Bí mật giếng cổ Quảng Trị nhiều tầng văn hóa lưng chừng núi

Thứ Năm, 08/06/2017, 15:37
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống giếng cổ Gio An, Quảng Trị đã có từ trên 5.000 năm về trước do người Chăm sáng tạo... Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, họ đã xây dựng hệ thống dẫn thủy liên hoàn với giếng, mương, hồ, đập nước…, dùng đá xếp ở vùng đồi đất đỏ bazan phục vụ thiết thực cho sinh hoạt và sản xuất.


Giếng cao chót vót sản sinh nhiều đặc sản

Vùng trung du gò đồi xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thường chịu tác động mạnh bởi những đợt nắng nóng gay gắt, đi kèm gió Lào khô khan thổi phừng phực, nhưng cây trái ở đây lại luôn xanh tốt như một biệt lệ của tự nhiên.

Theo lý giải của các nhà khoa học, có sự lạ kỳ ấy là nhờ vùng đất này được “ăn” mạch nước ngọt ở lưng chừng đồi dẫn về dưới chân đồi nhờ kỹ thuật lắp ghép và kè đá mà người dân địa phương gọi là hệ thống giếng cổ hình thành từ hàng ngàn năm trước.

Từ tỉnh lộ 75 theo hướng lên đường Hồ Chí Minh, cách quốc lộ 1A khoảng 10km về phía Tây, rồi rẽ phải đi men theo những con đường hai bên phủ bóng cây cao su xanh mướt sẽ đến được xã Gio An.

Ở đây, khi gặp bất cứ người dân bản địa nào hỏi về điểm nổi bật của quê hương, họ cũng luôn tự hào với hai thứ chỉ có riêng ở nơi đây: Đó là rau liệt (xà lách xoong) và giếng cổ…

Hỏi cặn kẽ mới hay, nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng những quả đồi bazan dẫn về mà người dân nơi đây canh tác được thứ rau liệt.

Giếng máng gồm một bể lắng ở trên cùng, nước được dẫn ra bằng hai máng dài.

Khi thưởng thức loại rau mềm và có hương vị thơm ngon ấy, nhiều người mới vỡ ra rằng rau liệt chỉ sống được nhờ “ăn” nước từ các giếng cổ. Rau ngon và sạch có thể ăn sống ngay tại ruộng. Rau liệt được cho là thực phẩm dễ tính khi dễ dàng chế biến với các loại thịt hay hải sản. Tùy vào khẩu vị, rau liệt được ăn sống, xào hoặc nấu canh, có vị ngọt giòn, hăng nhẹ.

Mùa rau thường từ tháng 10 âm lịch hàng năm và kéo dài khoảng 4-5 tháng, tùy theo thời tiết. Ruộng rau là những bãi nhỏ xen kẽ giữa các ngọn đồi đất đỏ bazan. Cây rau chỉ bám nhẹ trên đất đá, dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy.

“Ngoài vùng đất trên thì không nơi nào ở Quảng Trị trồng được rau này. Nhiều người thử bơm nước giếng lên chảy vào ruộng rau nhưng không trồng được. Rau phát triển nhờ nước ngầm và trời mát, nắng nóng là lá rau héo, không lên được”, anh Lê Phước Thành ở thôn An Nha, có 10 năm gắn bó với nghề trồng rau liệt, cho hay.

“Trồng rau này không phân bón, thuốc trừ sâu và cũng không mất công chăm sóc. Rau sống nhờ nguồn nước ngầm chảy ra từ các giếng cổ, rất sạch nên hoàn toàn có thể ăn sống tại ruộng mà không sợ gì”, anh Thành nói thêm.

Đầu vụ, người dân lấy gốc rau còn sót lại từ vụ trước để nhân giống rồi rau phát triển tự nhiên cho đến hết vụ. Khoảng 15-20 ngày, rau được cắt một lần. Giá thu mua tại ruộng vào đầu vụ khoảng 6.000 đồng mỗi bó, và giảm còn 2.000 đồng vào chính vụ ở thời điểm sát Tết Nguyên đán.

Người dân từng bước khôi phục giếng cổ.

Bà Ngô Thị Loan ở thôn Hảo Sơn có 2 sào rau cho hay, riêng thôn Hảo Sơn mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 5.000-6.000 bó rau, bán trong tỉnh và ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Vào mỗi buổi chiều, người dân thường gọi nhau quang gánh ra ruộng cắt rau bỏ mối cho thương lái.

Trong khi đó, bà Trương Thị Phúc cho biết có 40 năm làm nghề buôn rau liệt do mẹ truyền lại. Mỗi ngày, ôtô của bà Phúc vào thu mua tận thôn Hảo Sơn khoảng 2.000 bó rau và chở vào chợ đầu mối ở Thừa Thiên - Huế bán sỉ. Hàng chục người khác thu mua với số lượng ít hơn, sử dụng xe máy chở đi các chợ trong tỉnh để bán. Bản thân người Hảo Sơn ngoài cắt rau bán sỉ cũng thường tự đi bán rau ở chợ huyện. Nhờ có các giếng nước cổ nên khoảng 80 hộ dân xã Gio An phát triển được 8 ha rau liệt.

“Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 500-600 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Đăng Diệu, Phó chủ tịch xã Gio An cho biết thêm. Khoảng 2 năm trở lại đây, huyện Gio Linh bắt đầu xây dựng đề án thương hiệu rau liệt Gio An. “Người dân rất ủng hộ xây dựng thương hiệu cho rau, và chúng tôi đang tích cực đẩy nhanh tiến độ”, ông Diệu cho hay.

Giữa trưa, những dòng nước chảy từ hệ thống giếng cổ thoáng chốc đã làm mát dịu cái nắng nóng như đổ lửa và gió Lào thổi phừng phực. Giếng cổ có từ bao giờ, hỏi người lớn tuổi nhất trong vùng cũng không ai nhớ nổi. Nhưng ai cũng biết từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nguồn nước ở hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn.

Hình thù các giếng cổ ở Gio An không giống giếng khơi thường thấy ở các làng xã vùng đồng bằng thường đào sâu xuống lòng đất tìm mạch nước. Ở đây, giếng nằm ở sườn các quả đồi đất đỏ bazan lớn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Tiếp đó, người ta xếp đá ngăn giữ nước, lắng nước, chứa nước và dẫn nước… theo ý mình.

Người dân thu hoạch rau liệt gần giếng.

Ông Trần Văn Thuận (82 tuổi, người dân xã Gio An) dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống giếng cổ ở đây cho biết, Gio An hiện còn gần 20 chiếc giếng cổ được tạo thành với nhiều cách thức khác nhau, tùy địa hình và nguồn nước. Điều lạ nhất là nguồn nước chiết ra ở lưng chừng đồi lại dùng tưới cho ruộng dưới… chân đồi.

Còn theo các nhà nghiên cứu, hệ thống giếng cổ Gio An đã có từ trên 5.000 năm về trước do người Chăm sáng tạo. Trong đó, tiêu biểu với 3 loại giếng, gồm: giếng máng có bể lắng ở trên cùng, nước được dẫn ra bằng hai máng dài, phía dưới là bể chứa rộng 20-40m2, sâu 1m, hình tròn để người dân sinh hoạt; phía ngoài có bể nước nhỏ dành cho gia súc và cuối cùng là mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giếng bi có hình trụ tròn khum giống tang trống, được chế tác từ đá bazan nguyên khối, đường kính khoảng 0,5m. Mỗi giếng có 3-4 bi, sâu hơn 1m. Đặc biệt nhất là giếng ao được đào sâu ngang mạch nước ngầm rồi kè đá xung quanh theo hình vành khăn, không có bể lắng và máng dẫn nước.

Nước đổ ra bể chứa rồi theo hệ thống mương đá tuôn chảy ra ruộng đồng. Do chỉ có một bể chứa nên ở sát họng nước ngầm người ta đặt tảng đá lớn hình chữ nhật chắn ngang để tạo dòng nước chảy hai bên, ngăn nước chảy ngược, để bên trong bể chứa chỉ sử dụng cho ăn uống.

Rau đặc sản được thương lái mua.

Danh mục di sản thế giới

Gio An, nơi dải đất chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng luôn hứng chịu những tác động từ các đợt nóng gay gắt kéo dài, kèm theo gió Lào thổi khô ran nhưng từ những cánh đồng trồng rau liệt đến các quả đồi trồng cao su, hồ tiêu và các loại cây trái khác cứ xanh mướt nhờ luôn được tưới mát bằng nguồn nước ngọt lành từ hệ thống giếng cổ phân bố trải đều ở các thôn trong xã.

Đây quả là một di sản văn hóa có một không hai ở Quảng Trị, minh chứng về nền văn minh nông nghiệp từ ngàn xưa, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người nơi đây trước tự nhiên nhằm khai thác tốt tiềm năng của vùng đất họ gắn bó. 

Năm 2001, hệ thống giếng cổ ở xã Gio An được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Song, do chịu sự tác động lâu dài của thời gian, thiên nhiên và con người nên nhiều giếng cổ ở đây đã dần xuống cấp, hư hại. 

Mới đây, người dân địa phương đã phấn khởi đón nhận tin vui khi Trung tâm Bảo tồn Di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị lập đề án quy hoạch, khôi phục tổng thể hệ thống giếng cổ, đồng thời tiến hành trùng tu bước đầu giếng Đào - tên gọi của một giếng cổ.

Trong đó, đơn vị thi công đã sử dụng các phương tiện thủ công để gỡ ra từng viên đá bị vỡ của giếng Đào rồi thay bằng 36m³ đá mồ côi nguyên khối có một mặt phẳng. Nhờ đó, dòng nước từ giếng Đào đã tuôn chảy trở lại như cả ngàn năm trước.

Bên cạnh việc tiếp tục trùng tu những giếng cổ còn lại, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị đang hướng đến việc lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền đưa hệ thống giếng cổ Gio An vào danh mục di sản thế giới để phục vụ phát triển du lịch.

Long Hoàng - H. Nguyên
.
.
.