Chàng trai “lập dị” đi bộ xuyên Việt 12.000km vì trẻ thơ

Thứ Hai, 25/01/2016, 17:00
Trên chặng đường đi bộ xuyên Việt chinh phục 12.000km qua 63 tỉnh thành ấy, Tâm Ngô Đồng trượt chân trên cỏ xém rơi vực 2 lần, 10 lần suýt bị xe tải đâm và một lần suýt chết do sạt lở núi. Chưa kể, những lần dầm mưa dầm nắng triền miên, rồi những lần bị người ta dọa giết.

Nhưng rồi, nghĩ lại giấc mơ cỏn con của mình, mặc kệ người ta chỉ trỏ, bàn tán cho rằng anh là người đời”, là “kẻ lập dị có một không hai”, anh vẫn cần mẫn miệt mài với từng cây số. Anh bảo, anh sẽ buồn nếu như việc làm của mình chẳng mang lại lợi ích gì cho người khác, còn chuyện người ta nhìn anh, nghĩ về anh ra sao cũng chẳng quan trọng lắm đâu.

Từ sở thích đi bộ của bản thân

Tâm Ngô Đồng là tên thường gọi của chàng trai trẻ Trần Thanh Tâm, sinh năm 1984 tại TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện Tâm Ngô Đồng đi bộ xuyên Việt ủng hộ trẻ em nghèo đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tâm Ngô Đồng khởi động chuyến đi bộ dài ngày của mình từ ngày 26-10-2014, bắt đầu từ Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) cho tới nay. Điểm dừng chân cuối cùng là đất Mũi Cà Mau.

Tâm Ngô Đồng, người đi bộ xuyên Việt vì trẻ thơ.

Thực ra đây là chuyến đi xuyên Việt thứ 2 của anh. Trước đó, Tâm Ngô Đồng đã từng đi xuyên Việt 21 ngày cùng với 2 người bạn của mình, đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để quyên góp sách cho cộng đồng bằng xe đạp. Ngoài số sách kêu gọi quyên góp dọc đường cộng với số sách của bạn bè ủng hộ, anh và 2 người bạn của mình đã làm được 6 kệ sách ở Quảng Nam, mỗi kệ 1.000 cuốn. Lần xuyên Việt đó là ý tưởng của bạn, Tâm Ngô Đồng chỉ tham gia cùng cho vui. Anh kể, anh chỉ thích đi bộ mà thôi. Tuy nhiên lúc đó, anh vẫn nhận lời đi cùng vì muốn tìm hiểu xem sức mình đến đâu, với lại anh muốn góp một phần sức mình vào mục đích thiện nguyện kia.

Ý tưởng đi bộ khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đến với Trần Thanh Tâm khi anh vô tình đọc được thông tin có 4 sinh viên Hải Phòng trong nhóm tình nguyện Hải Đăng đi bộ xuyên Việt vào năm 2011. Anh ước mơ mình cũng được đi như thế. Và thế là, chàng trai trẻ đã lên kế hoạch và âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày của mình từng chút một. Để rồi, 3 năm sau đó, anh mới bắt đầu khởi động ước mơ của mình.

Tâm và những người bạn mới ở TP Hải Dương.

Tâm Ngô Đồng chia sẻ: “Tôi thích đi bộ vì hồi 10 tuổi, tôi đã đi đi về về quãng đường 20km giữa nhà và Thảo Cầm Viên rồi. Tôi lại đặc biệt thương con nít. Tôi nghĩ, tại sao mình không thực hiện một chuyến đi bộ để giúp trẻ em nghèo. Lúc đó, tôi cũng nghĩ đơn giản chỉ là đi bộ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, vừa đi vừa kêu gọi mà thôi. Nhưng rồi, tôi đi luôn cả 63 tỉnh thành. Tôi đi theo cách riêng của mình, đó là con đường đi xuyên Việt không tốn tiền, tiết kiệm hết mức. Đó chính là nhờ cộng đồng giúp đỡ trên tiêu chí cộng đồng vì cộng đồng, tôi vì cộng đồng, cộng đồng vì tôi”.

Lý giải điều này, Trần Thanh Tâm cho biết, trước chuyến đi bộ xuyên Việt của anh, tất cả những chuyến đi bộ, chạy bộ hay đạp xe đều tốn kém (ngoại trừ chuyến đi của Hùng John, chàng Việt Kiều từng nổi tiếng với chuyến đi xuyên Việt mà không cần tiền vào năm 2012). Bản thân anh cũng không có nhiều tiền. Thứ nữa, anh đi bộ vì trẻ mồ côi, lang thang đường phố, vậy thì tại sao anh không thể giống một đứa trẻ, đói xin ăn, khát xin uống, tối xin ngủ nhờ? Anh muốn đi như những đứa trẻ lang thang để cảm nhận và thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các em; có như thế, anh mới truyền đạt lại những cơ cực ấy đến với những người mà mình gặp. 

Anh muốn chứng minh cho mọi người thấy, nghèo vẫn có thể đi bộ xuyên Việt và giúp đỡ được người khác. Anh không nổi tiếng như Hùng John, chẳng ai biết anh là ai cả. Anh bắt đầu chuyến đi của mình với một thân phận xa lạ nên anh sẽ phải đi theo cách riêng của mình. Đó là gõ cửa xin ngủ từng nhà, khôn được thì ngủ lều hoặc túi ngủ mang theo. Anh bảo, điều quan trọng nhất là mình có dám làm, dám chịu khổ để thực hiện điều mà mình muốn làm hay không mà thôi.

Và rồi Tâm Ngô Đồng lên đường với một chiếc balo không có gì ngoài vài bộ quần áo (một bộ quần áo cộc mặc khi đi trên đường, một bộ lịch sự hơn dùng để mặc khi đến các trung tâm bảo trợ xã hội và chiếc áo khoác mỏng để mặc khi trời lạnh). Xuất phát từ Hà Giang, anh đến 63 tỉnh thành, đi qua mọi địa hình, từ thành phố đến đồng bằng lên miền núi, trải qua đủ mọi thời tiết của đất nước khí hậu nhiệt đới gió mùa này. Nắng cũng đi, mưa cũng đi, lạnh giá cũng đi, cứ đi miệt mài như thế. Đi lúc nào đói thì gõ cửa xin ăn, đi đến khi nào mệt thì dừng lại xin ngủ nhờ. 

Hành trình đi được Tâm cập nhật trên trang facebook cá nhân. Nhiều người dõi theo, chia sẻ, thậm chí thót tim khi anh chàng gầy gò, đen nhẻm ấy cứ đi một mình nguy hiểm như thế. Đến nhiều nơi, một số người nhận ra anh chính là anh Tâm Ngô Đồng đi bộ xuyên Việt vì trẻ em trên facebook, họ giúp đỡ anh hết sức nhiệt tình, không chỉ cho anh ngủ nhờ, mời anh ăn cơm, có người còn ủng hộ tiền hoặc nhắn bạn bè để anh tìm đến trong chặng đường kế tiếp.  

Đến đi bộ xuyên Việt vì cộng đồng

Xuyên Việt 18 tháng, sẽ trải qua 63 tỉnh thành với gần 12.000km, chàng trai trẻ đặt mục tiêu cho mình là đi thăm hơn 200 trại trẻ mồ côi và trung tâm bảo trợ xã hội. Mỗi điểm dừng chân, anh quyên góp 500.000 đồng cho trẻ em nghèo. Số tiền có được từ việc kêu gọi bạn bè giúp đỡ và một số người anh gặp trong hành trình của mình. Đến nay, anh đã hơn 500 ngày đi bộ lang thang trên đường, qua 32 tỉnh thành với hơn 5.000km.

Trong chuyến hỗ trợ 7 người leo Phan Xi Păng hồi tháng 7-2015, có cả mẹ và anh trai của Tâm từ TP Hồ Chí Minh ra tham gia cùng.

Tôi hỏi, có nhiều lần anh gõ cửa mà người ta từ chối không? Anh cười, “nhiều người ủng hộ mình nhưng cũng nhiều người từ chối không đếm hết. Thậm chí, có lần đến một nơi, người ta tưởng tôi vừa mới ra tù, tưởng tôi là phường nghiện hút, trộm cướp nên tìm cách xua đuổi. Lúc đó hơn 6 giờ tối rồi mà tôi vẫn phải đi tiếp mặc dù trước mặt mình là những con đèo heo hút. Những lúc đó, nản vô cùng, nhưng vẫn phải gắng gượng mà đi. Mục tiêu đã đặt ra rồi, phải cố gắng mà hoàn thành. Mình không tin mình thì ai tin bây giờ?”

Anh kể thêm, khổ cũng nhiều, cực cũng lắm; đã thế, lại còn nguy hiểm rình rập nữa. Anh liệt kê ra một số những điều anh đã trải qua như thử thắng xe hơn 10 lần, trượt chân trên cỏ xém rơi xuống vực 2 lần, xe đạp đụng 1 lần, xe máy đụng 1 lần, 1 lần suýt mất mạng vì núi sạt lở, 1 lần bị người ta đuổi theo giết. Tôi thắc mắc, “thử thắng xe” là gì? Anh giải thích: “Đợt đi năm ngoái đúng những ngày miền Bắc mùa đông, giá rét, sương mù dày những con đèo dài 80, 90 là chuyện thường. Lúc đó đang đi trên quốc lộ 4C, qua con đèo từ Bắc Cạn đi Cao Bằng. Các bác tài không thể tưởng tượng nổi, trong thời tiết như thế, lại có một người đi bộ nên thắng gấp, mình bị té trầy trụa ít da thịt. Thấy có lỗi với các bác tài lắm. Nhưng đi bộ, đành chịu, biết sao được”.

Anh Tâm Ngô Đồng nói đến đây, tự dưng chững lại. “Vẫn có những người bảo mình là kẻ lập dị, chẳng giống ai”. Anh có buồn không? Anh lắc đầu. Anh bảo anh sẽ buồn nếu như việc làm của mình không mang lại lợi ích cho người khác. Với lại, đi xuyên Việt một mình hay lắm, giúp ta vượt qua được nỗi sợ hãi và sự cô đơn. Anh nhận được nhiều thứ từ chuyến đi đầy trải nghiệm của mình, đó là sự can đảm, trưởng thành và một trái tim biết yêu thương. Vui nhất là anh đã thực hiện được điều anh mơ ước - là được làm một cái gì đó cho các em nhỏ trước khi cưới vợ. 

Tôi hỏi tiếp đến gia đình anh, họ có ủng hộ không? Anh bảo lúc đầu không đồng ý đâu nhưng riết thấy mình như thế rồi cũng quen. Khi anh thực hiện điều ước hỗ trợ 7 người khuyết tật leo đỉnh Fan Xi Păng vào hồi tháng 7 năm 2015, mẹ và anh trai anh đều ra và tham gia. Và mẹ anh có lẽ là người phụ nữ cao tuổi nhất chinh phục thành công đỉnh Phan Xi Păng (82 tuổi).

Anh kể tôi nghe thêm một số điều ước đã thực hiện được, những điều ước vẫn còn dang dở phía trước. Anh kể về những con người anh đã gặp, đi chung một hành trình ngắn ngủi nhưng anh sẽ ghi nhớ về sau. Những vùng đất trải dọc từ Bắc vào Nam. Những vùng trời mây đầu ô, nắng ngút ngát, mưa dăng trước mặt. Nhưng không có gì là không thể nếu như ta cố gắng thực hiện nó. 

Đậu Dung
.
.
.