Nguy cơ chạy đua vũ trang giữa Nga-Mỹ vì INF

Chủ Nhật, 17/03/2019, 09:05
Trước tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc Mỹ đang xem xét thử một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000km vào tháng 8, điện Kremlin ngày 14-3 (giờ địa phương) đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích hành vi này, cáo buộc Washington là nguyên nhân khiến Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) sụp đổ.


Trong bối cảnh những tranh cãi giữa Nga và Mỹ về Hiệp ước INF vẫn chưa có hồi kết, những động thái mới đã khiến căng thẳng giữa hai cường quốc trở nên khó lòng cứu vãn.

Lời qua tiếng lại

Ngày 13-3 (giờ địa phương), Reuters dẫn nguồn tin quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vào tháng 8", song từ chối tiết lộ mục đích sử dụng của tên lửa này. Tháng 8 cũng chính là thời điểm Mỹ sẽ hoàn tất việc rút khỏi INF sau khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước này hồi tháng 2 vừa qua. Nếu cuộc thử nghiệm thành công, loại tên lửa có tầm bắn khoảng 1.000km này có thể được triển khai trong khoảng 18 tháng nữa. 

Quan chức Lầu Năm Góc cho biết thêm, Mỹ cũng đang xem xét thử một tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11 tới và nhấn mạnh 2 loại tên lửa này là vũ khí thông thường, không phải là vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là loại tên lửa này bị cấm trong khuôn khổ INF, vốn không cho phép cả Nga và Mỹ sản xuất, phóng các loại tên lửa mặt đất tầm bắn từ 500-5.500km. 

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.       Ảnh: Getty

Nhà phân tích Kingston Reif nhận định, việc Mỹ công bố việc thử nghiệm tên lửa trên cho thấy Washington không có ý định cứu vãn INF và đang xây dựng kế hoạch phát triển các loại tên lửa bị cấm bởi hiệp ước này. Trước đó, hồi đầu tuần này, Lầu Năm Góc từng thông báo quyết định nối lại hoạt động chế tạo những bộ phận của các tên lửa vi phạm hiệp ước. 

Đứng trước động thái mới nhất mà phía Mỹ đưa ra, ngày 14-3, điện Kremlin đã lập tức lên tiếng chỉ trích việc Lầu Năm Góc quyết định thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất bị cấm trong Hiệp ước INF với cáo buộc Washington đang tìm cách hủy bỏ Hiệp ước này. 

"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ cáo buộc nào cho rằng chúng tôi không tuân thủ Hiệp ước. Thực tế là chúng tôi đã thực hiện tất cả các điều khoản, trái lại, qua những bằng chứng và những cuộc tranh luận thì Mỹ mới chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Hiệp ước này", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trước báo giới. "Chính Mỹ chứ không phải Nga đã vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước INF", ông Dmitry Peskov nói.

Để ngỏ cửa đàm phán

Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký kết ngày 8-12-1987, cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung (từ 1.000 đến 5.000km) và tầm ngắn (từ 500 đến 1.000km). Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm bản Hiệp ước này, tuy nhiên Nga mạnh mẽ bác bỏ tất cả những cáo buộc đó, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc Washington không tuân thủ Hiệp ước. 

Ngày 1-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo ra thông báo ngừng thực thi các nghĩa vụ của Mỹ trong Hiệp ước INF từ ngày 2-2. Theo đó, Washington sẽ rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng trừ khi Nga tuân thủ hiệp ước một cách "thực sự và có thể kiểm chứng". 

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4-3 ký sắc lệnh cho phép Moscow ngừng tuân thủ các điều khoản của hiệp ước INF và bật đèn xanh cho việc phát triển tên lửa hành trình tầm trung. 

Sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ sẽ tăng cường đưa ra "các lựa chọn phản ứng quân sự của riêng mình" và hợp tác với NATO cùng với các đồng minh và các đối tác để ngăn cản Nga phát triển khả năng quân sự bất hợp pháp. 

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cảnh báo, Nga không chỉ có khả năng nhắm vào các địa điểm đặt tên lửa của Mỹ ở châu Âu mà "những trung tâm ra quyết định" nhằm ứng phó với Mỹ chỉ cần mất vài phút để thực hiện một cuộc tấn công như vậy.

Mặc dù trong thời gian qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng hối thúc Nga và Mỹ tìm cách duy trì Hiệp ước INF và gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (START), nhưng mọi nỗ lực đàm phán của hai nước đều đã thất bại do không thể đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề nào. 

Nhận định về tương lai của tình thế bế tắc này, trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh 1 của Nga ngày 14-3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, Washington có khả năng sẽ không thỏa hiệp đối với tình hình xoay quanh INF. 

Ông Antonov nói: "Tất cả quyết định xoay quanh Hiệp ước INF được đưa ra trước cả tuyên bố rút khỏi văn kiện này... Đối với tôi dường như Mỹ sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này". Ông đánh giá các đối tác tại Lầu Năm Góc hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga nổ ra, bởi không ai có thể chiến thắng trong một cuộc xung đột như vậy. 

Có thể thấy, sau rất nhiều lần chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước INF, Nga và Mỹ đang có những bước đi cứng rắn nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng để tạo khả năng răn đe cũng như khả năng phòng thủ trước đối thủ của mình, nhưng cũng khiến số phận của Hiệp ước INF trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Các nhà phân tích dự đoán, bất kỳ bước đi thiếu kiểm soát nào của 2 nước cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với hòa bình thế giới.

Lam Ninh (T.H)
.
.
.