Kiểm soát súng đạn, nhiệm vụ bất khả thi của chính quyền Mỹ

Thứ Bảy, 03/10/2015, 08:10
Bày tỏ phẫn nộ trước thảm kịch xả súng diễn ra trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định không thể để tình trạng bắn giết bừa bãi gây tổn hại cho người dân. Tuy nhiên, việc này cho tới giờ vẫn được xem là một nhiệm vụ bất khả thi của giới chức Mỹ.

Ngày 2/10 (giờ Việt Nam), bày tỏ phẫn nộ trước thảm kịch xả súng diễn ra trước đó cùng ngày tại trường Đại học Cộng đồng Umpqua (UCC) ở thành phố Roseburg, bang Oregon, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh tại Nhà Trắng tính cấp thiết của việc sửa đổi luật kiểm soát súng đạn, khẳng định không thể để tình trạng bắn giết bừa bãi gây tổn hại cho người dân. Tuy nhiên, việc này cho tới giờ vẫn được xem là một nhiệm vụ bất khả thi của giới chức Mỹ.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama bày tỏ: “Như tôi đã nói chỉ một vài tháng trước đây... mỗi lần xảy ra một vụ xả súng hàng loạt, những suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng ta (dành cho các nạn nhân) là không đủ. Không đủ!”. Vì có làm như vậy thì cũng không thể hiểu được nỗi đau và sự tức giận của những gia đình nạn nhân, và cũng chẳng giúp ích gì cho việc ngăn chặn một thảm kịch như vậy tái hiện tại một nơi nào khác trên đất Mỹ. 

Theo ông Obama, cho dù mục đích có là gì đi nữa thì bất cứ ai gây ra tội ác kinh hoàng như vậy chắc chắn đều có “vấn đề về thần kinh”: “Chúng ta không phải là quốc gia duy nhất trên Trái đất này có những kẻ tâm thần bất ổn muốn làm hại người khác. Nhưng chúng ta lại là đất nước phát triển duy nhất trên Trái đất này cứ vài tháng một lần lại phải hứng chịu những cuộc thảm sát như vậy”.

Theo ông, các chính trị gia của nước Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm đối với vụ việc này. Tổng thống Obama cho rằng, các vụ thảm sát bằng súng đạn thường xuyên xảy ra một phần do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung để thông qua luật kiểm soát súng đạn.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, vấn đề này phải có sự ủng hộ không chỉ của cá nhân ông mà toàn thể giới lập pháp Mỹ. Từ đó, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi giới lập pháp nước này gạt qua những bất đồng để thúc đẩy việc sửa đổi luật kiểm soát súng đạn. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể làm một điều gì đó, nhưng chúng ta phải thay đổi luật pháp”. 

Đây là lần thứ 15 Tổng thống Mỹ đưa ra lời khẳng định mạnh mẽ và quyết liệt như vậy về một vụ bạo lực súng đạn trong vòng 7 năm nắm quyền ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, tính tới nay, chính quyền Washington vẫn thất bại trong việc thắt chặt kiểm soát súng đạn. Cứ sau mỗi vụ thảm sát, dư luận và giới truyền thông Mỹ lại bừng bừng phẫn nộ, đòi hạn chế súng đạn. 

Cảnh sát kiểm tra túi xách của sinh viên và giáo viên tại UCC sau khi xảy ra vụ xả súng.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những lời kêu gọi này rơi vào quên lãng. Nếu Washington có thể thông qua luật kiểm soát súng đạn mới thì điều đó đã diễn ra từ tháng 12/2012 sau vụ thảm sát ở New Town, Connecticut, khi 20 trẻ em và 6 giáo viên trường Tiểu học Sandy Hook bị một thanh niên tâm thần bắn chết.

Thực tế cho thấy, kiểm soát súng đạn được xem là “vùng chết chính trị” tại Mỹ. Thông thường, đảng Cộng hòa ủng hộ sở hữu súng, còn đảng Dân chủ tìm cách hạn chế. Nhưng nhiều chính trị gia Dân chủ cho rằng chính sách hạn chế súng đạn đã khiến các ứng cử viên đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử ở các bang nông thôn như West Virginia, Missouri, Ohio, Arkansas, Colorado, Pennsylvania… Họ cho rằng cựu Phó Tổng thống Al Gore thất bại ngay tại chính bang quê hương Tennessee khi tranh cử tổng thống hồi năm 2000 là do quan điểm phản đối súng đạn. Vì vậy, nhiều chính trị gia Dân chủ tránh né, không dám đụng đến vấn đề súng đạn vì sợ mất lá phiếu. 

Bản thân ông Obama dù tuyên bố rất nhiều về nhu cầu kiểm soát súng đạn nhưng chưa làm được gì cụ thể vì sự cản trở ở Quốc hội. Với số súng đạn tràn ngập, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ. Nhưng kiểm soát súng đạn sẽ mãi chỉ là một ảo tưởng. Hàng loạt dự luật quy mô nhỏ được đệ trình lên Đồi Capitol nhưng rồi chết yểu. Vì vậy, chắc chắn vụ thảm sát ở Oregon cũng sẽ chẳng thay đổi được gì.

Cũng trong ngày 2/10, cảnh sát trưởng hạt Douglas, ông John Hanlin xác nhận đã có 10 người thiệt mạng gồm cả thủ phạm và bảy người bị thương trong vụ bạo lực đẫm máu trên, thay vì con số 15 người chết và 20 người bị thương như thông tin trước đó. Vụ xả súng này đã nâng tổng số vụ thảm sát tương tự tại Mỹ trong năm 2015 lên tới 294. Tuy nhiên, con số thống kê này chưa phải là tất cả, còn có nhiều vụ việc gây tổn thương nghiêm trọng liên quan đến súng khác nhưng không được FBI liệt vào danh sách xả súng vì không đáp ứng các tiêu chí của cơ quan này. Các bang Charleston, Lafayette, Virginia và giờ là Roseburg Oregon. 

Nhưng bên cạnh các vụ việc mang tính chất kinh hoàng như trên với số lượng người chết nhiều thì cũng có những vụ khác mà dân chúng ít biết đến như 11 người bị thương trong một chiếc xe ở Georgia, 6 người bị bắn bên ngoài câu lạc bộ đêm ở Tulsa, một phụ nữ mang thai và mẹ bị giết, một trẻ sơ sinh bị thương ở Chicago. 

Trong năm nay, khoảng cách thời gian giữa các vụ xả súng chưa bao giờ kéo dài quá 8 ngày. Vào tháng 9 vừa qua, chỉ trong 6 ngày đã có tới 3 vụ thảm sát bằng súng và hơn thế nữa. Nếu các con số người thiệt mạng ban đầu trong vụ Oregon được xác thực thì tổng số người chết vì xả súng trong năm nay đã lên đến 380 người với hơn 1.000 người bị thương.

Bên cạnh đó, cần phải thấy rằng súng là một phần cơ bản của nền văn hóa và di sản chính trị truyền thống của nước Mỹ từ thuở sơ khai. Tu chính án thứ hai trong hiến pháp Mỹ quy định quyền được sở hữu vũ khí. Như vậy, quyền sở hữu súng được xem là quyền cơ bản của công dân Mỹ và trong thực tế, việc này phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều người Mỹ yêu thích súng đạn và tự hào với việc mình sở hữu súng đạn. 

Theo một khảo sát của chính phủ Mỹ, năm 2012, khoảng 34% hộ gia đình Mỹ có súng, tương đương hơn 100 triệu người Mỹ sở hữu súng. Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng người Mỹ sở hữu tới 30-50% tổng số súng đạn cá nhân toàn cầu. Các khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng súng đạn là cần thiết để tự vệ, đặc biệt là các cử tri Cộng hòa. Khảo sát của Gallup năm 2008 cho thấy 41% người theo đảng Dân chủ và 53% người theo đảng Cộng hòa cho rằng súng đạn giúp ngôi nhà của họ an toàn hơn. Đến năm 2014, con số này lần lượt là 41% và 81%.

Hung thủ là ai?

Truyền thông Mỹ cho biết danh tính kẻ xả súng tại UCC là Chris Harper Mercer, 26 tuổi, không phải là sinh viên của trường. Trong ngày xảy ra thảm kịch, Mercer đã mang theo 3 khẩu súng ngắn, 1 khẩu súng trường và bắn từ 35 – 40 phát đạn. Trong khi đó, theo các thông tin trên mạng xã hội, Mercer sống ở thành phố Torrance, bang California. Nhà chức trách Mỹ nghi ngờ rằng, Mercer có thể đã tiết lộ kế hoạch tấn công vào đêm hôm trước, thông qua một đoạn tin nhắn nặc danh trên mạng 4chan, với nội dung: “Đừng tới trường ngày mai nếu bạn ở Northwest”.

Khổng Hà
.
.
.