'Ông vua chữa bỏng' giàu lòng nhân ái đất Thái Bình

Thứ Sáu, 18/12/2015, 09:56
Gần 30 năm qua, bằng bài thuốc cổ truyền và phương pháp chữa trị độc đáo đã có hàng vạn bệnh nhân bị bỏng ở mọi cấp độ được ông chữa khỏi hoàn toàn. Hơn một nửa trong số đó được ông miễn tiền thuốc, tiền công, tiền giường bệnh, điện nước… Người dân yêu mến gọi ông là “vua chữa bỏng” của đất Thái Bình. Ông là lương y Đào Viết Thoàn.

Học thuốc nơi cửa Phật

Lương y Đào Viết Thoàn sinh năm 1959 tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Bởi vậy ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Thoàn đã được giáo dục về lòng nhân ái và lý tưởng cách mạng. 

Năm 17 tuổi, khi đang làm công nhân tại Nhà máy Điện Uông Bí, chàng trai trẻ Đào Viết Thoàn đã tình nguyện nhập ngũ và trở thành người lính xe tăng thuộc Lữ đoàn 408. Kể từ đó, ông theo đơn vị làm nhiệm vụ ở nơi chiến tuyến đầu sóng ngọn gió, cùng đồng đội không biết bao lần vào sinh ra tử.

Năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, ông bị thương nặng và được chuyển về Bệnh viện 108 rồi Quân y 103 điều trị. Tại đây ông phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật với những vết thương khủng khiếp tưởng chừng không qua khỏi: Chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ ½ tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ 2 cơ dép, 2 cơ mông, gẫy 2 dẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống D11, D12. 

Những vết thương ấy đã hành hạ ông trong 2 năm trời nằm viện. Nhiều lúc đau đến chết đi sống lại nhưng rồi sự quan tâm điều trị và động viên của các bác sĩ Viện 103 khiến ông có thêm niềm tin sẽ vượt qua nghịch cảnh.

Tủ huân, huy chương, cúp vàng của lương y Thoàn.

Trong quá trình điều trị, những lần ghép da ở bàn chân luôn là nỗi ám ảnh với cả ông và các bác sĩ. Vì đã ghép rất nhiều lần nhưng vết thương vẫn bị hoại tử, lộ cả xương. Được nhiều người mách bảo, ông tìm đến chùa Trắng, thôn Hữu Lễ, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhờ ni sư Thích Đàm Lương dùng bài thuốc cổ đắp thuốc sinh cơ, nuôi thịt. 

Ban đầu sư cụ trực tiếp đắp thuốc cho ông. Dần dần về sau, ông được sư cụ hướng dẫn để tự điều trị. Bài thuốc rất linh nghiệm, vài ngày đắp thuốc, những chất hoại tử trong vết thương đã được hút hết ra, những tế bào sống được kích thích phát triển, lớp cơ được hình thành, da non được kéo lại. So với cách chữa trị trong bệnh viện thì chẳng những đơn giản, hiệu quả hơn mà còn giảm được cả đau đớn cho người bệnh. 

Nghĩ mình tàn tật, về quê cũng không làm được gì, ông bèn ở lại xin ni sư truyền cho bài thuốc. Sau một thời gian dài, thấy ông là người có tâm, có nghị lực và tố chất của một thầy thuốc, ni sư đã nhận ông làm đệ tử. Nhưng cũng phải mất tới 5 năm vừa đọc sách, nghiên cứu tài liệu vừa được ni sư hướng dẫn, ông mới thành thạo được cách chế biến và cách sử dụng bài thuốc bí truyền này.

Những cải tiến đột phá

Năm 1987, ni sư Thích Đàm Lương viên tịch, ông ở lại chịu tang 6 tháng rồi rời chùa trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Ở quê nhà, ông tiếp tục tìm hiểu các loại thảo dược, đưa thêm một số vị nữa vào phương thuốc được truyền thụ, khiến cho nó khác đi rất nhiều so với công thức nguyên thủy. Do đó công hiệu chữa trị được nâng cao và gần như trở thành một “thần dược” trong điều trị bỏng.

Theo ông Thoàn, hầu hết các vị thuốc đều rất dễ tìm trong dân gian như mật ong, củ nghệ, lạc tiên, đu đủ, cối xay, chìa vôi… Những vị này đều có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, tiêu độc. Sau khi thu hái, ông phơi khô, xác định tỉ lệ rồi bào chế thành một dạng thuốc cao đặc sẫm màu, gọi là “thuốc mỡ sinh cơ”. 

Người bệnh đắp thuốc “mỡ sinh cơ” có cảm giác mát, không xót, không dính thịt, vì thế không gây tổn hại mô cơ bên dưới, không để lại sẹo. Thuốc rất dễ dùng, phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi tiền sử bệnh án, người bệnh cũng không cần phải kiêng khem bất cứ loại thực phẩm nào.

Ngoài cải tiến công thức thuốc, ông Thoàn cũng cải tiến phương pháp đắp thuốc. Trước đây bác sĩ thường đắp thuốc cho bệnh nhân trên gạc khô gây nên tình trạng vừa lãng phí thuốc, vừa tạo cảm giác đau đớn. Ông Thoàn cải tiến bằng cách cho tẩm nước muối sinh lý vào gạc, sau đó vắt khô rồi mới bôi thuốc vào. 

Bằng cách làm này, ông đã tiết kiệm được một lượng thuốc, không cần phải nhỏ nước muối sinh lý khi thay băng, lại khiến cho gạc không bị dính vào thịt, do đó không làm tổn thương tổ chức hạt, khiến vết bỏng nhanh liền. 

Với phương pháp này, từ năm 2008 đến nay ông đã chữa trị cho gần 6.000 bệnh nhân, rút ngắn được gần 15 nghìn ngày điều trị, làm lợi cho xã hội hơn 6 tỷ đồng. 

Giải pháp này của ông sau đó đã được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thái Bình trao giải nhất năm 2012 – 2013 và đạt giải ba Hội thi sáng tạo kĩ thuật toàn quốc năm 2013.

Tận tâm cứu người

Là người lính cụ Hồ, ông Thoàn luôn khắc ghi lời của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, lại được chịu ơn nơi cửa Phật nên ông luôn tâm niệm “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, bởi vậy trong gần 30 năm hành nghề y thuật ông luôn đặt chữ “Đức” làm đầu.

Ngày mới về quê hương, ông tận tình điều trị cho bà con lối xóm hoàn toàn miễn phí. Rồi tiếng lành đồn xa, bệnh nhân khắp trong Nam ngoài Bắc đổ về nhờ ông cứu chữa ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày ông đón nhận từ 35 đến 40 bệnh nhân, ngày đông lên tới gần trăm người. Hầu hết đều bị bỏng đủ các cấp độ, đủ nguyên nhân: nước sôi, xăng, cồn, axit, vôi tôi… 

Tất bật cả ngày, làm không ngơi tay, nửa đêm về sáng, bệnh nhân đau ông cũng thức dậy, có lúc chính ông cũng lăn ra ốm nhưng rồi vẫn cố gượng dậy chữa bệnh cho mọi người. 

Nhà chật, ông xây thêm mấy gian cấp bốn để lấy chỗ đặt giường bệnh, rồi mượn cả trạm y tế cho người bệnh nằm, thậm chí cả căn nhà tình nghĩa của ông cũng được biến thành nơi chữa bệnh. Ngôi nhà của ông ở thôn Đồng Ấu, xã An Quý chẳng khác gì một bệnh viện bỏng thu nhỏ, không lúc nào vắng người.

Bệnh nhân đến với ông đủ mọi tầng lớp. Ai ông cũng nhiệt tình giúp đỡ nhưng với những người có hoàn cảnh đáng thương, ông dành sự ưu tiên nhiều hơn. Người nghèo ông sẵn sàng giúp đỡ miễn phí, người khó khăn ông không lấy tiền thuốc, tiền công, người hoàn cảnh ông cho ở nhờ, không đòi hỏi chi phí. 

Đến nay ông đã miễn phí tiền thuốc, tiền công cho hơn 2.000 bệnh nhân là đối tượng chính sách như Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam; miễn phí tiền công cho hơn 6.500 bệnh nhân là người nghèo; miễn phí toàn bộ giường nằm, điện nước cho hơn 12.000 bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại gia đình. Tính tiền công, tiền thuốc tổng cộng ông đã thiện nguyện lên tới 6,3 tỷ đồng.

Hơn 23.000 bệnh nhân đã được ông chữa trị thành công và chưa hề có một trường hợp nào xảy ra tai biến suốt gần 30 năm qua. Người bệnh cứ đến rồi đi, cuốn sổ bệnh án của người lương y cứ thế dài theo năm tháng. Nhưng hỏi ông có nhớ những kỉ niệm nào trong cuộc đời trị bệnh cứu người không, ông chỉ cười hiền: “Cứu người là việc nên làm, làm xong thì thôi, không cần phải nói lại”. Ông cứ vô tư như thế, như một tiên ông giữa đời thường. 

Ngay cả việc nghĩ đến chuyện mai sau ông cũng hết sức vô tư: “Chẳng cứ là phải truyền cho con cháu trong nhà, hễ người nào có tâm, có tố chất tốt của một người thầy thuốc thì tôi sẽ truyền nghề. Còn vạn nhất không tìm được ai, tôi sẽ trao lại cho Nhà nước, tránh để thất truyền một bài thuốc quý giá của dân tộc”, ông Thoàn chia sẻ.

Xuân Hải
.
.
.