Bảo tàng Holocaust trưng bày đồ giả?

Chủ Nhật, 01/12/2019, 09:23
Bảo tàng Holocaust ở Buenos, Argentina gần đây đã thu được những món đồ mệnh danh là "kho báu của Đức Quốc xã". Những món này được Cảnh sát Argentina tịch thu vào năm 2017. Các đồ vật này sẽ được trưng bày vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, các nhà điều tra tội phạm Đức đã kết luận rằng mọi thứ trong bộ sưu tập đó là giả.


Từ hồi tháng 10, Bảo tàng Holocaust ở Buenos Aires bỗng nổi như cồn. Các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại cuộc họp báo của bảo tàng để thu thập tin tức. Bộ trưởng An ninh của Argentina, Cảnh sát trưởng liên bang, một thẩm phán tòa án cấp cao và chủ tịch của Bảo tàng Holocaust đều có mặt trên sân khấu của Chủng viện Rabbinical Marshall T. Meyer trong buổi họp báo vào đầu tháng 10.

"Không có gì là thật"

Đặt trên một chiếc bàn dài là những bức tượng bán thân của Hitler, một thiết bị đo sọ và chìa khóa có hình chữ vạn, được cho là một món quà cho Tập đoàn Krupp, người khổng lồ công nghiệp Đức Quốc xã. Chúng là một phần của một phát hiện gây chú ý toàn cầu, và được gọi là "Kho báu bạc của Hitler" sau khi được phát hiện vào năm 2017. Chính quyền Argentina hiện đang trao các món đồ cho Bảo tàng Holocaust.

Cảnh sát đã tình cờ tìm thấy hơn 80 hiện vật trong quá trình khám xét nhà của một người buôn đồ cổ ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Chúng bao gồm dao găm với hình chữ vạn, bảng thẻ ouija (bảng chữ để xin thẻ thánh) và kính lúp được cho từng do chính Hitler sử dụng. Bảo tàng đang có kế hoạch triển lãm tuyển chọn các hiện vật bắt đầu từ ngày 1-12 tới.

Nhưng chính xác du khách sẽ được nhìn thấy những gì? Các hiện vật nghệ thuật từ thế chiến, được nhập khẩu bởi một trong số khoảng 800 quan chức cấp cao của Đức Quốc xã đã trốn sang Argentina sau thất bại của Đức năm 1945? Hay chỉ là một đống rác kỳ lạ?

Stephan Klingen, một chuyên gia tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Trung ương ở Munich, chắc chắn rằng "không có gì là thật" trong "kho báu" đó. Nhà sử học nghệ thuật này là một phần của một phái đoàn nhỏ từ Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã bay tới Buenos Aires vào tháng 3-2018 sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Cảnh sát Liên bang Argentina. Người Đức đã được kêu gọi về chuyên môn và đánh giá bộ sưu tập.

Vào thời điểm đó, đã có rất nhiều suy đoán quá đà, như tin đồn rằng thiết bị đo hộp sọ có thể thuộc về Josef Mengele, bác sĩ dã man khét tiếng của Auschwitz, hoặc một con heo đất hình con mèo có cổ áo và hình chữ vạn đã đến từ kệ của Adolf Eichmann, một trong những nhà tổ chức hàng đầu của Holocaust. Cả Mengele và Eichmann đều sống một thời gian trong cùng khu vực với người buôn đồ cổ mà những kho báu được cho là đã bị tịch thu…

'Hàng giả hoặc đánh giá sai'

Klingen và một thám tử cấp cao chỉ mất chưa đầy một tuần lái xe mỗi ngày đến một doanh trại cảnh sát được bảo vệ nghiêm ngặt không xa sông Río de la Plata, nơi họ giải mã các chữ khắc, và đo, cân các đối tượng và chụp ảnh chúng. Họ tiếp tục trao đổi với các viện bảo tàng, công ty và nhà sử học cho đến tháng 9-2018. 

Báo cáo 8 trang về những phát hiện của họ, bao gồm cả phần phụ lục, kết luận rất rõ ràng rằng 62 trong số 72 hiện vật hoặc bộ hiện vật là "giả hoặc đánh giá sai". Nhiều hiện vật có từ những năm 1930, nhưng phân tích của các chuyên gia cho thấy hình chữ vạn, hình khắc và chữ khắc không được dán cho đến sau năm 1945, bởi một "thợ rèn là một thợ thủ công giàu kinh nghiệm".

Tác phẩm điêu khắc màu bạc một con lợn nái với một tấm bảng giải nhất tại một Hội chợ nông nghiệp ở Berlin năm 1937 về mục "tăng trọng lợn". Không có hồ sơ về hội chợ đó, và nó có thể thậm chí không bao giờ diễn ra. Trong khi đó, tấm biển cống hiến trên hai chiếc kính lúp trong hộp gỗ nói rằng chúng là một món quà từ các nhân viên của Völkischer Beobachter, tờ báo của đảng Quốc xã, cho giám đốc của họ vào "Ngày Lao động" năm 1933, nhưng ngày lễ thực sự được Đức Quốc xã tổ chức vào thời gian đó là "Ngày Quốc tế Lao động", và vỏ bọc của cái hộp cũng có hình con đại bàng không đúng.

Các hiện vật cả lớn và nhỏ chứa đầy sai sót. Klingen cho biết một chiếc chìa khóa vàng được cho là của một tổng giám đốc tên là "Walter F. Krauss" với các công nhân và nhân viên tại Công ty Friedrich Krupp AG Essen năm 1939 "không thể được xác minh". Cũng không có bất kỳ "Giải nhất" nào được trao ở Đức vào năm 1942, như dòng chữ trên một tác phẩm điêu khắc ngựa. Klingen kết luận rằng kẻ giả mạo có lẽ đến từ "bên ngoài khu vực nói tiếng Đức”. Ông nghi ngờ các hiện vật cũng không đến từ Đức.

Điều khiến ông Klingen cảm thấy khó chịu là người Argentina không chỉ tiếp tục giả vờ phát hiện là có thật mặc dù các chuyên gia xác định chúng là giả, mà trong báo cáo họ còn trích dẫn rằng các chuyên gia Đức đã có tuyên bố xác nhận tính xác thực của các hiện vật. Các quan chức tại Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức nói rằng Cảnh sát Liên bang Argentina nhận báo cáo vào tháng 12-2018. Cả Klingen và các quan chức tại BKA hiện đang đau đầu về những gì đang xảy ra ở Buenos Aires.

Cảnh sát Liên bang Argentina đã không trả lời yêu cầu của báo chí cho đến nay. Jonathan Karszenbaum của Bảo tàng Holocaust đã trả lời rằng phần lớn các hiện vật là "xác thực" và cũng đề cập đến "thẩm định của các chuyên gia từ Đức" để bảo vệ tuyên bố của mình. Tuy nhiên, ít nhất một người Argentina có thể sẽ hài lòng về đánh giá rõ ràng từ Đức: đại lý thu thập tất cả rác của Đức Quốc xã. Ông ta ngay lập tức xác nhận rằng nó không có thật.

Xuân Trường
.
.
.