Bùng nổ tiệc ly hôn để vui vẻ khi chia tay thay vì thù hận ở các nước

Thứ Năm, 07/06/2018, 14:43
Sự phát triển của ngành công nghiệp (ăn mừng) ly dị cho thấy thực tế rằng người ta muốn nhận biết sự mất mát thông qua nghi lễ


Tiệc ly dị dịp cuối tuần

Ở Hà Lan có một chuỗi khách sạn mang tên Khách sạn Ly dị. Với giá khoảng 4.000 Euro, các đôi đăng ký phòng vào thứ Sáu, sau đó có một luật sư làm trung gian, và đến Chủ nhật khi họ rời khách sạn là thủ tục ly dị đã xong. 

Cha đẻ của dịch vụ này là Jim Halfens, ông nghĩ thủ tục ly dị nên đơn giản và không tốn kém. Khách sạn Ly dị có sáu cơ sở đặt ở các khách sạn khác nhau trên khắp Hà Lan, và một ở New York, ông Halfens cũng dự định sẽ mở rộng ở các nước khác. 

Sau khi ký đơn ly hôn, nhiều đôi còn uống champagne cùng nhau ăn mừng, và tỷ lệ thành công lên tới 95%, ông nói. Và với những ai trải qua quá trình ly dị cay đắng vẫn có thể chọn cách sang Las Vegas bắn nát chiếc váy cưới.

Tiệc bắn nát chiếc váy cưới ở Mỹ.

"Lâu đài ly hôn"

Trong bối cảnh số vụ ly hôn tăng cao tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhiều đôi vợ chồng đã quyết định, thay vì hai bên đều phải ôm hận, họ sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân trong vui vẻ, giống như khi nó mới bắt đầu. 

Các cặp vợ chồng tại Nhật Bản ngày càng có xu hướng tổ chức lễ ly hôn long trọng với đầy đủ nhẫn cưới, khách mời và tiệc mừng giống như họ tổ chức đám cưới.

Saori, 34 tuổi và chồng Daigo, 36 tuổi, người điều hành một công ty bán buôn cá, đã quyết định chia tay nhau sau khi Saori phát hiện “anh xã” ngoại tình. Lễ ly hôn được tổ chức long trọng, đầy đủ các nghi thức giống một đám cưới. 

Xuất hiện tại buổi lễ, Saori mặc váy sẫm màu khá đẹp trong khi chồng Daigo bận đồ trắng. Các vị khách mời ăn mặc cũng rất đẹp, nhưng khuôn mặt của họ dù cố vẫn không thể nói là vui. 

Buổi lễ bắt đầu bằng việc Saori và Daigo nhận những lời chúc tụng của thân nhân và bạn bè. Tiếp đó cả hai bước vội ra những chiếc xe kéo riêng để tới “Lâu đài ly hôn”. 

Các khách mời phải cuốc bộ đi theo. Ngay khi tới Lâu đài ly hôn, các vị khách sẽ ký vào một cuốn sổ lưu niệm trước khi được tặng một đôi đũa, giống như món quà ly hôn, biểu tượng của một đôi vợ chồng đã chia tay.

Giống như trong một lễ cưới truyền thống, lễ chia tay sẽ có sự hiện diện của một chiếc nhẫn cưới. Chiếc nhẫn này sau đó sẽ bị cặp vợ chồng đập nát trước sự vỗ tay nhè nhẹ của quan khách. Buổi lễ kết thúc, tất cả sẽ tới một nhà hàng gần đó. “Cựu” chú rể sẽ ngồi riêng một bàn trong khi “cựu” cô dâu ngồi bàn khác. 

Bữa tiệc ly hôn diễn ra khá giản dị với trà xanh tráng miệng và mỗi người được phát một hộp cơm trưa gồm cơm, tôm sốt và canh đậu phụ. 

Khởi xướng cho xu hướng ly hôn long trọng kiểu này là Hiroki Terai, 29 tuổi, một doanh nhân từng làm nhân viên bán hàng tại quận Chiba ở Nhật. Terai từng mơ tới ý tưởng thành lập công ty tổ chức lễ ly hôn sau khi chứng kiến bạn bè của anh phải trải qua những cuộc ly hôn đầy cay đắng. 

Kể từ khi lập công ty tới nay, anh đã được hơn 900 người liên hệ và tiến hành 25 buổi lễ ly hôn. Các buổi lễ này tốn khoảng 55.000 yen (606 USD). Được biết hoạt động làm ăn của Terai đang rất thuận buồm xuôi gió và đã mở rộng dịch vụ sang Hàn Quốc nhằm giúp một cặp vợ chồng ở Seoul làm lễ mừng ly hôn.

Chiếc váy cưới bị bắn nát.

Tổ chức như phim

Năm ngoái, một lễ ly hôn hoành tráng không kém bất cứ lễ kết hôn nào của một cặp vợ chồng ở huyện Lương Sơn, thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. 

Theo Sina, sau một thời sống chung nhưng không hòa hợp, vợ chồng chị Khương Thế Ngọc và anh Điền Thịnh Hợp quyết định “đường ai nấy đi”. Để chúc mừng sự giải thoát này, hai người quyết định học theo cặp đôi nam nữ chính trong phim “If you are the one 2”: Tổ chức lễ ly hôn, tuyên bố hết yêu đối phương, trả nhẫn, xé chữ hỷ... 

Tiệc mừng ly hôn của hai vợ chồng được tổ chức ở trung tâm thương mại vào buổi trưa, với sự chứng kiến của nhiều người dân huyện Lương Sơn. 

Ngoài tấm áp phích lớn màu đỏ, cặp đôi còn thuê cổng bóng bay trang trí ngay bên ngoài trung tâm thương mại với dòng chữ “nhiệt liệt chúc mừng cô Khương Thế Ngọc và anh Điền Thịnh Hợp ly hôn”.

Vì sao hiện tượng này lại trở nên phổ biến đến vậy trong những năm gần đây? Liệu đó có phải là điều tốt? Nhà tâm lý học Robin Deustch, giám đốc Centre of Excellence for Children, Families and the Law, nói đây là bước phát triển nên được đón nhận. 

“Sự phát triển của ngành công nghiệp [ăn mừng] ly dị cho thấy thực tế rằng người ta muốn nhận biết sự mất mát thông qua nghi lễ”, bà nói. “Rất nhiều người cảm thấy thanh thản hơn sau đó – tôi cũng biết một đôi trong văn phòng tôi dùng cách nói ngược lời tuyên thệ. “...

Người ta làm những gì họ thấy cần làm để có thể chuyển sang giai đoạn khác. Họ làm gì, nghi lễ gì là lựa chọn của họ”. 

Lai Nguyễn
.
.
.