“Xưởng may không lời” thấm đượm tình người tại Hà Nội

Thứ Năm, 16/10/2014, 11:00

Không chỉ riêng Việt Nam, mà ngay cả ở những quốc gia tiến bộ như Mỹ, Anh, Pháp, người khuyết tật vẫn luôn phải sống trong mặc cảm, tự ti. Mặc dù họ được đi học, tạo công ăn việc làm, song dường như tất cả những “ưu tiên” ấy chỉ cho phép họ được sống trong thế giới riêng, bị hạn chế tiếp xúc với xã hội. Nhưng ở xưởng may đặc biệt ven hồ Tây, Hà Nội, nơi 80% thợ may là người khiếm thính hoặc khuyết tật vận động, người ta không chỉ thấy vẻ đẹp truyền cảm của những chiếc váy, mà còn cảm nhận được cả tình người thân thương tràn đầy.

Người chủ đặc biệt

Xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2004, cho đến nay thương hiệu thời trang “Chula” đã gây dựng cho mình một “đế chế” riêng trong lòng những tín đồ thời trang không chỉ ở riêng Việt Nam. Không sang trọng, quý phái hay đẳng cấp như Chanel, Hermes, những chiếc váy “Chula” gây ấn tượng rất riêng với những thiết kế mang phong cách Latin cùng sự phong phú về chủng loại vải và kỹ thuật thêu tay mang hơi thở Á Đông. Diego chia sẻ, trong tiếng Tây Ban Nha, “Chula” là tiếng kêu cảm thán khi bắt gặp một cái đẹp hiện ra bất chợt và đó cũng chính là cảm xúc Diego muốn khách hàng có được khi đứng trước những sản phẩm thiết kế của anh, cho nên ông chọn “Chula” là nghệ danh cho mình.

Người sáng lập ra thương hiệu “Chula” tên đầy đủ là Diego Cortizas, vốn là một kiến trúc sư người Tây Ban Nha sang Việt Nam lập nghiệp. Cách đây 10 năm ông cùng vợ đến Hà Nội, sau khi đã từng sinh sống ở một số nước, ông chọn nơi đây là điểm dừng chân. Thời điểm mới khởi nghiệp, khó có thể nói những thành tựu kinh tế của Việt Nam lúc ấy lại đủ sức níu chân ông hơn ở những nước ông đã từng đặt chân đến. Song chính nét văn hoá cổ kính len trong từng ngõ ngách, những vẻ đẹp ẩn náu trong từng con phố đã lưu luyến bước chân kiến trúc sư Tây Ban Nha cho đến tận bây giờ. Xuất thân là một kiến trúc sư, lại là người yêu thích chụp ảnh, không thể phủ nhận Diego có một cảm nhận thời trang rất khác biệt và độc đáo. Ông thường tìm cảm hứng thiết kế từ rất nhiều lĩnh vực như kiến trúc, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa hay nghệ thuật tạo hình.

Những người thợ hăng say làm việc tại xưởng may.

Theo như nhận định của những người sành thời trang, những thiết kế của Chula thiên về mảng miếng hơn là đường nét, với những hình khối lớn và bố cục chắc khoẻ, thường sử dụng những gam màu nóng trên nền đen ấn tượng. Những chiếc váy Chula thường có giá từ 150 – 400 đô (thời điểm 2012), với những đường cắt hết sức đơn giản nhưng lại cầu kì về họa tiết và khá kén người mặc. Họa tiết trên váy hay áo dài Chula thường mang đậm dấu ấn văn hoá Việt hoặc người phụ nữ Việt dịu dàng, tinh tế. Một phóng viên đã từng viết: “Mà đúng là ngạc nhiên thật, khi một người lạ lại có thể hiểu Việt Nam đến thế, trong cái cách anh thổi hồn Việt vào trong từng đường nét, cấu trúc của hoa văn, họa tiết… - cứ như thể “hồn dân tộc sáng bừng trên… thổ cẩm”. Là người ngoại quốc, song lại để chính những con mắt rất Việt Nam phải nghiêng mình kính nể, đó chắc hẳn là thành tựu đáng tự hào nhất của nhà thiết kế người Tây Ban Nha này.

Mối nhân duyên với Hà Nội đưa Diego tìm đến những người khuyết tật, để rồi ông cho họ một nơi để làm việc, để cống hiến và để khẳng định giá trị của mình. Không những không hề giao tiếp được bằng tiếng Anh, mà những người thợ đặc biệt ấy còn chẳng thể nghe được những gì ông nói. Nếu là những ông chủ khác, họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội, bởi trong công việc, nếu không thể giao tiếp thì làm sao có thể truyền tải ý tưởng của mình cho người khác. Tuy nhiên, Diego lại có suy nghĩ rất “thoáng”, ông cho rằng dù sao thì cũng vướng “rào cản ngôn ngữ” rồi, ông không nói được tiếng Việt còn họ thì chẳng nghe được tiếng Anh. Và như vậy, khiếm thính hay không khiếm thính cũng có khác nhau đâu? Quan trọng hơn, ông đề cao “giác quan thứ 6” của họ: “Khi người ta không may mất đi một cái gì đó, người ta sẽ được bù lại một thứ khác. Có thể vì họ không nghe hay nói chuyện như những người bình thường được nên những giác quan khác sẽ thính nhạy hơn…” – Diego tâm đắc với sự lựa chọn của mình, đó không hề xuất phát từ lòng thương hại hay sự tính toán thiệt hơn rằng tiền công của người khuyết tật thấp hơn so với người bình thường. Đó là quyết định sau một thời gian cộng tác, khi chính ông cũng nhận thấy những người thợ ấy chứng tỏ khả năng tập trung cao, óc sáng tạo tuyệt vời và cả sự nhạy cảm với những mảng màu sắc, họa tiết, hình khối… Ông không ngần ngại bày tỏ sự thán phục của mình: “Những người thợ làm việc tại đây có đôi tay rất khéo léo, khi làm việc họ tập trung cao độ và không bị tác động bởi những thứ xung quanh. Khi chúng ta trao cơ hội cho những người kém may mắn, họ sẽ cố gắng gấp đôi và hoàn thành tốt công việc của mình".

Nơi chắp cánh cho những ước mơ không lời

Ban đầu xưởng may chỉ có vài người thợ, khó khăn trở ngại cũng không ít, song khi họ thấy chính Diego chuyên tâm học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với mình: “Để hiểu nhau hơn, cả tôi và những nhân viên khác đều cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu”, Diego chia sẻ. Khi đã hiểu và biết giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là Diego lại xuống xưởng chỉ bảo, hướng dẫn tận tình cho những người thợ may, thợ vẽ. Những người thợ may, thợ vẽ sau đó giới thiệu bạn bè của mình vào làm, đến nay tổng số nhân viên là 40 người. Xưởng may luôn yên tĩnh, nhưng không hề ảm đạm, nụ cười luôn chực nở trên môi những người thợ đặc biệt. Họ hăng say lao động, miệt mài sáng tạo, để những ước mơ thầm lặng của mình thấm đượm vào từng thớ vải.

Gia đình hạnh phúc của Diego.

Chị Trần Thị Phương Liên cho biết mình rất vui vì được làm việc tại xưởng may. Với công việc chính là may áo, may váy, chị có thể thoả sức sáng tạo với thời trang. Sau khi tốt nghiệp khoá cắt may ở Trường dạy nghề Hoa Sữa (Hoàng Mai, Hà Nội), chị đến làm việc tại xưởng may. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, song được sự chỉ bảo tận tình của mọi người, chị đã quen dần với công việc và cho ra đời những sản phẩm tâm đắc. Còn với Lê Thị Huyền Trang (25 tuổi), quãng thời gian 5 năm gắn bó với xưởng may đem lại cho cô niềm vui vì “ngày nào mình cũng được vẽ”. Trang đã lập gia đình và vừa sinh con cách đây 7 tháng, hạnh phúc viên mãn là thứ quý giá nhất đã đến với cô, thứ mà cả đời này Trang, cũng như bao người khuyết tật khác ngỡ như chỉ là một điều rất xa vời.

Những người thợ khéo léo cử Diego sau thời gian dài gắn bó, với kinh nghiệm, sự tự tin và thương hiệu đã được công nhận họ, hoàn toàn có thể tách ra tự làm chủ một “cơ ngơi” nhỏ của riêng mình. Nhưng ai nấy đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục tận tụy với Chula cho đến lúc không còn đủ sức may từng đường kim mũi chỉ. Xưởng may này, đối với họ, không chỉ là nơi đảm bảo cuộc sống, mà đó còn là gia đình thứ hai, cho họ được sống và cống hiến như bao người khác, cho họ được kể lại những câu chuyện đời mình đầy cảm động.

Không thể phủ nhận, Diego là một trong số ít người không ngần ngại trao cơ hội làm việc, hơn cả là niềm tin trọn vẹn cho những con người đặc biệt. Tuy vậy, song Diego không cho đó là một công việc từ thiện, bởi đối với ông, người khiếm thính hay khuyết tật vận động đều là những người lao động bình thường cần trân trọng và được trao cơ hội để khẳng định mình. Họ kiếm sống không phải từ lòng thương hại được những người “bình thường” bố thí, mà bằng chính đôi tay khéo léo và sự chăm chỉ cần cù của bản thân mình. Ai cũng có quyền được đối xử bình đẳng, được công nhận giá trị của mình và được thực hiện những ước mơ còn dang dở

Trần Tâm
.
.
.