Dị thường: Mổ trâu phạt vạ người lạc đường để đuổi ma

Thứ Tư, 25/02/2015, 08:00
Cứ mỗi khi có một người nào đó trong buôn làng lâm bệnh nặng, các già làng và thầy cúng lại hô hoán mổ một con trâu to béo nhất để ăn mừng hòng xua đuổi con “ma bệnh” đó đi xa. Thuốc của các trạm y tế hay bác sỹ phát cho, chỉ xem là thứ yếu chứ không phải là yếu tố quyết định.

Con bệnh cũng giống như con ma hung dữ

Cộng đồng người B’râu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum luôn đinh ninh trong ý nghĩ suốt bao đời nay rằng, con bệnh cũng giống như con ma hung dữ. Bởi thế nên khi bất kể có ai trong buôn làng bị bệnh nặng, các thầy cúng và già làng sẽ ra lệnh mổ trâu ăn thịt và ca hát thâu đêm để làm cho “con ma bệnh” nó vui mà nhanh chóng bỏ đi.

Đã mấy ngày ròng rã thằng Y Chương đã 8 tuổi nhưng cứ nhỏ thó và khóc ngằn ngặt trên tay mẹ. Cha mẹ của Y Chương thì tối tăm mặt mũi trên nương rẫy, không thể nào ở nhà chăm sóc em được, thế nên bệnh nặng càng nặng hơn. Như nghi thức đã tồn tại truyền kiếp ở mảnh đất này, ngay khi biết con mình cứ ho suốt đêm mà không dừng lại, bố của Y Chương là Y Tính ruột nóng như lửa đốt, vừa lượn quanh căn nhà gỗ, vừa chửi con ma hung dữ sao dám chui vào người con trai mình hành nó khóc ngằn ngặt mãi không thôi như thế. Nhưng rồi chửi mãi, chửi mãi, con ma dữ đó vẫn không chịu ra.

Trắng đêm thức bên đống lửa, khi con gà gáy hồi thứ 3, Y Tính chạy thục mạng đến nhà già làng, kiêm thầy cúng Thao Toong khai báo tình hình của con trai mình. Nghe xong câu chuyện, già Thao Toong phán ngay: Con ma dữ nó đang hoành hành trong người thằng bé rồi, phải mổ trâu để làm cho con ma đó nó vui mừng mà bỏ đi ngay, không thì nguy lắm. Dẫu biết con trâu nhà Y Tính vẫn chưa kịp lớn nhưng Thao Toong vẫn nhất quyết phán phải thịt ngay.

Già làng Thao Nâng có uy tín cao cũng không dám góp ý thay đổi luật phạt vạ người lạ.

Lệ không thể thay đổi, một cuộc “triệu tập” buôn làng được tiến hành khẩn trương. Sau khi sắm sửa và chuẩn bị các dụng cụ, cũng như mâm cúng, con trâu nhà Y Tính được vật ra mổ thịt. Trước khi bắt đầu cuộc đánh chén suốt 4 ngày, 4 đêm, già làng kiêm thầy cúng Thao Toong sẽ tiến hành nghi thức đọc thần chú và tâm sự những mong muốn của mình, cũng như gia đình người bệnh đến “con ma bệnh” hung dữ kia cho nó thương cảm mà bỏ đi xa.

Thầy cúng Thao Toong sẽ chuẩn bị một mâm cỗ bao gồm đầu trâu và các bộ phận nội tạng, sau đó dùng một cây gậy trúc dài khoảng 1,5m (được xem là chiếc gậy truyền đi những thông điệp đến con ma hung dữ kia), một chiếc dây thun nhỏ treo vào chiếc gậy này. Tiếp đến, “thầy” sẽ nhổ một ít nước bọt vào đầu gậy, miệng lẩm bẩm đọc bài thần chú rằng: “Hỡi con ma hung dữ kia, hãy về đây mà ăn một bữa no nê những thứ ngon nhất của con trâu rồi ngoan ngoãn mà chui ra khỏi người bệnh ngay. Khỏi bệnh, khỏi bệnh. Dân làng không ai buồn vì sự hiện hữu của mày ở đây. Chúng ta vui mừng, diễn trò vui mừng cho mày xem, xem xong hãy đi ngay, đi ngay thật xa đi”. Sau bài chú của già làng thì tất cả xẻ thịt trâu ra uống với rượu rồi nhảy múa suốt mấy ngày đêm liền.

Ông Thao Linh năm nay đã gần 80 tuổi cho biết, ông cũng không nhớ rõ cái tục lệ này bắt đầu từ khi nào nữa, có lẽ là từ khi hình thành các cộng đồng người B’râu ở vùng biên giới này. Hiện tại, Thao Toong được xem là thầy cúng có “số má” nhất trong cộng đồng người B’râu nên khi ông ta phán mổ cái gì là phải mổ cái đó để ăn mừng. Có nhiều gia đình vì quá nghèo không có trâu đành phải xin thầy Thao Toong “thương lượng” với “con ma bệnh” được mổ heo thay trâu để ăn mừng mà làm trò vui tiễn biệt con ma đó.

Ngoài ông Thao Toong, còn có một già làng khác cũng khá “mặn mà” và rành rẽ kiểu trị bệnh kỳ lạ này là ông Y Thảo. Ông Y Thảo cũng đã ngoài 60 tuổi, bộc bạch rằng: “Không ăn mừng như thế,

“con ma bệnh” nó buồn, nó cứ bám riết lấy rồi truyền từ người này sang người khác thì chết cả lũ à. Ai mà không chịu làm theo lệ này xem như mang họa và những điều xui xẻo vào cho buôn làng mình đấy”.

Thầy thuốc cũng phải xếp sau thầy cúng

Trâu đã mổ, tiệc ăn mừng cũng đã kéo dài đúng bốn ngày đêm, thế nhưng bệnh tình của thằng Y Chương vẫn không hề thuyên giảm. Già làng Thao Toong lại đoán già, đoán non rằng: Có lẽ “con ma bệnh” này nó dữ dằn quá, hoặc buôn làng chưa làm cho nó vui nên nó chưa chịu chui ra và đi nơi khác. Sau khi đoán mò, Thao Toong lại nắm lấy tay thằng Y Chương bắt bệnh theo “kinh nghiệm nương rẫy” của mình rồi đọc bùa chú thêm một lần nữa. Ấy thế nhưng bệnh Y Chương ngày càng nặng hơn.

Dẫu đã có Trung tâm y tế xã, thỉnh thoảng còn có nhiều đợt tuyên truyền về việc dùng các loại thuốc chữa bệnh, các y tá còn xuống tận buôn làng để bắt mạch và phát thuốc cho những người B’râu bị bệnh ở xã Bờ Y, thế nhưng với mảnh đất này thì tất cả thầy thuốc cũng phải xếp sau thầy cúng mà thôi. Được các y tá năn nỉ uống thuốc phát không của trạm y tế xã mãi, gia đình Y Chương mới cho cháu uống thuốc suốt 3 ngày thì bệnh giảm. Thế nhưng, họ vẫn cho rằng, thuốc Tây chỉ là thứ yếu, không thể đuổi được “con ma bệnh”, chẳng qua nó không muốn ở nữa nên đã bỏ đi mà thôi.

Cách nhà Y Tính không xa, cả tuần lễ con anh Y Rằn cũng lên cơn sốt cao do sự biến đổi đột ngột của thời tiết những ngày cuối năm. Được một y tá xã mang đến cho một bọc thuốc phân chia ra từng liều một, nhưng Y Rằn không cho con uống ngay, dẫu trong lòng vẫn rất lo lắng. Y Rằn bảo: “Không được phá lệ làng đâu. Như thế là bị quở trách đến cả năm trời không làm ăn được gì. Các lễ hội và sự kiện trọng đại trong buôn làng cũng không được tham gia luôn, như thế thì chẳng khác nào người thừa cả, buồn bực không yên cái bụng được”.

Nghĩ vậy nên Y Rằn chạy đến tìm thầy cúng Thao Toong và Y Mung, bởi anh cho rằng, “con ma bệnh” này cần hai thầy cúng hiệp sức để đọc chú cho nó thiêng. Một con trâu nữa lại được mổ ra cho cả làng đánh chén linh đình. Vẫn những bài bùa chú cũ, vẫn chiếc gậy trúc để truyền đi lời khẩn cầu và xua đuổi của mình, nhưng con Y Rằng bệnh vẫn hoàn bệnh. Tới lúc này anh mới mạnh dạn cho con mình uống những liều thuốc mà người y tá xã đã mang đến cho. 

Vô cớ phạt vạ người đi lạc

Trong những buổi hành lễ để thầy cúng xua đuổi những “con ma bệnh” hung dữ trong người bệnh nhân ra mà không may có người lạ đi vào buôn làng hoặc đi vào nhà người có bệnh, nơi đang làm lễ thì sẽ bị phạt. Quy định phạt và mức phạt này do chính những thầy cúng đang đọc bùa chú đó đưa ra, đến già làng cũng không được quyền xóa bỏ. Già làng kiêm thầy cúng Thao Toong khẳng định: “Cản ngăn việc thầy cúng phán cũng có nghĩa là làm cho “con ma bệnh” nó bám chặt và ở lâu trong người bệnh hơn. Có khi nó cứ ở vậy mãi mà không chịu đi, lúc đó hàng chục bài chú cũng không còn công hiệu nữa đâu. Ai cũng tin thế hết, bao đời này ở các buôn làng B’râu của xã Bờ Y này đều thế mà”.

Mổ trâu ăn mừng linh đình nhưng bệnh ngày càng nặng thêm nếu không uống thuốc của trạm y tế.

Ông Thao Toong còn khoe rằng, trong buổi cúng và đọc thần chú chữa bệnh cho con nhà Y Tính có hai khách lạ rất sang trọng, đi cả xe hơi vào xem lễ cúng nên đã bị ông ra lệnh phạt vạ 500 ngàn đồng. Nếu không nộp đủ cho làng thì sẽ không được đi khỏi. Lý giải về điều này, ông Toong cho rằng, lúc đang làm lễ, người lạ vào sẽ khiến cho “con ma bệnh” nó không vui, mà nó không vui thì nó sẽ không chịu đi, người bệnh không khỏi được. Thế nên phải phạt. Theo những người già ở xã Bờ Y này thì chỉ những cán bộ địa phương vì quá quen thuộc với các bản làng rồi thì sẽ không bị phạt vạ nữa, vì quen nên những “con ma bệnh” nó cũng không giật mình và mất vui nên không cần phải phạt vạ.

Một trong những người uy tín nhất trong cộng đồng người B’râu ở Bờ Y là già làng Thao Nâng cũng không dám góp ý thay đổi những luật lệ này. Ông Thao Nâng bảo: “Thầy cúng sẽ căn cứ vào mức độ giàu nghèo của những người đi lạc thông qua cách ăn mặc để phạt vạ. Cao nhất là 500 ngàn đồng, thấp nhất chỉ chừng 50 ngàn đồng thôi nhưng nhất định phải nộp”. Nhiều lần ông Thao Nâng thấy khách ngỡ ngàng và khó chịu, định tha cho họ đi nhưng lại sợ buôn làng trách móc nên đành tuân theo lời phán của thầy cúng.

Nói là thế, nhưng già làng Thao Nâng cũng bật mí ra một cách tránh bị phạt vạ nếu chẳng may đi lạc vào các buôn làng vào ngày đang cúng bệnh là chỉ cần nói: “Thưa với buôn làng, bởi không biết nên bàn chân mới đi lạc vào đây. Hỡi “con ma bệnh” hãy vui lên mà đi ra khỏi, đừng vướng vất ở đây nữa”. Chỉ cần nói như vậy thì thầy cúng sẽ không ra lệnh phạt vạ nữa.

Từng công tác nhiều năm ở xã biên giới Bờ Y, anh Trần Văn Trực, y tá cho biết: “Nếu muốn lay chuyển những luật lệ này cũng cần có thời gian. Cũng may, dẫu tin vào thầy cúng và mổ trâu ăn mừng linh đình, nhưng ở những tình thế cấp bách, họ vẫn biết dùng thuốc Tây. Nếu không thì càng nguy hại hơn”.

Bảo Bảo
.
.
.