Xoay chuyển lầm lỡ, dựng cơ nghiệp với mười ba triệu đồng

Thứ Hai, 03/03/2014, 14:30

Từ chỗ lầm lỡ mà trở thành con bạc khát nước, tiêu tán gia sản trong cuộc đỏ đen, ông Tuy đã tự mình xoay chuyển vận mệnh bằng ý chí, nghị lực. Đó là câu chuyện về người đàn ông miền xuôi mắc cạn nơi miền ngược rồi tự đứng lên, gây dựng sản nghiệp với mười ba triệu đồng còn lại sau những canh bạc...

Nghĩ về hôm qua để thấy mình chiến thắng

Hai mươi tuổi, ông Tuy đến với phố Bờ, huyện Đà Bắc để làm kinh tế mới. Ở đây, ông đã chứng kiến trọn vẹn công cuộc chuyển dân với vô vàn khó khăn, kéo dài hàng chục năm của người dân vùng lòng hồ Hòa Bình. Thời điểm đó, gia đình ông đã có nhà ở thị xã. Vợ ông mở sạp bán gạo, kinh tế gia đình cũng tạm coi là khá giả. Người đàn ông miền xuôi tới miền ngược chỉ biết miệt mài ghìm lái, lướt thuyền ngược xuôi trên sông Đà tới đây bị lệch phương hướng. Thay vì tiếp tục công việc làm ăn lương thiện, ông lại vùi vào các sới bạc. Thời gian đầu, thắng đậm, rồi lấn sâu vào đó, thua triền miên. Ngôi nhà vừa xây đã lại bán đi, ném vào sới bạc. Chậm rãi, thấm thía và chứa chất nhiều xúc cảm, người đàn ông đó kể lại chuyện đời đã qua của mình.

Khi mới tới phố Bờ năm hai mươi tuổi, ông đầu quân cho một xưởng nông cụ. Lạ đất, lạ người, chàng trai trẻ khi đó chỉ vùi vào công việc. Những ngày nghỉ lại tha thẩn vào bản người Mường gần đó chơi. Cuộc sống lành lẽ cứ diễn ra như thế. Năm 1970, ông kết hôn với một sơn nữ người Mường vùng phố Bờ. Cưới vợ, ông cũng thôi nghề kéo bễ, quay búa, về quê vợ bắt đầu cuộc sống mới. Chàng trai miền xuôi bây giờ mới biết thế nào là vào rừng, lên nương, chọc lỗ, gieo hạt. Sau năm 1975, khi nước nhà thống nhất, vùng sông nước chợ Bờ bắt đầu xuất hiện những chiếc thuyền chạy bằng máy cole. Sẵn có nghề cơ khí, ông Tuy bàn với vợ tậu ngay một chiếc máy như vậy để có được chiếc thuyền máy đẩy.

Có thuyền máy rồi, việc đánh bắt tôm cá không còn là nghề kiếm cơm cho gia đình duy nhất nữa. Có thuyền, vợ chồng ông theo chân đi chợ phiên từ chợ Bờ tới Suối Rút rồi Hạt Kế. Phiên chợ nọ nối tiếp phiên chợ kia khiến cuộc sống của ông lênh đênh mặt nước nhiều hơn là có mặt ở nhà với vợ con. Kinh tế khấm khá, gia đình ông Tuy mua được cả nhà ở trung tâm thị xã Hòa Bình.

Sau vài năm buôn bán trên mặt sông, gia đình ông dần dần nâng cấp chiếc thuyền máy của mình, ngoài chở hàng còn chở khách đi chợ, đi tham quan. Ban đầu là thuyền nhỏ chỉ chở được 12 người rồi tới 45 người. Từ trọng tải 30 tấn lên 50 rồi hàng trăm tấn. Đây cũng chính là quãng thời gian gia đình ông tham gia vào cuộc di dân đầy tảo tần khi xây dựng thủy điện Hòa Bình. Thời đó, mua được một căn nhà trong thị xã lại là nhà xây là ước mơ không chỉ của người dân phố thị.

Ông Nguyễn Đình Tuy nơi bến đảo Dừa.

Có nhà ở thị xã rồi, bà Niên – vợ ông mở quầy bán gạo tại chợ Phương Lâm. Cuộc sống no đủ tưởng cứ thế xuôi chèo, mát mái. Có tiền, người đàn ông chất phác đó đã không trụ vững trước những lời tâng bốc của đám anh chị cờ bạc gạo mà sa vào trận đỏ đen.

Thời gian đầu thì ông Tuy thắng liên tiếp. Ngồi vui chốc lát mà mang về hàng đống tiền. Rồi thắng ít, thua nhiều, rồi triền miên thua. Càng khát bạc, càng gỡ, càng thua. Mười ba năm có mặt ở thị xã Hòa Bình tính tới thời điểm đó là mười ba năm trôi đi thoáng như một giấc mộng có ngọt bùi, cay đắng. Tuy chỗ không có nhà rồi có nhà lầu. Canh bạc đỏ đen đã khiến ông có nguy cơ phải bán cả căn nhà đó. Thôi thì phải làm lại. Ông Tuy quyết định bán căn nhà lấy trăm triệu chạy về quê (Đan Phượng, Hà Tây), tính mở xưởng xẻ gỗ. Nhưng con người lầm lỡ không thể đứng dậy từ quê hương, bản quán của mình. Vì ở quê ông, nạn cờ bạc còn trầm kha hơn. Đã quyết bỏ rồi, về quê chơi lại càng nghiện hơn. Ba năm ở quê, ông Tuy tiêu cạn số tiền bán nhà cầm về. Xưởng mộc chưa thấy đâu, xòe tay ra đã chỉ thấy có hai bàn tay trống. Không còn đường nào khác, ông quyết định khăn gói trở lại vùng lòng hồ.

Lập nghiệp với 13 triệu đồng còn lại

Mắc  cạn, người thuyền trưởng dẻo dai từng lao thuyền vào nơi vô định, tăm tối quyết tâm vượt cạn. Dấu mốc quan trọng cùng quyết định sáng suốt chẳng thể nào quên trong đời đó diễn ra vào năm 1997. Cuối mùa xuân năm đó, ông Nguyễn Đình Tuy cập thuyền vào xóm Xăng, xã Vầy Nưa, bắt đầu những mùa xuân tươi đẹp với số vốn liếng còn lại sau trận mắc cạn nơi thành thị là mười ba triệu đồng.

Định cư nơi đảo nổi vùng lòng hồ thuộc khu vực đối diện với đền Thác Bờ, bắt đầu công cuộc lập nghiệp khi đã lên chức ông. Sử dụng hiệu quả mười ba triệu đồng đó, gia đình ông mua lại hơn 10 ha đồi đảo vốn được người dân khu đó dùng để trồng sắn. Xác định gắn với đồi núi, sông nước, vợ chồng, con cái ông bắt tay bới đất, lật cỏ cải tạo đất, trồng cây, lấy ngắn, nuôi dài. Vừa trồng ngô, trồng sắn, vừa quy hoạch trồng luồng, trồng cây ăn quả lấy gỗ, kết hợp với chăn nuôi và đánh bắt thủy sản. Có lẽ, chưa bao giờ trước đó, ông được vui hưởng niềm vui mà lao động chân chính mang lại tính từ thời điểm này. Và mùa xuân Đinh Sửu 1997 thực sự là một mùa xuân đáng ghi nhớ trong cuộc đời ông.

Bằng quyết tâm, hòa thuận, chịu thương, chịu khó, sáng tạo, vợ chồng con cái ông đã biến vùng đồi đất khó khăn, ít màu mỡ thành trang trại kinh tế nông – lâm – thủy sản phát triển kinh tế hộ gia đình thành công. Gia đình ông vinh dự được đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới thăm vào ngày 9/3/2001.

Hơn ai hết, ông thấm thía gian khổ, cay đắng cùng ngọt ngào đơm hoa của người từng là con bạc khát nước đến vong gia, bại sản đã may mắn tìm lại được chính mình từ lao động thiện lương. Rừng luồng, vùng trồng cây ăn quả cho thu hoạch, ông lại chuyển đổi trồng keo. Cùng thời gian đó, ông cũng trồng xuống diện tích đảo đồi nhà mình 100 cây dừa  và nghĩ đến việc đặt tên cho khu đảo nhà mình là đảo Dừa với bao ý nghĩa tốt lành. Nghĩ về hôm qua để thấy mình chiến thắng. Chiến thắng ở đây là sự chiến thắng chính mình, chiến thắng những lơ là, sa ngã để nắm lấy cơ hội có được cuộc sống đẹp đẽ, đầy ý nghĩa. Thành quả của chiến thắng đó chính là cơ ngơi du lịch sinh thái đảo Dừa với diện tích hơn 10ha đẹp đẽ, lành lẽ như hiện tại. Đó là những gì chúng tôi thấy ở ông khi đứng trên bán đảo xinh đẹp này.

Ông Nguyễn Đình Tuy tự lái tàu đón khách quý.

Khi ươm một trăm cây dừa xuống đất, ông Tuy mới chỉ nghĩ sẽ đặt cho khu đất nhà mình một cái tên. Cái tên đó mang theo ý nghĩa tốt lành về một thứ trái ngọt mà người lữ khách nơi đường xa, lạc bước gặp được khi khát cháy. Ngày nay, khu đảo nổi vốn không có tên gọi trước đó đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Có cơ duyên cùng trò chuyện, may mắn được nghe “chúa đảo” cởi bầu tâm sự, bạn càng thêm mến hơn nơi này. Quả tình là khi ươm một trăm cây Dừa xuống đất đảo nhà mình, chủ nhân của nó còn chưa thể hình dung mảnh đất cứu mình qua lần mắc cạn sau này sẽ thành điểm đến hấp dẫn, đặt mình vào công việc của một người làm du lịch từ mộc mạc tới chuyên nghiệp hơn.

Chính tự khách du lịch đã cuốn ông vào công việc này, ông Tuy tâm sự như thế về thời gian hoạt động du lịch sinh thái tính tới nay là bốn năm, kể từ năm 2009. Ban đầu, khách du lịch đi thăm thú lòng hồ, thấy hòn đảo xanh mát, bằng phẳng, lại thấy căn nhà sàn của gia đình ông, bèn ghé vào xin nghỉ nhờ, rồi xin ăn nhờ trên  nếp nhà sàn. Lượng khách tới ngày một đông hơn, thời gian lưu trú lâu hơn, một nhà không đủ thì ông làm tiếp căn thứ hai, thứ ba… Thấm thoắt trong bốn năm, khu đảo hiện được ông dựng lên 13 căn nhà sàn, với lượng khách 200 người/ngày.

Nhắc lại chuyện cũ, “vị chúa đảo” ngồi trầm ngâm. Nếu không có vùng sông nước này không biết cuộc đời của ông, cuộc sống của gia đình ông sẽ trôi về đâu? Hơn ai hết, ông thấu hiểu rằng chỉ có lao động thiện lương mới đem lại hạnh phúc thật sự vững bền. Chính lao động đã cứu thoát ông khỏi cơn mắc cạn lớn. Vùng hồ Hòa Bình cùng lao động chân chính thực sự đã cải tử, hoàn sinh cho ông.

Câu chuyện cuộc đời của vị “chúa đảo” Nguyễn Đình Tuy thực sự là một minh chứng cụ thể rằng: Chiến thắng vẻ vang nhất là sự chiến thắng chính mình để thoát khỏi cạm bẫy, thói xấu và cái ác

Vũ Nguyên
.
.
.