Xe cứu thương miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Thứ Ba, 11/10/2016, 12:54
Dù cuộc sống không giàu có, dư giả gì nhưng hai cậu cháu anh Nguyễn Văn Cường (xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh, Nam Định) vẫn quyết tâm tậu một chiếc xe du lịch 16 chỗ rồi tự mang về sửa chữa, lắp đầy đủ trang thiết bị cần thiết như một chiếc xe cứu thương thực thụ để phục vụ bệnh nhân nghèo miễn phí ở trong xã.


Bất cứ ngày hay đêm, chỉ cần bệnh nhân thực sự cần đến trong hoàn cảnh hiểm nghèo là anh Cường lại lên đường.

Câu chuyện về chiếc xe cứu thương đặc biệt của anh Nguyễn Văn Cường và người cháu họ của mình đã nổi tiếng cả xã Trực Đạo bởi ngày khai trương, lãnh đạo xã đều có mặt đầy đủ, cùng với trưởng thôn của các thôn trong toàn xã để tuyên truyền, phổ biến cho mọi người biết.

Căn nhà nhỏ nằm sâu cuối thôn 12 là nơi anh Cường cất giữ, trông nom chiếc xe. Hiện tại, xã đã cho anh mượn một mảnh đất nhỏ ngay trước cổng UBND dựng nhà để xe cứu thương tiện cho việc đi lại cũng như trông giữ xe. Mọi chi phí xây dựng, mua xe đều là do cháu anh là anh Ngô Văn Thuận tự bỏ tiền túi ra.

Anh Cường chăm chút chiếc xe cứu thương cẩn thận.

Anh Thuận dù làm nghề lái taxi ở Hà Nội, hai đứa con còn nhỏ, cuộc sống cũng chẳng phải khá giả gì nhưng từ việc mua xe, đến đầu tư thiết bị cấp cứu trên xe và xây nhà để xe đều một tay anh tự lo. Ý tưởng mua xe về làm xe cấp cứu để chở bệnh nhân đi viện đến với anh Thuận cũng thật bất ngờ.

Vào cuối năm 2015, trong một lần hai cậu cháu ngồi nói chuyện với nhau về việc gia đình cũng như nhiều nhà trong xã có người ốm đau, hay phải đi viện nhưng mỗi lần gọi xe rất tốn kém và mất thời gian. Người có nhu cầu cấp cứu ở xã thường chỉ được chở bằng xe máy hoặc xe ôtô dịch vụ không có thiết bị chuyên dụng nên không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, nếu chở bằng xe cấp cứu đến các bệnh viện đa khoa tỉnh ở trên thành phố Nam Định hoặc các bệnh viện ở Hà Nội thường có chi phí rất cao, trong khi đa phần người dân trong xã đều sống bằng nông nghiệp, ít có điều kiện để thuê xe. Xã Trực Đạo lại nằm xa trung tâm nên việc gọi xe cấp cứu rất khó khăn.

Anh Thuận đã nảy ra ý tưởng mua xe, trước hết để chở người nhà đi viện, sau đó là phục vụ miễn phí các bệnh nhân trong xã. Mọi chi phí anh sẽ lo hết, chỉ nhờ anh Cường lái xe và trông nom, giữ gìn xe cẩn thận.

Cũng chỉ lắng nghe và ủng hộ kế hoạch của cháu, nhưng anh Cường  không ngờ anh Thuận lại thực hiện thật và nhanh chóng đến thế. Vài tháng sau, anh Cường nhận được điện thoại của anh Thuận rằng đã mua được một chiếc xe ôtô du lịch 16 chỗ đã qua sử dụng.

Anh Thuận cũng đã sửa chữa, hoán cải chiếc xe thành xe cứu thương có băng ca, bình ô-xy, còi hụ và xin đăng ký, cấp phép hoạt động tại Công an thành phố Hà Nội với tổng kinh phí gần 240 triệu đồng do anh và một người bạn quê ở xã Trực Hưng chung tay góp vốn. Sau khi được cấp giấy phép hoạt động cấp cứu, đích thân anh Thuận lái xe mang về quê giao cho anh Cường quản lý.

Để đưa chiếc xe đi vào hoạt động tại địa phương, anh Cường và anh Thuận đã làm việc với UBND xã Trực Đạo và nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao từ Ban lãnh đạo xã. Đồng thời, lãnh đạo xã cũng chỉ đạo Trạm Y tế xã liên kết làm việc với cậu cháu anh Cường, bố trí cán bộ y tế đi cùng xe để chở bệnh nhân lên tuyến trên khi cần thiết.

Cuối tháng 6-2016, tại trụ sở UBND xã đã diễn ra lễ khai trương xe cứu thương từ thiện với sự tham gia của đông đảo cán bộ ở 22 thôn của xã và đông đảo bà con khu chợ Gạo.

Con gái anh Cường ngoài giờ học lại giúp bố trong xưởng ấp trứng để anh có thời gian rảnh làm việc thiện.

Tại lễ khai trương, xã cũng đã thành lập Hội từ thiện để ủng hộ kinh phí cho xe cứu thương hoạt động. Tổng số kinh phí ủng hộ là 21 triệu đồng, trong đó anh Thuận ủng hộ 10 triệu. Anh Cường chịu trách nhiệm chính là bảo quản, lái xe.

Từ đó, hình ảnh chiếc xe cứu thương mang BKS 30E-058.70 rong ruổi trên các con đường, chở bệnh nhân đi bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương đã trở nên quen thuộc với người dân xã Trực Đạo, làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo không có điều kiện gọi xe đi cấp cứu.

Hoạt động không lâu nhưng xe cứu thương từ thiện xã Trực Đạo đã vận chuyển cấp cứu 8 bệnh nhân đi Bệnh viện Bạch Mai, lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Trực Ninh, trong đó có trường hợp qua trạm y tế cấp cứu rồi điều chuyển lên tuyến trên, có trường hợp người nhà gọi xe chở thẳng bệnh nhân lên Hà Nội.

Chỉ sau khi gọi xe khoảng 10 phút là anh Cường đã có mặt. Nhiều trường hợp bệnh nặng được chuyển đi cấp cứu kịp thời.

Như trường hợp ông Ngô Xuân Được, là thương binh, người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở thôn 10 đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện ở thị trấn Cổ Lễ bị khó thở. Sau khi nhận yêu cầu của người thân, xe cấp cứu từ thiện từ xã Trực Đạo qua Bệnh viện Đa khoa huyện Trực Ninh đưa ông Được lên bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu và điều trị.

Ông Ngô Bá Nhờ ở thôn 15 sau mổ bị đau bụng dữ dội, có nghi vấn tắc ruột, nhờ có xe cấp cứu đã được đưa lên bệnh viện tuyến trên cứu kịp thời. Bà Nguyễn Thị Tẹo ở thôn 13 bị ngã, được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì chẩn đoán gẫy xương cẳng tay.

Gần đây nhất, ông Ngụy Hữu Hoán (SN 1954, xóm 11, Trực Đạo) bị tắc nghẽn phổi và phế quản co thắt, nhờ chuyến xe cấp cứu kịp thời của anh Cường mà ông Hoán cũng đã qua cơn nguy kịch.

Gia đình và các bệnh nhân đều xúc động bởi tấm lòng thiện nguyện của anh Cường và anh Thuận. Bởi nếu tính theo giá thị trường, một chuyến xe cấp cứu vận chuyển từ xã Trực Đạo lên Hà Nội có giá 2,4 triệu đồng, lên thành phố Nam Định 600-700 nghìn đồng, lên thị trấn Cổ Lễ là 300-400 nghìn đồng, đối với nhiều gia đình nông thôn đó là khoản kinh phí không hề nhỏ.

Hơn nữa, việc thuê xe cấp cứu ở một xã xa trung tâm như Trực Đạo thực sự rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Hình ảnh chiếc xe cứu thương của cậu cháu anh Cường và anh Thuận thực sự làm ấm lòng bệnh nhân nghèo.

Dù bận rộn công việc ở xưởng sản xuất lợn đất nhưng anh Cường vẫn nhiệt tình với công việc thiện nguyện.

Ngoài thời gian lái xe cứu thương, anh Cường lại trở về với công việc hằng ngày là ấp trứng vịt lộn, cút lộn cho vợ đi bán ở chợ gần nhà. Công việc này anh đã làm hơn 20 năm nay và đã nổi tiếng ở xã Trực Đạo.

Cách đây hơn 5 năm, anh cũng tự gây dựng một xưởng sản xuất lợn đất và giao cho anh con trai cả cai quản. Con trai thứ 2 thì đi làm công nhân. Hai cô con gái sinh đôi đang học lớp 12, ngoài giờ học lại phụ giúp bố mẹ.

Dù công việc bận rộn, tuổi cũng đã cao, nhưng khi anh Thuận đề xuất ý tưởng lái xe cứu thương miễn phí, anh ủng hộ ngay. Vợ con anh Cường cũng ủng hộ nhiệt tình việc chồng làm thiện nguyện cho người dân trong xã.

Hiện tại mới có một mình anh Cường là lái xe chính. Vì từ tuyến xã nên không phải lúc nào cũng có bệnh nhân nhờ chở đi cấp cứu nhưng anh Cường vẫn làm hợp đồng thuê lái xe với những người bạn, người thân đề phòng có những hôm anh ốm, hoặc bận việc không đi đón bệnh nhân được.

Tiền thuê lái xe đều được thủ quỹ, cũng là bạn của anh Thuận trả công cao. Mọi chi phí xăng xe, đi lại, thuê lái xe đều trích từ kinh phí của Hội từ thiện do chính anh Thuận và bà con trong xã đóng góp.

"Vì đây là xe cấp cứu từ xã nên bệnh nhân không nhiều và liên tục như ở bệnh viện. Kể từ khi khai trương, cũng nhiều bà con ở xã khác, thậm chí tỉnh khác gọi điện đến nhờ chúng tôi chở đi cấp cứu, nhưng vì sức làm có hạn nên chúng tôi chỉ ưu tiên bệnh nhân trong xã, cũng như quán triệt với gia đình bệnh nhân là bệnh nặng phải đi cấp cứu gấp chúng tôi mới chở.

Việc làm của cậu cháu tôi xuất phát từ chính cái tâm, muốn làm từ thiện cho quê hương, giúp bệnh nhân nghèo giảm được một phần chi phí khi đi khám bệnh", anh Cường tâm sự.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Cường cho biết, sắp tới, anh và anh Thuận sẽ nhận chở cấp cứu cho những người dân xã Trực Hưng. Anh cũng hi vọng rằng, sau này sẽ có nhiều nhà hảo tâm biết đến ủng hộ Hội từ thiện của xã để lấy kinh phí cho xe cứu thương hoạt động, cũng như sẽ có nhiều người tìm đến cùng chung vai, giúp sức với anh lái xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, để có một "Đội xe cấp cứu từ thiện" thực sự chuyên nghiệp của xã Trực Đạo.

Mai Ngọc
.
.
.