Ông già Biển Hồ 'cướp cơm Hà Bá'

Thứ Hai, 28/09/2015, 17:00
Trong một lần hành quân qua vùng Biển Hồ, Gia Lai, nhìn thấy pháo sáng của địch rực sáng trên mặt hồ, anh bộ đội Quách Trọng Hoan thấy khung cảnh nơi đây đẹp quá mà tự nhủ với lòng mình, nếu sau này có điều kiện, nhất định sẽ trở về sống ở vùng Biển Hồ. Và hơn hai chục năm sau, ông tìm về Biển Hồ sinh sống như lời hứa năm nào. Đối với ông, Biển Hồ chất chứa bao kỉ niệm bởi chính nơi ấy, ông đã lặn ngụp không biết bao lần dưới dòng nước xoáy để cứu vớt những người chết đuối thương tâm.
Biển Hồ ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, đẹp, thơ mộng nhưng ẩn chứa dưới dòng nước trong xanh, mát rượi ấy là một lòng chảo có sức hút khủng khiếp. Dù người bơi giỏi cỡ nào cũng khó tránh khỏi dòng xoáy khi lỡ chân rơi xuống nước. Bởi thế mà năm nay, Biển Hồ chứng kiến biết bao cái chết thương tâm của những học sinh nhỏ tuổi, hay những người đi làm qua vùng lòng chảo này. Thậm chí cả những chàng trai cô gái vì một lý do nào đó cũng tìm đến Biển Hồ để quyên sinh.

Quê gốc ở Ninh Bình nhưng ông Quách Trọng Hoan, xã Biển Hồ, thành phố Peiku gắn bó với Biển Hồ gần 30 năm nay, nên những câu chuyện đau buồn về những cái chết thương tâm ở Biển Hồ, ông đều nắm như lòng bàn tay. Chính tay ông đã lặn, vớt tìm không biết bao nhiêu xác người xấu số. Ở cái phố núi Pleiku này người dân gọi ông với cái tên thân thương "ông già Biển Hồ" bởi chính tấm lòng nhân ái ấy.

Năm nay đã 75 tuổi, nhưng nhìn ông Hoan vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nước da trắng hồng hào. Ông bảo, cái duyên đưa ông đến với Biển Hồ thật tình cờ. Từ nhỏ ông đã sống gần khu vực thành phố Gia Lai. Chiến dịch Mậu thân năm 1968, trong khi bộ đội ta rút quân qua Biển Hồ, qua pháo sáng địch, khung cảnh hiện lên huyền diệu và đẹp đến lạ lùng, ông tự nhủ với lòng mình, sau này có cơ hội nhất định chuyển về đây sinh sống.

Hơn 20 năm sau, ông xin nghỉ hưu sớm và quyết định đưa vợ con, gia đình về sinh sống gần Biển Hồ như lời hứa năm nào. Và cũng từ đây, ông gắn với cái nghiệp vớt xác.

Ông Quách Trọng Hoan.

Gần 30 năm sống ở Biển Hồ, ông Hoan đã tìm và vớt được 78 xác người xấu số. Có những trường hợp ám ảnh ông cho đến tận bây giờ. Đó là câu chuyện thương tâm về 6 em học sinh. Hôm ấy có 7 em học sinh góp tiền nhờ một người chở thuyền ra hồ lớn chơi. Thấy thời tiết xấu, mây mưa vần vũ, ông đã linh cảm chẳng lành khuyên anh này không nên tham tiền mà chở các em đi. Anh lái đò cũng hoảng không dám chở các em ra hồ lớn mà ngược ra phía hồ cạn và chỉ dám đi vòng gần bờ. Nhưng thật không may chiếc thuyền đụng phải một thân cây đã bị chặt ngọn lập lờ trên mặt nước. Thuyền dốc ngược lên không chìm nhưng hất cả 7 em học sinh xuống nước. Anh lái đò chỉ cứu được một em, còn 6 em kia đều chết đuối thương tâm. Khi ấy ông Hoan đang trông xe cho các em nhỏ, nghe tin chạy ra đến nơi thì không kịp nữa.

Con thuyền nhỏ là phương tiện để ông cứu người.

Cậu bé học sinh may mắn thoát nạn trong lần chìm đò năm ấy vài năm sau cũng mất trong một tai nạn giao thông khi đang học đại học năm thứ nhất trong một chuyến về thăm nhà. Mộ của em được đặt cạnh mộ 6 người bạn chết đuối trong chuyến đò định mệnh những năm trước khiến người dân nơi đây vẫn đau lòng khi nhắc đến câu chuyện cũ.

"Ở Biển Hồ, có nhiều vụ chết đuối kỳ lạ, người biết bơi thì chết, người không biết bơi lại được sống. Âu cũng là cái số", ông Hoan chia sẻ. Năm 1998, có một con thuyền chở người dân đi làm bị gió đánh chìm. Trên thuyền có bốn người đàn ông biết bơi, một học sinh 9 tuổi và một phụ nữ mang bầu. Khi thuyền chìm, bốn người đàn ông kia tìm cách thoát thân nhưng bơi chưa đến được bờ thì cả bốn đuối sức và chết đuối. 

Trong khi đó người phụ nữ mang bầu bám vào chiếc nón lá mà chị cầm theo và cậu bé 9 tuổi bám vào chiếc can nhựa của cậu mà lặn ngụp trong dòng nước xoáy nên may mắn được một người chèo đò qua cứu kịp. Hay như trường hợp của hai anh em nhà nọ chèo thuyền qua Biển Hồ để về nhà. Người anh biết bơi, còn người em thì không. Khi người em bị ngã xuống nước, người anh nhảy xuống cứu. Giữ được người em thì con thuyền nan đã bị gió thổi đi xa. Người anh vừa giữ em vừa bơi đuổi theo chiếc thuyền. Thuyền không đuổi được, hai anh em nọ chết chìm giữa dòng nước.

Cuối tháng 8/2015, anh Phạm Bá Thành, người được mệnh danh là "vua cá chình" ở Gia Lai, thợ lặn giỏi có tiếng, từng bắt hàng tấn cá bằng tay gặp nạn ở hồ thủy điện Ayun Hạ, Phú Thiện, Gia Lai. Trước khi lặn xuống hồ tìm cá, anh Thành và người bạn ngồi nhậu hết 3 chai rượu. Khi lặn xuống hồ, anh Thành phát hiện ra một con cá chình to khoảng 20kg nằm trong hang đá sâu khoảng 13m.

Sau khi truyền điện khiến con cá bất tỉnh, anh Thành thò tay vào định lôi con cá ra thì bất ngờ một tảng đá lớn sập xuống khiến anh không rút tay ra được. Anh Thành chết đuối nhưng thi thể vẫn kẹt dưới lòng hồ. Dù đã huy động 24 thợ bơi lặn giỏi trong vùng nhưng không ai có thể đưa được thi thể của anh lên bởi áp suất quá lớn, không ai có thể chịu đựng được khi xuống đến đáy hồ. Cuối cùng gia đình phải đến xã Biển Hồ mời ông Hoan đến.

Bài thơ cảm động của ông Hoan tại cửa đền.

Với kinh nghiệm bao nhiêu năm làm nghề lặn, vớt xác cứu người, trong chiến tranh từng lặn xuống dưới sông, hồ để cứu vớt đồng đội bị lật thuyền, bị địch ném bom, cũng như khả năng chịu áp lực khá lớn khi nhiều lần nổ bom mìn trong chiến đấu, ông Hoan dễ dàng tiếp cận được thi thể của anh Thành. Vì không thể nào rút được tay nạn nhân ra khỏi hang đá nên ông Hoan đành dùng dây buộc vào thi thể anh để mọi người bên trên kéo lên. Lần đầu dùng dây dừa bị đứt, lần thứ hai ông phải bảo người nhà đi mua dây dù và khi thi thể được đưa lên mới biết tay nạn nhân bị gẫy và xướt xát toàn thân vì va chạm vào đá.

Dù tuổi cao nhưng "ông già Biển Hồ" vẫn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào khi có người cần giúp đỡ. Vào những ngày cuối tháng 4/2015, "ông già Biển Hồ" vẫn một mình sang nước bạn Lào để tìm thi thể của 1 nam công nhân đi làm công trình thủy điện bị đuối nước trên sông Sê Sa Nan. Nạn nhân được coi là bơi giỏi nhất ở xí nghiệp thủy điện khi ấy. Nghe nói khi đặt mìn thấy nhiều cá chết, anh này nhảy xuống hồ để vớt một con cá rất to còn đang thoi thóp, nhưng không hiểu sao lại bị chết đuối. Do nước sông sâu tới 14m, lại chảy mạnh nên không ai lặn được xuống để tìm thi thể của anh. Sau đó, người nhà đã đến cầu cứu "ông già Biển Hồ".

Trước đây, khi chưa được trang bị đồ lặn, ông Hoan đều không quản hiểm nguy, tự mình lặn xuống vùng Biển Hồ để vớt xác. Nhiều năm qua, ông vẫn thầm lặng làm công việc thiện nguyện ấy. Có trường hợp người dân nhờ vớt xác, người thân còn trả công cho ông nhưng cũng có rất nhiều trường hợp thi thể nạn nhân không giấy tờ tùy thân, trôi dạt ở vùng Biển Hồ, ông vớt lên và lo mai táng cho họ. Chính tự tay ông xây dựng nên ngôi đền nhỏ ngay cạnh Biển Hồ để cầu nguyện cho những người xấu số. Trên đó còn khắc sâu bài thơ đầy cảm động ông viết dành tặng cho linh hồn người đã khuất. Con thuyền nhỏ của ông cũng lặng lẽ đặt ngay cạnh bờ hồ và số điện thoại ghi sẵn trên cửa đền để mọi người có thể tới nhờ ông bất cứ lúc nào

Ngôi đền ông Hoan lập nên để cầu khấn cho những người xấu số.

Nhiều người đến đền thờ này cầu khấn và thấy linh nghiệm, họ trở lại góp tiền tu sửa đền và nhờ ông tìm những nơi có thể làm từ thiện. Bước chân của "ông già Biển Hồ" và những nhà hảo tâm đã đi khắp các vùng sâu xa, hẻo lánh nhất của Gia Lai để đem niềm vui, hạnh phúc đến từng bản làng nghèo khó. Ông bảo, riêng vùng Gia Lai này, những vùng sâu nhất, nghèo khổ nhất lại chính là những nơi ông biết tường tận nhất, bởi đó là cơ sở kháng chiến từng nuôi dưỡng ông và đồng đội trong suốt những năm chiến tranh.

Thụ Tô
.
.
.