Bí ẩn những vụ buôn lậu sọ người

Thứ Bảy, 23/11/2013, 16:00

Thông tin về người đàn ông Italia bị bắt giữ vì hành vi buôn lậu sọ người vào châu Á tràn ngập trên các trang báo cuối tuần qua. Phải chăng buôn lậu sọ người đang là một "mặt hàng" mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù. Sọ người được sử dụng vào việc gì và có nguồn gốc từ đâu… đang là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Vụ bắt giữ gây chấn động Italia

Thực ra, vụ bắt giữ Giuseppe Favaro, 56 tuổi, một công dân Italia đã được thực hiện vào ngày 31/10 nhưng cuối tuần qua, thông tin về vụ việc mới được cung cấp cho báo giới. Giuseppe Favaro bị chặn lại ở sân bay quốc tế Bujumbura ở Burundi sau khi nhà chức trách tìm thấy hai hộp sọ người được đóng gói và giấu trong hành lý của người đàn ông này. "Ông Giuseppe Favaro bị bắt vì tình nghi vận chuyển trái phép hai hộp sọ người qua an ninh sân bay đến Thái Lan", một phát ngôn viên cảnh sát cho hay.

Thông tin từ Lực lượng Cảnh sát quốc gia ở Burundi, sau khi tiến hành khám xét nhà của ông Giuseppe Favaro ở Kajaga, Bujumbura, cảnh sát đã tìm thấy và thu giữ 38 hộp sọ khác cùng nhiều vật phẩm nghi vấn. Các nhà chức trách đã xác định rằng, đó là hộp sọ người nhưng chưa xác định được nguồn gốc của chúng.

Ồng Favoro, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Scorzè, thuộc vùng Veneto, Italia. Ông từng theo học chuyên ngành ngoại ngữ tại Đại học Ca'Foscari của Venice. Ông Favoro sở hữu một cửa hàng chuyên bán cổ vật, trước khi chuyển đến sống tại Burundi vào năm 1999. Tại đây, ông bắt đầu bán những tác phẩm nghệ thuật của các bộ lạc, đồ trang sức và tranh ảnh cho khách hàng trong nước cũng như nước ngoài thông qua đường bưu điện. Khi gửi các vật phẩm qua đường bưu điện, ông Favaro bị cáo buộc đã dùng bí danh giả là Kassim Abdoulgani để giao dịch.

Ông Salvador Nizigiyamana, Tổng Giám đốc Bưu điện Burundi nói rằng, ông Favaro thường đến bưu điện và gửi tác phẩm nghệ thuật cần bán cho khách hàng nước ngoài từ năm 1999. Trong số các địa điểm mà Favaro xuất khẩu hàng hoá có Trung Quốc. "Các nhân viên không cẩn thận khi kiểm tra gói hàng và những sản phẩm phi pháp đã không bị phát hiện", ông Nizigiyimana nói thêm. Một người khác được xác định có liên quan đến vụ việc nhưng chưa được tiết lộ danh tính. Đại sứ quán Italia ở Burundi và Uganda tiếp tục hỗ trợ chính quyền điều tra vụ án nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết có liên quan.

Đã có nhiều vụ buôn lậu sọ người bị phát hiện

Đây không phải là vụ án buôn bán sọ người trái phép đầu tiên bị bắt giữ. Trước đây, cảnh sát Ân Độ từng phát hiện, thu giữ 27 hộp sọ và nhiều mẩu xương trong một chiếc xe buýt. Các bộ xương được đóng trong hai túi và giấu phía sau của xe buýt. Các băng nhóm tội phạm dự định buôn lậu 27 hộp sọ được cho là sọ của trẻ em đến Siliguri.

Một vụ buôn lậu khác được cảnh sát Ấn Độ phát hiện vào năm 2008 tại Jaigaon, miền đông Ấn Độ với hàng trăm sọ người và xương đùi được vận chuyển đến vương quốc Himalaya Bhutan. Cảnh sát nghi ngờ rằng, sọ và xương người được đưa từ Varanasi, thành phố linh thiêng nơi hàng triệu người được hỏa táng mỗi năm trên bờ sông Hằng. Một trong những nghi phạm nói rằng, ông đã nhặt sọ và xương từ sông và tại những nơi hỏa táng của Ấn Độ.

Cùng với Ấn Độ, Indonesia cũng là một quốc gia châu Á có nhiều vụ buôn lậu sọ người bị phát hiện. Hải quan Indonesia từng phát hiện hai sọ người, bọc trong sừng nhân tạo gửi qua đường bưu điện đến Hawaii, Mỹ. Trước đó, Bưu điện Renon đã ba lần phát hiện việc buôn bán sọ người và động vật. Hải quan và văn phòng tiêu thụ đặc biệt tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta cùng đã từng thu giữ ba sọ người gửi từ Denpasar, Bali đến Anh. "Những chiếc sọ được gửi bởi ba người khác nhau với bí danh là KP, YP và TK, gửi đến cùng một người nhận là MS ở Anh. Những chiếc hộp sọ được bọc kín, đặt trong hộp và gửi thông qua một dịch vụ chuyển phát nhanh", ông Eko Darmanto, giám đốc tình báo của cơ quan Hải quan cho biết.

Buôn lậu sọ người vì mục đích tôn giáo và chữa bệnh?

Đã có ý kiến cho rằng, hộp sọ mà ông Favoro dự định vận chuyển sang Thái Lan có thể là bộ phận cơ thể của những người bạch tạng bị sát hại, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác nhận. Buôn bán bộ phận cơ thể người bạch tạng đang được giới tội phạm coi là "mặt hàng" sinh lợi ở Burundi và láng giềng Tanzania. Nhiều người cho rằng, các bộ phận cơ thể người bạch tạng có khả năng chữa bệnh. Được biết, ít nhất 10 người bạch tạng đã bị giết hại ở Burundi trong những năm gần đây và trong năm 2009, 8 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ giết người.

Theo cảnh sát Ấn Độ, những vụ buôn lậu sọ người ở nước này thường liên quan đến vấn đề tôn giáo. Khi thẩm vấn các nghi phạm trong vụ buôn lậu sọ người ở Jaigaon, miền đông Ấn Độ được biết, xương người được sử dụng như kèn dùng để thổi và hộp sọ được dùng như cốc, chén để uống nước trong các nghi lễ tôn giáo. Các nghi phạm cũng tiết lộ rằng, nhu cầu về xương đùi rỗng của con người đang tăng lên đáng kể trong tu viện. Đồng thời, xương cũng được bán cho sinh viên y khoa để sử dụng trong y học cổ truyền

Mạnh Tường
.
.
.