Xương rồng vẫn nở hoa

Thứ Bảy, 06/02/2016, 08:00
Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2015, Ánh Ngọc ngồi ở hàng ghế giám khảo. Vẫn nụ cười trong sáng ấy, vẫn gương mặt yêu đời ấy, Ánh Ngọc đã tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Trò đùa của số phận

Hai năm, sau khi đăng quang danh hiệu Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2013, cuộc sống của Ánh Ngọc đã thay đổi nhiều. Ngọc được nhiều người biết đến hơn, tham gia nhiều dự án cộng đồng. Và có lẽ, điều quan trọng nhất là cho Ngọc những cơ hội mới trong công việc, để cô bé sinh viên khoa tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn theo đuổi giấc mơ của mình. 

Giờ Ngọc là nhân viên hành chính của một công ty hỗ trợ người khuyết tật. Công việc khá bận rộn. Lúc nào cũng từ 8h sáng đến 7h tối mới về đến phòng trọ. Ngọc là vậy, làm việc, đôi khi không phải vì để kiếm tiền, mà vì đam mê, vì một niềm vui sống, để thấy mình có ích với cuộc đời này. Nụ cười rạng rỡ của cô gái khiến mọi người quên đi những khiếm khuyết cô đang mang trong mình.  

Công việc của Ngọc gắn liền với những người khuyết tật, đào tạo kỹ năng sống, hỗ trợ tâm lý, tinh thần và định hướng sống cho họ. Trong đó, có những phụ nữ khuyết tật đơn thân nuôi con thì sự hỗ trợ của xã hội vô cùng cần thiết. "Chúng tôi mang cho họ cần câu chứ không phải cho con cá, không phải làm từ thiện. Như thế họ mới có cuộc sống đảm bảo lâu dài", Ngọc nói.

Ánh Ngọc ngày đăng quang Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2013.

Tôi gặp mẹ con Ngọc trong căn phòng trọ bé xíu ở khu Kim Giang. Mẹ thỉnh thoảng đi xe máy từ Hải Dương lên, chăm chút, xem con gái sống thế nào. Bà chưa bao giờ thôi canh cánh trong lòng nỗi lo về Ngọc dù bây giờ Ngọc đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Còn Ngọc thì tự tin. Cô sống bình thản và học cách bằng lòng với cuộc sống, số phận của mình. 

Mẹ Ngọc ngậm ngùi nhớ lại những ký ức buồn: "Buổi sáng tôi còn đứng chải tóc cho con, chiều nhìn thấy con nằm bất động trên giường... ca mổ thất bại trong xác suất 1/2.000". Bà ân hận, giá như bà không ký vào tờ giấy cam kết đó, để con gái còn những cơ hội khác. Còn Ngọc, khi đó là cô bé 13 tuổi, học lớp 8. Tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật và thấy mình bất động, Ngọc hoảng sợ. Nhưng chưa bao giờ cô oán trách bố mẹ. 

"Bố mẹ đã cố gắng làm những gì tốt nhất cho tôi. Chỉ là tôi không may nằm trong xác suất không thành công. Đúng là trò đùa của số phận! Tôi không biết mình nên khóc hay cười, cảm giác như đang đứng trên đỉnh núi và một tích tắc sau thì bị đẩy xuống vực sâu vô tận, cảm giác mình đang rơi tự do. Nhưng khoảnh khắc nghe tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ, tôi đã ý thức được rằng, tôi phải cười, tôi phải vững vàng bởi nếu tôi sụp đổ, gia đình tôi cũng sụp đổ. Chỉ một phút đồng hồ đó, tôi phải đấu tranh với chính mình, phải thu xếp tất cả mọi suy nghĩ lộn xộn để quyết định dùng thái độ gì để đối mặt với tất cả - mọi thứ đã thay đổi! Và tôi đã cười nói: "Con không sao, sẽ ổn thôi!". Ngọc đã ghi lại trong tự truyện của mình như vậy. Và cô gái ấy đã đứng lên bằng nghị lực sống mạnh mẽ của mình. 

"Nếu không nhờ quyết tâm của Ngọc thì chúng tôi đã nản, và chắc chắn Ngọc không có một tương lai sáng như hôm nay". Ngày đó Ánh Ngọc 13 tuổi. "Có những thời điểm trong cuộc đời buộc con người phải trưởng thành, và tôi cũng vậy, tôi phải trưởng thành khi mới chỉ 13 tuổi". Cuộc đời Ngọc thật buồn, nhưng chưa bao giờ cô hết đấu tranh để vượt qua. Cô bị cong vẹo cột sống bẩm sinh. Trong số 7 bệnh nhân mổ chỉnh hình cột sống lúc đó, chỉ có Ngọc là không thành công.

Cô nói: "Tôi đã từng bị những cây kim dài hơn 20cm xuyên dọc sống lưng, chịu đựng những đau đớn về thể xác chỉ với hi vọng mong manh tìm lại cảm giác cho đôi chân. Tôi cũng đã từng có ý nghĩ tự tử để chạy trốn tất cả, nhưng có dũng khí để sống đã khó, để chết đi còn cần một dũng khí lớn hơn rất nhiều. Bản năng sinh tồn của tôi rất lớn, trong cuộc đấu tranh với chính mình, phần bản năng trong tôi đã chiến thắng sự yếu đuối của tôi. 

Nếu đã không có can đảm để chết, vậy tôi phải sống, sống cho đúng nghĩa. Tôi không muốn cướp đi một cách trắng trợn hi vọng của bố mẹ tôi, nhưng tôi đã dần dần phủ định từng cơ hội chữa khỏi bệnh của chính mình, tôi muốn quay trở lại trường học để tiếp tục học và bắt đầu vạch một kế hoạch tương lai mới cho cuộc sống của mình. Tôi chấp nhận mình là một người khuyết tật và chiếc xe lăn sẽ là bạn đồng hành của tôi trên những bước đường sau này".

Tự mở cánh cửa cho mình

Nhìn lại chặng đường dài mình đã đi, Ánh Ngọc thấy mình may mắn. Nếu ngày đó, Ngọc theo đuổi giấc mơ bình phục đôi chân, có lẽ Ngọc sẽ không bao giờ có ngày hôm nay, được học hành một cách tử tế và bắt đầu theo đuổi những ước mơ của mình. 

"Thời gian không chờ ai cả. Điều quan trọng nhất là phải biết chấp nhận, đối diện với thực tế, có nhiều người cả đời cứ chạy theo giấc mơ bình phục, họ đã đánh mất những cơ hội khác trong đời mình. Tôi nghĩ, khi một cánh cửa này khép lại, sẽ có một cánh cửa khác được mở ra". Và người mở cánh cửa đó cho Ngọc không ai khác ngoài chính cô. 

Tôi hỏi Ngọc, điều gì giữ cho Ngọc niềm tin yêu cuộc đời đến thế. "Có lẽ, từ những ngày còn bé, tôi đã sống tự lập và tự quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình. Cú sốc của số phận càng khiến tôi vững vàng hơn để sống. Bởi cuộc đời, tôi nghĩ không quan trọng dài hay ngắn, mà quan trọng là mình đã sống một cuộc sống có ý nghĩa".

Mỗi khi lên Hà Nội, mẹ vẫn tự tay chải tóc cho Ngọc.

Ngọc nói, cô vẫn nuôi dưỡng trong mình giấc mơ mở một trung tâm hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật. Bởi Ngọc luôn tâm niệm: "Chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng chính là chữa lành vết thương cho mình". Thế nên phương châm sống của Ngọc là: đấu tranh, chấp nhận và vượt qua. Một giấc mơ đẹp nhưng cũng rất gian nan. "Tôi vẫn mơ, muốn thành lập một trung tâm trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật, nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng. Đó là một hành trình dài hơi trong khoảng 10 năm nữa, bởi càng đi làm, càng va chạm, tôi thấy mọi thứ càng khó khăn".

Ánh Ngọc ngồi xe lăn, lang thang với tôi cả buổi trưa dọc phố Hà Nội. Mọi rào cản trong cô đều được gỡ bỏ. Tôi không còn cảm giác Ngọc là một người khuyết tật, bởi cô luôn chủ động trong mọi việc. Ở cô luôn có sự tự tin, mạnh mẽ. Và cả sự bao dung, hồn hậu của một tâm hồn biết sẻ chia, biết trăn trở. Ngọc vẫn cho là mình may mắn, khi được đi học và bây giờ có một công việc để làm. "Tôi lạc quan, vì tôi may mắn được sống trong môi trường không bị kỳ thị mà tràn đầy tình yêu thương, sự cảm thông của mọi người".

Sống bình thản, không tham lam, không mong muốn quá nhiều thứ, Ánh Ngọc đang dồn tâm huyết cho công việc và những chuyến đi thực tế của mình. Đó cũng là cách Ngọc đang đến gần với giấc mơ của mình, khi trung tâm tư vấn tâm lý cho người khuyết tật ra đời. Còn tình yêu ư, Ngọc cũng đã từng yêu. Cô gái nào chẳng mang trong mình một khát vọng về tình yêu, về một mái ấm gia đình. Ngọc xinh đẹp, thông minh. Ngọc có quyền mơ ước. 

Ngọc cũng đã từng yêu. Nhưng để vượt qua những rào cản, hẳn là cả một vấn đề của những cô gái khuyết tật. Như bài thơ mà Thanh Hoa - Hoa hậu Vầng trăng khuyết năm 2015 đã khiến nhiều người rơi nước mắt bởi nó chạm tới khát vọng đời thường, bình dị của những cô gái khuyết tật, khát vọng được làm mẹ, làm vợ. Với Ngọc, tình yêu, không bi quan, hay đau khổ, như tâm thế mà Ngọc đang sống, tin vào ngày mai, ngày mai trời sẽ sáng.

Việt Hà
.
.
.