Vượt '61 cửa ải' để hiến thận cho người dưng

Thứ Năm, 11/06/2015, 14:00
Cơ thể không phải lành lặn, khỏe mạnh như bao người, một tay lại liệt nhẹ không thể làm được việc nặng, vậy mà anh Vũ Quốc Tuấn (thôn 8, xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ) sẵn sàng hiến một quả thận của mình để cứu sống một người khác không hề quen biết. Chuyện hiến thận của anh ngay cả gia đình cũng không hề hay biết, để rồi nhiều năm sau, khi chúng tôi gặp mẹ anh là bà Nguyễn Thị Mão - năm nay đã 80 tuổi, bà vẫn còn lo lắng hỏi rằng: "Con nó lại hiến cái gì nữa hả các chú, các chú cứ nói thật cho tôi đi, tôi lo lắm...".
Hết lòng vì việc nghĩa

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả và bản thân anh Tuấn cũng là một người thiệt thòi khi một cánh tay bị liệt nhẹ. Cho đến khi lập gia đình, lại thêm gánh nặng kinh tế đổ lên vai người đàn ông có khuôn mặt hiền từ nhưng khắc khổ này. Tìm cách thoát nghèo, anh Tuấn vay mượn tiền để cho vợ đi xuất khẩu lao động nhưng số tiền chị mang về sau một thời gian làm lụng bên xứ người chỉ đủ trả nợ.

Trong thời gian vợ đi làm xa, dù khó khăn là vậy, nhưng chưa khi nào anh Tuấn thôi nghĩ về việc phải giúp đỡ người khác để góp một phần nào đó cho cuộc đời. Một lần đi công chuyện, đang dừng chân ven đường, anh thấy hai con trâu húc nhau sắp lao vào một đứa trẻ gần đấy, không kịp nghĩ anh lao vào bế đứa trẻ thoát nạn trong gang tấc.

Lần ấy anh bị trâu húc ngã ngất đi, được người dân đưa vào viện cấp cứu. Khi tỉnh dậy, anh lặng lẽ về nhà và cũng không cần biết mình đã cứu được ai. Mãi đến khi đài truyền hình tỉnh đưa tin gương người tốt việc tốt, thì gia đình em bé nọ mới biết ân nhân cứu mạng con mình và đến cảm ơn.

Mẹ và vợ của anh Tuấn.

Lần đi khám lại chiếc xương sườn bị gẫy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thấy gia đình một cháu bé kêu khóc vì con bị bệnh nặng, phải mổ ngay mà không có máu truyền, anh liền đề nghị bác sĩ lấy máu của mình truyền cho cháu bé, dù người vẫn chưa hồi phục. Sau khi cho máu, anh chỉ kí tên rồi lặng lẽ ra về nhưng gia đình cháu bé đã tìm bằng được nhà anh ở Đoan Hùng để cảm ơn rồi giới thiệu anh làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để kiếm thêm tiền trang trải học hành cho con và nuôi mẹ già.

Những ngày tháng làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn những cháu bé phải chịu cảnh ốm đau, gia đình nghèo khó nhưng cũng phải vất vả chạy chữa, anh mới hiểu được rằng có những người còn khốn khổ hơn mình. Và hoàn cảnh của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh và cháu Tạ Thu Hà ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng nhiều lần khiến anh phải suy nghĩ, thương cảm. Theo như lời kể của anh, hai mẹ con chị Thanh trong suốt 6 năm trời, cứ mỗi tuần lại phải bắt xe lên viện 3 lần để khám chữa. Dù mới 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái nhưng cháu Hà tiều tụy, xơ xác bởi căn bệnh hành hạ bấy lâu nay.

Cũng có một đứa con gái trạc tuổi Hà, anh Tuấn hiểu được nỗi đau mà chị Thanh đang phải gánh chịu khi ngày ngày thấy con gái mình phải chịu đau đớn, bất cứ lúc nào cũng có thể xa lìa cõi đời. Khi biết tin cháu Hà có thể sống nếu được ghép thận, anh Tuấn đã có một suy nghĩ táo bạo mà có lẽ suốt đời này anh cũng như những người thân và gia đình chị Thanh không thể nào quên, đó là hiến thận cho cháu Hà. Với anh, suy nghĩ đó đến một cách rất bình thản bởi người đàn ông này luôn tâm niệm phải cống hiến gì đó để làm đẹp cho cuộc đời này.

Anh Tuấn tại Đại hội thi đua yêu nước, tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Nhưng với gia đình anh thì, đó lại là tin sét đánh, vì thế anh quyết định giấu thật kĩ không nói cho ai ngoài cô con gái nhỏ đang học ở Hà Nội. Khi biết chuyện, con gái anh đã nói rằng, bố cứ làm những việc bố cho là đúng. Ngầm hiểu đó là một sự đồng tình, sự động viên, sau khi tìm hiểu được hoàn cảnh gia đình cháu Hà thực sự khó khăn, bố là thương binh, sức khỏe yếu, lại hỏng một mắt, mẹ thì phải cáng đáng nuôi cả nhà, còn phải vay mượn chữa trị cho con, anh đã viết đơn xin hiến tạng.

61 "cửa ải"

Sau khi viết lá đơn xin hiến tạng, anh Tuấn đã gặp bác sĩ ở Bệnh viện Nhi để bày tỏ nguyện vọng của mình. Tất cả đều bất ngờ trước quyết định của anh, bởi trước đó chưa có ai tự nguyện hiến thận cho một người không thân thích, quen biết. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương hồi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm có giải thích với anh rằng, việc hiến thận không hề đơn giản, không phải cứ muốn là làm được mà sẽ phải trải qua quá trình theo dõi, tiến hành nhiều xét nghiệm song song với người bệnh.

Nếu hai cơ thể có những chỉ số tương thích, việc cho - nhận mới thành công. Các bác sĩ cũng nói với anh Tuấn rằng, sau khi hiến thận có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và nên cân nhắc kĩ trước khi bắt đầu tiến hành nhưng anh đã quả quyết: "Tôi đã suy nghĩ kĩ và chấp nhận tất cả, kể cả hậu quả xấu nhất".

Những tấm bằng khen cho nghĩa cử cao đẹp.

Câu chuyện anh Tuấn hiến thận cho "người dưng" khi đó cũng làm nhiều người bàn ra tán vào, đa số đều không tin rằng trên đời có người tốt đến như vậy. Nhiều người còn cho rằng, anh bán thận để lấy tiền chứ không phải cho. Trước những sự đơm đặt của người đời, anh chỉ giữ một thái độ im lặng và lặng lẽ đi làm mọi thủ tục cần thiết để hiến thận.

Thế nhưng, việc hiến thận không hề đơn giản, anh Tuấn phải trải qua quá trình xét nghiệm và theo dõi vô cùng phức tạp để kiểm tra chỉ số tương thích của hai cơ thể. Hơn 60 lần xét nghiệm như 60 cửa ải đầy chông gai đầy đau đớn, mệt mỏi mà anh phải chịu đựng, có những lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc.

Đó là những lần anh phải chụp động mạch thận, nằm bất động 8 giờ đồng hồ, từng mũi kim luồn lách trong cơ thể nhức buốt, là khi bác sĩ cầm cây kim to chọc vào tủy sống đau nhói. Mỗi lần như vậy, anh Tuấn tự động viên mình cố gắng bởi "nếu không có quả thận này, Hà sẽ chết", Ý nghĩ đó tiếp thêm nghị lực cho người đàn ông này vượt qua được sự đau đớn, mệt mỏi.

Qua được 60 cửa ải kia thì cửa ải thứ 61 lại đến, đó là khi có một gia đình ở Hải Phòng nghe tin tìm đến xin anh dành quả thật đó cho con họ, họ sẽ bồi dưỡng 50.000 USD. Đó là một số tiền lớn, nhất là với một người đang đối mặt với những khó khăn về kinh tế như anh Tuấn. Tuy nhiên, anh Tuấn đã khéo léo trả lời rằng thận anh dành để cho đứa cháu, "anh chị nhiều tiền thì có thể mua được ở nhiều nơi, nhưng với cháu Hà, tôi không cho thì nó sẽ chết".

Vết mổ dài sau lần hiến thận.

Trong quãng thời gian từ ngày 19/3/2008 (lần đầu tiên xét nghiệm máu) đến khi lên bàn mổ ngày 20/10/2008 là từng ấy thời gian anh Tuấn chỉ quanh quẩn với việc xét nghiệm nên không thể làm việc kiếm tiền, vợ lại đang làm việc ở nơi đất khách quê người nên anh phải vay mượn tiền để lo cho gia đình, dù vậy anh vẫn không một câu than vãn mà chỉ âm thầm chịu đựng.

Tỉnh dậy sau 8 giờ hôn mê sau ca mổ, lời đầu tiên anh Tuấn hỏi là "cháu Hà thế nào rồi bác sĩ" và khi nghe rằng "ca mổ thành công", anh đã mừng đến rơi nước mắt. Suốt một tháng nằm viện chờ hồi phục sức khỏe, anh vui mừng vì đã cứu sống một sinh mạng, gia đình cháu Hà đã chăm sóc và ngỏ ý muốn bồi dưỡng nhưng anh Tuấn gạt đi với lời dặn "anh chị để tiền chăm sóc cho cháu".

Một con người hiếm có

Quay trở lại cuộc trò chuyện, mẹ anh Tuấn, bà Mão cho biết: "Nào tôi có biết nó đi hiến thận, nó chỉ báo tin là đang đi cùng một đoàn tìm hài cốt liệt sĩ xa lắm nên chưa về. Rồi sau này nó bảo nó phải nhập viện vì bị bệnh, không cho chúng tôi xuống thăm, rồi bảo là bác sĩ không cho gặp ai vì bệnh có thể lây". Người mẹ già dù đã ở tuổi 80 nhưng khi nhắc đến câu chuyện của anh Tuấn vẫn không giấu được vẻ lo âu.

Mãi cho đến khi xe cấp cứu của bệnh viện chở anh Tuấn về nhà, bà Mão và chị Nguyễn Thị Hằng - vợ anh vừa đi xuất khẩu lao động về mới nước mắt ngắn, nước mắt dài khi biết rằng anh vừa cho đi một quả thận. Biết tính con mình, bà Mão cũng không nói được gì, chỉ âm thầm khóc suốt cả tháng trời sau đó vì lo nghĩ cho con.

Đến khi gặp chúng tôi, chỉ mới kịp giới thiệu là phóng viên, bà Mão đã lo lắng hỏi: "Con nó lại hiến cái gì nữa hả các chú, các chú cứ nói thật cho tôi đi, tôi lo lắm". Và như để chắc chắn, trong buổi nói chuyện cứ chốc chốc bà Mão lại hỏi liệu anh Tuấn có tiếp tục hiến một phần cơ thể của mình để cứu người hay không vì quá lo cho con.

Khi nói về câu chuyện này, anh Tuấn tâm sự, anh cũng không muốn nhắc lại chuyện này nhiều vì rất ngại việc ơn huệ. Bởi lẽ đó mà sau khi ra viện, anh đã thay số điện thoại và không cho gia đình Hà biết. Mãi đến gần đây, gia đình Hà mới tìm được số điện thoại của anh và gọi điện hỏi thăm. Sau khi hiến thận, sức khỏe của anh Tuấn cũng giảm sút khá nhiều đúng như cảnh bảo của các bác sĩ.

Nhưng may mắn rằng, khi biết được nghĩa cử cao đẹp của anh Tuấn, Công ty Cơ khí 17 thuộc Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng đã quyết định nhận anh vào làm công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe.

Quang Phong
.
.
.