - Z30D) phát hiện mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, do một số phạm nhân có "H" lây nhiễm; người vợ trong lúc đau đớn nghĩ quẩn đã quyên sinh khi chị chỉ mới sinh con được 26 ngày tuổi…

Chuỗi ngày đau đớn tột cùng tưởng chừng sẽ đánh gục người chiến sĩ, y sĩ Công an, nhưng với nghị lực phi thường cùng sự chia sẻ, động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, anh đã vượt qua nỗi đau và sống vững vàng với bản lĩnh của một chiến sĩ Công an.

Những nỗi đau dồn dập

Đại úy Nguyễn Quang Ánh vào lực lượng Công an từ năm 1995 lúc chỉ mới 21 tuổi, khi ấy từ quê nhà (Hà Tây cũ) anh vào làm lính nghĩa vụ - công tác bảo vệ tại Trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Hết hạn nghĩa vụ, anh tình nguyện công tác lâu dài tại đây, vì thế, anh được cấp trên cho đi học y sĩ. Sau hai năm học, anh cùng hai y tá khác nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho một bộ phận cán bộ và một số lượng lớn phạm nhân ở phân trại số 3… Công việc và cuộc sống cứ thế tiến triển tốt đẹp ở vùng đất mới.

Năm 2002, anh xây dựng gia đình với cô giáo B.T.H., dạy văn ở Trường cấp 2 Hàm Tân. Những tháng ngày hạnh phúc của họ trong căn hộ nhỏ của khu nhà tập thể tưởng rằng sẽ lâu bền khi hai năm sau vợ anh có thai đứa con gái đầu lòng, nhưng số phận trớ trêu đã quá cay nghiệt với vợ chồng anh...

Thời gian một tháng trước khi sinh con, trong một lần đi khám thai sản tại Bệnh viện 30-4 (TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ đã phát hiện những dấu hiệu bất thường đầu tiên. Khi được gọi đi thử máu với lý do phòng khi cần truyền cho vợ vì chị H. đã bị nhiễm viêm gan C và có thể phải sinh mổ, anh chỉ nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường. Ngay sau đó, cả hai vợ chồng anh lại được báo đi thử máu lần tiếp theo - lần này chẳng hiểu sao anh lại có những linh tính không hay dù chẳng bao giờ anh nghĩ tới kết quả mà bác sĩ thông báo mấy ngày sau đó.

Và cái ngày định mệnh buồn đau đối với vợ chồng anh đã đến khi các bác sĩ nói chuyện trực tiếp với anh để báo tin rằng cả hai vợ chồng anh đều bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV từ trước đó. Nghe thông tin này, dù đã cố gắng trấn tĩnh và kìm chế nhưng anh cũng gần như chết lặng, đau buốt.

Sau đó, nghe lời tư vấn của các bác sĩ, để khẳng định chắc chắn bệnh tình của mình, anh đã đi làm xét nghiệm ở một số bệnh viện khác, điều không mong muốn là các kết quả đều có chung một đáp án. Có lẽ chẳng ai có thể hiểu hết được tâm trạng và nỗi đau của anh khi nhận những kết quả xét nghiệm đó. Tuy nhiên, lúc này điều quan trọng nhất với vợ chồng anh là đứa con còn trong bụng mẹ. Sau thời gian tự trấn an và suy nghĩ cặn kẽ, anh thuyết phục các bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ cho vợ sinh mổ dù còn gần một tháng nữa mới đến ngày sinh, nhằm tránh lây nhiễm HIV cho con…

Cho đến lúc đó, do anh và gia đình đều giấu mọi chuyện nên vợ anh hoàn toàn chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Tuy vậy, khi được ra viện về nhà, những biểu hiện bất thường của anh khiến vợ anh để ý, ngoài ra chuyện người nhà ngăn không cho con bú mẹ cũng khiến người mẹ lờ mờ nhận ra có điều gì đó không bình thường. Và cho đến giờ anh cũng không biết rõ tại sao vợ anh lại biết được chuyện kinh khủng đang xảy ra với mình dù mọi người đã ra sức giấu chị. Và hậu quả thật thảm thương và đau xót khi chị H. tự tử ngay sau khi sinh con gái mới được 26 ngày tuổi.

"Đối với chúng tôi, khi phát hiện mình bị nhiễm bệnh, đó thực sự là một cú sốc rất lớn, và dù tôi đã dự tính là sau khi sinh con một thời gian khi bé cứng cáp, tôi sẽ lựa thời gian thích hợp để động viên và trao đổi mọi chuyện với vợ. Nhưng khi tôi chưa kịp làm gì thì vợ đã đi đến quyết định như vậy, đó là một kết cục quá bất ngờ và đau đớn mà tôi không thể nào lường trước được", anh nghẹn ngào chia sẻ.

Sau hai cú sốc quá lớn đối với anh xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã khiến anh gần như suy sụp, và phải đi nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện. Tuy vậy, khi biết con gái mình không bị nhiễm bệnh thì đó thực sự là niềm an ủi lớn với anh và gia đình. "Điều may mắn nhất là con tôi đã không bị mắc bệnh, trong khi đó, gia đình lại quan tâm, động viên chăm sóc hết mức cho cả hai bố con tôi. Bản thân tôi được ban lãnh đạo đơn vị cũng như các anh em đồng đội luôn quan tâm động viên, giúp đỡ, bố trí công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của tôi. Vì thế, từ đó tinh thần của tôi được nâng lên và tôi đã cố gắng vượt qua mọi chuyện", anh vui vẻ bộc bạch.

Tuy nhiên, điều khiến anh luôn day dứt và đau khổ là chính anh đã lây nhiễm bệnh cho vợ khiến cho gia đình đang yên ấm bỗng nhiên tan nát. Suy nghĩ và xâu chuỗi lại mọi chuyện đã diễn ra trước đó, anh cũng không thể nào nhớ chính xác mình bị nhiễm bệnh khi nào, chỉ chắc rằng có thể do rủi ro trong các ca chữa trị hay cấp cứu cho phạm nhân, cũng là bệnh nhân nhiễm HIV trong trại giam.

"Trường hợp của tôi có thể là do một bệnh nhân nhiễm bệnh chuyển giai đoạn cuối là Bùi Văn Phú lây sang - đó là phạm nhân không được gia đình thăm nom, động viên do mồ côi cha mẹ nên khi vào trại, phạm nhân này luôn có tư tưởng chống đối, bất hợp tác với cán bộ. Trong một lần khám chữa cho bệnh nhân này, anh ta đã dùng chiếc bô để bông băng đã thấm máu của anh ta tấn công tôi và hất bô máu đó vào người tôi. Có lẽ do lúc đó hiểu biết về căn bệnh quái ác này còn chưa đầy đủ như bây giờ, nên khi ra về tôi chỉ tắm giặt bình thường và hoàn toàn không nghĩ rằng mình đã bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, cũng có thể trong những ca cấp cứu cho những trường hợp phạm nhân mang "H" có vết thương hở làm cho tôi dễ nhiễm bệnh", anh bình tĩnh lý giải.

Theo đại úy Ánh, công việc của người cán bộ mang hai màu áo như các anh tương đối có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh vì các đối tượng phạm nhân rất manh động, hơn nữa trong số này nhiều tên mang căn bệnh thế kỷ và nhiều bệnh xã hội khác từ trước khi vào trại. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là anh hoàn toàn không tỏ ra trách cứ hay hận thù những kẻ đã truyền bệnh cho mình.

Anh Ánh trước bàn thờ vợ.

Anh nhẹ nhàng cho biết: "Chuyện rủi ro, nguy hiểm trong nghề như chúng tôi gần như khó tránh khỏi, dù chúng tôi đã làm hết khả năng và đúng các thao tác kỹ thuật. Nhưng thực sự tôi không hề oán trách gì với số phạm nhân đã gây ra bệnh tật cho tôi. Với tôi, những phạm nhân đó cũng chỉ là người bệnh nên rất cần được chăm sóc, giúp đỡ, động viên an ủi. Tôi nghĩ bệnh về thể xác không đáng sợ bằng bệnh về tinh thần, vì thế gia đình cần là nền tảng vững chắc để cho những người bệnh như tôi, những người có hoàn cảnh như tôi vượt qua được chính mình".

"Điều quan trọng là trước khi chết, mình đã sống như thế nào"!

Một điều đáng vui mừng là ba năm qua sau những đau thương, anh đang sống trong những ngày vui hạnh phúc vì có một người phụ nữ (không nhiễm HIV) vốn là bạn học của anh ở Trường Cao đẳng Y Bình Thuận, đã dũng cảm cùng chia sẻ với anh những vui buồn trong cuộc đời. Tuy nhiên, để đến được với nhau, cả hai anh chị đã phải vượt qua những khó khăn không nhỏ từ phía hai gia đình.

"Ngay từ đầu hai gia đình đã không đồng ý, nhất là gia đình tôi đã ngăn cản khá quyết liệt vì lo sợ tôi sẽ lại mang gánh nặng cho người ta. Trong khi đó, gia đình bên vợ cũng phản đối kịch liệt và không chấp nhận cho chúng tôi đến với nhau. Thực sự nhiều lần chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà khóc, nhưng rồi cả hai đã cùng cố gắng động viên và khuyên nhủ gia đình hai bên tin tưởng vào tình cảm của chúng tôi… Thực sự, người bạn đời thứ hai của tôi đã phải hy sinh rất nhiều, cô ấy phải vượt qua những rào cản, định kiến ngoài xã hội để đến với tôi và những lần tôi ngã bệnh cô ấy đã đến động viên, chăm sóc tôi tận tình. Ngay bản thân tôi lúc đầu cũng không hề muốn tiến tới cuộc hôn nhân này vì biết là cô ấy sẽ bị thiệt thòi nhiều thứ, nhưng với sự chân thành và tình cảm của cô ấy, tôi đã vượt qua mọi thứ để đến với cô ấy. Cho đến nay chúng tôi đã được gia đình hai bên, bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ và giúp đỡ", anh vui vẻ tâm sự.

Công việc khám chữa bệnh hàng ngày cho phạm nhân.

Về phần cháu bé, do bị sinh thiếu tháng lại thiếu hơi ấm của người mẹ nên sức khỏe cháu khá yếu. Vì thế, gia đình hai bên đã phải gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 (quận Thủ Đức) chăm sóc suốt 18 tháng. Và từ đó đều đặn mỗi tuần, cứ thấy khỏe là anh bắt xe đò vượt hơn 100km đường lên thăm con, dù đang mang trong người cơn bạo bệnh… Tuy nhiên, việc này cũng không thể duy trì được lâu, sau khi con cứng cáp, được gần hai tuổi, anh đã gửi con về cho ông bà nội nuôi giữ giúp vì một thân một mình vừa làm vừa học, bản thân còn chưa biết bệnh sẽ diễn tiến như thế nào nên anh không thể chăm lo được cho con…

Thấm thoắt đã tám năm, giờ cháu đã học lớp 3, học giỏi và rất ngoan. Mỗi ngày, cháu đều gọi điện thoại cho bố để hỏi thăm sức khỏe, nhắc nhở bố uống thuốc đều đặn… Đây thực sự là nguồn động lực lớn nhất để đại úy Ánh có thêm sức mạnh chạy đua với thời gian, vượt qua được bệnh tật, kéo dài sự sống.

Thực sự khi ngồi nghe những tâm sự chân thành của anh, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm thương cho những nỗi đau mà anh phải gánh chịu. Tuy vậy, điều rất vui và tự hào là anh đã vô cùng bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua mọi thứ trắc trở trong cuộc đời.

Anh cười rất tươi bảo rằng: "Thực sự đến giờ phút này tôi vẫn thấy mình là người hạnh phúc, vì dù đang là người bệnh không biết sống chết lúc nào nhưng tôi thấy mọi người vẫn quan tâm giúp đỡ tôi, và tôi vẫn làm việc có ích giúp cho người khác, cho xã hội. Chắc chắn dù chỉ còn một giờ, một ngày sống trên cõi đời này thì tôi cũng sẽ luôn phấn đấu, cố gắng làm việc hết mình. Cái chết thì ai cũng phải trải qua, quan trọng là trước khi chết, mình đã sống như thế nào. Với tôi, sống một ngày cũng phải có ý nghĩa, khi tôi chết đi thì cũng phải trở thành niềm tự hào cho con gái tôi, cho gia đình tôi và cả cho bạn bè, đồng chí đồng đội của tôi… Đấy mới là điều quan trọng, với tôi cái chết không phải là điều đáng sợ!".

Thượng tá Nguyễn Thiết Hùng, Phó Giám thị Trại giam Z30D cho biết: "… Trong số phạm nhân Trại giam Thủ Đức đang quản lý hiện nay, tỷ lệ phạm nhân có tiền án, tiền sự rất cao, riêng phạm nhân có tiền án chiếm tới gần 40%, số bị nhiễm HIV, AIDS chiếm trên 11%, điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi trong công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc y tế cho phạm nhân cũng như cán bộ của trại, phòng ngừa những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm việc.

Về trường hợp của đồng chí Nguyễn Quang Ánh, tập thể Đảng ủy và Ban Giám thị trại xác định là do tai nạn nghề nghiệp nên chúng tôi rất quan tâm, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, chính vì vậy trong nhiều năm qua đồng chí Ánh luôn giữ niềm tin, hy vọng và tự vượt lên chính mình để phấn đấu làm tốt công việc được giao, đồng thời bản thân đồng chí cũng luôn bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của mình".

Đại úy Phạm Tân Thọ, đồng nghiệp của anh Ánh ở Trại giam Z30D, chia sẻ: "Sự việc xảy ra với gia đình đồng chí Anh rất bất ngờ, lúc đầu anh ấy cũng bị suy sụp nhưng sau đó với nghị lực phi thường và sự động viên chia sẻ của gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, anh ấy đã lấy lại được niềm tin và chịu khó ăn uống, điều trị để đảm bảo sức khỏe và luôn hoàn thành nhiệm vụ mà ban lãnh đạo trại giao cho… Được sống và làm việc bên cạnh đồng chí Ánh, chúng tôi luôn xem anh là một tấm gương sáng để có thêm nhiều nghị lực phấn đấu trong công việc và cuộc sống".

Phú Lữ
.
.
.