Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra tốt đẹp

Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:27
Đó là tuyên bố hôm 1-11 (giờ địa phương) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc cùng ngày thông báo nước này đã nhất trí với Mỹ về những mối quan ngại thương mại cốt lõi. Điều này tiếp tục khẳng định việc Washington và Bắc Kinh sẽ sớm ký kết Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” theo kế hoạch.


Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nêu rõ: “Chúng tôi đang tiến đến một thỏa thuận với Trung Quốc. Trung Quốc đang rất muốn đạt được thỏa thuận. Hai bên có mối quan hệ tốt và chúng ta sẽ chứng kiến điều gì sẽ xảy ra. Tôi không muốn nói về thỏa thuận cho đến khi hai bên kí kết, nhưng hai bên đang đạt được nhiều bước tiến”.

Liên quan tới cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) theo kế hoạch diễn ra vào giữa tháng này, Tổng thống Donald Trump cho biết nước này và Trung Quốc sẽ sớm công bố một địa điểm mới, nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ký Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, sau khi Chile hủy đăng cai Hội nghị trên.

Ông nói: “Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách lựa chọn một địa điểm mới để ký Giai đoạn 1 Thỏa thuận thương mại... Địa điểm mới sẽ sớm được công bố, trong đó bang Iowa có thể là một lựa chọn khả dĩ. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sẽ thực sự ký (thỏa thuận này)”.

Ngoài Iowa, Alaska và Hawaii đang được xem là những lựa chọn tiềm năng mà phía Trung Quốc có thể chấp nhận được. Trong khi đó, một nguồn thạo tin thương mại của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã đề nghị tiến hành sự kiện này tại Khu hành chính đặc biệt Macau của nước này.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.  Ảnh: Financial Times

Cùng ngày, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, Washington và Bắc Kinh đang trên con đường đúng đắn hoàn thành giai đoạn đầu tiên của Thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, 2 giai đoạn tiếp sẽ cần giải quyết tất cả các vấn đề về cải cách cấu trúc của Trung Quốc.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cùng ngày xác nhận Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc vừa có thêm một cuộc điện đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Hai bên đã trao đổi “nghiêm túc, mang tính xây dựng” và đạt được “nhận thức chung mang tính nguyên tắc” trong việc giải quyết ổn thoả những quan ngại "cốt lõi" của nhau.

Hai bên cũng trao đổi việc thu xếp những cuộc tham vấn tiếp theo. Tham gia cuộc điện đàm này, về phía Trung Quốc, còn có Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Ninh Cát Triết.

Trong khi đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng xác nhận với báo giới, hai bên đã đạt được những tiến triển lớn, nhưng cũng cho biết, thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành. Ông cho rằng, việc Chile bất ngờ tuyên bố hủy tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC không ảnh hưởng tới đàm phán và hai bên đang tìm một địa điểm mới cho cuộc gặp ký kết thỏa thuận.

Sau những tín hiệu tích cực trên, nhận định về mối quan hệ Mỹ - Trung, ông Châu Quang Diệu - người từng trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương với tư cách Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2018 - cho hay, ông vẫn lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được ký kết vào tháng 11 nếu hai bên duy trì liên lạc chặt chẽ qua các kênh ngoại giao.

Ông Ngụy Kiến Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cơ quan đồng chủ trì diễn đàn trên - tin tưởng rằng hai nước có thể đạt được một thỏa thuận và hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ và ký kết thỏa thuận này ở một nước thứ ba (ngoài Chile).

Theo ông Ngụy Kiến Quốc, Trung Quốc sẽ cân nhắc mọi đề nghị từ Mỹ, miễn là Washington không làm tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng, việc chấm dứt căng thẳng thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách căng thẳng kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 1-11, tòa trọng tài tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép Trung Quốc áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu hằng năm từ Mỹ trị giá 3,58 tỷ USD, tạm khép lại tranh cãi nhiều năm qua về các quy định chống phá giá của Mỹ.

Một quan chức thương mại tại WTO cho biết trong vụ việc này, Trung Quốc đã đề nghị WTO cho phép áp thuế đối với lượng hàng hóa lên tới hơn 7 tỷ USD từ Mỹ. Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên WTO cho phép Trung Quốc áp thuế trong một vụ tranh chấp thương mại.

Trong khi đó, trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 30-11, Mỹ sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc có tiếp tục gia hạn lệnh hoãn áp thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD hay không. Lệnh hoãn này sẽ hết hiệu lực vào ngày 28-12 tới.

Theo thông báo hôm 28-10 của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), cơ quan này đang xem xét khả năng tiếp tục trì hoãn lệnh áp thuế nói trên trong bối cảnh của các quan chức hai nước đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại song phương.

Khổng Ha (tổng hợp)
.
.
.