Chuyện ít biết về lễ hội đền thờ "bạch mã linh lang"

Thứ Tư, 19/02/2014, 14:00

Bạch mã linh lang thượng thượng đẳng thần là sắc phong do vua Lê Trang Tông ban cho Tướng Vũ Duy Dương. Ông là một võ tướng có công phò nhà Lê diệt nhà Mạc, tuy nhiên ông bị mưu sát giữa đám hỗn quân. Sau khi bị mưu hại, tướng quân vẫn bám chắc trên lưng ngựa, đến vùng đất Mường Đòn, thuộc xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, (Thanh Hóa) thì ông anh dũng hy sinh.  

Truyền tích vị tướng của dân tộc

Vượt hơn 100km từ Hà Nội theo đường mòn Hồ Chí Minh về vùng đất Mường Đòn, chúng tôi được người dân nơi đây ca ngợi về ngôi đền thờ vị tướng Vũ Duy Dương. Ông có công trạng trong triều đình nhà Lê nên đã được vua ban sắc phong là "bạch mã linh lang thượng thượng đẳng thần". Vì tò mò và muốn tìm hiểu kỹ về tên gọi cũng như giá trị văn hóa của ngôi đền huyền bí mà ít ai biết đến này, chúng tôi đã tìm đến cụ Bùi Ngọc Liên (66 tuổi), cụ là "chủ tế" và cũng là người trông coi bảo vệ đền thờ.

Cụ Liên cho hay, theo như các cụ kể lại, vào thời hậu Lê có một ông thầy địa lý bên Trung Quốc, nhìn lên bầu trời và thấy một vầng hào quang sáng lóa vây quanh miền đất phía Tây xứ Thanh (nay thuộc địa danh Mường Đòn). Biết được sự việc ông bèn tấu lên vua rằng, ở phương Nam đang có một vị tướng sắp thôn tính bờ cõi nhằm cai trị giang sơn nên phải diệt trừ. Nghe theo lời ông thầy địa lý, vua liền sai một "võ đao" tài giỏi tên là Thành Trung sang nước Việt và dặn: "Nếu thấy một vị tướng nào cưỡi con ngựa trắng, thân cao 3 thước thống lĩnh miền Tây xứ Thanh thì lập tức rút đao ra chém chết ngay tức khắc".

Trong một trận giao tranh ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, do sơ ý nên tướng họ Vũ đã bị gian quân người Trung Quốc chém giữa đám hỗn loạn. Đầu tướng quân chưa lìa khỏi cổ nhưng vẫn bám chặt mình ngựa, ngựa phi đến vó bai thuộc đất Mường Đòn thì kiệt sức. Khi dân bản phát hiện mới thấy chú ngựa bạch rơi nước mắt khóc chủ tướng. Dân làng thấy vậy cảm kích tinh thần chiến đấu giữa tướng quân và bạch mã nên đã âm thầm chôn cất rồi cùng nhau lập đền thờ cúng tế. Từ đó dân bản Mường Đòn tôn vị Tướng Vũ Duy Dương làm cụ tổ của dòng họ.

Cụ Khuýnh (69 tuổi) ở Mường Đòn cho biết: "Gần đền còn có một gò đất cao, được các cụ cao niên trong làng cho rằng đó là ngôi mộ mà vị tướng họ Vũ năm xưa đã ngã xuống, dù trải qua hàng trăm năm tuổi nhưng gò đất vẫn không bao giờ xói mòn". Bên dưới gò đất còn có một dòng nước trong veo chảy ra từ khe núi, dòng nước này được người dân ví như dòng sữa mẹ luôn tuôn chảy che chở, tắm mát cho người con về với đất Việt.

Cụ Bùi Ngọc Liên bên tượng bạch mã mà Vũ Duy Dương thường cưỡi để xung trận.

Theo câu chuyện của cụ Liên, từ khi danh tướng họ Vũ bị gian quân mưu hại, bậc thân sinh ra tướng Vũ Duy Dương không thấy con đi đánh giặc trở về. Người cha bèn dặn con gái là Vũ Thị Cao, đóng giả làm người ăn xin đến vùng đất mà người anh là "tổng trấn" cai trị dò la tin tức. Người em vừa tìm anh vừa mang ý nguyện cùng anh dụng binh phò vua Lê diệt giặc Mạc. Tiếc thay, khi người em vào đến vùng đất Mường Đòn thì biết tin anh trai đã hy sinh oanh liệt. Người em phẫn uất vì chưa hoàn thành được ý nguyện phò Lê diệt giặc cùng anh nên đã đã rút dao tự sát để tránh rơi vào tay quân tướng nhà Mạc.

Khi dân bản phát hiện người em tự sát cách mộ mà người anh trước đó đã ngã xuống một đoạn ngắn. Cả Mường cho rằng đó là hai vợ chồng, nên đã lập hai đền thờ gọi tên là đền Đức Ông và đền Đức Bà. Về sau vua Lê Trang Tông (1533-1548) Biết tin, nhà vua cảm phục ý chí của người em, nên đã truy phong tước danh: "Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh bình tặc".

Đã nhiều năm trôi qua, các cụ cao niên trong dòng họ cử người lặn lội khắp đất Hòa Bình, Ninh Bình dò tìm tung tích gốc gác quê hương của hai anh em võ tướng. Năm 1993, cụ Trương Đức Khuyến (68 tuổi) đã tìm ra làng Phượng Trì, thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, (Ninh Bình) nay là gia đình ông Vũ Xuân Trạch (trưởng tộc) làm lễ nhận anh em và thắp nhang bái Tổ.

Đền thờ Tướng quân Vũ Duy Dương.

Ngày 22/7/1986 Mường Đòn vinh dự được Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận đền làng thuộc di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ khi công nhận hai ngôi đền là di tích văn hóa, dân trong Mường trở nên tự hào hơn về giá trị tâm linh cốt lõi của đền. Cứ vào đầu tháng giêng (âm lịch) hàng năm, dân bản lại tổ chức lễ hội cổ truyền ở đình làng. Đến lễ hội du khách sẽ thấy được giá trị dân gian mang đậm nét văn hóa của người Mường ở miền Tây xứ Thanh.

Đặc sắc văn hóa lễ hội Mường Đòn

Trước ngày khai hội, nhà nhà người người trong Mường đều tất bật chuẩn bị cho các khâu lễ và hội. Lễ hội ở Mường Đòn hội tụ những nét văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc Mường nơi đây, vì vậy nó luôn là điểm nhấn và đón nhận được sự đồng tình cổ vũ của người dân trong huyện. Theo tục lệ vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, dân bản Mường lại hòa mình cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang bình bong cả một xóm núi rộng lớn.

Ngoài khâu chuẩn bị lễ như: Cỗ xôi nếp nương, mâm ngũ quả, rượu…, các gia đình còn làm một con cá chép nặng từ 3kg trở lên, hấp chín trước khi đặt cá lên mâm, khi đặt cá lên mâm không được rơi vẩy, xước vẩy.

Theo lệ làng, trước giờ Hoàng đạo vào sáng ngày 18 sẽ tiến hành rước sắc phong "Bạch mã linh lang thượng thượng đẳng thần", từ nhà ông chủ tế ra trung tâm của đình. Sau khi chủ tết đọc xong sắc phong ở đình sẽ đến phần rước kiệu gồm: kiệu Đức Ông và kiệu Đức Bà. Hai kiệu sẽ được các cô gái cùng các chàng trai khiêng song song từ đình làng lên đền thượng. Mâm cỗ lễ vật được xếp hai bên, thứ tự từ trên xuống dưới theo các ngạch, các chi và vai vế chức sắc trong làng.

Các cô gái trong đội cồng chiêng luyện tập để chuẩn bị khai hội.

Cũng trong ngày này con cháu trong bản sẽ khoác trên mình những bộ váy áo Mường dệt bằng thổ cẩm đẹp nhất đến sân đình dự hội. Thường ngày những cô gái phải lên nương trồng ngô cuốc sắn, chân tay lúc nào cũng lấm lem tro bụi. Đến ngày hội làng dường như các sơn nữ đẹp ngất ngây đến lạ thường, những ánh mắt e ấp bên nắng xuân cùng những nụ cưỡi rạng rỡ đã xua tan bầu không khí của cả một năm lao động vất vả.

Đêm đến bên những ánh lửa bập bùng sẽ là một bầu không khí nhộn nhịp ở sân đình. Chị Quách Thị Lành 46 tuổi người làng Mường Đòn chia sẻ: "Năm nào cũng vậy nhà tôi phải ủ bằng được rượu nếp nương chuẩn bị cho hội làng. Năm nay làng hội to nên tôi đã ủ mười vò to rượu cần đợi đến đêm hội mới mở". Buổi chiều tối khách mời tham dự hội sẽ được giao lưu bên các ché rượu cần, họ ngồi xen kẽ từng đôi nam nữ và hát đối đáp đến thâu đêm mới thôi.

Ngoài hát đối đáp theo lối ngẫu hứng bằng tiếng Mường, khách thập phương còn được tận mắt xem những vở tuồng ngắn được các nghệ nhân trong bản tái dựng lại khí thế hào hùng của Tướng Vũ Duy Dương phò vua năm xưa. Ông Trương Viết Bảo, 63 tuổi, nghệ nhân đánh trống tuồng kể lại: Thời vua Lê Trang Tông (Niên hiệu Nguyên Hòa), khi Tướng Vũ Duy Dương được cử lên trấn thủ xứ Mường, có đem theo đội Tuồng từ đất Sơn Nam Hạ vào hát để mua vui cho binh sĩ và dân chúng. Từ đó, dân bản Mường vùng này rất yêu thích hình thức nghệ thuật này.     

Sáng ngày 19 các tiết mục văn nghệ như hát đúm, hát ví vẫn còn tiếp diễn, bên cạnh đó các trò chơi dân gian của người Mường trở nên thu hút người xem. Đặc biệt các trò chơi như: ném còn, đánh đu, thi gói và luộc bánh chưng, đánh mảng, bắn nỏ… Trong đó trò chơi ném còn, bắn nỏ thu hút số lượng đông đảo các thành viên ở bản khác đến chơi. Hào hứng và hấp dẫn nhất là cuộc thi gói và luộc bánh chưng. Hội đồng giám khảo là các già làng sẽ theo dõi và đánh giá kết quả từ khi chọn lá, chọn gạo, làm khuôn, kích cỡ, cho đến lúc chiếc bánh được luộc chín.  

Ông Trương Văn Hiền, Phó Chủ tịch xã Thành Mỹ cho biết: Lễ hội Mường Đòn vẫn còn giữ nguyên bản sắc vốn có từ xa xưa, đó là những giá trị cốt lõi mà trong những năm qua xã Thành Mỹ hướng tới. Trong năm nay huyện kết hợp với xã tổ chức lễ hội nên sẽ quy mô hơn, tuy nhiên vẫn giữ những nét truyền thống độc đáo của hình thức sinh hoạt hội làng của người Mường cổ. Bên cạnh đó chúng tôi còn muốn hướng đến việc quảng bá giá trị nhân văn của lễ hội đền Mường Đòn, gắn kết văn hóa Việt - Mường trong lịch sử tồn tại và phát triển.

Theo anh Lưu Khắc Vân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thạch Thành thì đình và đền cổ ở Mường Đòn còn giữ được nguyên vẹn và duy nhất trong huyện. Đình được dựng trên khoảnh đất đồi khá rộng, cao chừng hơn chục mét so với mặt đường đi. Bên khu đất rộng làm sân diện tích khoảng 200m2, ngôi đình bề thế 5 gian dài 20m, rộng 8m, có 24 cột cái tròn bằng gỗ lim đỡ các xà ngang kề tường, mái vốn lợp lá gồi nay được thay bằng ngói ta hình lá đề.

Minh Phượng
.
.
.