Ấn Độ: Con phạm nhân ở tù cùng mẹ được học miễn phí

Thứ Năm, 14/07/2016, 15:53
Nhà tù Hyderabad ở miền Nam Ấn Độ đã trở thành mái nhà chung cho 160 phụ nữ và 15 trẻ em. Những tù nhân nữ ở đây hoặc là đang chờ bị đem ra xét xử với nhiều tội danh, kể cả giết người hoặc đang thụ án. Nhà tù Tihar tại Delhi đang áp dụng các cải cách trại giam. 

Abi Nash, 24 tuổi, đang chờ xét xử vì tội cố ý giết hàng xóm đang sống cùng con trai 3 tuổi tại nhà tù này cho biết: "Sống cùng con trai an ủi tôi rất nhiều. Nếu phải xa nó, tôi sẽ buồn đến chết mất. Đứa con gái 6 tuổi của tôi hiện đang sống cùng bà ngoại, nhưng thỉnh thoảng họ cũng đến thăm tôi vào thời gian rỗi. Tôi mong sẽ không phải sống xa con trai khi nó đủ 5 tuổi".

Thực tế, trẻ em Ấn Độ có thể sống cùng người mẹ phạm tội của mình cho đến khi năm tuổi. Thậm chí trong nhiều trường hợp chúng còn nhận được sự giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và chế độ ăn uống tốt hơn ở nhà. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu trẻ nhỏ có nên được nuôi dưỡng trong những năm tháng đầu đời sau song sắt.

Phạm nhân nữ ở nhà tù Hyderabad.

Laxmi, một tù nhân khác cho biết, 20 người trong gia đình của cô đều đang... trong tù nên không còn ai có thể chăm sóc con cái. "Ít nhất trong tù tôi còn trông nom được con trai của mình." Những tù nhân ở nhà tù Hyderabad phần lớn đều xuất thân nghèo hèn. Nực cười là điều đó lại chỉ ra rằng, con cái của họ đôi khi sẽ sống đầy đủ hơn so với ở nhà. Raja Lasherda, giám thị ở trại giam cũng khẳng định, những đứa trẻ sống ở đây đều được cung cấp những điều kiện tốt nhất có thể từ nhà trẻ, lớp học chữ, đến trang thiết bị y tế và sân chơi riêng.

Cả mẹ và con phạm nhân đều nhận được những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thậm chí các tù nhân nữ còn được dạy đọc, dạy viết cũng như cách lao động lương thiện kiếm tiền như làm đồ chơi và kem đánh răng. Giám thị Lasherda nói: "Chúng tôi cung cấp cho họ sự giáo dục miễn phí. Đó là lí do tại sao những người mẹ tù tội đều cảm thấy thoả mãn. Ở ngoài xã hội, nghèo đói không cho phép họ gửi con cái tới trường. Vậy mà tại trại giam này, con cái họ được học hành và hầu như có mọi thứ, trừ sự tự do. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện nuôi dưỡng chúng tốt hơn nữa". 

Maheni Giri, một nhà hoạt động xã hội, từng là giám đốc Ủy ban quốc gia về phụ nữ của Ấn Độ cho biết, trong những năm gần đây, phần lớn những phúc lợi mà tù nhân nữ và con cái của họ nhận được đã được cải thiện nhiều: "Trước khi tham gia tổ chức này, tôi nhận thấy rằng, nhiều đứa trẻ nuôi dưỡng trong nhà tù đã bị tiêm nhiễm những thói quen xấu. Người ta bí mật bán thuốc phiện trong nhà tù, những cậu bé bị đối xử thô bạo kể cả bị xâm phạm tình dục. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng lo ngại". 

Nhờ những cố gắng trong thời gian hoạt động của bà Giri mà cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều cải cách trại giam, kể cả ở những nhà tù chỉ dành riêng cho nữ. Nhà tù lớn nhất Ấn Độ là Tihar ở Delhi đang áp dụng những cải cách do Giri đề xuất.

Dẫu vậy Giám đốc Quỹ tầm nhìn Ấn Độ Sina Bedhi, một trong những tổ chức tham gia chương trình cải cách trại giam cho biết, nếu bọn trẻ được nuôi dưỡng trong những năm tháng đầu đời sau song sắt thì chúng sẽ mù mờ về những thứ mà các đứa bé khác đều nắm được như một lẽ tất nhiên. Nhiều đứa trẻ khi rời nhà tù đã bị lạm dụng sức lao động.  

"Ở cái tuổi lên 5, có cậu bé không phân biệt nổi một con voi, một cái máy cày và một cái kim. Đứa trẻ tội nghiệp chẳng biết gì ngoài 4 bức tường phòng giam. Hãy tưởng tượng cảm giác của bạn khi tiếp xúc trực tiếp với cậu bé ấy. Chúng tôi đang làm mọi cách để không còn đứa trẻ nào lâm vào hoàn cảnh tương tự như cháu nữa". Hiện bà Bedhi và các nhân viên xã hội đang xem xét giúp đỡ những đứa trẻ khi chúng phải rời khỏi môi trường trại giam lúc 5 tuổi. 

Tuy nhiên, bà Bedhi cũng xác nhận hiện vẫn chưa có một chương trình chắc chắn nào để hỗ trợ những đứa trẻ này. Vì vậy, đa số bọn trẻ phải chuyển đến sống cùng họ hàng. Và trong những hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ nhất, người lớn lại nhẫn tâm bỏ rơi, lạm dụng hoặc buộc chúng phải lao động khổ sai. Những đứa trẻ may mắn hơn sẽ được gửi tới trường nội trú mà học phí đã được trả bởi các tổ chức từ thiện hay các nhà tài trợ hảo tâm.

Trường Minh (tổng hợp)
.
.
.