EU: Chia sẻ thông tin tình báo để chống khủng bố

Thứ Bảy, 26/03/2016, 08:37
Cuộc họp bất thường của các Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) hôm 24-3 tại thủ đô Brussels của Bỉ đã kết thúc với sự nhất trí cao về việc chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố và ngăn chặn nguồn tài chính để không có thêm những vụ việc như loạt vụ đánh bom nhà ga và sân bay hôm 22-3.  


Tương tác các cơ sở dữ liệu

Các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp châu Âu đều cho rằng, các nước thành viên không còn có thể giữ riêng cho mình những thông tình báo sống còn như thông tin hành khách trên các chuyến bay (tên, tuổi, ngày đi, điểm đến, nơi mua vé, số ghế và thông tin hành lý).

Cho đến nay, đã có nhiều nước thành viên EU thực hiện việc trao đổi thông tin tình báo với nhau nhưng không phải là tất cả 28 quốc gia. Vì thế, các nước EU sẽ phải tăng cường khẩn cấp việc cung cấp đồng bộ, sử dụng ổn định và khả năng tương tác của các cơ sở dữ liệu ở châu Âu và quốc tế trong lĩnh vực an ninh, di dời và di cư.

Quân đội cũng được huy động tham gia cùng cảnh sát Bỉ trong các chiến dịch truy quét ở thủ đô Bruss; Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho rằng, cần phải cấp thiết đưa ra một định nghĩa chung về những nghi can khủng bố để duy trì đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU cũng muốn thúc đẩy Nghị viện Châu Âu (EP) nhanh chóng thông qua triển khai hệ thống đăng ký dữ liệu hành khách máy bay của châu Âu (PNR) được thảo luận từ nhiều năm nay.

Hệ thống PNR đáng lẽ phải được EP thông qua trong tháng ba này, song bị hoãn do một số nhóm nghị sĩ mong muốn hệ thống này được thông qua đồng thời với văn bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nhận định, nguyên nhân của việc chậm trễ này một phần là do EP lo ngại xâm phạm các quyền riêng tư.

Sự thiếu đồng nhất này đã khiến hệ thống an ninh của châu Âu lộ ra nhiều kẽ hở. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter đã mạnh dạn công bố gói dự thảo gồm các biện pháp chống khủng bố mới nhằm giúp việc giám sát điện thoại và Internet trở nên dễ dàng trong công tác điều tra. Và để ưu tiên cho các dịch vụ khẩn cấp khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố, ông Sandor Pinter cho rằng, khi đó, lưu lượng điện thoại có thể bị hạn chế, thậm chí chỉ được phép gửi tin nhắn ngắn (SMS).

Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ Hungary, nhà chức trách phải có thêm quyền giám sát các tài khoản ngân hàng của cá nhân và tổ chức nghi ngờ có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan. Đồng tình với quan điểm này, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU đã kêu gọi thực thi nghiêm túc những thỏa thuận khác bao gồm kiểm soát biên giới, kiểm tra lý lịch người di cư, ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ giả và kiểm soát việc mua hóa chất để chế tạo bom.

Chưa hết, các Bộ trưởng EU cũng cam kết đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp đã được quyết định, đặc biệt các biện pháp chống lại sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đang diễn ra phổ biến tại các quốc gia Hồi giáo và mạng lưới chiến binh thánh chiến.

Và một chính sách an ninh chung

Rõ ràng, loạt vụ đánh bom ở Brussels cho thấy nguy cơ tấn công khủng bố ở châu Âu là rất cao. Giám đốc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright nhận định, các quốc gia trong khu vực này cần phải hướng tới một chính sách an ninh chung và ngăn chặn các nguy cơ khủng bố mới có thể xảy ra.

Ủng hộ ý kiến của ông Rob Wainwright, Thủ tướng Italia Matteo Renzi trước đó cũng đã kêu gọi EU xây dựng một lực lượng và chính sách an ninh chung, trong đó lực lượng an ninh các nước cùng nhau phối hợp hoạt động, cùng hợp tác kiên định, kịp thời và liên tục hơn.

Theo ông Mattero Renzi, tấn công vào Brussels cũng chính là tấn công vào "trái tim châu Âu," do vậy dù mất vài tháng, thậm chí vài năm nhưng châu Âu nhất định sẽ đánh bại những nhóm khủng bố gây ra các vụ tấn công đẫm máu này. Vì thế, ngay từ thời điểm này, EU cần phải duy trì tối đa về mức cảnh báo an ninh. Dự kiến, vào ngày 31-1,  Ủy ban châu Âu sẽ chủ trì một hội nghị gồm các chuyên gia an ninh hàng không của 28 nước EU và sau đó 10 ngày là hội thảo của các chuyên gia an ninh vận tải đường bộ…

Được biết, trong một báo cáo hồi tháng 1, Europol  từng cảnh báo rằng, IS đã “xây dựng được một bộ chỉ huy hành động hải ngoại chuyên về tổ chức tấn công theo kiểu đặc nhiệm”. Các công dân nói tiếng Pháp có mối liên hệ với Bắc Phi, Pháp và Bỉ có thể là những kẻ chỉ huy các đơn vị “đặc nhiệm” đó và chịu trách nhiệm về việc xây dựng chiến lược tấn công ở châu Âu.

Các chiến binh trong các đơn vị đặc biệt nói trên được huấn luyện về chiến lược chiến trường, thuốc nổ, kỹ năng theo dõi và phản theo dõi. Hơn nữa, Bỉ cũng đang là quốc gia có nhiều tay súng đến Syria nhất ở khu vực châu Âu. Từ năm 2012 đến nay, khoảng 500 người gồm cả nam và nữ đã rời Bỉ đến Syria và Iraq và mới có hơn 100 người trở về.

Bỉ: Bắt giữ 6 nghi phạm và công bố thêm danh tính 1 nghi phạm

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon ngày 25-3 cho biết, 6 nghi phạm khủng bố đã bị lực lượng cảnh sát Bỉ bắt giữ trong một chiến dịch truy quét lớn tại Thủ đô Brussels tối 24-3 (theo giờ địa phương). 6 tên này đang bị thẩm vấn và một vài tên đã khai ra một số thông tin quan trọng.

Cùng với vụ bắt giữ này, cảnh sát cũng tiến hành lục soát nhiều ngôi nhà trong khu vực Brussels, Schaerbeek và Jette. Tờ De Morgen của Bỉ thì dẫn một nguồn tin cho biết, cảnh sát cũng đã xác định thêm một nghi can mới trong loạt vụ đánh bom ở Brussels. Tên này là Naim al-Hamed, 28 tuổi, người Syria, từng có tên trong danh sách các đối tượng cần theo dõi ở châu Âu. Tên này được cho là có khả năng dính líu đến loạt vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái.

Hãng tin Reuters thì cho hay, có vẻ như vụ bắt giữ 6 nghi phạm này có liên quan đến các thông tin mà cảnh sát Pháp thu thập được rồi tiến hành vây ráp và phá tan một âm mưu tấn công khủng bố mới ở khu vực Argenteuil, phía Tây Bắc thủ đô Paris của Pháp. Một nghi phạm tên là Reda K, quốc tịch Pháp đã bị bắt giữ cùng một lượng thuốc nổ. (Chu Nguyễn)

Gia Nam
.
.
.