Đường về nẻo thiện

Thứ Ba, 24/02/2015, 10:50
Anh Bùi Văn Hùng là điển hình để nhân rộng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ kinh nghiệm của anh, cấp ủy, chính quyền xã Tử Nê có thêm quyết tâm làm trong sạch địa bàn và cũng bằng tấm gương của anh Hùng đã có thêm nhiều điển hình khác trong công tác tài hòa nhập cộng đồng.

Vốn là thanh niên hiền lành, chất phác, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, Bùi Văn Hùng phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng. Cái tin Hùng và một số thanh niên trong xã bị bắt vì tội cướp tài sản là cú sốc lớn đối với người dân miền quê sơn cước xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Chính quyền địa phương lo lắng, người dân hoang mang bởi liệu vụ việc của Hùng có thể khởi đầu cho một sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ trong xã, những truyền thống quý báu có được giữ gìn, tương lai của địa phương sẽ ra sao? Quyết tâm đứng dậy từ chỗ bị vấp ngã, Bùi Việt Hùng trở thành tấm gương sáng về nghị lực, ý chí, tinh thần vượt khó để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Đánh mất tương lai

Xã Tử Nê nằm cách trung tâm huyện khoảng 5km, có tuyến đường 12B chạy qua. Từ xa xưa, Tử Nê vốn là cái nôi của Mường Bi cổ, một trong bốn vùng Mường nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Người dân Tử Nê cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, biết khắc phục khó khăn về khí hậu, thời tiết để lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Vì lẽ đó, kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều khởi sắc, trình độ dân trí nâng cao, thu nhập người dân đạt trên 10 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, Tử Nê còn duy trì tốt quản lý con em theo hương ước, quy ước của thôn xóm, dòng họ và chấp hành các quy định của  pháp luật. Các tổ chức quần chúng trong xã như: Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận... luôn xung kích đi đầu trong công tác giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng trở thành người tốt. Khi đã trở thành người lương thiện, họ còn là tấm gương điển hình để nhân rộng, là tuyên truyền viên tích cực của địa phương.

Nhớ về năm tháng tội lỗi, Bùi Văn Hùng thầm cám ơn chính quyền, đoàn thể địa phương đã giúp đỡ để anh hoàn lương, nếu không có sự giúp đỡ ấy, không biết cuộc đời anh sẽ đi về đâu.

Bùi Văn Hùng, sinh năm 1984 là con út trong gia đình người dân tộc Mường. Ngay từ nhỏ, Hùng được cha mẹ cho ăn học đầy đủ với hy vọng em sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành, thay vì đền đáp công ơn của cha mẹ, Bùi Văn Hùng ham chơi, đua đòi cùng đám bạn, thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Hùng có biểu hiện học tập sa sút. Cha mẹ và người thân nhiều lần động viên, khuyên giải để Hùng tỉnh ngộ, song không có kết quả.

Các cụ xưa có câu “cá không ăn muối cá ươn”, câu nói thật đúng với Hùng. Ngày 9/4/2003, bị bạn bè xấu rủ rê đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. Do thiếu nhận thức, tính cách bồng bột, hiếu  thắng, Hùng và đồng bọn chuẩn bị sẵn dao nhọn, gậy gộc để cướp tài sản. Sự việc bị bại lộ, cơ quan Công an vào cuộc.

Bùi Văn Hùng (thứ 2 từ phải sang) được tôn vinh tại Hội nghị.

Sau đó không lâu cả gia đình vỡ lẽ, người con, người cháu hiền lành, chất phác ngày nào là thủ phạm của vụ cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Cái ngày Bùi Văn Hùng bị bắt là ngày cha mẹ anh hoàn toàn suy sụp. Họ xấu hổ với người thân, với xóm làng. Từ gia đình có tiếng là nền nếp, gia phong, gia đình anh bị người đời đám tiếu, coi thường bởi có người con tù tội. Hùng bị tòa tuyên 30 tháng tù giam.

Quá trình thụ lý án tại trạm giam là lúc Hùng nhìn nhận lỗi lầm mà anh gây ra cho xã hội và làm tổn thương chính gia đình mình. Mỗi lần chợp mắt, nghĩ tới người cha, người mẹ nuốt nước mắt vào trong để sống, Hùng cảm thấy đau đớn. Anh có lỗi với cha mẹ, với gia đình nhiều lắm, chỉ vì mình phạm tội mà liên đới tới gia đình. Hùng ăn năn, hối cải, mong sớm được trở về cuộc sống đời thường để trả ơn cha mẹ.

Trong quá trình thụ lý án, anh luôn nhận được sự quan tâm, động viên của cán bộ quản giáo, giúp anh có niềm tin vào cuộc sống. “Hùng còn trẻ, tương lai còn dài, quan trọng là em nhận thức lỗi lầm của mình để sửa chữa. Xã hội luôn giang rộng vòng tay đón nhận những đứa con lầm lỗi như Hùng trở về”, nhớ về những lời dạy của cán bộ quản giáo, Bùi Văn Hùng lại ngấn lệ. Nhờ cải tạo tốt, đầu năm 2005, Hùng được đặc xá tha tù đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Con đường hoàn lương

Cầm tờ giấy tha tù về địa phương, Bùi Văn Hùng vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được trở về với gia đình và xã hội. Lo vì sau một thời gian dài cách ly với đời thường, nay trở về, tránh sao hết mặc cảm với mọi người. Và cuộc sống sẽ bắt đầu thế nào đây? Được tin Bùi Văn Hùng hết hạn tù trở về, các cụ trong Hội Người cao tuổi xã Tử Nê đã họp bàn, giao cho cụ Bùi Văn Dầm trực tiếp quản lý, giúp đỡ Hùng trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm tòi công việc và biện pháp giúp đỡ Bùi Văn Hùng, các ông đã nghĩ tới cánh đồng Bin. Ở miền núi, có đồng ruộng là quý giá lắm. Thế mà cánh đồng Bin rộng 5ha do thiếu nước nên chỉ cấy được một vụ lúa. Nguyên nhân của sự thiếu nước ấy là do hệ thống tưới tiêu chứ không phải cánh đồng xa nước. Hiện tại chỉ có 3 chiếc xe nước đang ngày đêm guồng để cung cấp nước từ suối Bin lên cánh đồng.

Làm thế nào để đủ cho cánh đồng Bin cấy được hai vụ lúa? Với năng suất mỗi vụ trung bình 6 tấn/ha, nếu thêm một vụ, bà con sẽ có thêm 30 tấn thóc? Làm thế nào để Hùng có việc làm?... những câu hỏi cứ canh cánh trong đầu các cụ. Sau khi suy nghĩ và xem xét, cụ Dầm đã đề xuất chính quyền và hợp tác đấu thầu cung cấp đủ nước cấy hai vụ lúa cho cánh đồng Bin. Vấn đề trên được xóm đưa ra bàn bạc công khai. Chốt lại có 5 người bỏ thầu với 2 mức 1,5 tấn và 2 tấn một năm.

Đến lúc này, cụ Dầm mới trình bày ý định của Hội Người cao tuổi xin được dành việc này cho các cụ, để các cụ đầu tư máy bơm giúp cho Bùi Văn Hùng có việc làm. Cảm động trước tấm lòng của các cụ, hội nghị xã viên nhất trí giao việc cung cấp nước cánh đồng Bin cho các cụ với mức thầu cao nhất là 2 tấn thóc một năm.

Được địa phương nhất trí, bà con đồng tình, cụ Dầm đã bàn với gia đình và một số cụ có điều kiện góp tiền mua một máy bơm trị giá 4 triệu đồng rồi giao cho Hùng quản lý, vận hành cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng Bin. Thế là Bùi Văn Hùng nhanh chóng bắt tay vào công việc. Lúc vào mùa cày, bừa và cấy lúa, Hùng vận hành cả xe nước và máy nước. Bùi Văn Hùng yên tâm chăm lo công việc đồng áng. Khi lúa đã vào đòng, lượng nước cần vừa phải thì anh chỉ vận hành xe nước. Người dân xóm Bin vui mừng vì đủ nước cấy hai vụ lúa, lương thực đủ ăn cả năm.

Hùng được ban quản lý xóm tin tưởng giao thêm việc quản lý, bảo vệ rừng trồng keo với diện tích trên 4ha với năng suất mỗi vụ hàng trăm triệu đồng. Anh còn được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi lợn, trâu bò, nuôi thả cá... thu nhập hằng năm gần 100 triệu đồng. Bùi Văn Hùng là điển hình duy nhất của huyện Tân Lạc được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng do tỉnh Hòa Bình tổ chức.

Đứng trước ngôi nhà khang trang, kiên cố với đầy đủ tiện nghi mà anh tích góp nhiều năm mới có được, chúng tôi cảm nhận niềm vui lan tỏa từ anh. Vượt qua biết bao sóng gió cuộc đời, có những lúc tưởng như chấm hết đối với anh. Nhưng nhờ nghị lực vươn lên, biết đứng dậy sau khi vấp ngã, cuộc sống của anh Bùi Văn Hùng được nếm quả ngọt.

Bùi Văn Hùng (thứ 2 từ trái sang) tích cực lao động, sản xuất.

Anh Bùi Văn Hùng là điển hình để nhân rộng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ kinh nghiệm của anh, cấp ủy, chính quyền xã Tử Nê có thêm quyết tâm làm trong sạch địa bàn và cũng bằng tấm gương của anh Hùng đã có thêm nhiều điển hình khác trong công tác tài hòa nhập cộng đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, đã giúp đỡ nhiều người lầm lỗi vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội như anh Bùi Văn Én, Bùi Văn Tình.. sau khi chấp hành xong án phạt tù tích cực tham gia các phong trào địa phương, làm kinh tế giỏi.

Dòng nước mát từ suối Bin lên cánh đồng như tấm lòng trong trẻo, ấm áp của bà con với Bùi Văn Hùng để cùng gặt hái những mùa bội thu.

Thu Hà
.
.
.