Sau Qatar, nước nào sẽ là “mục tiêu” kế tiếp?

Thứ Hai, 19/06/2017, 08:21
Theo nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha, tính đến thời điểm này, Ankara tin rằng, họ sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc khủng hoảng này. Một cuộc tấn công, được thực hiện bởi các nước vùng Vịnh và Mỹ, hướng vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm diễn ra. 



Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát từ ngày 5-6 sau khi Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab (UAE), Hy Lạp cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời áp dụng các lệnh phong toả đường biển, đường không và đường bộ đối với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng, quốc gia nào sẽ thay Qatar làm mục tiêu kế tiếp của cuộc khủng hoảng này?

Theo nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha, tính đến thời điểm này, Ankara tin rằng, họ sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc khủng hoảng này. Một cuộc tấn công, được thực hiện bởi các nước vùng Vịnh và Mỹ, hướng vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm diễn ra. Giả thuyết này trở nên có cơ sở hơn sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ thay Qatar làm mục tiêu tiếp theo của cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh có lẽ là hệ quả của việc Ankara, và một số quốc gia Trung Đông khác trong đó có Iran, tỏ rõ lập trường liên quan tới cuộc khủng hoảng này. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông trên đã thẳng thừng từ chối ủng hộ chiến dịch tẩy chay Qatar và bắt đầu thực hiện những nỗ lực giúp đỡ Qatar thoát khỏi sự cô lập.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (trái) gặp gỡ Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại Doha hôm 14-6.

Theo ông Saleha, ngay cả trước khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đặt chân đến Doha, Ankara đã tỏ rõ lập trường của mình và chuyến thăm này chỉ là một bằng chứng khác cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Qatar. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố, Ankara sẽ tiếp tục quan hệ ngoại giao với Qatar, và sẽ cố gắng tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại.

Không những thế, hôm 9-6 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã thông qua quyết định triển khai khoảng 3.000 quân sĩ nước này, thuộc bộ binh, không quân và hải quân, cũng như các sỹ quan hướng dẫn và lực lượng đặc biệt, đến căn cứ tại Qatar. Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định như vậy là vì, theo chuyên gia Saleha, quan hệ giữa nước này và Qatar trong những năm gần đây ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, Qatar đã nhiều lần ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ về mặt chính trị, bao gồm trong cả sự kiện đảo chính quân sự trước đây. Đặc biệt, quan hệ song phương hai bên phát triển đã dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt căn cứ quân sự tại Qatar.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dự đoán của chuyên gia Saleha khó có khả năng xảy ra. Vì, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan có lẽ đã tự tập cho mình có thói quen là mục tiêu của các thế lực bên ngoài. Và, việc Ankara vẫn đứng vững sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, mà Tổng thống Erdogan nhấn mạnh tác giả là phương Tây, càng tạo thêm niềm tin cho Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, sẽ không “ngồi yên chịu trận” giống như Qatar, thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản kháng, khi ấy “lưỡng bại câu thương” là điều không thể trách khỏi.

Và tất nhiên, đối thủ của Ankara chắc chắn không muốn điều đó xảy ra. Thứ hai, trong cuộc khủng hoảng này, với một quốc gia nhỏ bé như Qatar mà các nước vùng Vịnh còn đang đau đầu để tìm ra phương án giải quyết, thì với một thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Thổ Nhĩ Kỳ thì họ sẽ giải quyết bằng cách nào?

Thực tế là, phương Tây, trong đó có Mỹ, vẫn còn cần đến các đồng minh của mình tại Trung Đông trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga tại khu vực này. Nói cách khác, cái mà Washington muốn không phải là tiêu diệt đồng minh mà là lợi ích Mỹ nhận được từ đồng minh.

Nhưng, theo chuyên gia Alexander Aksenenok thuộc Hội đồng nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nga, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab hiện nay là thất bại thực sự đầu tiên đối với những chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Chuyên gia Aksenekok nhấn mạnh đây là một “xu hướng nguy hiểm” vì nhiều cường quốc bên ngoài đang ngày càng trở thành con tin của những lợi ích đầy tham vọng của các nước trong khu vực. Trong những năm gần đây, các nước trong khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các cuộc xung đột”. Đây là hệ quả tất yếu của một thực tế rằng, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đã lợi dụng được tình hình do chính Tổng thống Donald Trump tạo ra bằng những phát ngôn chống Iran của ông tại Saudi Arabia. Và trong tình hình hiện nay, các đồng minh của Mỹ đang sử dụng chính sách ngoại giao của chính Washington để phục vụ lợi ích của họ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.