Họa sỹ chiến trường Phạm Thanh Tâm:

"Đầu cọ trăng treo" giữa mảnh trời chiến tranh

Thứ Năm, 08/01/2015, 12:00
Là họa sỹ chiến trường duy nhất còn sống, là người cầm cây cọ đi xuyên qua 2 cuộc chiến tranh lớn, chứng kiến những thời khắc vàng của lịch sử dân tộc, ở tuổi 83 đầy ký ức, họa sỹ Phạm Thanh Tâm vẫn miệt mài kể tiếp những câu chuyện cũ bằng tranh. Dường như, trong đáy mắt nghệ thuật của người lính già Huỳnh Biếc năm nào, chiến tranh vẫn là một bến bờ đi chưa hết. Chưa đi hết sự thật. Chưa đi đến tận cùng nỗi đau. Và cũng chưa đi hết vẻ đẹp hùng ca của những con người trải qua một thời điêu tàn đã tạc nên một phần lịch sử của thế kỷ XX.
V t trong bom đn

Huỳnh Biếc là tên đi B thời kháng chiến chống Mỹ của họa sỹ Phạm Thanh Tâm. Ông sinh ra ở Hải Phòng nhưng theo tiếng gọi của đất nước vào Nam; sau chiến tranh, ông lập nghiệp và an cư tại TP Hồ Chí Minh. Ông kể những người lính già từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nay có dịp gặp nhau, câu cửa miệng đó là: "Vẫn chưa chết cơ à?". Hay như lúc nào trước khi đi ngủ, bao giờ ông cũng nói lời chào tạm biệt với vợ trước vì chẳng biết mình "ngủ luôn" lúc nào. Kể như thế để thấy rằng ông có một tâm thế hết sức thoải mái, thanh thản với cái chết sau cuối này.

Ông không sợ chết nhưng ông sợ mình không còn làm việc, không còn bất cứ ý nghĩa nào với cuộc đời này nữa. Vì thế nên, có bao nhiêu hơi thở, ông trút hết vào tranh, ông vẽ không ngơi nghỉ. Từ khi nghỉ hưu đến nay tròn 20 năm, ông vẫn miệt mài với cuộc chơi của sắc màu. Khi chúng tôi đến thăm, căn nhà nhỏ của ông chứa đầy tranh. Tranh trên tường, tranh dựng dưới nền nhà đủ cả. Và ở người nghệ sỹ già tưởng chừng bị bụi thời gian làm hư hao bao nét màu khói lửa này, sự thổn thức với cuộc đời vẫn còn nguyên vẹn.

Thì ra, chẳng có điều gì là lãng quên cả với một đất nước mà lịch sử chiến tranh dày hơn cả lịch sử dựng nước. Thì ra, chiến tranh đã lùi xa nhưng những con người thế hệ ấy, vẫn sống bằng thứ ký ức được tạc nên bởi bom đạn, bởi tiếng thét, bởi những dáng hình người mẹ Việt Nam da vàng liêu xiêu trong bão đạn và những "em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi" nhức nhối một thế hệ. Và lịch sử ấy, còn là câu chuyện của lòng bao dung, lòng quả cảm, sự thắm thiết của tình quân dân nối dài những mạch ngầm nhân văn của đất nước mình.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm và vợ trong ngôi nhà nhỏ tại TP Hồ Chí Minh.

Tôi cứ nhớ mãi bức họa "Em bé Mường Phồn" nổi tiếng của họa sỹ Phạm Thanh Tâm. Bức họa vẽ một cô bé dân tộc khăn đội đầu, cúc bướm, mặc váy Thái ngồi trên chiếc ghế mây. Nhìn em nhí nhảnh, đáng yêu vô cùng. Khi có dịp gặp ông rồi, chúng tôi mới biết "Em bé Mường Pồn" được vẽ từ nguyên mẫu em Lò Thị Phơi (tên thường gọi là noọng Phơi lúc đó mới 6 tuổi) - là con nuôi của đơn vị Bế Văn Đàn, người anh hùng lấy thân mình làm giá súng đã hi sinh trong trận đánh bảo vệ cho chiến dịch Điện Biên Phủ - trận Mường Pồn lịch sử.

Cô bé noọng Phơi được một anh bộ đội thuộc đơn vị tên Xương tìm thấy trong một quang cảnh tiêu điều của bản làng. Lúc đó, giặc nhả đạn vào đại đội quân ta đang đóng giữ ở bờ suối cạn Mường Pồn (cách TP Điện Biên hiện nay chừng 20km về phía thị xã Lai Châu) và cả dân bản xung quanh. Anh bộ đội tên Xương đã tìm thấy em Phơi (lúc đó 2 tháng tuổi) đang thở thoi thóp bên cạnh người mẹ đã chết và mang về đơn vị, cả đơn vị đã cứu sống em, chăm sóc như đứa con của mình. Sau đó, vì hoàn cảnh chiến tranh, các anh bộ đội đã gửi em cho một cặp vợ chồng ở xã Mường Pồn nuôi.

Sau chiến thắng Điện Biên mấy năm, họa sỹ Phạm Thanh Tâm có quay lại chiến trường xưa và cậu chiến sỹ tên Xương đã trực tiếp dẫn ông đi gặp noọng Phơi. Họa sỹ đã vẽ nên "Em bé Mường Pồn" bằng tất cả tấm lòng mến yêu, thân thương xen lẫn xúc động trước tình cảm quân dân thắm thiết này. Ông kể: "Bảo noọng (em - tiếng Thái) đứng làm mẫu vẽ, noọng thích lắm. Được một lúc mỏi chân rồi, noọng cứ ngả vào đồng chí Xương, nhưng noọng vẫn đứng. Và suốt cả một buổi chiều noọng cũng không bỏ đi chơi, chỉ quanh quẩn để cho hoạ sỹ vẽ. Thấy hoạ sỹ đánh rơi bút xuống gầm sàn là noọng (người mẫu - PV) chạy xuống nhặt ngay".

Sau này, khi hòa bình lập lại, ông có vài lần về thăm lại Điện Biên, về Mường Pồn thăm noọng Phơi; mới đây nhất là nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông kể tiếp: "Tôi gặp em có vài lần nhưng chẳng hiểu sao em vẫn nhớ". Noọng Phơi bây giờ không còn là cô bé nhí nhảnh 4 và 6 tuổi ngày xưa, noọng Phơi đã gần 60 tuổi. Bố mẹ nuôi mất đã lâu, chồng rượu chè rồi cũng qua đời, mình em lam lũ, vất vả với 7 đứa con.

Bức ký họa "Em bé Mường Pồn" trong nhật ký "Vẽ dưới hầm lửa đạn" của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.

Ngày gặp lại họa sỹ Phạm Thanh Tâm gần đây nhất, noọng Phơi không nói được gì cả, chỉ biết nép vào người ông và khóc. Cảm giác như thân thuộc lắm, cảm giác như gặp lại người thân đã lâu lắm rồi mới có dịp gặp lại. Trước khi về, noọng Phơi còn tặng ông chiếc khăn piêu làm kỷ niệm. Kể đến đây, họa sỹ Phạm Thanh Tâm không giấu nổi xót xa, bùi ngùi trước số phận buồn của cô bé noọng Phơi bị thời gian làm cho già nua, đổi khác, không còn nét vui tươi, nhí nhảnh năm nào.

Cun nht ký chiến tranh chân thc

Trò chuyện một lúc, ông đi tìm Nhật ký chiến trường cho chúng tôi xem. Bản thảo này là những ghi chép, những câu chuyện của ông suốt những năm dài tham gia sát cánh cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có ghi chép và cũng có cả ký họa bằng tranh. Ông bảo lúc đó chiến tranh, tranh thủ viết, vẽ được lúc nào hay lúc ấy, chỉ mong càng lưu lại nhiều khoảnh khắc càng tốt nên bạ đâu ngồi hí hoáy đó. Quyển nhật ký này sau này được Nhà xuất bản uy tín Asia Ink in, gồm 192 trang, xuất bản năm 2005, hoàn toàn bằng tiếng Anh dưới cái tên "Drawing under fire, War diary of a young Vietnamese artist Pham Thanh Tam" (dịch sang Việt Nam là "Vẽ dưới hầm đạn lửa"). Nhà báo Buchanan - chủ bút nhật báo Wallstreet và Diễn đàn dự báo quốc tế từng nhận xét: "Câu chuyện đầy say mê này đã làm thay đổi toàn bộ những định nghĩa, những hiểu biết biết trước kia của chúng ta về cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam". 

Mở cuốn nhật ký đó ra, chúng ta bắt gặp rất nhiều ghi chép nhỏ, những khoảnh khắc, những giây phút cũng như những câu chuyện mà trước đó chưa được nghe. Cuốn nhật ký đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ về những năm tháng gian lao, khói lửa, cho đến giờ phút huy hoàng của toàn dân tộc khi quân ta cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm nói ông là người may mắn trong cuộc đời khi được tham gia 2 chiến dịch lớn, cũng là người có mặt trong những giờ phút chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông bảo làm sao quên được đêm Điện Biên sau ngày giải phóng. Làm sao quên được giây phút chiến thắng ấy. Người ta đi Điện Biên cũng nhiều nhưng hầu như không ai vẽ về chiến đấu ở Điện Biên như mình, từ hầm pháo như thế nào, đến bắn pháo ra làm sao, rồi văn nghệ trong những hầm pháo như thế nào…

Bìa cuốn nhật ký "Vẽ dưới hầm lửa đạn", xuất bản tại Anh.

Là bởi, đây là chiến dịch đặc biệt, là cảm xúc đầu đời lính của ông nên ông muốn nán lại để lưu giữ từng cảm xúc, từng chi tiết nhỏ… Rồi chiến thắng lịch sử 30/4/1975 cũng thế. Ông bảo đó là một thứ hạnh phúc lớn lao của một người được tham gia, được sống, được đi qua chiến tranh với tất cả xúc cảm của một người lính và được chứng kiến giây phút vỡ òa của cả dân tộc trước một mùa xuân lịch sử.

Ông nói, chiến tranh là những câu chuyện chúng ta chưa bao giờ đi hết. Những câu chuyện ấy, chỉ có những người trong cuộc mới thấy và hiểu rõ. Chiến tranh không chỉ có súng ống, đạn dược. Chiến tranh không chỉ có cái chết, tù đày. Chiến tranh còn là cái nhìn yêu - ghét của một con người, còn mơ mộng, lãng mạn và khát khao.

Vì thế mà, hơi ngược đời so với lý lẽ thông thường, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi được cấp trên điều về Thủ đô để vẽ tiếp, họa sỹ Phạm Thanh Tâm vui thì cũng vui thật nhưng buồn cũng rất buồn. Ấy là giai đoạn ở Trung Giã, trao đổi tù binh, bộ đội đang chờ đợi lệnh và mường tượng tới thu đông chuẩn bị đi chiến đấu tiếp. Lúc đó, nghe lệnh, ông ra về với mấy kg gạo, từ cánh rừng Tuyên Quang vừa ngớt tiếng súng, về lại Thủ đô. Trong khi anh em, đồng đội của mình đang chiến đấu ở trên kia, mình lại lọt thỏm giữa Hà Nội. Cô đơn, hụt hẫng biết bao!

Và rồi, ông đã phủ lấp nỗi cô đơn rớt lại ấy cũng như tưởng niệm lại chiến tranh bằng tranh, bằng thơ, bằng nhật ký. Ông là người họa sỹ sót lại của một thời điêu tàn, đổ nát nhưng cũng vinh quang, tráng lệ. Tôi vẫn tin, tâm hồn ông đang treo trên một mảnh trăng đẹp nhất của lịch sử chiến tranh Việt Nam, không phải là một "đầu súng trăng treo" như nhà thơ Chính Hữu từng viết, mà là một "đầu cọ trăng treo".

Sinh năm 1932 tại Hải Phòng, họa sĩ - nhà báo Phạm Thanh Tâm là một trong những họa sĩ chiến trường và phóng viên tiền tuyến quan trọng trong thế hệ của ông. Phạm Thanh Tâm lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ông 22 tuổi trong vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ. Ông có mặt tại nhiều chiến dịch lớn như Khe Sanh, Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh… và đã sáng tác nhiều tác phẩm về chiến tranh. Năm 1978, ông làm Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quân đội, sau đó làm cố vấn cho Bảo tàng Quân đội trước khi về hưu. Quyển nhật ký của ông - "Vẽ dưới hầm đạn lửa" là cuốn sách đầu tiên của một người lính Việt Minh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được xuất bản tại Anh. Tác phẩm này được dịch ra tiếng Pháp và nổi tiếng với trang nhật ký được minh họa bằng các bức tranh ký họa được vẽ trực tiếp trên chiến trường. Những tác phẩm của ông được trưng bày trong nhiều bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Anh quốc.
Du Nguyễn
.
.
.