Trung Quốc cố tình thiết lập cơ sở pháp lý cho hành vi sai trái ở Biển Đông

Thứ Bảy, 06/08/2016, 08:18
Mặc dù bị tòa án trọng tài biển bác bỏ “đường chín đoạn” phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn cố tình thiết lập cơ sở pháp lý cho hành vi sai trái ở Biển Đông bằng cách truy tố những người đi vào vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền và xây dựng một trang web với mục đích đăng sai sự thật về chủ quyền ở các đảo, quần đảo tại Biển Đông.

Hãng tin Sputnik của Nga ngày 5-8 đưa tin, từ hôm 3-8, Chính phủ Trung Quốc đã cho khai trương một trang web chuyên về Biển Đông.

Mục đích của việc thành lập trang web này là để đăng tải những bản đồ, bài viết, thông tin, ý kiến của chuyến gia, lập luận của chính quyền Bắc Kinh nhằm củng cố cho yêu sách “đường lưỡi bò” của họ tại Biển Đông vốn đã bị Tòa án trọng tài biển của Liên Hợp Quốc bác bỏ trong phán quyết về vụ kiện Biển Đông đưa ra hôm 12-7.

Trên trang web này cũng có chuyên mục cập nhật thông tin về quá trình xây dựng, củng cố đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Hãng China News cho biết, trang mạng này do Trung tâm Thông tin thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) chỉ đạo, thiết kế. Trang mạng sử dụng 6 tên miền và gồm các mục: nhận thức Biển Đông, động thái mới ở Biển Đông, tư liệu lịch sử, bình luận quan điểm, quy định chính sách, giao lưu hợp tác, sự kiện lớn, tài liệu Biển Đông.

Hãng Sputnik dẫn lời một quan chức SOA tên là Zhang Haiwen cho biết, người dân Trung Quốc có thể truy cập trang web này để thể hiện tinh thần, sự ủng hộ của họ đối với việc làm của Chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông và rằng trang web cũng sẽ cung cấp cái gọi là “chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý” nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc với Biển Đông. Phiên bản bằng tiếng Anh của trang web này sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.

Ảnh chụp qua vệ tinh về một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.Ảnh: CSIS

Thậm chí, một số nguồn tin khác còn khẳng định trang web này là cách mà chính quyền Bắc Kinh muốn thể hiện cho người dân thấy rằng, phán quyết của Tòa án trọng tài biển không làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng đảo nhân tạo của họ trên Biển Đông…

Song song với việc này, Trung Quốc còn cố tình thiết lập cơ sở pháp lý cho những hành vi sai trái ở Biển Đông như việc truy tố những người đi vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Cụ thể, hôm 2-8, tòa án tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng “Bắc Kinh có cơ sở pháp lý rõ ràng để giữ gìn trật tự hàng hải, an ninh và lợi ích hàng hải cũng như thực hiện quản lý vùng biển theo quy định pháp luật” của nước này.

Trung Quốc còn cảnh báo rằng những người “xâm nhập trái phép” vào lãnh hải Trung Quốc và tự chối rời đi khi bị đuổi hoặc tiếp tục xâm nhập sau khi bị đuổi ra sẽ bị coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng” và có thể chịu án phạt tối đa một năm tù giam.

Bên cạnh đó, một số nguồn tin khác còn dẫn thông tin mà Công ty Bảo mật F-Secure cung cấp, cho rằng, nhiều khả năng, Trung Quốc đã dùng một số mẫu virus máy tính mới thực hiện tấn công vào máy tính các bên có liên quan trong vụ kiện Biển Đông tại Tòa án trọng tài biển. Virus này được phát tán thông qua việc giả dạng email cung cấp thông tin về vụ kiện và lây lan thông qua phần mềm Microsoft Office…

Bày tỏ sự lo ngại về những động thái này, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cảnh báo, có vẻ như Trung Quốc đang âm mưu thiết lập cơ sở pháp lý bằng luật pháp trong nước để qua đó thực thi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Còn chuyên gia cao cấp Robert Kaplan của Trung tâm An ninh Mỹ thì nói: “Tuyên bố của Tòa án tối cao Trung Quốc là cách mà họ tự cho mình cái quyền làm những gì mình muốn ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án trọng tài biển”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của Trường Havard Kennedy, Graham Allison trong một bài viết mới đây được đăng tải trên trang The Diplomat nhấn mạnh rằng, nhiều khả năng, khi bị bác bỏ “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã tính đến việc rút khỏi Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để không bị ràng buộc phải tuân thủ theo phán quyết.

Tuy nhiên, Đại sứ TommyKoh thuộc Bộ Ngoại giao Singapore, Chủ tịch Hội đồng điều hành của Trung tâm Luật quốc tế, Đại học quốc gia Singapore thì nhấn mạnh rằng, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều mong muốn được sống trong một thế giới hòa bình và ổn định, một thế giới của luật pháp thay vì vũ lực. Trong hầu hết các trường hợp, vì chính lợi ích của mình, các cường quốc đều hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và thượng tôn pháp luật.

Do đó, theo Đại sứ TommyKoh, sớm hay muộn thì Trung Quốc vẫn phải tuân thủ theo phán quyết của Tòa án trọng tài biển.

Trong khi đó, GS Sean D.Murphy thuộc Đại học George Washington (Mỹ) đồng thời là thành viên Uỷ ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc khẳng định, phán quyết của Tòa án trọng tài biển đã tạo ra những tiền đề, cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục thảo luận và hợp tác trong tương lai.

Theo GS Sean D.Murphy, những quan điểm của tòa án trọng tài biển, trong đó có những giải thích về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển, không chỉ có đóng góp đối với việc giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông mà còn cả với tranh chấp biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới. Đặc biết, phán quyết của tòa còn có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế, cho những vụ kiện trong tương lai nếu có.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.