Cầu thủ và cạm bẫy ma túy

Chất độc trong thỏi chocolate!

Thứ Ba, 18/06/2013, 11:19

Tại sao một huyền thoại như Maradona vẫn có thể bị hủy hoại bởi ma túy? Người ta nói rằng đó là cái tật của một thiên tài. Nhưng nếu cái tật đó dính đến ma túy thì tất cả coi như sẽ tiêu tan. Ấy vậy mà trong cái thế giới hào nhoáng, xa hoa mang hình tròn của trái bóng, đang có một thế hệ tự giam mình trong sự cầm tù của cái chết trắng!

1. Người Mỹ vốn thích đưa ra những nghiên cứu lạ lùng, nhưng khi có kết quả thì cũng tạo ra những điều kỳ lạ. Ví dụ như một thỏi chocolate 250gr có thể giết chết một chú chó 3 năm tuổi, bởi chất theobromin có trong chocolate không thể tiêu hóa trong ruột chó, vẹt, ngựa… và sau 20 tiếng ở trong máu nó sẽ có tác động chết người lên cơ tim. Cảm giác như chất độc luôn được phủ bên ngoài sự ngọt ngào.

Bóng đá Anh là một thế giới ngọt ngào như vậy. Nhưng thực tế đó chỉ là lớp áo choàng che phủ những "chất độc" chết chóc, là nơi rất dễ biến một ngôi sao trở thành tội phạm.

Mới đây, tờ The Sun của Anh đưa một cột tin chỉ dài khoảng 500 chữ, nhưng đủ sức công phá làm chấn động làng bóng đá Anh: hiện tại đang có 126 cầu thủ chuyên nghiệp đang ngồi phía sau cánh cổng nhà tù, trong đó có tới 124 người ở độ tuổi dưới 25. Càng tồi tệ hơn khi hầu hết những tù nhân đặc biệt ấy phạm tội buôn bán và sử dụng ma túy.

Thống kê mà The Sun đưa ra được chính họ nhận xét là một sự thật gây sốc, một sự xấu hổ lớn đối với một nền bóng đá. Bóng ma chất cấm đã len lỏi sân cỏ tạo ra một lối đi, khi Viện công tố London cho rằng 13% cầu thủ trẻ ở Anh đã bị mua chuộc buôn bán và dùng ma túy. Đó là lực lượng những người dễ bị tổn thương, nhất là những người đang bấp bênh và thất vọng trong việc chờ đợi được lên thi đấu ở đội 1. Ví dụ như Jasson Singh, tài năng đầy triển vọng của Newcastle đã 2 lần ngồi tù khi mới 18 tuổi vì tàng trữ và dùng cocain.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, những vụ án cầu thủ dính đến ma túy ở Anh còn nóng bỏng hơn cả nạn phân biệt chủng tộc, bởi nó xuất hiện với tần suất gấp 5 lần. Năm 2010, trước khi tờ New of the World bị giải thể, họ tổ chức thăm dò ý kiến bí mật 700 cầu thủ chuyên nghiệp và đưa ra kết luận: 46% cầu thủ biết đồng nghiệp của mình sử dụng ma túy, 45% cho biết ma túy có xuất hiện ở CLB và khoảng 6% cho biết sẵn sàng trốn khi bị thử chất kích thích, có khoảng 150 cầu thủ vẫn chơi bóng dưới ảnh hưởng của chất cấm. Một cuộc sống trong bóng tối vẫn tồn tại, lẩn khuất núp bóng phía sau thứ ánh sáng lung linh mà bóng đá tạo ra.

2. Không chỉ những cầu thủ trẻ đang nóng lòng vì sự nghiệp chưa thành, những tên tuổi lẫy lừng cũng có thể trở thành cậu bé ngây ngô trước những cám dỗ màu trắng. Cuộc sống ban đêm trong những quán bar "bẩn" được coi là sự khẳng định đẳng cấp của những ngôi sao lớn.

Ferdinand mất cơ hội dự Euro 2004 vì ma túy.

Nếu ở Đức, các cầu thủ tuyệt đối không được bén mảng đến những nơi này khi chỉ cần ai đó bị phát hiện, sẽ có bản án cực kỳ khắc nghiệt được đưa ra thì ở Anh, các CLB thường ăn mừng chiến thắng ở quán bar. Cầu thủ lấy quán bar làm giường ngủ. Họ có thể đến đó để khoe sự giàu có, để đánh nhau, để chụp ảnh và thể hiện chất chơi của kẻ nhiều tiền. Rio Ferdinand (Man Utd) từng dám bao trọn một quán bar. C.Ronaldo thời còn ở Man Utd, hay Rooney, Terry, Drogba… thường xuyên là khách VIP của những hộp đêm sang trọng.

Năm 2009 ngay sau khi đoạt cúp FA, cả đội Chelsea đập tan hoang hộp đêm Modavi đến 4 giờ sáng, khiến cảnh sát London phải đến khua tất cả về đồn. Và mới đây thôi, ngay đêm Man Utd vô địch giải Ngoại hạng Anh lần thứ 20, cả đội đã nhốt mình trong hộp đêm đến tận sáng mà chẳng gặp phiền hà nào. Vì thế mà chẳng có gì lạ khi hàng loạt những vụ sử dụng ma túy được phát giác ở Anh.

Essien sau vụ đập phá cùng Chelsea ở hộp đêm Modavi năm 2009.

Lampard sau vụ đập phá cùng Chelsea ở hộp đêm Modavi năm 2009.

Joe Cole sau vụ đập phá cùng Chelsea ở hộp đêm Modavi năm 2009.

Trung vệ Rio Ferdinad bị treo giò 8 tháng, nộp 50.000 bảng, mất cả cơ hội dự EURO 2004 vì không thèm đi kiểm tra nước tiểu ngẫu nhiên vào tháng 09/2003, mà dông thẳng về nhà đưa cô bồ đi… shopping. Lý do Ferdinand đưa ra vô cùng… vớ vẩn: quên! Khi đó ít ai biết được rằng đêm hôm trước, Ferdinand còn say bí tỉ trong quán bar.

Nhưng Rio còn "lịch sự" chán, ít nhất là vì sự thật thà và dám chấp nhận sự thật. Shane Nicholson, trụ cột của CLB West Brom bị treo giò năm 1998 vì lý do khó hiểu: từ chối kiểm tra doping vì… sợ bẩn.

Một trường hợp nữa cũng tạo ra tấn bi hài kịch là hậu vệ K.Toure, anh trai của Y.Toure đang cùng khoác áo Man City hiện nay. Năm 2011, K.Toure bị phát hiện dùng ma túy, nhưng cầu thủ này khăng khăng khẳng định bị oan, nếu có thì đó là lỗi của những viên thuốc giảm béo của vợ.

Nhưng có lẽ tất cả những "ca ma túy" nổi tiếng nhất đều không thể vượt qua vụ Mark Bosnich. Bị Chelsea sa thải, Bosnich không bao biện cho mình bằng những cách "phổ thông" như kêu oan vì vô tình ăn, uống thuốc giảm cân, thuốc cảm gì đó có chứa chất cấm. Bosnich "kêu oan" khiến người ta phải giật mình, khi đổ tội cho… bạn gái.

Và lý do Bosnich đưa ra là anh ta bị… "hấp thụ" chất từ cô bạn gái Sophie Anderton đã dùng ma túy. Thậm chí Bosnich thì khăng khăng thú nhận mình… chưa biết ma túy là gì. Bosnich còn khiến thiên hạ mắt tròn mắt dẹt khi nói đầy tính mật thám: "Tôi dám khẳng định rằng đã có những tổ chức gangster chuyên nghiệp nhúng tay vào chuyện này. Họ dùng những cô gái xinh đẹp, khêu gợi để giăng bẫy những cầu thủ nổi tiếng… như tôi". Lời giải thích vừa hài hước vừa ngộ nghĩnh đáng yêu đó chẳng giúp gì cho Bosnich.

Khi ma túy phủ bóng trên sân cỏ, chẳng có gì lạ nếu cựu VĐ cử tạ, chuyên viên thể lực Brian Batcheldor còn "đăng đàn" hướng dẫn cách dùng chất kích thích mà không bị phát hiện. Các bác sĩ riêng được cầu thủ thuê còn "mạnh dạn" nghiên cứu danh sách chất bị cấm và "sáng tạo" những chất kích thích mới không có trong danh mục cấm…

Những vụ rùm beng ma túy khiến nhiều người Anh tự hỏi, liệu chuyện hút hít đã từng xảy ra từ bao giờ? Tờ Four-Four-Two đã có cuộc tìm kiếm tư liệu và phỏng vấn nhân chứng, tập trung vào những ngôi sao Chelsea hồi thập niên 60 và 70. Khi đó sở thích của hầu hết cầu thủ là uống vài chén rượu, vài cốc bia và chơi sang lắm thì đến quán bar nổi tiếng The Bag O'Nails trên đường Soho (London) để nghe nhạc của The Beatles (quán bar này còn tồn tại đến bây giờ và là một trong những dấu ấn lịch sử của ban nhạc The Beatles, là nơi thu âm, nơi McCartney gặp gỡ Linda Eastman, người sau này là vợ ông).

3. Willie Johnston, cựu tiền vệ người Scotland, một tên tuổi lẫy lừng hồi thập niên 70, người đã bị phát hiện dùng ma túy tại kỳ World Cup 1978, được coi là một trong những vụ scandal ma túy đầu tiên được phát hiện. Ông khẳng định, từ những năm 80, đầu những năm 90, ma túy đã xuất hiện. Thậm chí tờ New of the World còn điều tra ra vụ 6 cầu thủ tại giải ngoại hạng Anh Premier League chung tiền nhập khẩu lượng ma túy trị giá 100.000 bảng.

Rõ ràng, bóng đá ngày càng phát triển sẽ tạo ra những ông hoàng giàu có. Và khi các cầu thủ trở nên giàu có, những cạm bẫy tự dưng bày sẵn ra trước mặt. Nó không chỉ hủy hoại những tài năng, không chỉ vùi dập những ngôi sao, không chỉ cướp đi sự nghiệp của một cầu thủ, mà còn làm vấy bẩn cả một nền bóng đá.

Thế nhưng, chẳng thể ngăn cấm cuộc sống giải trí xa hoa của những triệu phú đá bóng sau khi những trận đấu kết thúc. Câu chuyện nằm ở chính những cầu thủ với cuộc sống hào nhoáng mà họ đã dày công tạo ra cho mình sau rất nhiều mồ hôi và nước mắt.

Và trong cái hạnh phúc ngọt ngào như những thỏi chocolate, hãy coi chừng những chất độc đang ngấm ngầm chảy. Không chỉ với những cậu bé đang nóng lòng chờ đợi đi vào thế giới xa hoa của bóng đá, mà còn cả với những ngôi sao giàu có sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua một thỏi chocolate chứa đầy độc tố!

Những bản án ma túy nổi tiếng nhất

Diego Maradona (1991): treo giò 15 tháng

Mark Bosnich (2003): treo giò 9 tháng

Edgar Davids (2001): treo giò 8 tháng

Rio Ferdinand (2003): treo giò 8 tháng

Andrian Mutu (2004): treo giò 7 tháng

Tờ New of the World đã đưa ra kết quả điều tra: hàng năm có tới 1.200 ca thử ma túy ở 2 giải đấu cao nhất nước Anh là giải ngoại hạng Anh và giải hạng Nhất, nhưng vẫn có cầu thủ suốt 12 năm sự nghiệp chưa bao giờ "bị" lôi vào phòng lấy nước tiểu. Ngược đời ở chỗ, Anh tiến hành các cuộc thử máu, nước tiểu cầu thủ chỉ ít hơn ở Italia và nhiều gấp đôi so với Đức, Pháp, Tây Ban Nha…

Và rút cuộc, thực tế là mùa giải 1999/2000, chỉ có 32 người "bị" xét nghiệm trong 3.200 trận đấu và mỗi trận lấy 2 người ngẫu nhiên. Thế là họ tính nhẩm ra rằng: nếu một cầu thủ muốn có 50% cơ hội "được" thử nước tiểu trong 1 trận đấu ở Anh, bạn sẽ mất 432 năm miệt mài chơi bóng!

Lê Giang
.
.
.