Bia cũng là tang vật hối lộ

Thứ Hai, 21/11/2016, 11:54
Ngày 21-10, một đoàn bồi thẩm chỉ mất 30 phút hội ý, rồi tuyên thẩm phán Arnold O Jones II đã hối lộ 2 thùng bia Bud Light cho một đặc vụ FBI, để nhờ người này tìm hiểu có phải vợ ông ngoại tình hay không.


Jones là Chánh án Tòa án tối cao ở vùng (bang Bắc Carolina, Mỹ) bị xét có tội hối lộ một công chức, hứa và trả công cho một công chức, và cố tình gây tác động tới một vụ kiện tụng. 

Dự kiến ngày 23-1-2017, Chánh án James C. Fox sẽ có phán quyết buộc tội đối với thẩm phán Jones. Nếu bị tuyên có tội đưa hối lộ, Jones có thể bị ngồi tù không tới 15 năm và phải nộp phạt 250.000 USD. Tội danh trả công có thể khiến ông ta lãnh thêm 2 năm tù và nộp phạt 250.000 USD. Tội cố tình gây tác động tới một vụ kiện tụng khiến ông ta có thể bị tù 20 năm và phải nộp phạt 250.000 USD. Tổng hợp 3 tội này, Jones có thể bị tù tối đa 37 năm và nộp phạt tổng cộng 750.000 USD. 

Thẩm phán Jones có thể bị tù vì hối lộ bằng bia.

Jones là đảng viên Dân chủ, được bầu làm Chánh án Tòa án tối cao vào năm 2008 (nhiệm kỳ 8 năm) Ông hiện “ngưng công tác” để vận động tái trúng cử vào tháng 11 tới. Ông là Chủ tịch Ủy ban điều tra án oan ở Bắc Carolina vào lúc ông bị bắt. Quốc hội bang lập Ủy ban này năm 2006, và Ủy ban đã xem xét nhiều khiếu kiện án oan, xét xử nhiều vụ mà một số có kết quả xóa tội oan cho một vài tù nhân. 

Phán quyết của đoàn bồi thẩm kết thúc phiên tòa xét xử quan tòa Jones kéo dài gần một năm. Vào tháng 10-2015, ông ta tìm gặp một đặc vụ FBI thuộc Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Wayne, nhờ người này dùng mối quan hệ để buộc Công ty điện thoại Verizon cung cấp bản sao các nội dung tin nhắn điện thoại di động giữa vợ ông với “một người đàn ông khác”. Jones nói với đặc vụ FBI rằng “bạn bè cần giúp nhau chuyện liên quan gia đình”, và ông không muốn ai biết vụ theo dõi này.    

Theo qui định, FBI phải dựa vào sự nghi ngờ hành vi phạm pháp thì mới có thể xin được trát tòa để họ tiếp cận những nội dung tin nhắn. Ngày 19-10-2015, đặc vụ FBI cho Jones biết ông ta không có lý do chính đáng để lấy được các tin nhắn, nhưng nói sẽ tiếp tục tìm nếu Jones vẫn muốn xóa bỏ nghi ngờ vợ ông ngoại tình ngay sau khi họ thành vợ chồng được một thời gian ngắn.

Jones hứa sẽ không ai biết chuyện “giúp đỡ” này và đảm bảo với đặc vụ FBI rằng “có thể tin tôi 1 triệu %”. Chỉ hai tuần sau cuộc nói chuyện đầu tiên, hai người bàn chuyện “công cán” của đặc vụ trong một chiếc xe con vào ngày 27-10-2015. Theo bản cáo trạng, Jones nói: “Ồ không, ông mất thì giờ nên tôi sẵn lòng làm điều gì đó. Ông có nghe tôi không thì bảo?”.

Tiếp đó, Jones đề nghị “thưởng” đặc vụ FBI 2 thùng bia Bud Light. Nhưng đến tháng 12-2015, Jones gợi ý thưởng 100USD tiền mặt thay vì 2 thùng bia. Ông đã đưa số tiền này tận tay đặc vụ FBI, vào ngày ông nhận được một đĩa mềm chứa các tin nhắn của vợ ông. 

Theo luật sư bào chữa, đấy chỉ là một đĩa trắng, không hề có thông tin nào.  Vị luật sư này cho biết sẽ sớm kháng nghị với nhận định của đoàn bồi thẩm, khẳng định đặc vụ FBI không hề lấy được nội dung tin nhắn, và chính phủ không hề xếp các hành động của Jones vào diện “hành động chính thức vi phạm pháp luật”. 

Thông tin chi tiết vụ bắt giữ Jones không được công bố, nhưng theo báo News & Observer, vị quan tòa bị bắt giam sau khi một cuộc khám xét nhà ông ở hạt Wayne theo “kiểu cảnh sát đặc nhiệm SWAT”, và Jones bị chĩa súng vào người khi bị giải ra xe chở về nơi giam giữ. Ông cũng bị còng chân khi lần đầu bị đưa ra ṭa cấp liên bang.  Luật sư của Jones nói đặc vụ FBI không hề báo cho bị cáo biết trước rằng “đề nghị giúp” của ông có hậu quả là một trát khám xét nhà.

Nhưng Công tố viên bang John Bruce tuyên bố: “Phán quyết của đoàn bồi thẩm khẳng định nguyên tắc nền tảng của sự tôn trọng pháp luật. Công chức được dân tin cậy trong hệ thống pháp lý của chúng ta thì không được phép phá đổ hệ thống này vì những mục tiêu cá nhân”. Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo báo chí: “Bằng chứng vụ đưa - nhận hối lộ này gồm một băng video thu hình Jones mặc áo thẩm phán đưa tiền mặt và nhận đĩa mềm tại thềm trụ sở Tòa án hạt Wayne”.

Đặc vụ John Strong chỉ huy FBI ở Bắc Carolina, nói: “Tội hối lộ sẽ không được tha thứ, dù là công chức nhà nước ở bất kỳ cấp nào. Bắt công chức đưa hối lộ là nhiệm vụ điều tra hình sự hàng đầu của FBI, và chúng tôi trông cậy các đối tác bảo vệ pháp luật và người dân giúp chúng tôi nhận diện kẻ vi phạm, đặt nền dân chủ của nước ta vào vùng nguy hiểm”.

Anh Thái (theo Russia Today)
.
.
.