Chuyện ở ngôi làng không dám mặc áo trắng

Thứ Năm, 31/07/2014, 14:00

Những câu chuyện "kỳ hoa dị thảo" có lẽ chẳng nơi nào nhiều như ở xứ Mường. Những câu chuyện ấy họ truyền tai nhau, kể cho nhau không vì mục đích mê tín mà nó lại là nét văn hóa, là tài sản vô giá.

"Dãy núi đá Bạch rất đẹp, hang Bạch thì đúng là tuyệt tác của thiên nhiên, rồi còn cả hòn đá mài vô giá nữa. Các cụ đã tạo nên những câu chuyện kỳ bí linh thiêng cũng vì mục đích bảo vệ chúng. Điều đặc biệt nhất ở đây là dân làng không bao giờ mặc áo trắng. Nếu mặc sẽ gặp phải tai ương, báo oán" -  cụ Quách Văn Lĩnh (85 tuổi) chia sẻ.

Ai mặc áo trắng, người đó sẽ gặp chuyện không hay

Núi Bạch không chỉ nổi tiếng khắp vùng mà cả tỉnh Thanh Hóa không ai là không biết. Đứng từ ga Thanh Hóa phóng tầm mắt về dãy núi đó có biết bao hình ảnh kỳ thú hiện ra. Nào là võng lọng, cờ binh, quân quyền, voi ngựa tựa như một đoàn quân ca khúc khải hoàn. Thế nhưng khi đến chân núi hình ảnh đó không còn. "Đó là điều đặc biệt nhất của dãy núi đá Bạch. Chẳng ai giải thích được điều kỳ thú này cả" - bà Nguyễn Thị Dũng, người dân Đồng Hội chia sẻ.

Hòn đá mài thiêng được người dân gìn giữ như báu vật.

Bao đời nay dãy núi đá Bạch được người dân bản Đồng Hội (Thành Công, Thạch Thành, Thanh Hóa) coi như một tài sản vô giá. Đi đâu, gặp ai họ cũng tự hào kể về dãy núi linh thiêng này. Nó không chỉ đẹp mà còn chứa đựng biết bao câu chuyện kỳ bí. Hàng nghìn năm nay họ vẫn coi những câu chuyện đó như một nét văn hóa của người Mường. Chuyện về đàn cò trắng bay ngang qua hang Bạch bỗng rơi và chết cả. Rồi hòn đá mài có phép mầu chữa bệnh, trừng phạt ai dám xâm phạm hay chuyện chẳng người dân nào dám mặc áo trắng vì sợ phạm lời nguyền.

Những câu chuyện huyền bí ở đây gắn liền với truyền thuyết về mối tình giữa sơn nữ "Nàng Áo Trắng" và vị thần Cao Sơn đời Hùng Vương thứ 18. Truyền rằng, trước kia ở nơi sơn cùng thủy tận này có một nàng sơn nữ đẹp tựa hoa rừng sống một mình. Khi đất nước loạn lạc, một vị tướng quân tên Cao Sơn đánh trận trở về có ngang qua dãy núi đá Bạch gặp nàng sơn nữ xinh đẹp đã đem lòng thương yêu. Họ nguyện kết thành chồng vợ suốt đời.

Cuộc sống êm đẹp chẳng được bao lâu thì quân giặc tiếp tục trở lại xâm lăng. Cả đoàn quân của tướng Cao Sơn đã hy sinh để bảo vệ dân làng. Thấy Nàng Áo Trắng có sắc đẹp nghiêng nước, tướng giặc dùng mọi thủ đoạn đê hèn để lấy lòng nàng. Vì thương nguyện một lòng theo tướng Cao Sơn, Nàng Áo Trắng một mực cự tuyệt tình cảm của tướng giặc để thờ chồng. Một lần giặc sơ hở, Nàng Áo Trắng bỏ trốn vào rừng, sau đó tự vẫn và hóa thành núi đá Bạch.

Sau này để tưởng nhớ đến Nàng Áo Trắng, người dân bản Đồng Hội lập miếu thờ bà và tướng Cao Sơn ngay tại chân núi đá Bạch. Từ đó xung quanh dãy núi đá Bạch xuất hiện rất nhiều câu chuyện kỳ bí, linh thiêng. Chuyện đàn cò trắng bay ngang qua núi Bạch bỗng nhiên rơi xuống và chết cả đàn. Và rồi, có rất nhiều người đội mũ trắng, mặc áo trắng đi ngang qua hang Bạch khi trở về đều gặp những tai ương hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Chính vì thế bao đời nay người dân bản Đồng Hội không ai dám dùng đồ trắng. Không những vậy, cả bản Đồng Hội kiêng tiệt từ "trắng", họ thay đổi thành "bạch". Bà Dũng kể: "Trước đây dãy núi này vẫn được gọi là dãy núi đá trắng nhưng từ khi có quá nhiều câu chuyện ly kỳ báo oán nên chuyển thành "dãy núi đá Bạch".

Để tìm hiểu thực hư câu những câu chuyện kỳ bí chúng tôi đến gặp những vị cao niên trong bản Đồng Hội. Nếu để kể về cái đẹp, sự kỳ vĩ của dãy núi, của hang động của núi đá Bạch, người dân Đồng Hội có thể kể cả ngày không hết. Thế nhưng nói đến những câu chuyện ly kỳ thì ai nấy cũng phải dè chừng. Chỉ có những vị cao niên, người có uy tín trong làng mới dám hé miệng kể lại những chuyện rùng rợn ở đây. Cụ Lĩnh nhỏ to: "Cách đây vài năm có một cậu thanh niên lên rừng kiếm củi, săn bắn rồi mất tích mấy ngày. Cả làng kéo nhau đi tìm nhưng vẫn không thấy đâu cả. Một đêm người nhà được Nàng Áo Trắng báo mộng đã tìm được cậu thanh niên này. Mọi người bàng hoàng nhận ra cậu ta đã chết từ bao giờ. Cậu bị 1 hòn đá màu bạc đè lên người, máu me vương đầy xung quanh. Ai cũng bảo do cậu đã xúc phạm đến Nàng Áo Trắng vì trên người cậu ấy đang mặc một chiếc áo màu trắng".

Một điều đặc biệt nữa mà chưa ai có thể giải thích được, đó là thỉnh thoảng từ dãy núi đá Bạch phát ra tiếng chuông rất to và vang.  Bà Dũng nói: "Năm nào cũng vậy, cứ đúng giao thừa ai ở bản này cũng nghe thấy tiếng chuông vang lên từ dãy núi đá Bạch. Còn những ngày thường nếu có tiếng chuông vang lên chắc chắn ở khu vực này có biến. Hoặc là có khách quý về bản, hoặc sẽ có ai qua đời”…

Hòn đá thiêng được bảo vệ nghiêm ngặt

Với rất nhiều sự trùng lặp đến kỳ lạ khiến câu chuyện về hòn đá thiêng được người Đồng Hội tin là có thật. Nằm bên gốc si giữa dòng suối không bao giờ cạn có một hòn đá thiêng, được người dân lập miếu thờ. Các cụ cao niên trong bản kể rằng đây chính là hòn đá mà tướng Cao Sơn năm xưa dùng để mài gươm giết giặc.

Bà Dũng kể rằng, từ khi sinh ra đã thấy hòn đá đó nằm bên suối, tất cả người dân đi nương làm rẫy đều mang dao qua suối mài ở hòn đá này. Điều đặc biệt dao mài ở hòn đá này cực kỳ sắc bén. Đã có không ít người nảy lòng tham có ý định mang về nhà nhưng đều bất thành. Cách đây khoảng 10 năm, một phụ nữ vào rừng hái nấm. Nghe đồn về hòn đá thiêng này đã lâu, người phụ nữ đã vác về nhà làm đá mài. Ngay đêm hôm ấy, người phụ nữ ốm nặng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, mọi người khuyên giải bà nên mang đặt hòn đá vào vị trí cũ. Gia đình làm lễ thật lớn, rước hòn đá đặt vào chỗ cũ rồi tạ với thần linh. Mọi người vẫn còn xì xụp khấn vái bên con suối thì ở nhà người phụ nữ này đã khỏi hẳn bệnh.

Nếu đứng nhìn từ nhà ga tỉnh Thanh Hóa, núi đá Bạch hiện lên với rất nhiều hình thù kỳ lạ như: Ngựa, voi, võng lọng và cả quan binh...

Ông Quách Văn Tòng, nguyên Chủ tịch xã Thành Công kể, khoảng năm 2010, một thanh niên tên Quách Văn Canh, một người nổi tiếng ngỗ ngược. Anh này bất chấp lời nguyền vận chiếc áo trắng mới tinh đi đến hòn đá thiêng, một mình vác hòn đá đó về. Chỉ đi được một đoạn đường ngắn bỗng trên vai nặng trĩu như thể có người đè xuống. Không tin vào sự huyền bí, sức mạnh của thần linh, anh này bèn gọi thêm cả chục người nữa đến trợ giúp nhưng hòn đá không hề lay chuyển. Đang loay hoay thì có một vị cao tuổi ngang qua khuyên Canh nên mang lại hòn đá về chỗ cũ. Mấy thanh niên bèn làm theo thì hòn đá bỗng nhẹ như không. Chán nản về nhà, ngay ngày hôm sau Canh dính bạo bệnh. Đi khắp các bệnh viện trong ngoài tỉnh các bác sĩ đều không chẩn đoán được bệnh của Canh. Người nhà hoang mang làm lễ xôi, gà đến con suối khấn vái, cầu xin, Canh mới thoát khỏi bệnh.

Xung quanh hòn đá thiêng này vẫn còn những câu chuyện đầy màu sắc liêu trai. Có người còn từng nhìn thấy chính hòn đá thiêng này có thể tự tiết ra một loại nước màu đen. Khi hiện tượng đặc biệt này xảy ra chắc chắn ở bản Đồng Hội có tang. Những vị có chức sắc ở đây cho rằng, hòn đá thiêng này đã được tướng Cao Sơn trấn yểm với mục đích bảo vệ dòng suối (hiện nay cung cấp nước ăn, tưới tiêu ruộng đồng cho cả vùng), bảo vệ dân làng, giúp người dân tránh được tai họa, mưa thuận gió hòa.

Hàng ngàn đời nay, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người Đồng Hội vẫn tin vào sự huyền bí, tin vào sự linh thiêng của dãy núi đá Bạch. Họ vẫn đến núi Bạch cầu khấn để được bình an, được thuận hòa, hạnh phúc…Với họ, nó như một tài sản vô giá mà cha ông để lại.

Thực hư những câu chuyện liêu trai

Những câu chuyện liêu trai được dân gian thêu dệt nên vẫn là một điều bí ẩn. Chưa từng có nhà khoa học nào về nghiên cứu hay tìm hiểu. Cơ quan chức năng địa phương cho rằng, những câu chuyện đó được thêu dệt nên nhằm mục đích bảo vệ dân bản, bảo vệ dãy núi, bảo vệ văn hóa.

Ông Quách Văn Tòng, nguyên Chủ tịch xã Thành Công cho rằng, câu chuyện về Nàng Áo Trắng và tướng quân Cao Sơn được người dân thờ cúng là có thật. Câu chuyện về tướng Cao Sơn và Nàng Áo Trắng được truyền miệng trong dân gian từ rất nhiều đời nay. Nó như một câu chuyện lịch sử không được sách vở ghi chép nhưng người dân coi đó là có thật.

Những câu chuyện khác có lẽ là do sự trùng lặp ngẫu nhiên, từ đó dân gian dựng nên thành huyền bí.

Ông Quách Văn Phúc, Trưởng Công an xã Thành Công cho biết: "Việc dựng miếu thờ dưới chân núi, bên hòn đá mài của người dân là có thật. Tuy nhiên người dân không vin vào đó mà hoạt động mê tín dị đoan. Đây thực sự chỉ là những hoạt động tín ngưỡng của địa phương. Những câu chuyện liêu trai rùng rợn có lẽ được dựng nên nhằm mục đích bảo vệ các địa danh ở đây, tránh sự xâm phạm của những kẻ xấu, của những người vùng khác đến tìm kiếm cổ vật".

Phong Anh
.
.
.