Cầu đá giữa biển khơi: Tự nhiên hay nhân tạo?

Thứ Năm, 18/01/2018, 11:13
Cây cầu nối liền Ấn Ðộ với Sri Lanka cách đây hơn 1 triệu năm về trước được biết đến với tên gọi cầu Adam theo tiếng Pháp, hay cầu Rama hoặc Rama Setu (theo tên của Vua Rama) ở Ấn Ðộ.


Cầu có chiều dài hơn 30 km, là một chuỗi các bãi cát ngầm đá vôi, nằm giữa đảo Pamban, cũng được biết đến với tên đảo Rameswaram, ngoài khơi bờ biển phía đông Nam Tamil Nadu, Ấn Độ, và đảo Mannar ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Sri Lanka.

Người ta cho rằng con người từng có thể đi bộ qua dải đất này cho đến thế kỷ 15 khi một cơn bão làm cho eo biển sâu thêm. Sử sách ghi lại đều khẳng định cầu Rama hoàn toàn nổi so với mực nước biển cho đến khi nó bị sụt lún, phá vỡ và ngập chìm trong nước biển bởi một cơn bão vào năm 1480.

Trong sử thi Ramayana của Ấn Độ kể về Hoàng tử Rama và cuộc đấu tranh giải cứu người vợ bị bắt cóc của ông khỏi tay vua quỷ Ravana, người cai trị Sri Lanka. Hoàng tử Rama đã tập hợp một đội quân khỉ để lên đường cứu người vợ.

Tới vùng biển ngăn cách Ấn Độ với đảo Lanka, đội quân của Rama đã xây một cây cầu dài khoảng 50 km, bằng cách xếp đá trên mặt nước. Theo truyền thuyết, những hòn đá không thể chìm do có viết tên của Rama trên đó. Nhờ vậy, đội quân khỉ có thể vượt biển, đánh bại vua quỷ Ravana và giải cứu được nàng Sita. Hoàng tử Rama trở về nhà với vợ rồi sau đó giành lại ngôi vua vốn thuộc về mình.

Sự tồn tại của cây cầu đã được biết đến ở Ấn Độ cũng như Sri Lanka từ thời xa xưa cho đến hiện tại, nó được ghi lại trong sử thi Ramayana cũng như sự tồn tại của Vương quốc Ramayana cổ đại. Nhưng vấn đề là ở chỗ cây cầu này được tạo ra bởi tự nhiên hay nhân tạo?

Tiến sĩ Badrinarayanan, nguyên Cục trưởng Cục Khảo sát địa chất Ấn Độ, kết luận đây là công trình nhân tạo. Ông cho biết sau khi khoan 10 lỗ dò dọc theo cây cầu, nhóm khảo sát của ông đã phát hiện khoảng 6m dưới bề mặt cầu là lớp cát kết, san hô và đá cuội chắc chắn.

Tiến sĩ Badrinarayanan cho biết: “Chúng tôi khám phá ra cát biển ở bên trên và bên dưới, ngoài ra còn vô số san hô, đá cát bị vôi hóa và các chất liệu tương tự như đá. Điều đáng ngạc nhiên là bên dưới đó đến 4-5 m, chúng tôi lại phát hiện được cát lỏng và sau đó là các lớp kết cấu cứng ở đó”.

Ông khẳng định quá trình khai thác đá từ hai bên bờ Ấn Độ và Sri Lanka đã góp phần tạo nên cây cầu. Bằng chứng được ông đưa ra là những hòn đá cuội của "thủy đạo" này không có kết cấu như lớp địa chất hình thành dưới đáy biển.

Tranh vẽ truyền thuyết khỉ xây cầu.

Trái ngược với ý kiến của Tiến sĩ Badrinarayanan về nguồn gốc tạo ra cây cầu, ông Suvrat Kher, một chuyên gia địa chất trong lĩnh vực địa tầng dưới biển, cho rằng: “Trong thời kỳ băng hà, hiện tượng băng tích lũy và tan chảy đã làm cho mực nước biển dao động trong khoảng vài chục mét, tạo điều kiện hình thành vài đoạn đá ngầm san hô và bãi cát ngầm. Trong những thời kỳ mực nước hạ thấp, đã từng có một dải đất kết nối giữa Ấn Độ và Sri Lanka”.

Theo ông Suvrat Kher, khi dải đá ngầm san hô mọc lên phía trên, cuối cùng chúng sẽ vươn tới tầng nước nông hơn và đôi lúc bị sóng đánh gãy, từ đó rơi xuống và lắng đọng ở bên dưới. Tương tự, cát cũng có thể được cuốn đi và lắng đọng, tạo ra các tầng khác nhau bên trên các trầm tích. Ông nghĩ rằng việc phân tầng như vậy có thể có cách giải thích khác, không nhất thiết là do con người đã đặt các tảng đá mòn.

Những ý kiến trái ngược về cây cầu vẫn chưa có được đáp án chính xác, nhưng trên hết cây cầu chính là "công trình tôn giáo" của người dân Ấn Độ.

Trần Thắng
.
.
.