30 năm thảm họa Chernobyl: Vẫn một vùng hoang phế

Thứ Hai, 09/05/2016, 15:22
30 năm sau thảm họa Chernobyl (26-4-1986), thị trấn Pripyat tại Ukraine vẫn bị bỏ hoang. Biển cảnh báo phóng xạ hạt nhân được đặt khắp thị trấn Pripyat và vùng cấm với bán kính 30km xung quanh Chernobyl vẫn có hiệu lực cho tới ngày nay. Bởi lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl sau khi phát nổ hôm 26-4-1986, đã thải ra một lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.


Những số liệu đáng quan ngại

Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Và cho tới nay con số chính xác về số người chết sau thảm họa này vẫn gây tranh cãi. 

Theo số liệu chính thức, 31 người đã thiệt mạng ngay sau khi vụ nổ xảy ra và nhiều người bị phơi nhiễm phóng xạ. Trong khi đó, các chuyên gia môi trường của Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng, số người chết do bệnh ung thư, hậu quả của nhiễm xạ lên tới 100.000 người. Và do thảm họa tại Chernobyl, hàng trăm nghìn người đã phải đi sơ tán. Sau năm 1986, khoảng 116.000 người phải di tản vĩnh viễn khỏi khu vực có diện tích 4.200km2 xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. 

Giới khoa học cho rằng, vì không có tường chắn, nên bụi phóng xạ đã phát tán ra nhiều vùng phía Tây của Liên Xô (cũ), Đông và Tây Âu, Scandinavia, Anh và phía Đông nước Mỹ. Trong khi nhiều vùng thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ảnh hưởng nặng nề. 

Vụ nổ xảy ra từ năm 1986 hiện vẫn đang ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người. Và một khu vực rộng lớn trải dài giữa 3 quốc gia Ukraine, Belarus và Nga vẫn bị nhiễm phóng xạ. Nga, Ukraine và Belarus cũng đánh giá cao Nghị quyết 68/99 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả tai hại của thảm họa Chernobyl.

Chernobyl-nuclear.

Và hiện lò phản ứng số 4 tại nhà máy Chernobyl được bọc một lớp bê tông nhằm hạn chế phóng xạ rò rỉ. Khoảng 2 năm trước, hãng RIA từng đưa tin, việc xây dựng lá chắn chống nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (là lá chắn lớn nhất thế giới thuộc hạng mục này) đã bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. 

Theo kế hoạch ban đầu, việc xây dựng lá chắn này đáng ra phải hoàn thành từ tháng 10-2015, nhưng do tình hình bất ổn tại Ukrane nên tiến độ bị dừng lại. Công trình này bắt đầu từ năm 2010 với kinh phí khoảng 1,5 tỷ USD và công nhân xây dựng lá chắn gọi đó là "quan tài đá". "Quan tài đá" có hình mái vòm với chiều cao 105m, dài 150m và rộng 260m, được dựng xung quanh lò phản ứng số 4. 

Và tập đoàn Novarka là đơn vị chịu trách nhiệm thi công. Ngay từ khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Cứu trợ Quốc tế Trẻ em Chernobyl (CCI) Adi Roche đã cảnh báo, vụ nổ tại lò phản ứng số 4 đã dẫn tới sự hủy diệt, nhưng mới giải phóng có 3% vật liệu phóng xạ từ nhà máy này, 97% còn lại vẫn đang là quả bom nổ chậm bên trong khu tổ hợp đổ nát của Chernobyl. 

Giám đốc Adi Roche còn nhấn mạnh, thế giới có những lý do chính đáng để lo ngại về mối đe dọa đang xảy ra, nhất là tại thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga, khiến cho việc xây dựng lá chắn kể trên bị dừng không hạn định. Người ta hy vọng chính phủ mới của tân Thủ tướng Vladimir Groysman, người vừa được Quốc hội Ukraine phê chuẩn hôm 14-4 sẽ sớm ổn định để có thể tiếp tục thi công.

Gần 1 năm trước (29-4-2015), các nước thành viên G-7 và một số quốc gia châu Âu đồng ý viện trợ 201 triệu USD cho dự án xây dựng mới một lồng thép khổng lồ bao trùm lò phản ứng số 4 tại Chernobyl. Khoản viện trợ này bổ sung cho nguồn tài chính đủ để hoàn tất dự án trị giá 2,15 tỉ euro vào tháng 11-2017. Việc này diễn ra khi tranh cãi về nguy cơ phóng xạ xung quanh vụ cháy rừng gần Chernobyl không có hồi kết. 

Bởi tối 28-4-2015, một đám cháy rừng lớn bùng phát cách khu vực xảy ra thảm họa hạt nhân khoảng 20 km, làm dấy lên tranh cãi về nguy cơ chất phóng xạ xâm nhập vào không khí khi cây bị cháy. 

Khi đó, Giám đốc Viện các vấn đề phát triển an toàn năng lượng nguyên tử Nga, ông Leonid Bolshov tuyên bố, các chất phóng xạ trong khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không thể xâm nhập vào không khí. Nhưng người phụ trách các chương trình bảo vệ rừng của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Nikolay Shmatkov lại không đồng ý với quan điểm này.

Sự khác biệt lớn

Trước khi xảy ra thảm hoạ tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, thị trấn Pripyat có khoảng 49.360 người và hiện con số này là 0. Và cư dân hiện nay ở thị trấn Pripyat là chó và mèo, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn khiến ai tới đây cũng phải lạnh tóc gáy. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, các động vật hoang dã, bao gồm chó sói, nai sừng tấm và lợn lòi đang sinh trưởng rất thuận lợi xung quanh khu vực Chernobyl. Và số lượng các cá thể nai sừng tấm, hươu, nai và lợn lòi tại đây tương đồng với số cá thể đang sống trong 4 khu bảo tồn thiên nhiên tại khu vực, trong khi số lượng chó sói cao gấp 7 lần. 

Gần 2 năm trước (19-6-2014), hãng ANSA dẫn báo cáo của các chuyên gia bảo vệ động vật, tài nguyên thiên nhiên Italia cho rằng, đàn lợn rừng đã bị nhiễm phóng xạ từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, sống ở Tây Bắc Italia đang gia tăng số lượng một cách nhanh chóng. Chỉ trong vòng một năm, số lượng lợn rừng đã tăng từ 27 lên 166 con. 

Theo Cơ quan y tế phụ trách giám sát động vật hoang dã Italia, nồng độ phóng xạ ở đàn lợn hiện ở mức 600 Bq/Kg, cao hơn rất nhiều mức độ cho phép, hàm lượng caesium-137 rất cao trong cơ thể những con lợn rừng đang sống ở các vùng Piedmon, Liguria và Val D'Aosta và nguyên nhân đến từ thảm họa Chernobyl.

Rừng cây chết kỳ lạ 30 năm không phân hủy.

Có một điều đáng nói là trong khi thế giới đã có nhiều đổi thay kể từ sau sự cố kể trên, nhưng tại Chernobyl có một thứ không thay đổi, đó là số cây chết và lá tại khu nhiễm xạ không phân hủy như thực vật bình thường ở những nơi khác. 

Giáo sư sinh vật học Tim Mousseau thuộc Đại học South Carolina (Mỹ) và chuyên gia Anders Moller thuộc Đại học Paris-Sud cho biết, tất cả các thân cây chết trên mặt đất sau vụ nổ ở Chernobyl vẫn giữ vóc dáng tương đối tốt, trong khi một cây bình thường đã biến thành mùn cưa chỉ trong khoảng 10 năm. Nhưng vì không còn sự có mặt của con người, nên cây cối đã tự do phát triển và lấn ra những nơi trước đây từng là đường phố đông đúc. 

Gần 2 năm trước (tháng 7-2014), một người câu cá ở Nga đăng trên blog của mình hình ảnh một con cá trê khổng lồ (bắt ở sông Pripyat, dài đến 2m và người trong vùng gọi loài cá này là Borka), được cho là bị đột biến do nhiễm phóng xạ ở Chernobyl. Khu vực này bị hạn chế ra vào do nguy hiểm của việc nhiễm phóng xạ và tất cả các hoạt động câu cá làm thực phẩm cũng bị dừng lại. 

Sau đó (tháng 12-2014), các nhà nghiên cứu thuộc dự án TREE tình cờ phát hiện một con gấu nâu gần khu vực xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Bởi hơn một thế kỷ qua, người ta chưa từng thấy sự xuất hiện của gấu nâu tại khu vực kể trên. Giới truyền thông từng đưa tin thất thiệt, gây chấn động dư luận về những con chuột biến đổi gen sau thảm họa Chernobyl...

Thảm họa tại nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 do sóng thần gây ra là thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Và theo giới truyền thông, khu vực phía Bắc Nhật Bản đang trong tình trạng báo động bởi xung quanh nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ngập tràn lợn rừng đột biến phóng xạ. 

Theo tờ Times, từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011, những thiệt hại nông nghiệp do lợn rừng gây ra ở tỉnh Fukushima đã tăng gấp đôi, ước tính tương đương 15 triệu USD. 

Ngoài việc thường tràn vào các đồng ruộng, phá hoại hoa màu, lợn rừng còn là mối đe dọa tới an ninh công cộng, với nhiều trường hợp tấn công người dân địa phương. 

Được biết, do được tự do sinh sản, số lợn rừng ở khu vực này đã tăng không ngừng trong gần 5 năm qua. Và bởi thiếu vắng những động vật thiên địch tự nhiên, nên chính quyền các địa phương phải tổ chức nhiều cuộc đi săn lớn để tiêu diệt bớt lợn rừng. Và trong 3 năm qua, số lợn rừng bị săn đã tăng hơn 4 lần - từ 3.000 lên 13.000 con. 

Chính quyền tỉnh Fukushima đã treo thưởng cho thợ săn để khuyến khích họ săn lợn rừng, nhưng lợn rừng vẫn sinh sản rất nhanh. Các nhà khoa học thuộc Viện Phóng xạ Môi trường, thuộc Đại học Fukushima đang nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới bùng nổ số lợn rừng. 

Điều đáng nói là mặc dù thịt lợn rừng được coi là đặc sản ở miền bắc Nhật Bản, nhưng thịt lợn rừng vùng Fukushima lại không tiêu thụ được bởi chứa nhiều chất phóng xạ, do chúng ăn rễ cây, hạt, trái cây và những động vật nhỏ ở nơi có nồng độ phóng xạ cao nhất. Chất phóng xạ caesium-137 được tìm thấy trong cơ thể lợn rừng có nồng độ cao gấp 300 lần ngưỡng an toàn.

Anh Phương
.
.
.