Bộ lạc người cá cuối cùng trên trái đất… sắp lên bờ!

Thứ Năm, 25/10/2012, 11:47
Họ đã sống trên biển trong suốt hàng thế kỷ nhưng ngày nay do nạn đánh bắt cá quá mức đã đe doạ đến văn hoá độc đáo của cộng đồng này. Họ được biết đến cái tên là Bajau Laut. Định cư ở phía Nam đảo Sulawesi, người Bajau đã lấy mặt biển làm nhà trong vòng ít nhất là 400 năm qua, chủ yếu sống trên thuyền hoặc trên những ngôi nhà sàn, hải sản và các nguồn lợi từ hải sản là nguồn sống chính của họ. Tuy nhiên do đánh bắt quá mức, đại dương dồi dào đang ngày có dấu hiệu cạn kiệt đối với nhu cầu của người Bajau.

Trong quá khứ, người Bajau sống hàng tháng trời trên các con xuồng dài gọi là Lepa Lepa. Có một bộ phận ngày càng chuộng nương náu mình trên những ngôi nhà sàn, hoặc từ bỏ hoàn toàn nghề biển hoặc di chuyển đến các thành phố duyên hải để sinh sống.

Người Bajau là những thợ lặn và bơi lội tài ba nhất thế giới, xứng với cái danh xưng không ngoa "Người Cá",  họ có thể lặn và đi xuống đáy biển để săn cá và bạch tuộc chỉ bằng những cây giáo tự chế. Chỉ cần đeo kính thợ lặn vành gỗ và không cần bình dưỡng khí, người Bajau có thể lặn vô tư sâu xuống 20 mét dưới đáy biển trong vòng 5 phút để săn cá.

Tai của trẻ em Bajau thường có khuynh hướng bị chọc thủng màng nhĩ từ nhỏ, vì thế tai sẽ không bị nổ bởi sức ép trọng lực của nước trong lúc bơi lội. Người Bajau đa phần là người Sunni Hồi giáo, nhưng phần lớn đều tin vào thế giới tâm linh biển cả. Dân làng tin rằng biển cả là ngôi nhà chung của họ.

Thế giới nước sắp lâm nguy

Với dân số ước tính khoảng 800.000 người, nhiều nhóm dân du mục biển sống ở Philippines và Malaysia, xuyên đến Đông Indonesia và tất cả vùng biển ở Myanmar. Trẻ em Bajau biết bơi trước khi chúng có thể đi lại, học lái canô sành sỏi như cách trẻ em trên đất liền đạp xe đạp. Vùng biển của người Bajau được công nhận là "Tam giác san hô", chiếm đến 1/3 rặng san hô của thế giới, nơi sinh sống của hơn 3.000 loài cá.

Một nữ môi giới cá người Bajau đang giới thiệu những con cá đánh bắt từ rặng san hô.

Nơi này còn có tên gọi là Wallacea - đặt theo tên của một nhà tiến hoá tiên phong hồi thế kỷ 19 tên là Alfred Russel Wallacea - vùng này là nơi giao nhau của các mảng kiến tạo địa chất và hệ sinh thái Á - Australia. Nhưng cái thiên đường biển này có thể sẽ bị mất chỉ trong thế hệ này, một phần bởi sự khai thác quá mức của người Bajau và các cộng đồng chài cá khác.

Theo Chiến dịch Wallacea, một tổ chức nghiên cứu đặt ở Wakatobi: "Chỉ trong vòng 10 năm qua, trữ lượng cá ở đây đã giảm đáng kể. Từ năm 2002-2006, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sụt giảm 13% tại đây". Nguyên nhân chính được cho là do nhu cầu tiêu thụ cá và bạch tuộc đang tăng ở Đông Nam Á cũng như việc đánh bom làm tàn phá rặng san hô, ngộ độc cyanua và lưới rà.

Ông David J Smith, Giáo sư tại Đại học Essex (Anh), người đã có những dự án nghiên cứu cho Chiến dịch Wallacea ở Wakatobi kể từ năm 1999, cho biết: "Trước đây người Bajau bơi chung với cá, nhưng ngày nay may mắn lắm nếu bạn thấy có con cá dài trên 25cm".

Còn ông Haji Aziz, chủ một đài phát thanh trong vùng, cho rằng, nhờ các chiến dịch cảnh báo mà người Bajau không sử dụng bom vì chính phủ đang theo dõi gắt gao. Haji Aziz nhìn nhận: "Điều này là tốt vì chúng ta sẽ không bị mất tay chân, cá không chết non. Các rặng san hô sẽ không bị tàn phá và cá sẽ không sống cách xa".

Ông Abdul Manan, Chủ tịch Hiệp hội Bajau Indonesia (BAI), nhấn mạnh rằng, trong khi truyền bá các nhận thức về không đánh bắt theo hướng hủy diệt cá mà quan trọng hơn người Bajau cũng phải phát triển các kỹ thuật nuôi cá bền vững. Có nghĩa là không đánh bắt cá đang có dấu hiệu đẻ trứng. Người Bajau phải tham gia vào việc nuôi cá mà phải là nuôi cá theo hình thức công nghiệp.

Học để trở thành người văn minh

Để cả cộng đồng tồn tại, người Bajau sẽ phải thay đổi chiến thuật. Khi văn hoá của người Bajau được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó cần phải có chính sách giáo dục chính quy để tránh bị thất truyền. Những thách thức kinh tế và sinh thái mới buộc người Bajau phải phát triển các hình thức giáo dục chuyên biệt nhằm giữ gìn nền văn hoá đặc trưng của mình.

Một nhóm phụ nữ Bajau đang lượm củi trôi nổi trên biển.

Ali, Amran và Butto đang chờ đợi phà để đến trường ở Kaledupa, thủ phủ của Wakatobi, cách Jakarta khoảng 1.900km về phía Đông. "Cha em nói, đến trường để trở thành người thông minh chứ đừng giống cha, luôn bị biển cả tra tấn", Amran thành thực nói. Hiện có 6 sinh viên trong cộng đồng Bajau tốt nghiệp từ trường đại học. Parman Bajo, một trong những sinh viên xuất sắc của cộng đồng mong muốn người Bajau có thể phấn đấu lên những nấc thang học hành cao hơn.

Parman Bajo thừa nhận: "Cách đây 10 năm, người làng nói rằng học để kiếm tiền là không khả thi vì nghĩ rằng ra biển kiếm tiền sẽ nhanh hơn". Hiện các tổ chức bảo tồn và chính quyền Wakatobi đang quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bằng cách thành lập các dây chuyền chế biến rong tảo và làm du lịch sinh thái. Butto kết luận cho tương lai của mình: "Em muốn làm một ngư dân nhưng là ngư dân thông minh"

Thanh Hải (theo AJE)
.
.
.